Mỗi tôn giáo đều có những quan điểm khác nhau về đời sau. Kinh Thánh nói về điều này như thế nào?
Từ lâu, nhiều người mong muốn được biết về kiếp sau, nhưng không thể hiểu biết một cách rõ ràng. Nên, họ tưởng tượng về thế giới kiếp sau theo cách riêng của họ và lập nên vô số tín ngưỡng. Nho giáo cho rằng linh hồn loài người còn tồn tại tạm thời sau khi chết và sau đó bị mất đi. Phật giáo thì cho rằng loài người sẽ đi vào 6 cõi luân hồi khi chết đi. Hồi giáo thì mô phỏng theo Cơ Đốc giáo và cho rằng có Nước Thiên Đàng và địa ngục. Tuy nhiên, vấn đề là họ không thể đưa ra bất kỳ chứng cứ nào để chứng minh cho luận điểm của mình.
Thế thì, Kinh Thánh nói về điều này như thế nào? Thông qua vô số lời tiên tri và sự ứng nghiệm, Đức Chúa Trời đã làm chứng một cách rõ ràng Kinh Thánh là sự thật, và dựa trên nền tảng của sự làm chứng của Ngài, Ngài đã bày tỏ cho chúng ta biết về thế giới kiếp sau của chúng ta. Sở dĩ nhiều tôn giáo trên thế giới không thể biết và giải thích được về thế giới kiếp sau một cách chính xác là vì họ không hiểu được rõ ràng loài người đã ở đâu trước khi được sinh ra. Tuy nhiên, Kinh Thánh nói cho chúng ta một cách rõ ràng về thế giới kiếp trước và cũng giải thích về đời sau nữa.
Sau đây là điều mà Kinh Thánh dạy dỗ chúng ta về thế giới kiếp trước và đời sau: Linh hồn chúng ta vốn dĩ là các thiên sứ ở trên trời, nhưng chúng ta đã phạm tội nghiêm trọng đáng chịu sự chết, nên chúng ta xuống trái đất này trong xác thịt và tạm thời sống như kẻ khách trên đất này (Hêbơrơ 11:13-16). Vậy nên, khi chúng ta nhận được sự tha tội, tức là nhận được sự cứu rỗi thông qua huyết của Đấng Christ, chúng ta sẽ được chuyển đổi lại thành thiên sứ và trở về trời, là nhà của chúng ta, là nơi mà chúng ta đã từng sống. Tuy nhiên, nếu chúng ta kết thúc trong sự không nhận được sự cứu rỗi bởi cố chấp lìa khỏi Đức Chúa Trời, Đấng mong muốn cứu rỗi chúng ta – những người đã bị định sẵn cho sự chết, bởi sự hy sinh của Ngài, thì chúng ta không thể nào tránh khỏi việc bị quăng xuống hồ lửa địa ngục là nơi đã được định sẵn cho chúng ta. Thế thì, chúng ta nên nhận lấy phước lành của sự tha tội trong khi nỗ lực vâng phục Tin Lành của Đấng Christ, là mọi lẽ thật giao ước mới mà chính Đức Chúa Trời đã lập nên thông qua huyết báu của Ngài khi Ngài đến thế gian này, bỏ lại sau lưng vinh hiển và quyền phép thiên thượng của Ngài.
1. Phục sinh để được sống và phục sinh để bị xét đoán
Kinh Thánh nói rằng có hai loại phục sinh: Phục sinh để được sống dành cho những người được cứu rỗi, và phục sinh để bị xét đoán cho những người không được cứu rỗi.
“Ai đã làm lành thì sống lại để được sống, ai đã làm dữ thì sống lại để bị xét đoán.” Giăng 5:29
“Nhiều kẻ ngủ trong bụi đất sẽ thức dậy, kẻ thì để được sự sống đời đời, kẻ thì để chịu sự xấu hổ nhơ nhuốc đời đời.” Đaniên 12:2
“Và tôi có sự trông cậy này nơi Đức Chúa Trời, như chính họ cũng có vậy, tức là sẽ có sự sống lại của người công bình và không công bình.” Công Vụ Các Sứ Đồ 24:15
Ngày nay, nhiều hội thánh trên thế gian bỏ qua Lễ Vượt Qua và đang mơ hồ chờ đợi phục sinh. Các vị có nghĩ rằng họ sẽ đi vào sự sống lại để được sống không? Lời “sống lại để được sống” có nghĩa rằng những người không có sự sống đời đời thì không thể đi vào đó. Đức Chúa Jêsus đã phán rằng ai không ăn thịt và uống huyết của Ngài thì không có sự sống trong họ, và chỉ những ai ăn thịt và uống huyết của Ngài mới nhận được sự sống đời đời. Vì vậy, không ai có thể đi vào sự sống lại để được sống mà không bởi ăn thịt và uống huyết của Đức Chúa Jêsus thông qua Lễ Vượt Qua giao ước mới.
