Chọn ngôn ngữ

Close

Bữa ăn gia đình, vui vẻ và hạnh phúc!

Chức năng của bữa cơm gia đình không đơn giản chỉ là ăn cho no bụng, mà còn là phương tiện để trò chuyện cùng nhau. Thời gian dùng bữa vui vẻ thì tình cảm gia đình cũng càng thêm gắn kết.

2,210 lượt xem

Vài chục năm trước, bữa ăn gia đình là một phần tất yếu diễn ra hàng ngày. Mọi người cùng nhau ăn bữa sáng no đủ trước khi ra khỏi nhà, rồi khi trở về nhà thì quây quần bên bàn ăn vào bữa tối, vừa dùng bữa vừa thong thả kể về những chuyện đã xảy ra trong ngày. Cứ đến thời gian đã định, cả gia đình như thể đã hẹn trước mà đều đặn tập trung lại ở bàn ăn. Dù lặp đi lặp lại hàng ngày, nhưng bữa cơm gia đình là điều tuyệt đối không thể thiếu.

Tuy nhiên, giờ đây trong hầu hết các gia đình, bữa ăn trở nên như một buổi hẹn mà chỉ được thực hiện khi lên lịch từ trước. Vì bận rộn, nhiều gia đình bỏ bữa sáng hoặc ăn qua loa, kể cả việc chuẩn bị bữa tối đúng cách cũng bị gạt sang một bên bởi công việc, học tập và những ưu tiên khác. Sự phát triển của văn hóa ăn uống bên ngoài và ngành công nghiệp thực phẩm cũng góp phần khiến số lần tự nấu ăn tại nhà ngày càng giảm. Hệ quả là, dù sống chung với gia đình nhưng không ít người vẫn phải ăn một mình.

Có thể nói đây chính là cái nghèo ẩn sau sự giàu có hay cái nghèo ẩn sau việc ăn uống dư dả, là việc cả gia đình cùng ngồi ăn với nhau, một điều vốn dĩ hiển nhiên, lại trở nên hiếm thấy. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng nếu thường xuyên ăn một mình thì chỉ số hạnh phúc sẽ giảm sút, nhiều chuyên gia cũng khẳng định rằng nguyên nhân khiến các gia đình tan vỡ ngày càng nghiêm trọng có liên quan đến việc thiếu vắng bữa ăn gia đình.

Trong [Hướng dẫn chế độ ăn uống chung quốc gia] mà chính phủ đề xuất có hạng mục “Tăng số lần dùng bữa cùng gia đình”. Tại Mỹ, người ta còn phát động chiến dịch khuyến khích bữa ăn gia đình bằng cách thiết lập “Ngày Gia đình”. Bất kể đông tây kim cổ, giá trị mà bữa ăn gia đình mang lại vẫn không thay đổi. Dạo này, việc ăn uống qua loa một mình đã trở nên quen thuộc, đây là lúc mà chức năng tích cực của bữa ăn gia đình cần được phát huy hơn hết.

Thành viên gia đình là mối quan hệ cùng ăn với nhau

“Ăn uống” là việc thiết yếu đối với cả con người và động vật, bởi nó liên quan trực tiếp đến sự sống còn. Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn giữa con người và động vật nằm ở cách cùng nhau ăn uống. Động vật chỉ ăn để sinh tồn, và khi ăn chung, bản năng giành lấy phần nhiều hơn sẽ trỗi dậy, dễ dẫn đến tranh giành. Ngược lại, con người khi ăn cùng nhau lại gia tăng sự gắn kết và hạnh phúc, thể hiện nhân tính rõ nét hơn.

Trong tiếng Latinh, từ “bạn bè (companion)” bắt nguồn từ cụm “cùng ăn (com) bánh mì (pan)”, còn từ “người nhà (食口 – thực khẩu)” theo Hán tự có nghĩa là “người sống cùng nhà và ăn chung bữa”. Điều này cho thấy, dù là bạn bè hay người nhà thì phải ăn cùng nhau mới làm hoàn thiện ý nghĩa của những từ ngữ này. Đây cũng là minh chứng rằng, thức ăn không đơn thuần chỉ để ăn và no bụng.

