Lễ tiết trong lời nói bắt đầu từ gia đình

Vẻ mặt tươi sáng, thái độ lịch sự và tấm lòng tôn trọng người khác. Giữ lễ tiết thể này trong lời nói giúp tương lai của gia đình tươi sáng hơn.

27,599 lượt xem

Có lời nói đùa rằng, nếu bạn nói “I am a boy” (Tôi là một cậu bé) với giọng điệu hung hăng và vẻ mặt cau có, điều đó có nghĩa là “Tôi là một cậu bé hư”, còn nếu bạn nói “I am a boy” với giọng điệu nhẹ nhàng và khuôn mặt tươi cười, điều đó có nghĩa là “Tôi là một cậu bé ngoan”. Cùng là một câu nói “I am a boy” nhưng lý do câu nói này truyền tải ý nghĩa hoàn toàn khác nhau nằm ở sự khác nhau của vật chứa chứa đựng lời ấy.

Khi chuẩn bị bàn ăn cho khách, dù hương vị của món ăn cũng rất quan trọng nhưng chúng ta không thể không quan tâm đến vật chứa đựng món ăn ấy. Nếu kích thước, hình dạng và màu sắc của bát đĩa hài hòa với thức ăn thì trông sẽ ngon hơn. Nhưng nếu bát đĩa bẩn, vỡ hoặc không phù hợp, người khách sẽ không muốn ăn dù món ăn đó có ngon đến thế nào.

Người ta thường nói “Lời nói là vật chứa đựng suy nghĩ.” Để có cuộc trò chuyện vui vẻ trong bầu không khí thoải mái mà không làm ảnh hưởng đến cảm xúc của người khác, chúng ta phải chứa đựng lời nói của mình trong chiếc bát tốt. Chiếc bát tốt chính là phép lịch sự trong lời nói. Vì phương tiện giao tiếp chủ yếu là lời nói nên nếu không giữ lễ tiết trong lời nói, chúng ta có thể gặp khó khăn trong giao tiếp.

Lễ tiết trong lời nói là đức tính quan trọng nhất trong ứng xử. Những mâu thuẫn nảy sinh trong gia đình, trường học hay nơi làm việc thường bắt đầu bởi những lời nhận xét bất lịch sự. Do ảnh hưởng của TV và Internet mà ngày nay, những lời nói không đúng mực và ngôn từ thiếu tôn trọng bị sử dụng một cách tùy tiện và tràn lan, khiến cho nhu cầu về lễ tiết trong lời nói càng trở nên cấp thiết hơn.

Những lời nói cay nghiệt gặm nhấm tấm lòng.

Ngày nay, vấn đề sử dụng ngôn ngữ thiếu thận trọng của thanh thiếu niên đã đạt đến mức rất nghiêm trọng. Theo một cuộc khảo sát do KBS và Viện Ngôn ngữ Quốc gia Hàn Quốc thực hiện cách đây vài năm trên 1518 thanh thiếu niên ở Hàn Quốc, chỉ có 8,6% là chưa bao giờ sử dụng ngôn từ thô tục, trong khi 52,5% nói rằng họ có thói quen chửi thề.

Sử dụng ngôn từ đúng đắn có tác dụng kích hoạt thùy trán của não và làm dịu sự hưng phấn. Tuy nhiên, nếu việc giải tỏa cảm xúc tiêu cực bằng lời nói thô tục trở thành thói quen, việc diễn đạt cảm xúc của bản thân một cách chi tiết sẽ trở nên khó khăn và vốn từ vựng cũng giảm đi. Điều này thậm chí có nguy cơ gây tổn hại đến sự ổn định của cảm xúc và trở thành nguyên nhân tiềm ẩn của tội ác.

Lời nói thô tục gây hại cho cả người nói lẫn người nghe. Martin Teicher, giáo sư tại Trường Y Đại học Harvard, đã tiến hành khảo sát trên não của 554 người trưởng thành từng chịu bạo lực ngôn ngữ khi còn nhỏ. Kết quả cho thấy, thể chai và hồi hải mã của họ co lại so với người bình thường. Não bộ bị tổn thương như vậy làm suy giảm trí nhớ và khả năng học tập, cũng làm tăng xác xuất mắc bệnh tâm thần.

