Đại nhóm hiệp thánh Lễ Vượt Qua, Lễ Bánh Không Men, Lễ Phục Sinh 2023
Phước lành của sự cứu rỗi và niềm trông mong phục sinh được chia sẻ cho cả nhân loại
“Đến giờ, Ngài ngồi bàn ăn, các sứ đồ cùng ngồi với Ngài. Ngài phán rằng: Ta rất muốn ăn lễ Vượt qua nầy với các ngươi trước khi ta chịu đau đớn.” Luca 22:14-15
Theo lời dặn dò của Đức Chúa Jêsus Christ 2.000 năm trước, vào buổi chiều tối ngày 4 tháng 4 (ngày 14 tháng 1 thánh lịch), Đại nhóm hiệp thánh Lễ Vượt Qua đã được cử hành đồng loạt tại Hội Thánh của Đức Chúa Trời ở 175 quốc gia. Vào ngày 5 tháng 4 (ngày 15 tháng 1 thánh lịch) và ngày 9 tháng 4 (hôm sau ngày Sabát đến đầu tiên sau Lễ Bánh Không Men), Đại nhóm hiệp thánh Lễ Bánh Không Men và Lễ Phục Sinh đã lần lượt được cử hành theo như luật lệ được ghi chép trong Kinh Thánh.
Đại nhóm hiệp thánh Lễ Vượt Qua: Quyền phép trở nên con cái của Đức Chúa Trời bởi huyết báu được ban cho
Thông qua luật pháp Cựu Ước, Đức Chúa Trời đã cho thấy lời tiên tri về sự quan phòng của Ngài rằng phước lành của sự cứu rỗi sẽ được ban xuống cho nhân loại nhờ sự hy sinh trên thập tự giá của Đức Chúa Jêsus, là Đấng được biểu tượng bởi “chiên con”. Đương thời Xuất Êdíptô 3.500 năm trước, người dân Ysơraên đã được thoát khỏi tai nạn hủy diệt con đầu lòng và được giải phóng khỏi ách nô lệ dài đằng đẵng bởi giữ Lễ Vượt Qua bằng cách giết chiên con rồi lấy huyết bôi trên hai cây cột và mày cửa theo như phán lệnh của Đức Chúa Trời. Điều này có nghĩa là nhân sinh nhân loại đang làm tôi mọi cho tội lỗi sẽ được giải phóng khỏi tội lỗi và được cứu rỗi bởi huyết báu của Đấng Christ (Xuất Êdíptô Ký 12:5-14; I Phierơ 1:18-19).
Các thánh đồ trong và ngoài Hàn Quốc, là những người đã siêng năng rao truyền lẽ thật giao ước mới dưới ngọn cờ tiên phong, chia sẻ cho toàn nhân loại phước lành vô giá của sự cứu rỗi mà Đức Chúa Trời ban cho cách nhưng không, đã hân hoan chào đón Lễ Vượt Qua cùng những người trân quý là gia đình, bạn bè và hàng xóm của mình.
Buổi chiều tối ngày 4 tháng 4, trong Đại nhóm hiệp thánh Lễ Vượt Qua được cử hành tại Đền Thánh Giêrusalem Mới Pangyo, Mẹ đã dâng cảm tạ sâu sắc lên Cha, là Đấng đã sắm sẵn chương trình cứu chuộc dài lâu xuyên suốt Cựu Ước và Tân Ước vì những con cái vốn không thể tránh khỏi sự phán xét bởi tội lỗi trên trời, và đích thân Ngài đã đến trái đất này để lập nên giao ước mới bởi sự hy sinh của Ngài. Bên cạnh đó, Mẹ cũng khẩn thiết cầu nguyện hầu cho tất thảy các con cái rao truyền thông điệp của sự cứu rỗi cho muôn dân bằng tình yêu thương vô hạn đã nhận được từ Cha để dẫn dắt thật nhiều linh hồn đến với sự cứu rỗi.
Lễ thờ phượng Lễ Vượt Qua được chia thành Thờ phượng nghi thức rửa chân và Thờ phượng Lễ tiệc thánh. Nghi thức rửa chân là luật lệ mà Đức Chúa Jêsus đã làm gương khi Ngài rửa chân cho các môn đồ trước Lễ tiệc thánh (Giăng 13:1-10). Mẹ cũng đã đích thân cúi mình rửa chân cho các thánh đồ. Các thánh đồ cũng rửa chân cho nhau và hiểu ra ý muốn của Đức Chúa Trời Cha Mẹ, là Đấng đã dạy dỗ về đạo lý khiêm nhường.