“Nếu các ngươi không ăn thịt của Con người cùng không uống huyết Ngài, thì chẳng có sự sống trong các ngươi đâu. Ai ăn thịt và uống huyết ta thì được sự sống đời đời; nơi ngày sau rốt, ta sẽ khiến người đó sống lại.” Giăng 6:53-54
2. Sự phục sinh của các thánh đồ sẽ được cứu rỗi
Dù cho có hai loại phục sinh, nhưng “sự phục sinh” được miêu tả trong Kinh Thánh thường nói về sự phục sinh được ban cho các thánh đồ sẽ được cứu rỗi. Vì thế nên tại đây, chúng ta hãy gọi sự sống lại để được sống của các thánh đồ là “sự phục sinh”.
Thế thì, sự phục sinh mà các thánh đồ ở trong Đấng Christ đang mong đợi là gì? Các thánh đồ được cứu rỗi thông qua huyết của Đấng Christ sẽ được quay trở về nhà trên trời trong sự vinh hiển – là nơi mà họ đã từng sống, và được biến hóa trở lại thành thiên sứ mà không còn mặc xác thịt nữa. Sự biến hóa trở lại thành thiên sứ này được Kinh Thánh gọi là “sự phục sinh”. Đó là lý do vì sao Đức Chúa Jêsus nói rằng chúng ta sẽ như thiên sứ trên trời khi phục sinh.
“Vì đến khi sống lại, người ta không cưới vợ, cũng không lấy chồng; song những kẻ sống lại là như thiên sứ trên trời vậy.” Mathiơ 22:30
“Bởi họ sẽ không chết được nữa, vì giống như các thiên sứ, và là con của Đức Chúa Trời, tức là con của sự sống lại.” Luca 20:36
Sự phục sinh mà Kinh Thánh làm chứng không phải là sự sống lại của thân thể xác thịt hay hư nát, nhưng có nghĩa là được mặc lấy sự không hay hư nát, tức là được biến hóa trở lại thành hình ảnh thiên sứ mà chúng ta đã từng bị mất đi. Thế nên, Kinh Thánh nhấn mạnh rằng chúng ta sẽ mang ảnh tượng của người thuộc về trời, tức là sẽ mang lấy thể thiêng liêng, không phải là thể huyết khí, dù chúng ta đã mang ảnh tượng của người thuộc về đất, là Ađam.
“Đã gieo ra là thể huyết khí, mà sống lại là thể thiêng liêng. Nếu đã có thể huyết khí, thì cũng có thể thiêng liêng… Như chúng ta đã mang ảnh tượng của người thuộc về đất, thì chúng ta cũng sẽ mang ảnh tượng của người thuộc về trời.” I Côrinhtô 15:44-49
Ảnh tượng của người thuộc về trời là gì? Đó là hình ảnh của thiên sứ trên trời. Nói cách khác, chúng ta sẽ có chung hình ảnh như các thiên sứ khi chúng ta được cứu rỗi và trở về vương quốc trên trời. Vậy thì, các thiên sứ trên trời có hình ảnh như thế nào?
Đức Chúa Trời đã trả lời cho chúng ta thông qua sự phục sinh của Đức Chúa Jêsus. Sự phục sinh của Đức Chúa Jêsus là tấm gương trọn vẹn cho sự phục sinh mà chúng ta sẽ được nhận trong tương lai. Đó là lý do vì sao Kinh Thánh giải thích rằng cơ thể của các thánh đồ được cứu rỗi sẽ được biến hóa như thân thể vinh hiển của Đấng Christ.
