Quê hương và mẹ

Kim Hyang Sun từ Uijeongbu, Hàn Quốc

3,513 lượt xem

Vào một ngày nghỉ hiếm hoi, vì quá bận rộn với công việc nhà cửa chồng chất nên tôi cũng không biết rằng điện thoại đang đổ chuông. Một lát sau tôi kiểm tra điện thoại, thì mới biết là có điện thoại mẹ tôi gọi đến.

“Mẹ gọi điện cho con ạ?”

“Ừ, mẹ không biết là con thức hay còn ngủ. Con dậy rồi đấy à?”

“Tất nhiên rồi ạ. Giờ đã là mấy giờ rồi mà mẹ.”

Mẹ tôi thấy thương xót vì mấy năm nay tôi phải làm việc thêm để trang trải chi phí học tập cho các con. Mẹ tôi nói rằng mẹ đã được hàng xóm nhà trên cho hai cây củ cải to, nghĩ đến tôi nên mẹ đã làm kim chi củ cải rồi gửi chuyển phát nhanh cho tôi, và dặn tôi khi nào nhận được thì điện thoại cho mẹ biết.

“Mẹ làm gì cho vất vả thế ạ. Ngày mai, ngày mốt con cũng 50 tuổi rồi đấy. Con sẽ tự làm để ăn nên mẹ đừng quá bận tâm nhé!”

“Con bận rộn vì phải làm việc mà… con cũng không hay nấu ăn được, nên mẹ mới làm vậy.”

Ngày hôm sau bưu phẩm đã được chuyển đến. Tôi thấy có tên của mẹ và địa chỉ nhà ở quê giữa những lớp băng dính được dán một cách cẩn thận. Cảm giác thật kỳ diệu.

“Nơi có mẹ. Đúng vậy, nơi này đã là nhà của tôi. Tôi đã cùng sống với mẹ ở đây.”

Nhớ đến quê hương mà tôi đã rời xa, nghĩ đến mẹ phải sống một mình trong khi mong nhớ các con cái kể cả vào hôm nay, khóe mắt tôi dần đỏ hoe. Ngoài củ cải muối, trong hộp còn có một số món ăn kèm và dầu mè. Tình cảm của mẹ thấm đượm trong từng một món ăn được gói trong túi ni lông và buộc chặt bằng dây thun rồi dán băng dính nhiều vòng, có lẽ vì mẹ lo rằng bịch có thể bị rách hoặc bị rò rỉ ra.

Một ngày nọ, sau kỳ nghỉ Tết trôi qua nhanh chóng, mẹ tôi gọi điện thoại và nói rằng lần này đã gửi gạo cho tôi. Một người mẹ có bốn đứa con gái và một đứa con trai, lại biết kể cả thời điểm mà gia đình của tôi, là đứa con thứ hai, sắp hết gạo.

Nhận được bưu phẩm, nhớ đến lời mẹ tôi nói rằng “Mẹ đã để một món quà trong bao gạo nên hãy thử lục tìm xem nhé!”, nên tôi đưa tay vào bao gạo và lục lọi. Cùng với âm thanh sột soạt, tôi bắt được cái gì đó. Đó là một cái túi ni lông. Tôi mở túi ra thì thấy có hai chiếc phong bì xinh xắn có ghi tên hai đứa cháu ngoại của mẹ ở mặt ngoài. Tôi tự hỏi liệu có phải là bức thư chăng, tôi nhìn xem thì thấy có 10 nghìn won trong mỗi phong bì. Với tấm lòng tò mò, tôi liền gọi điện cho mẹ.

“Hahaha, đó là tiền lì xì cho bọn trẻ. Vì mẹ đã không gặp mặt chúng vào ngày Tết nên mẹ gửi cho như thế. Hy vọng bọn trẻ sẽ thích. Dù mẹ muốn cho nhiều hơn, nhưng mẹ có đến mười một đứa cháu lận cơ mà. Mẹ đã cho con của chị con nhiều hơn một chút. Vì là con cả nên con bé phải chịu nhiều vất vả, mẹ làm thế con không được tủi thân đâu đấy! Con hiểu chứ?”

“Con có tủi thân gì đâu ạ. Mẹ làm thế thật tốt! Hơn nữa, con cũng rất ổn, nên mẹ có thể bỏ qua nhà chúng con cũng được ạ.”

“Làm thế thì không được đâu. Cắn vào mười ngón tay thì có ngón nào không đau chứ? Nếu làm điều gì cho đứa này thì sẽ bận lòng vì đứa khác, nếu làm điều gì cho đứa khác thì lại nghĩ đến đứa này… Mẹ sẽ làm cho hết thảy đến tận khi chết. Cho nên, con đừng nói gì cả, cứ “cảm ơn” và nhận lấy. Thế là được rồi. Con hiểu chứ?”

Tình yêu thương cứ chảy tràn mà không có điểm dừng cho đến tận con cái của con cái mình. Ấy chính là tình yêu thương của mẹ.

Giờ đây, đã sắp đến sinh nhật lần thứ bảy mươi của mẹ tôi. Vào sinh nhật lần này của mẹ, tôi và các chị em trong nhà quyết định sẽ dành 3 ngày 2 đêm để ở bên mẹ.

Dạo này giọng của mẹ nghe rất tươi sáng. Trong khi đang sống vui vẻ cùng nhau, rồi mẹ dựng chồng gả vợ cho con cái, và một mình ở lại căn nhà trống trải như cái vỏ ốc, chắc mẹ sẽ rất vui khi các con cái giống như hạt nhân trong nhà cùng trở về gặp mẹ. Khi tôi gọi điện thì mẹ hỏi thăm chúng tôi và cứ hỏi đi hỏi lại rằng tất thảy chúng tôi có thể về cùng nhau hay không. Tôi đếm từng ngày chờ đợi ngày được trở về quê hương, nơi có mẹ, nơi có những kỷ niệm thời thơ ấu cùng với các chị em và em trai tôi. Tôi cũng thật mong đợi ngày trở về quê hương trên trời đời đời cùng với Đức Chúa Trời Cha Mẹ và các anh em chị em phần linh hồn của tôi.