Thực tế, việc gia đình quây quần bên bàn ăn cùng chia sẻ bữa ăn không chỉ đơn thuần là để tiếp thêm năng lượng, mà còn mang ý nghĩa lớn lao hơn. Bữa cơm gia đình tập hợp những thành viên đã tản mát cả ngày, không chỉ tạo cảm giác thuộc về mà còn thắt chặt sự gắn kết và tình yêu thương gia đình. Thông lệ mời ai đó dùng bữa để thể hiện mong muốn gắn kết được thấy ở khắp mọi nơi trên thế giới, sở dĩ là bởi vì việc ăn uống cùng nhau tạo ra sự thân mật. Sức mạnh gắn kết gia đình cũng được vun đắp trong khi dùng bữa chung.

Các con cái khi ngồi trước bàn ăn do cha mẹ chuẩn bị chu đáo sẽ cảm nhận được tình yêu thương và cảm giác bình yên, che chở, từ đó giúp tâm lý chúng ổn định hơn. Kết quả nghiên cứu cho thấy trẻ em thường xuyên dùng bữa cùng gia đình có năng lực ngôn ngữ, năng lực tư duy và khả năng tập trung cao hơn, đồng thời có ít nguy cơ sa ngã trong giai đoạn thanh thiếu niên – thời kỳ nhạy cảm bởi những thay đổi về tâm sinh lý và căng thẳng học tập. Hơn nữa, trẻ em lớn lên trong gia đình duy trì thói quen ăn uống cùng nhau thường hấp thu được giàu chất dinh dưỡng hơn so với trẻ em trong gia đình không ăn chung. Như một nhà văn đã từng nói “Chỉ cần duy trì bữa ăn đều đặn cũng có thể xua tan lo lắng của cha mẹ”, quả thực bữa ăn gia đình chính là phương thuốc kỳ diệu giúp cải thiện cả thể chất lẫn tinh thần cho con trẻ.

Thay vì nghĩ rằng “Làm sao có thời gian để ăn cùng nhau?”, hãy thử tạo ra nhiều cơ hội hơn để cả nhà cùng quây quần bên mâm cơm. Khi cha mẹ coi trọng bữa ăn gia đình, con cái cũng sẽ tự khắc noi theo. Trân trọng những bữa cơm cùng nhau chính là thông điệp thể hiện tình yêu thương với gia đình mình.

Bông hoa của bữa cơm gia đình, câu chuyện thân tình

Chỉ bởi việc gia đình ngồi lại một chỗ và ăn cơm thì hiệu quả tích cực sẽ không tự động xảy ra. Dù thức ăn được dọn trên bàn có ngon và bổ dưỡng đến mấy chăng nữa, nhưng nếu dùng bữa với vẻ mặt u ám mà không hề trò chuyện gì thì không thể gọi đó là bữa ăn gia đình đúng nghĩa. Cho dù bữa ăn gia đình có nhiều tác động tích cực, nếu không thực hiện được chức năng giao tiếp thì cũng trở nên vô nghĩa. Một bữa ăn ý nghĩa chỉ thực sự trọn vẹn khi tràn ngập tiếng cười nói rôm rả.

Theo kết quả khảo sát của một công ty dược phẩm trên 1000 nhân viên văn phòng, hơn một nửa số người được hỏi cho biết thời gian trò chuyện trong bữa ăn cùng đồng nghiệp hoặc gia đình chưa đến 10 phút. Nguyên nhân lớn nhất khiến cho giao tiếp bị gián đoạn là do điện thoại thông minh. Mỗi người không nói với nhau lời nào vì mải nhìn vào điện thoại khi ngồi vào bàn ăn. Tình trạng này trở nên phổ biến đến mức trên thế giới xuất hiện các nhà hàng có chính sách giảm giá đồ ăn cho khách hàng không xem điện thoại trong bữa ăn.