“Nhưng chúng ta là công dân trên trời; ấy là từ nơi đó mà chúng ta trông đợi Cứu Chúa mình là Đức Chúa Jêsus Christ, Ngài sẽ biến hóa thân thể hèn mạt chúng ta ra giống như thân thể vinh hiển Ngài, y theo quyền phép Ngài có để phục muôn vật.” Philíp 3:20-21
Sau khi Đức Chúa Jêsus phục sinh, Ngài hiện ra cho Saulơ (sứ đồ Phaolô) với ánh sáng lớn hơn ánh sáng mặt trời buổi trưa trên con đường đến thành Đamách (Công Vụ Các Sứ Đồ 22:6). Trên đảo Bátmô, Ngài hiện ra cho sứ đồ Giăng trong thể tuyệt vời của Ngài, như được miêu tả trong Kinh Thánh là “Mắt như ngọn lửa. Chân như đồng sáng đã luyện trong lò lửa, và tiếng như tiếng nước lớn. Tay hữu người cầm bảy ngôi sao; miệng thò ra thanh gươm nhọn hai lưỡi, và mặt như mặt trời khi soi sáng hết sức.” (Khải Huyền 1:12-16). Đôi khi Ngài hiện ra trong thể giống như con người cho các môn đồ không hoàn toàn tin vào sự phục sinh của Ngài (Giăng 20:20, 27). Nói cách khác, Đức Chúa Jêsus đã được phục sinh trong thể vinh hiển mà loài người không thể tưởng tượng được, và Ngài có quyền năng để hiện ra trong thể xác thịt bất cứ khi nào Ngài muốn. Khi chúng ta phục sinh, chúng ta cũng sẽ được ban cho thân thể trọn vẹn với quyền phép lạ lùng. Thật vinh hiển và tuyệt vời biết bao!
3. Vinh hiển của sự phục sinh chứa đựng trong muôn vật
Những người chỉ bám vào thế giới thấy được này khó có thể tin được vào vinh hiển của sự phục sinh. Vậy nên, Đức Chúa Trời – Đấng Sáng Tạo đã cho chúng ta hiểu biết được vinh hiển của sự phục sinh một cách dễ dàng thông qua muôn vật thấy được (Khải Huyền 4:11).
“Vì điều chi có thể biết được về Đức Chúa Trời thì đã trình bày ra cho họ, Đức Chúa Trời đã tỏ điều đó cho họ rồi, bởi những sự trọn lành của Ngài mắt không thấy được, tức là quyền phép đời đời và bổn tánh Ngài, thì từ buổi sáng thế vẫn sờ sờ như mắt xem thấy, khi người ta xem xét công việc của Ngài. Cho nên họ không chữa mình được.” Rôma 1:19-20
Khi chúng ta quan sát những sinh vật sống dưới đất này, chúng ta có thể thấy nhiều loài mà ấu trùng khác hoàn toàn so với con trưởng thành. Ví dụ, ấu trùng chuồn chuồn sống trong nước đã tưởng rằng thế giới dưới nước là toàn bộ đối với chúng, nhưng vào một thời điểm nào đó chúng sẽ biến hóa thành chuồn chuồn có thể bay lượn tự do trên bầu trời, khoe khoang đôi cánh trong suốt tuyệt vời của mình. Một trường hợp khác là sâu bướm dành gần hết thời gian của chúng trên cây để trườn và ăn lá cây, và cuối cùng chúng cũng biến hóa thành bươm bướm lộng lẫy và đẹp đẽ, chao liệng đôi cánh trong khoảng không. Trong giới tự nhiên, những điều tuyệt vời mà chúng ta có thể đã bỏ qua đều xảy ra mỗi năm. Kinh Thánh ví loài người dưới đất này như những con sâu bọ. Thế nên, sự biến hóa của những loài côn trùng cho thấy ý muốn của Đức Chúa Trời hầu cho chúng ta biết về vinh hiển của sự phục sinh trong khi chúng ta chỉ chú tâm tới thế giới thuộc về đất này.
“Kìa, mặt trăng không chiếu sáng, các ngôi sao chẳng tinh sạch tại trước mặt Ngài thay: Phương chi loài người vốn giống như con sâu, và con cái loài người giống như một con giòi bọ!” Gióp 25:5-6
Vì vậy, chúng ta hãy nhận ra quyền phép của Đức Chúa Trời được thể hiện thông qua muôn vật và càng chạy mạnh mẽ hướng về phước lành thiên thượng trong khi chờ đợi vinh hiển của sự phục sinh, thay vì chỉ nhìn vào những sự thuộc về phần xác của chúng ta và chỉ theo đuổi sự dưới đất này.
