Hạnh phúc sẽ đến khi bạn bỏ lo lắng lại phía sau

Chỉ lo lắng thôi thì không giải quyết được điều gì cả. Hãy gạt bỏ những muộn phiền, lo âu không cần thiết và sống thật vui vẻ.

16,430 lượt xem

Ngày xưa, có một người luôn lo âu ở nước Kỷ (Trung Quốc). Người ấy thậm chí không thể ngủ, ăn uống hay rời khỏi nhà vì lo rằng trời có thể sập và đất có thể sụt xuống. Đây là nguồn gốc của thành ngữ “Kỷ nhân chi ưu” nghĩa là sự lo lắng của người nước Kỷ. Sau đó, từ “kỷ ưu” được dùng để chỉ sự lo lắng về tương lai một cách không cần thiết.

Ai cũng mơ ước một cuộc sống không phải lo âu nhưng thực tế lại sống trong sự lo lắng và sợ hãi vô ích. Từ trẻ con đến người lớn tuổi, không quá lời khi nói rằng cuộc sống là một chuỗi những lo toan như điểm số ở trường, sức khoẻ, các mối quan hệ, công việc, hôn nhân, nuôi dưỡng con cái, phụng dưỡng cha mẹ và chuẩn bị cho những năm về già, v.v… Những người đang đau ốm thì lo lắng về sự yếu đuối của mình, còn người khoẻ mạnh thì lo sợ mất đi sức khoẻ. Nếu không hạnh phúc thì sẽ lo mình không vui, còn khi vui thì lại lo hạnh phúc không được lâu dài. Giống như có câu nói trong tiếng Hàn rằng “Người có 1.000 túi gạo thì có 1.000 nỗi lo, còn người có 10.000 túi gạo thì có 10.000 nỗi lo”, ai cũng có lo âu của riêng mình bất kể giàu nghèo.

Nỗi lo lắng là vị khách không mời trong cuộc đời nhân sinh. Vậy sao chúng ta cứ mãi lo lắng như thế? Vì lo sợ về một tương lai bất định, lo lắng rằng ước mơ bấy lâu nay sẽ không thành hiện thực hoặc lo vì quan tâm và yêu mến một ai đó quá sâu sắc. Dù lý do là gì thì vẫn tồn tại tâm lý tiêu cực ẩn sau cảm xúc lo lắng. Suy nghĩ tiêu cực rằng điều gì đó tồi tệ có thể xảy ra là nguyên nhân gây ra lo lắng.

Do cấu trúc xã hội ngày càng trở nên phức tạp và các tai nạn hay sự cố lớn diễn ra thường xuyên hơn so với trước đây, là khi cuộc sống thường nhật đơn điệu và đều đều nên càng thật khó để dự đoán về tương lai hơn trước. Kết quả là tâm lý lo âu và căng thẳng ngày một tăng thêm. Vậy lo lắng có giúp ích được gì không?

Lo lắng cản trở hạnh phúc

Lo lắng chỉ là sự lo âu vô căn cứ và hiếm khi thành hiện thực. Ngay cả khi điều bạn lo lắng xảy ra thì việc lo lắng từ trước cũng không hề giải quyết được vấn đề. Nếu bạn lo lắng và sau đó không có gì xảy ra, bạn có thể nghĩ vấn đề đã được giải quyết nhờ vào những lo lắng của bạn, nhưng đó chỉ là ảo giác mà thôi.

Ngạn ngữ Tây Tạng có câu nói “Nếu nỗi lo biến mất chỉ bởi việc lo lắng thì sẽ không còn lo lắng nữa”. Nhà giáo dục Leo Buscaglia cũng nói rằng “Lo lắng không bao giờ cướp đi nỗi buồn của ngày mai mà chỉ cướp đi niềm vui của ngày hôm nay”. “Nhỡ mà điểm số giảm thì phải làm sao?”, “Nhỡ bị sa thải thì phải làm sao?”, “Nhỡ con cái làm sai thì sao?”. Dù bạn có lo lắng thế này chăng nữa thì cũng không thay đổi được gì. Bạn sẽ chỉ tràn đầy sự lo âu trong tấm lòng và trên gương mặt thôi.

Lo lắng thái quá sẽ khiến cho cảm xúc dao động và hấp tấp do căng thẳng. Quá chú tâm vào nhu cầu và lo lắng của bản thân khiến bạn dễ dàng quên mất khó khăn của người khác. Daniel Goleman, tác giả cuốn Trí tuệ xã hội đã nói rằng “Càng lo lắng thì bạn càng ít đồng cảm với người khác”.

Lo lắng quá độ có thể gây ra các bệnh lý như rối loạn lo âu tổng quát, rối loạn lo âu bệnh tật, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, chứng mất giấc ngủ, thậm chí là các bệnh nghiêm trọng hơn. Nghiên cứu y học cho thấy 80% bệnh về rối loạn đường tiêu hóa và 60% bệnh da liễu là do các nguyên nhân về mặt tâm lý. Trong số các bệnh nhân tăng nhãn áp, cơn đau mắt của những người lo lắng quá mức sẽ trầm trọng hơn và gây tổn thương đến trường thị giác. Ngoài ra, có nghiên cứu chỉ ra rằng phụ nữ càng lo lắng thì các telomere (cấu trúc giúp bảo vệ đầu mút nhiễm sắc thể khỏi những tác động từ bên ngoài) của họ càng ngắn lại, làm tăng tốc độ lão hóa.