Thông qua Thờ phượng Lễ tiệc thánh, Tổng hội trưởng mục sư Kim Joo Cheol đã giải thích về tầm quan trọng của Lễ Vượt Qua rằng “Đây là tin tức phước lành nhất đối với nhân loại và là chế độ lẽ thật hầu cho chúng ta, những người đã đánh mất tư cách của gia đình Nước Thiên Đàng bởi tội lỗi, được nối lại huyết thống với Đức Chúa Trời”. Mục sư nhấn mạnh lần nữa rằng “Nếu không giữ Lễ Vượt Qua thì không ai có thể trở thành con cái của Đức Chúa Trời và cũng không thể nhận được sự cứu rỗi, nên Đức Chúa Jêsus đã rất muốn cùng giữ Lễ Vượt Qua vì chúng ta”, và mạnh mẽ nói rằng “Chúng ta hãy dâng cảm tạ lên Đức Chúa Trời, Đấng đã ban cho quyền thế được trở thành con cái của Ngài thông qua Lễ Vượt Qua, cũng hãy siêng năng rao truyền Tin Lành hầu cho ngay cả những người vẫn chưa tiếp nhận lẽ thật của sự cứu rỗi cũng được đứng trong hàng ngũ của sự cứu rỗi” (Hêbơrơ 8:5, 12:9; II Côrinhtô 6:17-18; Galati 4:26; Giăng 6:53-54; Mathiơ 26:17-28; Êphêsô 2:11-19).
Đêm Lễ Vượt Qua sung mãn tình yêu thương của Đấng Christ càng đậm sâu hơn khi các thánh đồ cùng ăn bánh và uống rượu nho, đồng thời cảm tạ lên ân huệ của Đức Chúa Trời, Đấng đã sẵn lòng phó sự sống Ngài để cứu rỗi các tội nhân.
Đại nhóm hiệp thánh Lễ Bánh Không Men: Đi theo con đường của Đấng Christ với tấm lòng trông mong sự đời đời
Vào ngày 5 tháng 4, là ngày hôm sau Lễ Vượt Qua, các thánh đồ đã tham dự Đại nhóm hiệp thánh Lễ Bánh Không Men và tưởng nhớ sự khổ nạn của Đấng Christ bằng cách kiêng ăn giống như lời phán “đến ngày nào chàng rể sẽ bị đem đi khỏi họ, thì họ mới kiêng ăn” (Mathiơ 9:15).
Lễ Bánh Không Men là lễ trọng thể được Đức Chúa Trời định ra hầu cho những người dân Ysơraên đã được giải phóng khỏi ách nô lệ ghi nhớ những khổ nạn mà họ đã trải qua cho đến khi vượt qua Biển Đỏ trong cuộc truy đuổi của quân đội Êdíptô. Đức Chúa Jêsus, Đấng giữ Lễ Vượt Qua rồi bị quân lính La Mã bắt và tra tấn suốt đêm, đã làm ứng nghiệm các lời tiên tri Cựu Ước bởi việc bị đóng đinh và qua đời trên thập tự giá vào ngày này (Xuất Êdíptô Ký 12:17; Mathiơ 27:1-50).
Trong Lễ Bánh Không Men, Mẹ đã dâng cảm tạ lên Cha, Đấng đã chịu đựng sự hy sinh trên thập tự giá với quyết tâm dẫn dắt các con cái đang bị xiềng xích trong sự tội và sự chết được đến Nước Thiên Đàng, và cầu khẩn rằng tình yêu thương được nhận từ Cha sẽ sống và làm việc trong tấm lòng của các con cái, hầu cho mọi con cái đều yêu thương lẫn nhau, đồng thời dạn dĩ rao truyền tình yêu thương ấy cho những linh hồn đang hấp hối bởi chưa được nghe thông điệp của sự cứu rỗi, nhờ đó cứu sống được nhiều linh hồn.
