Đọc Kinh Thánh sẽ thấy rằng vào mỗi một thời đại đều có lịch sử dẫn dắt nhiều linh hồn vào con đường cứu rỗi bởi âm thanh làm thức tỉnh thế gian. Tiếng kêu la của đấng tiên tri Giôna, hay truyền đạo của sứ đồ Phaolô cũng đóng vai trò là âm thanh làm thức tỉnh thế gian.
Giống như tiếng gà gáy báo hiệu buổi sáng, và đánh thức những người đang ngủ say, âm thanh của các thánh đồ rao truyền Tin Lành của Đức Chúa Trời cũng phải trở nên âm thanh làm thức tỉnh thế gian đang chìm trong tối tăm này. Vào thời đại hỗn độn tối tăm phần linh hồn, nếu chúng ta không phát ra âm thanh làm thức tỉnh thế gian, thì sẽ chẳng ai biết loài người đang ở thời điểm nào về phần linh hồn. Chúng ta phải làm thức tỉnh những linh hồn đang chìm trong giấc ngủ sâu bằng âm thanh rõ ràng, và dẫn dắt những đôi chân vốn đi vào địa ngục được đi vào Nước Thiên Đàng.
“Có lời Đức Giêhôva phán cho Giôna con trai Amitai như vầy: Ngươi khá chỗi dậy! Hãy đi đến thành lớn Ninive, và kêu la nghịch cùng nó; vì tội ác chúng nó đã lên thấu trước mặt ta. Nhưng Giôna chỗi dậy đặng trốn qua Tarêsi, để lánh khỏi mặt Đức Giêhôva. Người xuống đến Giaphô, gặp một chiếc tàu đi Tarêsi. Người trả tiền quá giang, và xuống tàu đặng đi Tarêsi với họ, để khỏi mặt Đức Giêhôva. Nhưng Đức Chúa Giêhôva khiến gió lớn thổi trên biển; trên biển có trận bão lớn, chiếc tàu hầu vỡ… Đoạn họ bắt Giôna, quăng xuống biển, thì sự giận dữ của biển yên lặng… Giôna ở trong bụng cá ba ngày và ba đêm.” Giôna 1:1-2:1
Đức Chúa Trời đã sai Giôna đi đến thành Ninive, là thủ đô của Asiri, và phán Giôna hãy kêu la để làm thức tỉnh người dân Ninive.
Người dân Ninive là những người không tin vào Đức Chúa Trời, và quấy nhiễu người dân Ysơraên. Giôna đã định trốn qua Tarêsi, vì nghĩ rằng nếu đi Ninive và truyền lời của Đức Chúa Trời thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Do chạy trốn và không làm việc phải làm với tư cách là đấng tiên tri được giao phó sứ mệnh làm thức tỉnh thế gian, Giôna đã phải đối mặt với gian khổ lớn. Sau đó, Giôna đã ăn năn rồi đi đến Ninive và rao truyền lời của Đức Chúa Trời.
“Lại có lời Đức Giêhôva phán cùng Giôna lần thứ hai mà rằng: Ngươi khá chờ dậy! Hãy đi đến thành lớn Ninive, và rao cho nó lời ta đã dạy cho ngươi. Vậy Giôna chờ dậy và đi đến Ninive theo lệnh của Đức Giêhôva… Giôna khởi đầu vào trong thành đi một ngày, thì rao giảng và nói rằng: Còn bốn mươi ngày nữa, Ninive sẽ bị đổ xuống! Dân thành Ninive tin Đức Chúa Trời. Họ rao ra sự kiêng ăn và mặc bao gai… Bấy giờ Đức Chúa Trời thấy việc họ làm đều đã xây bỏ đường lối xấu của mình; Đức Chúa Trời bèn ăn năn sự họa mà Ngài đã phán sẽ làm cho họ, và Ngài không làm sự đó.” Giôna 3:1-10
Ngay khi Giôna phát ra âm thanh làm thức tỉnh thế gian bằng lời của Đức Chúa Trời, thì tại thành Ninive, từ vua cho đến mười hai vạn người dân, thậm chí kể cả thú vật đều quấn bao gai và kiêng ăn. Tiếng kêu la của Giôna đã làm thức tỉnh cảm giác phần linh hồn của những người dân Ninive, dẫn họ đến sự ăn năn, hối cải, và điều đó đã đem lại kết quả ân huệ là họ được vượt qua tai vạ.
Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng nếu không kêu la âm thanh làm thức tỉnh thế gian thì thế gian sẽ vĩnh viễn chìm trong giấc ngủ tối tăm, ngược lại, nếu phát ra âm thanh này thì muôn dân thế gian sẽ thức tỉnh từ giấc ngủ sâu của sự chết chóc. Giống như Giôna khiến nhiều người ăn năn, hối cải, thì Phierơ cũng như vậy, trong vòng một ngày, Phierơ khiến cho ba ngàn người ăn năn, hối cải, thú tội lên Đức Chúa Trời và trở về cùng Ngài.
“Bấy giờ, Phierơ đứng ra cùng mười một sứ đồ, cất tiếng nói với dân chúng rằng: Hỡi Giuđa, và mọi người ở tại thành Giêrusalem, hãy biết rõ điều nầy, và lắng nghe lời ta… Vậy, cả nhà Ysơraên khá biết chắc rằng Đức Chúa Trời đã tôn Jêsus nầy, mà các ngươi đã đóng đinh trên thập tự giá, làm Chúa và Đấng Christ.” Công Vụ Các Sứ Đồ 2:14-36
“Chúng nghe bấy nhiêu lời, trong lòng cảm động, bèn hỏi Phierơ và các sứ đồ khác rằng: Hỡi anh em, chúng ta phải làm chi? Phierơ trả lời rằng: Hãy hối cải, ai nấy phải nhân danh Đức Chúa Jêsus chịu phép báptêm, để được tha tội mình… Các ngươi khá cứu mình thoát khỏi giữa dòng dõi gian tà nầy! Vậy, những kẻ nhận lời đó đều chịu phép báptêm; và trong ngày ấy, có độ ba ngàn người thêm vào Hội thánh.” Công Vụ Các Sứ Đồ 2:37-41
Phierơ đã được cảm động bởi Đức Thánh Linh và đã cất cao giọng truyền lời của Đức Chúa Trời. Tâm linh của ba ngàn người, vốn chìm trong bóng tối do không hiểu biết về Đấng Christ, là Đấng sự sáng thật, đã được thức tỉnh bởi giảng đạo của Phierơ, và được tiếp nhận Đấng Christ.
Đức Chúa Trời cũng ban cho chúng ta sứ mệnh phát ra âm thanh làm thức tỉnh thế gian, giống như sứ mệnh Ngài đã ban cho Giôna và Phierơ. Đức Chúa Trời ban tiếng gáy cho con gà để báo hiệu buổi sáng, giống như vậy, Ngài cũng ban talâng đặc biệt cho các thánh đồ để làm thức tỉnh thế gian. Tất thảy chúng ta hãy đi ra khắp thế gian và làm thức tỉnh họ với tư cách là người dân chân thật của Đức Chúa Trời.
Nếu Phierơ cứ yên lặng và không kêu la bất cứ điều gì cả, thì có thể khiến ba ngàn người ăn năn trong vòng một ngày được không? Nếu chúng ta không phát ra âm thanh làm thức tỉnh thế gian thì loài người sẽ không tránh khỏi bị chìm trong giấc ngủ sâu phần linh hồn.
Những thánh đồ tin Đức Chúa Trời được lập lên làm người canh của lẽ thật. Cho nên việc chúng ta phải làm là phát ra âm thanh làm thức tỉnh thế gian.
