
Vào triều đại Chosun ở Hàn Quốc, phụ nữ đã kết hôn rất khó để về thăm bố mẹ. Lúc này, con gái đã kết hôn không còn là thành viên trong gia đình bố mẹ ruột nữa mà hoàn toàn trở thành thành viên trong gia đình người chồng.
Sau một mùa làm nông bận rộn, những người con dâu được cho phép về thăm cha mẹ một ngày khi đến Tết trung thu Chuseok. Tuy nhiên, việc qua đêm ở ngoài là điều không được chấp nhận đối với phụ nữ. Điều không may là nếu nhà cha mẹ cách quá xa thì thật không dễ để họ có thể trở lại ngay trong ngày. Đó là lý do họ có banbogi. Banbogi là cuộc hẹn theo phong tục giữa người con gái đã kết hôn với các thành viên trong gia đình mình tại điểm trung gian giữa hai ngôi làng. Trong lúc chờ đợi banbogi, người phụ nữ sẽ chuẩn bị những món ngon đặc biệt cho buổi dã ngoại cùng gia đình, là những người mà họ hằng thương nhớ. Vì phải trở lại trước khi mặt trời lặn nên đây là khoảng thời gian ngập tràn tình yêu thương.
“Ban” nghĩa là “một nửa”, và “bogi” nghĩa là “gặp gỡ”. Vậy nên có thể nói rằng banbogi được đặt tên cho tình huống những người con gái đã kết hôn chỉ có thể gặp lại một nửa người thân trong gia đình hay chỉ có thể thấy nửa khuôn mặt của mẹ vì phải chia ly trong nước mắt.
Vào thời đó, phụ nữ không được tự do ra ngoài và phương tiện liên lạc cũng chưa phát triển. Vậy nên banbogi là một chuyến đi đầy nước mắt để yên ủi tấm lòng nhớ mong gia đình và sống cuộc sống hôn nhân vất vả ở nhà chồng.