Người chăn và chiên

B. Jargalsaikhan từ Ulaanbaatar, Mông Cổ

54,807 lượt xem

Đa số người Mông Cổ chúng tôi làm nghề chăn nuôi. Trên đồng cỏ rộng lớn, chúng tôi chăn nuôi cùng lúc năm loại gia súc gồm bò sữa, ngựa, chiên (cừu), dê và lạc đà. Trong số các loại gia súc ấy, thì chúng tôi nuôi chiên nhiều nhất. Trung bình một gia đình trông coi khoảng hơn một ngàn con chiên. Mỗi con chiên đều có màu sắc khác nhau gồm màu trắng, đen, nâu, đốm, và nhiều màu khác nữa.

Tôi sinh ra là con trai của người làm nghề chăn chiên. Tuổi thơ tôi trải qua tại quận Bayanmonkh-som, tỉnh Khentii-aimag, cho đến tận khi tôi lên thành phố Ulaanbaatar để học đại học. Tôi phải sống xa cha mẹ để đi học; còn trong kỳ nghỉ hè, tôi lại trở về nhà ở nông thôn.Theo chân cha mẹ, là những người chăn chiên, tôi cũng cùng chăn chiên trên đồng cỏ. Nhờ vào lối sống và những trải nghiệm ấy, tôi đã bắt đầu nhận ra được sự quan phòng kỳ diệu của Đức Chúa Trời, là Đấng đã ví mối liên quan giữa Đức Chúa Trời và chúng ta giống như giữa người chăn chiên và chiên, và ví rằng các kẻ tiên tri giả như muông sói.

Loài chiên sinh sản vào mùa xuân. Đó cũng là thời điểm mà những người chăn chiên bận rộn nhất. Trong gia đình nuôi nhiều chiên thì sẽ có hơn năm trăm con chiên sinh sản. Lúc này, những người chăn chiên sẽ phải mất ngủ và đi ra đi vào chuồng chiên liên tục để trông nom chúng. Lý do là vì họ không biết thời điểm nào chiên sẽ sinh, và họ cũng lo lắng những chiên con mới sinh có thể bị đông lạnh.

Người chăn chiên gắng hết sức để chăm sóc chiên như yêu thương chính con ruột của mình. Hầu như người chăn nào cũng nhớ đến tất cả chiên mẹ và chiên con trong bầy. Nếu có chiên mẹ nào không chăm sóc được con mình mà cứ xa lánh đi, thì người chăn đặt cả hai con chiên vào chung một chuồng riêng biệt trong khoảng bốn đến năm ngày. Sau đó, hầu như chiên mẹ nào cũng đều chăm sóc được con mình và cho chúng bú. Nếu chiên mẹ vẫn nhất định từ bỏ con mình, thì chiên con đó có thể sẽ chết. Trong trường hợp đó, người chăn sẽ phải cho chiên con đó uống sữa và nuôi nấng nó.

Mỗi buổi sáng, người chăn dẫn bầy chiên của mình ra đồng cỏ, cách xa khoảng năm đến sáu kilômét so với nơi ở của mình. Kẻ thù đối với người chăn và chiên chính là loài sói. Lũ sói bám theo bầy chiên như hình với bóng. Ngay từ lúc người chăn rời khỏi nhà cùng với bầy chiên của mình, thì bầy sói cũng bám theo từ đằng xa, chúng leo lên các đồi và đỉnh núi. Nếu chiên nào sinh con trên đường đi và bị bỏ lại phía sau trên đồng cỏ, thì ngay lập tức lũ sói sẽ lao bổ đến và lũ chim ăn thịt cũng lao xuống tấn công chiên con. Vì lý do này nên người chăn luôn phải tập trung cao độ mọi lúc.

Khi người chăn cách xa khỏi bầy chiên, thì ngay lập tức lũ sói cũng đến và làm hại chiên. Chúng không bao giờ chịu ăn thịt chỉ một con chiên. Chúng sẽ cắn vào đuôi của con này, vào chân của con kia, và vào gáy của con khác. Lũ sói cắn khoảng năm mươi đến sáu mươi con chiên làm cho bị thương nặng. Hơn nữa, sói mẹ còn để cho con của nó vờn những chiên bị thương để dạy chúng cách săn mồi. Bị sói cắn toạc ở chỗ này và chỗ kia, chiên chỉ đứng rên rỉ và khóc la vì đau đớn. Rồi thì lũ chim ăn thịt lại sà xuống và mổ vào thân và vào mắt của con bị thương.