“Hỡi con người, ta đã lập ngươi lên đặng canh giữ nhà Ysơraên; khá nghe lời từ miệng ta, và thay ta răn bảo chúng nó. Khi ta nói với kẻ dữ rằng: Mầy chắc sẽ chết! – nếu ngươi không răn bảo nó, không nói với nó đặng khuyên nó từ bỏ đường xấu để cứu mạng mình, thì người dữ đó sẽ chết trong tội lỗi nó, nhưng ta sẽ đòi huyết nó nơi tay ngươi. Trái lại, nếu ngươi răn bảo kẻ dữ, mà nó không từ bỏ sự dữ cùng đường xấu mình, thì nó sẽ chết trong tội lỗi nó; còn ngươi, thì giải cứu được linh hồn mình…” Êxêchiên 3:17-21
“… Đừng sợ và đừng run rẩy vì bộ mặt chúng nó, dầu chúng nó là nhà bạn thù nghịch mặc lòng! Đoạn, Ngài phán cùng ta rằng: Hỡi con người, hãy nhận vào lòng và nghe vào tai mọi lời ta sẽ phán cùng ngươi. Hãy đi, đến cùng những kẻ bị đày, cùng các con cái của dân ngươi. Khá nói cùng chúng nó, dầu chúng nó nghe, dầu chẳng khứng nghe, ngươi cũng phải nói với rằng: Chúa Giêhôva có phán như vậy…” Êxêchiên 3:7-11
Đây không phải lời phán Đức Chúa Trời ban cho chỉ riêng đấng tiên tri Êxêchiên, mà ấy là lời giao ước Ngài ban cho tất thảy mọi thánh đồ tin vào Đức Chúa Trời.
Cho nên, chúng ta phải nhận lấy sứ mệnh của người canh, không thêm không bớt vào lời của Đức Chúa Trời, và phải rao truyền y nguyên lời của Đức Chúa Trời thì mới có thể khiến thế gian ăn năn, và dẫn dắt họ vào đường cứu rỗi.
“Tôi ngỏ cho kẻ nào nghe lời tiên tri trong sách này: Nếu ai thêm vào sách tiên tri nầy điều gì, thì Đức Chúa Trời sẽ thêm cho người ấy tai nạn đã ghi chép trong sách nầy. Và kẻ nào bớt điều gì trong những lời ở sách tiên tri nầy, thì Đức Chúa Trời sẽ cất lấy phần họ về cây sự sống và thành thánh, mà đã chép ra trong sách nầy.” Khải Huyền 22:18-19
Câu Kinh Thánh này cho chúng ta biết rằng sứ mệnh của chúng ta là phải rao truyền y nguyên lời của Đức Chúa Trời. Thế gian đang bị chìm đắm trong bóng tối và không hiểu biết về ý muốn chân thật của Đức Chúa Trời do bị giam trong xiềng xích của ma quỉ Satan. Chúng ta, là các thánh đồ của Đức Chúa Trời, không nên bỏ mặc thế gian tối tăm như vậy, mà hãy luôn luôn làm thức tỉnh họ bằng lời của Đức Chúa Trời.
Khi chúng ta rao truyền Tin Lành tới xứ Samari, cho đến cùng trái đất, thì Tin Lành ấy sẽ được đóng vai trò như là cái kèn làm thức tỉnh thế gian. Sự mầu nhiệm quan trọng nhất trong lời Tin Lành là Đấng Christ.
“miễn là anh em tin Chúa cách vững vàng không núng, chẳng hề dời khỏi sự trông cậy đã truyền ra bởi đạo Tin lành mà anh em đã nghe, là đạo được giảng ra giữa mọi vật dựng nên ở dưới trời, và chính tôi, Phaolô, là kẻ giúp việc của đạo ấy… tức là sự mầu nhiệm đã giấu kín trải các đời các kiếp, mà nay tỏ ra cho các thánh đồ Ngài. Vì Đức Chúa Trời muốn khiến họ biết sự giàu vinh hiển của sự mầu nhiệm đó ở giữa dân ngoại là thể nào, nghĩa là Đấng Christ ở trong anh em, là sự trông cậy về vinh hiển.” Côlôse 1:23-27
Để dẫn dắt chúng ta, là những người đang sống ở thời đại cuối cùng, vào con đường cứu rỗi, Đức Chúa Trời đã cho chúng ta biết về Đấng Christ, là sự mầu nhiệm quan trọng nhất. Sách làm chứng về Đấng Christ chính là Kinh Thánh (Giăng 5:39). Cho nên, chúng ta phải tìm hiểu sự sắp đặt của Đức Chúa Trời vì công việc cứu rỗi loài người thông qua y nguyên lời Kinh Thánh, chứ không nên thêm vào tư tưởng hoặc triết học của loài người.