Bàn ăn, nơi mọi người có thể nhìn nhau ngang tầm mắt, là nơi tốt nhất để trò chuyện. Dù không dành riêng thời gian ra để trò chuyện nhưng chúng ta vẫn có thể chia sẻ những cuộc trò chuyện chất lượng một cách hiệu quả nếu tận dụng tốt thời gian dùng bữa. Khi ăn thức ăn ngon, hormone hạnh phúc như oxytoxin, dopamin được tiết ra, nên cuộc trò chuyện càng diễn ra suôn sẻ hơn trong trạng thái tinh thần tốt như thế. Việc trò chuyện với người mình có thiện cảm vốn đã mang lại niềm vui, nhưng khi kết hợp với niềm hạnh phúc từ việc ăn uống thì hiệu quả càng tăng gấp bội.

Do đó, thay vì chỉ nghĩ “Mình sẽ ăn gì?”, hãy coi bữa ăn như một cơ hội để giao tiếp và suy nghĩ “Mình sẽ trò chuyện điều gì?”. Dầu vậy, không nên lợi dụng khoảng thời gian đó để càu nhàu con cái hoặc đơn phương tuôn ra những điều muốn nói với vợ hoặc chồng của mình. Nếu trải nghiệm như thế cứ lặp lại, đối phương sẽ không muốn ăn dù là một bữa thịnh soạn, thời gian dùng bữa giống như bị tra tấn nên họ sẽ tránh xa. Hãy ân cần hỏi han suy nghĩ của đối phương, lắng nghe chân thành và ngay cả khi có khác biệt quan điểm thì cũng đừng trách móc hay răn dạy mà hãy hướng cuộc trò chuyện theo chiều hướng tích cực.

Trong những gia đình luôn trò chuyện vui vẻ với tiếng cười không dứt mỗi khi dùng bữa, các người nhà đều sẽ háo hức mong chờ thời gian đó. Dù người chuẩn bị món ăn không cần tốn sức gọi mọi người vào bàn ăn, thì gia đình cũng tự khắc tập hợp lại. Nếu thời gian dùng bữa trong gia đình trở nên vui vẻ và hạnh phúc, không chỉ mức độ hài lòng trong sinh hoạt gia đình mà kể cả chất lượng cuộc sống nói chung cũng được nâng cao.

Mọi người cùng vui vẻ trong bữa cơm, hãy làm thế này

Nếu ăn uống một cách vui vẻ trong bầu không khí thoải mái, chức năng tiêu hóa sẽ hoạt động suôn sẻ giúp thức ăn được hấp thụ tốt hơn. Cơ quan tiêu hóa chịu ảnh hưởng của hệ thần kinh, nên nếu ăn cơm với tâm trạng khó chịu và buồn bực thì không những không thấy thèm ăn mà dịch tiết dạ dày còn bị ức chế gây cản trở nhu động dạ dày, dẫn đến đầy bụng. Nếu thiết lập quy tắc giải tỏa những cảm xúc tiêu cực trước bữa ăn và hòa giải ngay cả khi có mâu thuẫn với gia đình, thì bầu không khí bữa ăn sẽ thay đổi và giúp chúng ta quản lý được cảm xúc.

Để cả gia đình có thể thưởng thức bữa ăn vui vẻ, mọi người đều phải đồng tham vào các việc nhà liên quan đến bữa ăn. Nếu một người nhà bận rộn lo sắp cơm trong khi các thành viên còn lại chỉ đến ăn rồi rời đi thì khó có thể tận hưởng trọn vẹn lợi ích của bữa cơm gia đình. Việc tất cả thành viên gia đình cùng nhau đi chợ, sơ chế nguyên liệu, nấu ăn, sắp xếp bàn ăn, dọn dẹp, rửa bát,… không chỉ giúp công việc bếp núc trở nên hiệu quả mà còn tạo ra khoảng thời gian gắn kết, thú vị hơn khi dùng bữa. Tình cảm gia đình cũng được củng cố vì mọi người cảm nhận được sự quan tâm từ hành động giúp đỡ lẫn nhau.