4. Sự biến hóa của các thánh đồ cuối cùng
Nói một cách chính xác thì, sự phục sinh của các thánh đồ có thể được phân làm hai loại: Một là sự phục sinh của các thánh đồ đã chết trong Đấng Christ, và hai là sự biến hóa của các thánh đồ sẽ gặp Đấng Christ trong không trung khi còn sống trong ngày sau rốt. Về vấn đề này, Đức Chúa Jêsus đã phán như sau:
“Đức Chúa Jêsus phán rằng: Ta là sự sống lại và là sự sống; kẻ nào tin ta thì sẽ sống, mặc dầu đã chết rồi. Còn ai sống và tin ta thì không hề chết.” Giăng 11:25-26
Theo lời phán “sẽ sống, mặc dầu đã chết rồi”, thì có những người sẽ sống lại sau khi chết, và theo lời phán “Còn ai sống và tin Ta thì không hề chết.”, thì có những người sẽ được biến hóa mà không trải nghiệm sự chết. Các sứ đồ cũng làm chứng rằng vào ngày phán xét cuối cùng sẽ có sự phục sinh cho các thánh đồ đã chết rồi và sự biến hóa của các thánh đồ còn sống và còn sót lại cho đến lúc cuối cùng.
“Hỡi anh em, tôi đoán quyết rằng thịt và máu chẳng hưởng nước Đức Chúa Trời được, và sự hay hư nát không hưởng sự không hay hư nát được. Này là sự mầu nhiệm tôi tỏ cho anh em: Chúng ta không ngủ hết, nhưng hết thảy đều sẽ biến hóa, trong giây phút, trong nháy mắt, lúc tiếng kèn chót; vì kèn sẽ thổi, kẻ chết đều sống lại được không hay hư nát, và chúng ta đều sẽ biến hóa.” I Côrinhtô 15:50-52
“Vì nếu chúng ta tin Đức Chúa Jêsus đã chết và sống lại, thì cũng vậy, Đức Chúa Trời sẽ đem những kẻ ngủ trong Đức Chúa Jêsus cùng đến với Ngài. Vả, nầy là điều chúng tôi nhờ lời Chúa mà rao bảo cho anh em: Chúng ta là kẻ sống, còn ở lại cho đến kỳ Chúa đến thì không lên trước những người đã ngủ rồi. Vì sẽ có tiếng kêu lớn cùng tiếng kèn của Đức Chúa Trời, thì chính mình Chúa ở trên trời giáng xuống; bấy giờ những kẻ chết trong Đấng Christ, sẽ sống lại trước hết. Kế đến chúng ta là kẻ sống, mà còn ở lại, sẽ cùng nhau đều được cất lên với những người ấy giữa đám mây, tại nơi không trung mà gặp Chúa, như vậy, chúng ta sẽ ở cùng Chúa luôn luôn.” I Têsalônica 4:14-17
Vô số người không thể đếm được sẽ được phục sinh, và đặc biệt 144.000 thánh đồ được Đức Chúa Trời cứu thoát khỏi tai nạn cuối cùng bởi được đóng ấn của Ngài sẽ sống lại và biến hóa để gặp Đấng Christ tại nơi không trung (Khải Huyền 7:2-4, 9)! Trong ngày ấy, khi chúng ta – những kẻ như sâu bọ, sẽ được biến hóa thành hình ảnh sáng láng của thiên sứ và bay về trời, thật hạnh phúc và hồi hộp biết bao!
Để ban vinh hiển và phước lành thể này cho chúng ta – những kẻ đã phạm tội, Đức Chúa Trời Cha và Đức Chúa Trời Mẹ của chúng ta đã đích thân đến trái đất này và sống cuộc đời thật đau đớn và hy sinh, và Ngài đã ban cho chúng ta giao ước mới Lễ Vượt Qua – lẽ thật của sự sống đời đời. Vì thế, chúng ta hãy dâng cảm tạ và vinh hiển đời đời lên Cha Mẹ vì Ngài đã ban mọi phước lành thể này cho chúng ta, và chúng ta hãy gắng sức chạy mạnh mẽ hơn nữa đến vương quốc trên trời với niềm trông mong về sự phục sinh. Hơn nữa, chúng ta hãy làm cho tấm lòng của nhiều người vẫn còn nghĩ thế giới thấy được này là tất cả cũng được cảm động bởi sự trông mong về sự phục sinh, và hãy rao truyền về Lễ Vượt Qua – lẽ thật sự sống cho họ, để chúng ta có thể cùng nhau đi vào sự phục sinh để được sống.