Kinh Thánh đã làm chứng như sau về Đấng Christ, là sự mầu nhiệm đã được giấu kín trải các đời các kiếp.
“Cho nên, như bởi một người mà tội lỗi vào trong thế gian, lại bởi tội lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều phạm tội… Nhưng từ Ađam cho đến Môise, sự chết đã cai trị cả đến những kẻ chẳng phạm tội giống như tội của Ađam, là người làm hình bóng của Đấng phải đến.” Rôma 5:12-14
Tại đây, “Đấng phải đến” ám chỉ Đức Chúa Jêsus. Trong lời phán “Ađam là người làm hình bóng của Đấng Christ” có bao hàm ý nghĩa rất trọng đại. Đức Chúa Trời đã dựng nên loài người đầu tiên, là Ađam, rồi lấy xương sườn của Ađam để dựng nên Êva. Cho nên, cứ đề cập đến Ađam là người ta lại nhắc đến Êva, vợ của Ađam.
Ađam là người làm hình bóng của Đấng Christ, thì Êva, vợ của Ađam, là người làm hình bóng cho ai? Nếu muốn biết sự mầu nhiệm về Đấng Christ xuất hiện trong Kinh Thánh, thì phải tìm trong Kinh Thánh lời giải đáp của tất thảy mọi vấn đề như tại sao Đức Chúa Trời đã dựng nên Ađam và Êva, tại sao Ngài đã làm ra Ađam là người làm hình bóng của Đấng Christ, và Êva, vợ của Ađam có mối quan hệ như thế nào với Đấng Christ.
Chúng ta hãy xem sứ đồ Giăng đã chép như thế nào về Đấng Christ, được biểu tượng bởi Ađam trong sách Rôma.
“Đoạn, tôi lại nghe… Alêlugia! Vì Chúa là Đức Chúa Trời chúng ta, là Đấng Toàn năng, đã cầm quyền cai trị. Chúng ta hãy hớn hở vui mừng, tôn vinh Ngài; vì lễ cưới Chiên Con đã tới, và vợ Ngài đã sửa soạn, đã cho người được mặc áo sáng láng tinh sạch bằng vải gai mịn (vải gai mịn tức là công việc công bình của các thánh đồ).” Khải Huyền 19:6-8
Trong sách Khải Huyền, từ “Chiên Con” ám chỉ Đức Chúa Jêsus. Thông qua sự mặc thị, sứ đồ Giăng không chỉ trông thấy Chiên Con, mà còn trông thấy Vợ của Chiên Con, tức là Vợ Mới. Vợ của Chiên Con được giải thích như sau trong Khải Huyền chương 21.
“Một vị trong bảy thiên sứ đã cầm bảy bát đựng đầy bảy tai nạn cuối cùng, đến gần tôi, bảo rằng: Hãy đến, ta sẽ chỉ cho ngươi thấy người vợ mới cưới là vợ Chiên Con. Rồi tôi được Thánh Linh cảm động, thiên sứ đó đưa tôi đến trên một hòn núi lớn và cao, và chỉ cho tôi thấy thành thánh, là Giêrusalem, từ trên trời, ở nơi Đức Chúa Trời mà xuống.” Khải Huyền 21:9-10
Thiên sứ nói rằng sẽ chỉ cho thấy vợ của Chiên Con, thế mà lại cho thấy Giêrusalem từ trời mà xuống. Hãy tìm hiểu xem Giêrusalem trên trời có mối quan hệ gì với chúng ta thông qua Kinh Thánh.