Việc giữ tốt lễ tiết dùng bữa cũng quan trọng. Thái độ dùng bữa đúng lễ tiết giúp nâng cao phẩm giá của gia đình. Đây là thái độ tư thế cơ bản cần có kể cả ở nhà chứ không chỉ ở các nhà hàng cao cấp. Khi đói bụng thì người ta có thể ăn vội vã mà lơ là việc giữ lễ tiết. Tuy nhiên, nếu suy nghĩ rằng “Cùng ăn một cách ngon lành trong gia đình là được rồi, sao phải giữ lễ tiết cho mệt vậy?”, và cứ thế làm hành động khiến đối phương cảm thấy khó chịu, thì bữa ăn đó không thể nào vui vẻ được.

Trước và sau bữa ăn hãy nói rằng “Cảm ơn vì bữa ăn ngon”, hoặc “Tôi đã ăn rất ngon” , và khi dùng bữa thì hãy ăn một cách lịch sự và ngon miệng với vẻ mặt hạnh phúc. Nếu tạo ra bầu không khí vui vẻ bằng những câu cảm thán hoặc hài hước, thì tự nhiên cuộc trò chuyện vui vẻ sẽ tiếp diễn. Trên hết, bí quyết để khiến thời gian dùng bữa được vui vẻ là hãy có tấm lòng cảm tạ chân thành vì có thể ăn cơm cùng với gia đình. Khi coi trọng và biết ơn khoảng thời gian ấy thì sẽ muốn tạo niềm vui cho người nhà mình, hành động quan tâm ân cần và chu đáo sẽ tự nhiên mà đến. Chúng ta có thể tránh những việc như xem TV hoặc điện thoại thông minh thay vì nói chuyện, hoặc làm những việc khiến tấm lòng đối phương tổn thương. Chưa nói đến việc phàn nàn về món ăn kèm, dù chỉ một miếng bánh mì khô hay một củ khoai tây cũng ngon miệng rồi.

Một nhà văn đã dành ba mươi năm nghiên cứu về hạnh phúc từng đặt ra câu hỏi ở cuối sách của mình: “Nếu phải thể hiện bản chất cốt lõi của hạnh phúc trong một bức ảnh, thì nó sẽ trông như thế nào?” Rồi ông đưa ra một bức ảnh – trong đó, một cặp nam nữ trông như một đôi vợ chồng đang ngồi trước bàn ăn đơn sơ, mỉm cười nhìn nhau đầy ấm áp. Kết luận của nhà văn đưa ra về hạnh phúc là “Dùng bữa cùng những người mình yêu thương”.

Có thể vì quá bận rộn, hoặc vì nghĩ rằng lúc nào cũng có thể cùng ăn với gia đình nên chúng ta đã quên đi giá trị của những bữa cơm sum vầy. Nhưng dù thế nào đi nữa, khi nhìn thấy món ăn ngon, người đầu tiên chúng ta nghĩ đến vẫn luôn là gia đình. Không gì có thể thay thế được niềm vui khi ngồi bên mâm cơm nóng hổi, trò chuyện rôm rả cùng người thân. Đây cũng là nguồn động lực tiếp thêm sức mạnh cho thể chất và cho tấm lòng của chúng ta trong cuộc sống.

Nơi cả gia đình quây quần và thong thả dùng bữa, hãy thêm gia vị tiếng cười và trò chuyện yêu thương vào món ăn được chuẩn bị bằng lòng chân thành. Bữa ăn vui vẻ cùng gia đình thân yêu chính là một bữa tiệc thực sự, không thua kém bất kỳ sơn hào hải vị nào.