Cũng giống như đứa trẻ sợ ngã sẽ không thể cất bước, lo lắng từ trước dẫn đến mất tự tin và bỏ lỡ nhiều cơ hội. Bạn có thể không làm được những việc mình thực sự cần làm và khó thành công vì không thể thách thức bản thân do lo sợ thất bại.

“Người quân tử cũng có nỗi lo sao?” Trước câu hỏi này của học trò, Khổng Tử đã trả lời rằng “Người quân tử ưa thích ý chí của mình trước khi có chức quan, nhưng khi đạt được rồi thì lại ưa thích việc cầm quyền. Vậy nên suốt đời, người ấy luôn hạnh phúc mà không có ngày nào phiền muộn. Còn kẻ tiểu nhân thì luôn lo lắng mình không thể làm được ngay cả trước khi có được chức quan ấy, nên dù đã đạt được rồi thì người ấy vẫn lo rằng sẽ mất đi. Thế nên suốt đời, người ấy cứ luôn lo lắng mà không có ngày nào vui mừng cả.”

Kẻ thù của hạnh phúc là nỗi lo lắng và bất an. Bạn không cần phải đánh mất niềm vui và hạnh phúc của hiện tại vì điều gì đó chưa từng xảy ra. Cuộc sống không lo âu là cuộc sống thành công và hạnh phúc.

Sự lựa chọn khôn ngoan để giải quyết những lo lắng

① Chuẩn bị và thực hiện

“Hữu bị vô hoạn” (有備無患) có nghĩa là nếu có sự chuẩn bị kỹ lưỡng thì không có gì phải lo lắng cả. Cũng giống như việc chuẩn bị một chiếc ô sau khi nhìn thấy mây đen, nếu bạn lên kế hoạch và chuẩn bị trước cho điều gì đó thì lo lắng sẽ biến mất. Nếu lo công việc không ổn định thì nên tự phát triển bản thân. Nếu lo đến khi về già thì nên tiết kiệm tiền. Còn nếu lo về sức khoẻ thì nên tập thể dục. Khi phải tham gia một cuộc thi hoặc thuyết trình trước nhiều người, càng luyện tập nhiều bao nhiêu thì bạn sẽ càng tự tin bấy nhiêu. Nếu bạn vừa ăn khuya vừa nói rằng “Mình lo là sẽ tăng cân mất thôi”, hoặc nếu chui vào trong chăn rồi mà nói rằng “Mình đang lười biếng quá, rắc rối to rồi” thì sự lo lắng của bạn có ích gì? Nếu bạn lo lắng thì hãy nghĩ về những việc cần làm và thực tiễn. Khi đó, nỗi lo không còn là kẻ thù của hạnh phúc nữa mà sẽ là nguồn năng lượng để phát triển.

② Trung thành với hiện tại

Giống như hòn đá lăn thì không có rong rêu tụ lại và nước chảy không bao giờ bị hôi thối, người chăm chỉ không có thời gian để lo lắng. Vận động viên chạy marathon không lo làm thế nào để chạy được 42.195㎞ mà chỉ hướng đến chạy 500m và 1㎞ thôi. Nữ thợ lặn có thể nhảy xuống biển trong mùa đông giá rét vì hôm qua cô ấy cũng làm vậy rồi.

Cuộc sống được hoàn thiện từng ngày theo cách này. Nếu bạn lo lắng về ngày mai, sao bạn không thử nghĩ về hôm nay? Hôm nay là ngày mai mà bạn đã lo lắng từ hôm qua. Nếu bạn chăm chỉ hôm nay, ngày mai bạn cũng có thể làm như vậy. Khi trung thành với hiện tại, bạn sẽ không níu kéo quá khứ và cũng không hối tiếc về tương lai.

③ Suy nghĩ tích cực

Mọi người thường nghĩ “Nếu tôi có địa vị cao hơn, khỏe mạnh hơn, có nhiều tài sản hơn thì chẳng phải lo gì cả”. Nếu mong ước của bạn thành hiện thực thì liệu mọi lo lắng của bạn có biến mất không? Chắc chắn là sẽ lại có nỗi lo khác mà thôi.

Nếu không hài lòng với hiện tại, bạn sẽ không thể hài lòng dù tình hình có thay đổi theo chiều hướng tốt hơn, rồi bạn sẽ cứ luôn lo lắng về những gì còn thiếu sót. Cũng giống như câu chuyện về người mẹ có hai con trai – một người bán ô và một người bán giày rơm, tùy thuộc vào cách suy nghĩ mà cuộc sống của bạn sẽ luôn lo âu hay tràn đầy cảm tạ. Nếu có vấn đề đe dọa đến sự an nguy của bản thân thì bạn cần nghi ngờ và kiểm tra ngay. Nhưng nếu vấn đề chỉ phát sinh từ mong muốn đạt được nhiều hơn năng lực của mình thì tốt hơn hết là bạn nên cảm tạ và thỏa lòng.