Tổng hội trưởng mục sư Kim Joo Cheol đã nhấn mạnh rằng “Việc làm của Đức Chúa Jêsus được tạo nên bởi sự hy sinh là dấu chân mà chúng ta phải đi theo” và “Trong quá trình đi đến Nước Thiên Đàng, nếu khổ nạn và thử thách xảy đến thì hãy khắc phục trong khi nhớ đến Đức Chúa Jêsus, là Đấng đã vượt qua nỗi đau tột cùng thay cho chúng ta”. Về tư thế đức tin khi đối mặt với những khổ nạn, mục sư đã nhấn mạnh rằng “Khi chúng ta có tấm lòng ham mến sự đời đời giống như các thánh đồ Hội Thánh sơ khai, là những người đã chịu đựng và chiến thắng sự bắt bớ, hoạn nạn bởi sự xác tín và niềm trông mong hướng về vương quốc trên trời đời đời, chúng ta cũng có thể khắc phục được những khó khăn tạm thời trên trái đất này, đồng thời có thể sống cuộc đời luôn vui mừng và cảm tạ trong mọi sự” và “Hãy trút bỏ mọi lỗi lầm của tội lỗi như lòng tự cao, sự kiêu ngạo, v.v… và hiến thân hết mình cho Tin Lành trong khi nghĩ đến phước lành và phần thưởng trên Nước Thiên Đàng, nơi chúng ta sẽ tỏa sáng bởi vinh hiển đời đời mãi mãi” (Luca 23:33-43; Mathiơ 26:62-68, 27:27-31; I Phierơ 2:19-25, 5:10; Truyền Đạo 1:1-8, 3:9-11; II Côrinhtô 4:16-17; Hêbơrơ 11:33-40).
Sau lễ thờ phượng, Mẹ an ủi các thánh đồ đã dự phần vào khổ nạn của Đấng Christ bằng sự kiêng ăn và lần nữa dạy dỗ rằng “Cha đã tỏ lòng thương xót những người từng bắt bớ Ngài, ban cho họ sự nhân từ như gắng sức cứu rỗi họ trong suốt cuộc đời Tin Lành của Ngài, nên chúng ta hãy cứu rỗi thật nhiều linh hồn bởi tình yêu thương và sự nhân từ ấy”.
Đại nhóm hiệp thánh Lễ Phục Sinh: Đức tin vững vàng hơn bởi niềm trông mong phục sinh và biến hóa
Lễ Phục Sinh là ngày Đức Chúa Jêsus phục sinh từ ngôi mộ vào ngày thứ ba sau khi Ngài qua đời trên thập tự giá, gieo sự xác tín về phục sinh và niềm trông mong Nước Thiên Đàng cho nhân loại đang ở trong tình thế không thể tránh khỏi sự chết. Ngày tháng của Lễ Phục Sinh là ngày hôm sau ngày Sabát, tức là Chủ nhật đến đầu tiên sau Lễ Bánh Không Men (Mác 16:9). Tên gọi trong thời Cựu Ước là Lễ Trái Đầu Mùa, và cũng được bắt nguồn từ công việc của Môise. Nguồn gốc của Lễ Trái Đầu Mùa là một ngày sau Lễ Vượt Qua (Lễ Bánh Không Men), khi dân Ysơraên rời khỏi xứ Êdíptô, bị quân đội Êdíptô đuổi theo và an toàn vượt qua Biển Đỏ. Vào thời đại Cựu Ước, có nghi thức dâng bó lúa đầu mùa cho Đức Chúa Trời vào Lễ Trái Đầu Mùa (hôm sau ngày Sabát đến đầu tiên sau Lễ Bánh Không Men), và Đức Chúa Jêsus đã làm ứng nghiệm lời tiên tri của lễ trọng thể này bởi việc phục sinh làm “trái đầu mùa của những kẻ ngủ” vào Lễ Trái Đầu Mùa (Xuất Êdíptô Ký 14:22-31, 34:22; Lêvi Ký 23:9-14; I Côrinhtô 15:20).
Vào Chủ nhật ngày 9 tháng 4, các thánh đồ đã tham dự Đại nhóm hiệp thánh Lễ Phục Sinh trong khi hình dung về niềm vui và vinh hiển phục sinh. Mẹ đã dâng cầu nguyện cảm tạ lên Cha, Đấng đã gieo sự xác tín và niềm trông mong phục sinh cho các con cái, cùng khẩn thiết mong các thánh đồ giữ Lễ Phục Sinh được phục sinh trong đức tin, nhiệt tình và tình yêu thương để chia sẻ niềm vui và phước lành Nước Thiên Đàng cho nhiều người.