Thời điểm dễ dàng để bỏ qua lễ tiết trong lời nói nhất là khi tức giận. Ngay cả những người thường coi trọng phép lịch sự trong xã giao cũng có thể thốt ra lời nói thiếu suy nghĩ khi cảm xúc bị kích động. Khi khuyên bảo con cái bằng cảm tính, những lời cay nghiệt có thể được thốt ra không chút do dự. Nếu không kìm nén được cơn giận và nói ra những lời cay nghiệt thì có thể phá hủy lòng tin và tình cảm tốt đẹp từng được gây dựng bằng cách giữ tốt lễ tiết trong lời nói. Điều ấy giống như tòa tháp khổ công xây dựng bị sụp đổ trong tích tắc. Tốt hơn hết là không nói gì trong trạng thái bị kích động cảm xúc. Rồi đợi bản thân trấn tĩnh lại, sau đó mới dần dần giải quyết nguyên nhân của cơn giận. Đó là cách để không làm tổn thương tấm lòng của chính mình và người khác.

Lễ tiết trong lời xuất phát từ tấm lòng quan tâm và tôn trọng người khác.

Ẩn ý của lễ tiết trong lời nói là không gây tâm trạng khó chịu cho người khác. Để làm được điều này, về cơ bản cần phải hạn chế sử dụng ngôn từ thô tục, tiếng lóng, nói tắt, chửi bậy, nói trống không, v.v… Những ngôn từ như vậy không chỉ làm người nghe khó chịu mà còn có thể khiến những người không thường dùng chúng nghe không hiểu hoặc cảm thấy xa lạ, kết quả là cuộc trò chuyện bị ngắt quãng.

Theo nghĩa tích cực hơn, lễ tiết trong lời nói làm cho người nghe cảm thấy thoải mái. Nếu dùng ngôn từ thích hợp cùng với vẻ mặt sáng sủa và thái độ lịch sự, bạn không chỉ làm cho tâm trạng của người nghe tốt hơn mà điều ấy còn trở thành đức tính tốt cho chính bạn. Người giữ tốt lễ tiết trong lời nói là người có phẩm cách tốt và nhận được thiện cảm từ người khác.

Xét cho cùng, lễ tiết trong lời nói là học tập và thực tiễn tấm lòng chăm sóc, tôn trọng người khác. Giữa học sinh nói “Thầy ơi, con có câu hỏi.” và học sinh nói “Thưa thầy, con có một điều muốn hỏi ạ.”, chỉ cần nghe thôi, chúng ta cũng biết được ai là người có sự tôn kính đối với giáo viên hơn.

Kính ngữ cũng là một trong số những lễ tiết trong lời nói. Nếu dùng kính ngữ thì có thể quan tâm đến người khác một cách tự nhiên và nhờ vậy mâu thuẫn sẽ giảm bớt. Ở một trường tiểu học, để việc dùng ngôn từ đúng đắn trở thành thói quen, giáo viên và các học sinh đã cùng sử dụng kính ngữ khi giao tiếp. Nhờ đó, các cuộc cãi nhau và việc bắt nạt giữa các học sinh đã giảm xuống đáng kể. Vì lời nói là căn nguyên làm thay đổi tư thế tấm lòng.

Một cách khác để giữ lễ tiết trong lời nói là nói theo cách khiến cho người nghe có thể dễ dàng hiểu được thay vì để bản thân dễ diễn đạt. Vì người nghe không thể biết hết được suy nghĩ và tình huống của bạn, nên đôi khi họ không hiểu hoặc hiểu lầm lời bạn đã nói. Trong trường hợp như vậy, đừng trách họ không hiểu ý mà hãy thay đổi phương pháp nói chuyện của bản thân. Nói theo quan điểm của đối phương, lựa chọn ngôn từ phù hợp với tầm nhìn của họ, trò chuyện một cách tử tế, v.v… đều là một phần của lễ tiết trong lời nói.

Lễ tiết trong lời nói bao gồm các yếu tố mang tính ngôn ngữ như kính ngữ, cách xưng hô, cách dùng từ, cũng như các yếu tố phi ngôn ngữ như vẻ mặt, ngữ khí, thái độ. Do đó phải chú ý đừng làm những hành động như: đột nhiên nói chen vào cuộc trò chuyện của người khác, quay mặt đi nơi khác khi đối phương đang nói, đung đưa thân thể hoặc rung chân khi đang nói.

Lễ tiết trong lời nói bắt đầu từ gia đình.