④ Hỗ trợ và ủng hộ

Theo một cuộc khảo sát, lời mà những người đã trưởng thành nhưng tính tình còn trẻ con ghét phải nghe nhất từ người thân trong dịp lễ là “những lời quan tâm”. “Bao giờ định kết hôn đấy?”, “Kiếm được việc chưa?”. Dù bạn có thể hỏi như vậy xuất phát từ tấm lòng chân thành, nhưng từ lập trường của người nghe, họ có thể cảm thấy bạn coi họ thật là thảm hại.

Khi cha mẹ lo lắng quá độ về con cái mình, con cái sẽ không thể có lòng tin vào chính mình. Một số người đánh đồng lo lắng với quan tâm và hiểu nhầm rằng cha mẹ không quan tâm gì đến con cái nếu không lo lắng cho chúng. Nhưng nếu bạn muốn bày tỏ sự quan tâm và tình yêu thương thì hỗ trợ và ủng hộ sẽ tốt hơn nhiều.

Trong bộ phim hoạt hình Vua sư tử, khi chú sư tử nhân vật chính gặp khó khăn thì bạn bè của cậu đã nói rằng “Hakuna Matata” – trong tiếng Swahili có nghĩa là “Đừng lo lắng nhé. Mọi việc sẽ ổn thôi.” Chú sư tử đã có thể vượt qua nghịch cảnh và cuối cùng trở thành vua của thảo nguyên ấy.

⑤ Linh hoạt trong việc chấp nhận thay đổi

Người ta thường có kỳ vọng và hứng thú khi tiếp xúc với môi trường mới và người xa lạ, nhưng đồng thời, họ cũng lo lắng trước tiên. Cuộc sống là một chuỗi những thay đổi, chẳng hạn như làm một công việc mới hoặc nhập học. Có lúc đến thì cũng có lúc đi, có lúc gặp gỡ thì cũng có lúc chia ly. Bạn không nên bấu víu vào những gì quen thuộc. Giống như ngoại hình và suy nghĩ của chúng ta thay đổi theo thời gian, môi trường cũng thay đổi và đôi lúc chúng ta có thể phải trải qua những gì bản thân chưa từng nghĩ tới.

Chúng ta hãy đón nhận mọi điều xảy ra trong cuộc sống. Ngay cả khi kế hoạch không diễn ra như dự kiến, nếu bạn chấp nhận mọi trải nghiệm, bạn sẽ trở nên quen với nỗi đau và khó khăn, rồi nỗi sợ hãi và lo lắng về tương lai sẽ biến mất.

⑥ Chờ đợi để vượt qua

Nhà tâm lý học Ernie J. Zelinski đã viết trong cuốn sách của mình rằng “40% lo lắng không bao giờ xảy ra, 30% lo lắng là những gì đã diễn ra rồi, 22% lo lắng chỉ là những chuyện vụn vặt, 4% lo lắng là ngoài tầm kiểm soát. Chỉ có 4% lo lắng là những gì chúng ta có thể kiểm soát bởi năng lực hay kế hoạch của mình”. Điều này nghĩa là 96% lo lắng là không cần thiết.

Có nhiều thứ mà người ta có thể chuẩn bị, nhưng cũng có rất nhiều điều không thể kiểm soát được. Nếu vậy thì tốt hơn hết, chúng ta nên chờ đợi trong khi nghĩ rằng “Việc này rồi cũng sẽ qua thôi” thay vì lo lắng quá mức. Đó có thể là cơ hội để phát triển sau khi bạn vượt qua. Nếu đó là vấn đề có thể giải quyết được thì bạn không cần lo lắng, còn nếu là vấn đề không thể giải quyết được thì có lo lắng cũng vô ích.

Có lời xưa là “Tẫn nhân sự đãi thiên mệnh”(盡人事待天命) có nghĩa là hết thảy mọi phận sự của con người là lắng nghe mệnh lệnh từ trên trời. Kinh Thánh có lời rằng “Chớ lo lắng chi về ngày mai; vì ngày mai sẽ lo về việc ngày mai. Sự khó nhọc ngày nào đủ cho ngày ấy”.

Giống như đi trong đêm tối mà không có đèn, chúng ta không thể thấy trước tương lai. Không dễ để sống mà không lo lắng gì vì chúng ta không biết sự gì sẽ xảy ra. Vậy chúng ta sẽ hạnh phúc nếu có năng lực thấy trước tương lai sao? Không đâu. Hy vọng sẽ biến mất cùng với nỗi lo và cuộc sống sẽ trở nên thật buồn tẻ.

Vì chúng ta không biết ngày mai sẽ ra sao nên chúng ta có thể nỗ lực và cảm thấy phấn khích trong khi trông mong kỳ tích xảy ra. Chúng ta cũng có thể vỗ về và khích lệ lẫn nhau rằng “Đừng lo lắng, sẽ ổn thôi mà.” Khi ấy chúng ta có thể được yên ủi và thấy nhẹ nhõm trong khi tin vào sức mạnh của những lời chân thành này!