“Nhưng thành Giêrusalem ở trên cao là tự do, và ấy là mẹ chúng ta.” Galati 4:26
“Giêrusalem ở trên cao” có nghĩa là Giêrusalem ở trên trời. Đấng Christ, là Chiên Con, chính là Đức Chúa Trời Cha của chúng ta theo Ba Vị Thánh Nhất Thể. Nếu là Vợ của Cha thì là Mẹ phần linh hồn của chúng ta.
Hãy một lần nữa tìm hiểu về sự tồn tại của Cha Mẹ phần linh hồn thông qua ghi chép về thời Sáng Thế, là lúc Đức Chúa Trời mở ra bức màn của sự cứu rỗi loài người.
“Đức Chúa Trời phán rằng: Chúng ta hãy làm nên loài người như hình ta và theo tượng ta, đặng quản trị loài cá biển, loài chim trời, loài súc vật, loài côn trùng bò trên mặt đất, và khắp cả đất. Đức Chúa Trời dựng nên loài người như hình Ngài; Ngài dựng nên loài người giống như hình Đức Chúa Trời; Ngài dựng nên người nam cùng người nữ.” Sáng Thế Ký 1:26-27
Đức Chúa Trời dựng nên loài người không phải là Đức Chúa Trời một Đấng mà là Đức Chúa Trời số nhiều, mà tự xưng Ngài là “Chúng ta”. Kinh Thánh chép rằng Đức Chúa Trời dựng nên người nam và người nữ như hình Ngài. Thông qua câu này chúng ta có thể xác minh được sự thật rằng có tồn tại Đức Chúa Trời mang hình Nam và Đức Chúa Trời mang hình Nữ.
Trải qua hàng ngàn năm, loài người gọi Đức Chúa Trời mang hình Nam là Đức Chúa Trời Cha. Trong sách Mathiơ, có nội dung Đức Chúa Jêsus dạy dỗ các môn đồ cầu nguyện rằng “Cha chúng tôi ở trên trời” (Mathiơ 6:9). Vậy thì chúng ta phải gọi Đức Chúa Trời mang hình Nữ là gì?
Sách Galati gọi Đức Chúa Trời mang hình Nữ là “Mẹ chúng ta”. Vậy, rõ ràng Kinh Thánh chứng minh rằng có sự tồn tại của “Đức Chúa Trời Cha” và cả sự tồn tại của “Đức Chúa Trời Mẹ” nữa.
Kinh Thánh chép rằng sự mầu nhiệm về Đấng Christ đã được giấu kín trải các đời các kiếp. Lời “được giấu kín” không có nghĩa là “vốn không tồn tại” mà có nghĩa là “giấu thứ gì đó vốn tồn tại”. Hiểu ra tồn tại của Đức Chúa Trời được giấu kín từ sáng thế, trải các đời các kiếp, chính là việc hiểu ra sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời.
Tất thảy mọi sự sống đều được sanh ra bởi mẹ. Sự sống đời đời phần linh hồn của chúng ta cũng được ban cho thông qua Mẹ phần linh hồn. Cho nên, phải tin trọn vẹn cả Đức Chúa Trời Cha và Đức Chúa Trời Mẹ thì mới nhận được sự sống đời đời.
Ngày nay, tất thảy những người theo tôn giáo trên thế gian đều bỏ bớt lời Kinh Thánh về Đức Chúa Trời Mẹ, và nói rằng chỉ một mình Đức Chúa Trời Cha đã dựng nên trời đất và loài người. Họ đang gắng sức loại bỏ lời của Đức Chúa Trời một cách ngốc nghếch. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời đã phán rằng bất cứ ai bớt điều gì trong Kinh Thánh, thì Ngài sẽ cất lấy của họ quyền lợi được đi vào thành thánh, tức là Nước Thiên Đàng (Khải Huyền 22:19). Chúng ta phải nghe lời của Đức Chúa Trời thay vì nghe lời loài người, và phải tin vào lời Kinh Thánh thì mới có thể nhận được sự cứu rỗi.