Tổng hội trưởng mục sư Kim Joo Cheol đã giải thích về ý nghĩa ẩn chứa trong sự phục sinh rằng “Sự kiện chưa từng có về sự phục sinh của Đức Chúa Jêsus đã gieo cho chúng ta sự xác tín rằng thân thể hèn mạt của chúng ta sẽ được biến hóa ra giống như thân thể vinh hiển của Đức Chúa Trời, và cuộc sống tạm thời trên trái đất này sẽ được biến hóa thành cuộc sống thiêng liêng đời đời trên Nước Thiên Đàng”. Hơn nữa, mục sư cũng nói rằng “Đức Chúa Jêsus đã dặn dò những người tin vào sự phục sinh của Ngài rằng hãy làm chứng về Ngài và truyền bá Tin Lành tới xứ Samari cho đến cùng trái đất. Chúng ta hãy rao truyền lẽ thật giao ước mới cho không chỉ những người trân quý xung quanh như gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, v.v… mà cho tất cả mọi người trên ngôi làng toàn cầu nữa. Đồng thời hãy chia sẻ phước lành và niềm trông mong rằng cuộc sống vinh hiển đời đời sẽ được ban cho chúng ta thông qua sự phục sinh và biến hóa.” (Philíp 3:20-21; Mathiơ 28:1-7; Luca 24:1-9; I Côrinhtô 15:49-58; I Têsalônica 4:13-18; Hêbơrơ 11:35-38; Giăng 20:19-29; Công Vụ Các Sứ Ðồ 1:6-9).
Vào ngày này, các thánh đồ đã bẻ bánh của Lễ Phục Sinh theo như việc làm của Đức Chúa Jêsus, Đấng đã hiện ra trước hai môn đồ đang trên đường đến làng Emmaút và mở mắt phần linh hồn cho họ bằng bánh chúc tạ (Luca 24:13-31).
Sau khi kết thúc mọi lễ thờ phượng, Mẹ phán rằng “Học lời Kinh Thánh, giữ các điều răn, yêu thương lẫn nhau và làm theo sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời, tất thảy những điều này là quá trình để chúng ta được biến hóa trở nên giống với hình ảnh của Đức Chúa Trời.” và chúc phước cho tất thảy đều được dự phần vào niềm vui của sự phục sinh và biến hóa mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn.
Các thánh đồ trên khắp thế giới, là những người đã giữ các lễ trọng thể liên tiếp một cách tin kính, đã hạ quyết tâm rằng sẽ chia sẻ phước lành của sự cứu rỗi và niềm trông mong Nước Thiên Đàng được ẩn chứa trong lễ trọng thể cho muôn dân thế giới và thực tiễn tình yêu thương nhân loại.
“Khi giữ Lễ Vượt Qua chứa đựng phước lành lớn lao đến mức không điều gì trên thế gian có thể so sánh được, tôi cảm thấy mình được gần gũi hơn với Đức Chúa Trời. Giống như Đức Chúa Trời đã thương xót và cứu rỗi chúng ta, tôi cũng sẽ thực tiễn mức độ cao nhất của tình yêu thương là dẫn dắt người khác đến sự sống.” Kevin Kauffmann từ Berlin, Đức
“Trong khi giữ lễ trọng thể, tôi cảm thấy rất tiếc cho những người vẫn chưa biết lẽ thật này. Tôi sẽ rao truyền phước lành của sự cứu rỗi cho những người hàng xóm với tấm lòng báo đáp ân huệ của Đức Chúa Trời, Đấng đã ban sự cứu rỗi cách nhưng không cho tôi, là tội nhân trên trời.” Marta Londoño từ Medellín, Colombia
“Tại Ai Cập (Êdíptô), nơi quyền năng của Lễ Vượt Qua lần đầu tiên được cho thấy vào 3.500 năm trước, chúng tôi cảm thấy vô cùng cảm tạ và hạnh phúc khi có thể giữ 3 kỳ 7 lễ trọng thể vào thời đại này. Tôi đã được gặp Đức Chúa Trời và nhận ra mục đích cùng ý nghĩa của cuộc đời. Tôi muốn nhanh chóng cho cả thế giới biết lẽ thật đáng ngạc nhiên này và mong rằng mọi người đều đến để được hưởng niềm vui giống như tôi.” Adhar Abiem từ Cairo, Ai Cập