Lễ tiết trong lời nói là bài toán mà gia đình, trường học và xã hội phải hợp sức giải quyết. Điểm xuất phát chính là gia đình. Vì dù ngôn từ cũng chịu ảnh hưởng từ những người xung quanh nhưng nơi mà ngôn từ chịu nhiều ảnh hưởng nhất chính là gia đình. Bạn có thể biết một đứa trẻ có được giáo dục tốt hay không thông qua những ngôn từ mà đứa trẻ ấy sử dụng. Việc dùng ngôn từ đúng đắn có liên quan đến hiệu quả học tập. Vì vậy, cha mẹ không nên chỉ quan tâm đến việc học của con mà còn phải chú trọng đến việc giáo dục lễ tiết trong lời nói cho con cái.

Trong khi giáo dục lễ tiết trong lời nói, so với việc cha mẹ dạy đâu là đúng đâu là sai, thì việc cho thấy tấm gương cha mẹ nói chuyện một cách lịch sự là tốt hơn cả. Không quá lời khi nói rằng chất lượng của ngôn từ mà cha mẹ dùng là chìa khóa để nuôi dạy con cái thành công. Vì giá trị quan và tính cách của con cái có thể thay đổi tùy thuộc vào những ngôn từ mà cha mẹ sử dụng.

Khi vợ chồng tôn trọng lẫn nhau và sử dụng kính ngữ, con cái họ cũng học được thói quen dùng kính ngữ một cách tự nhiên. Một số cha mẹ cho rằng kính ngữ làm giảm cảm giác gần gũi và cản trở tính tự chủ nên họ không nói hay dạy con cái dùng kính ngữ. Nhưng các bậc cha mẹ khôn ngoan, thực sự quan tâm đến con cái thì phải luôn quan tâm đến việc dùng kính ngữ của con mình. Ngoài ra, khi con cái nói tục hoặc nói lời không lễ phép, thay vì đứng nhìn hoặc hối thúc rằng “Mày vừa nói gì?”, trước tiên hãy hỏi “Con đang tức giận vì điều gì thế?” để biết được lý do con tức giận và cùng trò chuyện. Sau đó, phải cho con biết diễn đạt ý nghĩ của bản thân một cách lịch sự bằng ngôn từ đúng đắn.

Ngay cả khi gần gũi với cha mẹ như với bạn bè, thì nhất định vẫn phải giữ lễ tiết trong lời nói giữa cha mẹ và con cái. Đối với vợ chồng cũng giống như vậy. Ở nhà, nơi mọi căng thẳng được xoa dịu, dù rất thân thiết nhưng các thành viên trong gia đình càng cần phải giữ lịch sự, quan tâm và tôn trọng lẫn nhau. Như vậy thì gia đình ấy mới trở nên thật sự đẹp đẽ và hòa thuận. Ngược lại, gia đình nào dùng ngôn từ cay nghiệt thì không thể mong đợi một tương lai tươi sáng được. Nếu gia đình thường xuyên bất hòa thì trước tiên, hãy quan sát những ngôn từ đang được sử dụng thường ngày.

Khi thời đại và môi trường thay đổi, phương tiện giao tiếp cũng đa dạng hơn. Nhưng giá trị của lễ tiết trong lời nói sẽ không thay đổi cho đến chừng nào mọi người còn sống cùng nhau và ngôn ngữ còn tồn tại. Dù hiện nay là xã hội mà những người tài giỏi và có năng lực thì được công nhận, nhưng xét cho cùng, người có được thiện cảm của mọi người vẫn là người khiêm tốn và lịch sự.

Nơi đóng vai trò quan trọng nhất trong việc bồi dưỡng người có tài có đức, chính là gia đình. Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta hay nghĩ “Hôm nay ăn gì?”, “Ngày mai mặc gì?” Nhưng từ bây giờ, chúng ta hãy cùng suy ngẫm về lễ tiết trong lời nói, như “Tôi nên nói như thế nào để đối phương có tâm trạng tốt hơn?”, “Thói quen mà tôi cần phải thay đổi khi nói chuyện là gì?” Giống như những món ăn ngon miệng được chứa đựng trong bát đĩa xinh xắn mà nhìn thôi cũng thấy hạnh phúc, chúng ta hãy tiếp đãi tình yêu thương tới gia đình bằng chiếc bát đẹp đẽ.