Chiên vốn đã có thị lực kém. Bây giờ tình hình lại càng xấu hơn, nếu chúng bị mù lòa, thì cho dù người chăn muốn đến gần thì chúng cũng sẽ cố bỏ chạy trong hãi hùng vì chúng tưởng lầm ấy là sói đang đến gần. Và rồi chúng sẽ không thể đứng được nữa. Nhìn thấy chiên bị thương, người chăn gọi chúng mà tim đau nhói. Vì chúng biết người chăn và tiếng của người chăn từ khi còn bé, nên khi nghe được giọng tiếng ấy thì chúng thấy yên tâm mà kêu khóc ai oán. Từ trên núi trở xuống, chiên được người chăn bồng ẵm trên tay mình, miệng chỉ kêu be be yếu ớt và run rẩy vì nó được an ủi dù đã trải qua sự đau đớn và khốn cùng.

Mùa hè đến, những người chăn dẫn bầy chiên mình đến đồng cỏ xanh tốt nhất, có đủ nước mát và cỏ xanh mà chúng thích, và họ cũng dựng lều và nằm nghỉ tại đó cùng chiên của mình. Người chăn làm như vậy là vì chiên cần phải được ăn uống no đủ và mập tròn vào tháng Bảy và tháng Tám để chúng có thể sống được an toàn trong mùa thu, đông, và xuân, cũng như chống chịu được mùa đông tại Mông Cổ vốn kéo dài bất thường và buốt lạnh.

Không phải dễ dàng để chăm sóc một ngàn con chiên. Mỗi ngày, người chăn phải đi ra đồng ruộng và lên núi để tìm chiên đi lạc. Để tìm được chúng, họ hỏi thăm bất cứ ai đi qua xem có thấy chiên của họ không. Khi đã tìm thấy một con, họ không kìm được sung sướng mà cười tươi đến tận mang tai.

Người chăn rất yêu chiên của mình. Họ không bao giờ rời mắt khỏi chiên. Chiên là một loài động vật hiền lành. Người Mông Cổ ví người hiền lành giống như chiên.

Chiên chịu đựng rất tốt, mà không tỏ ra cuống cuồng cho dù có bị thương hay đau đớn. Nó cũng rất trung thành nữa. Dê luôn đi vào đường nguy hiểm theo ý mình thích mà không theo sự chỉ dẫn của người chăn, nhưng chiên thì luôn nghe tiếng của người chăn và vâng theo sự dẫn dắt của người chăn. Vì vậy, chiên luôn luôn đi theo người chăn và được lớn lên trong tình yêu thương của người chăn.

Giống như người chăn luôn nuôi nấng chiên tại nơi có nước và đồng cỏ tốt nhất, Cha và Mẹ Trên Trời cũng nuôi nấng chúng ta và chăn chúng ta trên đồng cỏ tốt nhất, là lời sự sống. Như người chăn không hề ngủ thậm chí nửa đêm cũng như lúc sớm mai vì những chiên con nhỏ bé mới sinh và để chăm sóc cho chuồng chiên, thì Đức Chúa Trời Mẹ, là Đấng đã sinh ra chúng ta, cũng luôn cầu nguyện vì chúng ta dù là nửa đêm hay là sớm mai.

Người chăn luôn để mắt đến bầy mình và luôn ở cùng chiên mình để bảo vệ chúng khỏi muông sói luôn bám theo chiên như hình với bóng. Việc này cũng giống như Mẹ vẫn luôn giữ gìn chúng ta như con ngươi trong mắt để cho chúng ta không hề bị thương tích gì bởi những kẻ tiên tri giả, được ví như sói đội lốt chiên. Giống như chiên sau khi không nhìn thấy được gì vì đã bị loài chim mổ mất mắt mà không thể phân biệt được người chăn với sói dù khi người chăn đến gần và chỉ biết run rẩy sợ hãi, thì các con cái đã bị che khuất mắt phần linh hồn cũng không nhìn biết Mẹ được ngay cho dù Ngài đã đến. Tuy nhiên, Mẹ ôm chặt lấy những linh hồn bị thương tích bởi ác thần giống như muông sói, Ngài chữa trị vết thương cho, và dốc hết sức lực để cứu lấy sự sống của các con cái.

Nỗi sung sướng của người chăn khi tìm thấy con chiên bị lạc là không thể tả được. Niềm vui ấy chính là niềm vui của Mẹ khi tìm ra được một đứa con bị lạc mất.

Người chăn chia sẻ với chiên mọi niềm vui, buồn giận, đau đớn, và khoái lạc trong cuộc sống. Khi chiên khỏe mạnh và ăn uống no đủ, người chăn thật sự rất vui sướng. Khi chiên bị bệnh, người chăn lại đau buồn. Khi không có cỏ cho chiên ăn, người chăn lo lắng. Bởi vì tôi biết được tấm lòng của người chăn từ những điều nhỏ nhất, nên tôi hiểu ra rằng Cha và Mẹ, Đấng Chăn Chiên của linh hồn chúng ta, đã yêu chúng ta nhiều đến thế nào. Tôi sẽ trở thành người con trai trung tín luôn đi theo Cha và Mẹ Trên Trời, là Đấng Chăn Chiên của chúng ta, và đi đến bất cứ nơi nào Cha Mẹ dẫn tôi đi giống như con chiên vậy. Con yêu Cha Mẹ.