Sách Khải Huyền cho thấy cảnh Đấng Christ, là Ađam Sau Hết, cùng xuất hiện với Vợ của Ngài. Đức Chúa Trời Êlôhim xuất hiện ở phần đầu sách Kinh Thánh lại bày tỏ cho các con cái được thấy sự tồn tại của Ngài trong phần cuối sách Kinh Thánh, và cho con cái biết tất thảy mọi sự mầu nhiệm được giấu kín trải các đời các kiếp. Khi chúng ta nhận ra và hiểu một cách chính xác về mắt xích liên kết của mọi lẽ thật từ Sáng Thế Ký cho đến Khải Huyền, thì chúng ta mới có thể dâng tán dương lên Đức Chúa Trời Cha và vinh hiển lên Đức Chúa Trời Mẹ.
“Thánh Linh và vợ mới cùng nói: Hãy đến! Kẻ nào nghe cũng hãy nói rằng: Hãy đến! Ai khát, khá đến. Kẻ nào muốn, khá nhận lấy nước sự sống cách nhưng không.” Khải Huyền 22:17
Khải Huyền chương 19 chép là Chiên Con và Vợ Ngài, chương 21 chép là Chiên Con và Vợ Mới, thế mà chương 22 chép là Thánh Linh và Vợ Mới. Đức Thánh Linh là Đấng Christ, nghĩa là Đức Chúa Trời Cha, Vợ Mới là Vợ của Đấng Christ, nghĩa là Đức Chúa Trời Mẹ xuất hiện trong Sáng Thế Ký chương 1.
Trong 66 quyển Kinh Thánh, Sáng Thế Ký chương 1 là chương đầu tiên, còn Khải Huyền chương 22 là chương cuối cùng. Tại Sáng Thế Ký chương 1, Đức Chúa Trời Cha Mẹ phán rằng “Chúng ta hãy làm nên loài người như hình ta” và đã dựng nên người nam cùng người nữ. Đức Chúa Trời ấy lại xuất hiện với tư cách là Thánh Linh và Vợ Mới trong Khải Huyền chương 22 và phán với loài người rằng: “Hãy đến nhận nước sự sống!”, rồi nói rằng tuyệt đối không được thêm hay bớt vào lời này.
Chúng ta cần phải có tầm nhìn hiểu y nguyên lời Kinh Thánh để đạt đến sự cứu rỗi. Đấng tiên tri Ôsê đã sớm nói rằng “Dân ta bị diệt vì cớ thiếu sự thông biết” (Ôsê 4:6). Tôi mong các anh chị em Siôn đều luôn cân nhắc xem lời này, lời kia có phải xuất phát từ Kinh Thánh không, và hãy nhận lấy ý muốn của Đức Chúa Trời Cha, Đức Chúa Trời Mẹ để có thể đạt đến sự sống đời đời và sự cứu rỗi.
Nếu là người sống theo như lời dạy dỗ Kinh Thánh, thì không chỉ tin riêng Đức Chúa Trời Cha mà nhất định còn phải tin Đức Chúa Trời Mẹ nữa. Chúng ta phải làm thức tỉnh thế gian bằng âm thanh này. Chúng ta phải hiểu biết về sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời được giấu kín trải các đời các kiếp, và phải phát ra âm thanh làm thức tỉnh thế gian, cho tất thảy mọi người thế gian đều biết về sự mầu nhiệm này.
Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta âm thanh để làm thức tỉnh thế gian. Giống như con gà báo hiệu buổi sáng, chúng ta cũng phải đánh thức bình minh. Tôi mong các anh chị em hãy đánh thức thế gian tăm tối bằng giọng rao truyền Tin Lành, và phải phát ra tiếng kêu la “Hãy tin Đức Chúa Trời Cha, Đức Chúa Trời Mẹ, hãy kính sợ Ngài để đạt được sự cứu rỗi!”, bằng giọng dạn dĩ hơn Giôna, mạnh mẽ hơn Phierơ.