Những giác quan tuyệt vời của động vật

조회 9,164

Động vật nhìn, nghe và cảm nhận thế giới như thế nào? Thật khó mà tưởng tượng được thế giới của động vật dựa trên các giác quan của chúng ta. Đó là do nhiều loài động vật trên trái đất cảm nhận thế giới theo những cách khác với con người. Đối với động vật, thế giới độc đáo của riêng chúng được tạo ra bởi các cơ quan cảm giác đặc biệt đang dần mở ra. Chúng ta hãy cùng nhau du hành vào thế giới của những giác quan kỳ lạ của động vật.

Các cơ quan cảm giác cảm nhận thế giới chính xác hơn nhìn, nghe và ngửi

Những người có thị lực tốt thường được gọi là có “mắt diều hâu”. Trên thực tế, những loài chim săn mồi như diều hâu và đại bàng có thị lực cực kỳ sắc bén, có thể nhìn xa hơn mắt người trung bình từ 4 đến 8 lần. Diều hâu có số lượng tế bào thị giác nhiều gấp 5 lần con người và có đến 2 hoàng điểm; vì vậy, chúng có thể nhìn chính xác hơn với trường nhìn rộng hơn con người. Ví dụ, loài chim cắt Mỹ thuộc họ chim ưng được cho là có thể tìm thấy một con sâu bướm dài 2mm đang bò trên mặt đất ngay cả khi đậu trên cây cao 18m.

Dù thị lực của diều hâu rất tinh tường nhưng cũng có điểm hạn chế. Khi mặt trời lặn, loài chim này gần như bị mù. Đó là do diều hâu có rất ít tế bào que có chức năng làm việc trong bóng tối. Ngược lại, võng mạc của cú, được gọi là thợ săn đêm, hầu hết được cấu tạo từ các tế bào que nên tầm nhìn ban đêm của chúng tốt hơn con người từ 3 đến 10 lần.

Nhiều loài động vật, gồm cả chim và côn trùng, nhìn thấy được tia cực tím và tia hồng ngoại mà con người không thể nhìn thấy. Đối với những loài chim có thể nhìn thấy tia cực tím, sâu bướm có màu sắc bảo vệ trông thật nổi bật, còn nước tiểu của chuột đồng giống như huỳnh quang. Nhờ đó chúng rất dễ tìm ra nơi chuột đồng ẩn nấp. Nhiều loài thực vật có hoa có những dấu hiệu mà chỉ có thể nhìn thấy trong phạm vi tia cực tím, hướng về phía trung tâm của bông hoa. Côn trùng nhìn thấy dấu hiệu này và tìm được chính xác vị trí của mật hoa. Trên mặt của rắn có những lỗ được gọi là “khí quan” nằm giữa mắt và lỗ mũi giúp chúng phát hiện ra bức xạ hồng ngoại. Nhờ có khí quan này, rắn có thể cảm nhận được nhiệt độ cơ thể của con vật, cho phép chúng dễ dàng săn mồi ngay cả trong bóng tối.

Rắn cũng có các cơ quan khứu giác vô cùng độc đáo. Chúng ta thường thấy những con rắn thè lưỡi ra để đánh hơi mùi hương phát tán trong không khí, giống như loe mũi ra để ngửi vậy. Đó là hành động chèn các phân tử tạo mùi bám trên lưỡi vào cơ quan khứu giác, gọi là cơ quan Jacobson’s, nằm ở vòm miệng. Cơ quan Jacobson’s là một cặp – một ở bên phải và một ở bên trái, nhờ đó, rắn có thể cảm nhận được các phân tử mùi ở đầu lưỡi tương ứng và tìm ra hướng của mùi thông qua sự khác biệt về trọng lượng của phân tử được phát hiện ở đầu lưỡi trái và phải.

Đối với côn trùng, chúng có thể ngửi mùi rất tốt vì một nửa số tế bào não là dành cho khứu giác. Bướm đực ngửi thấy mùi pheromone do bướm cái ở cách xa vài km tiết ra và bay đến đó. Kiến nhận ra và giao tiếp với nhau bằng cách phân biệt những khác biệt hóa học rất nhỏ trong pheromone.

Chúng ta xem việc nghe bằng hai tai được đặt ở bên trái và bên phải của đầu là điều đương nhiên, nhưng đối với côn trùng thì lại khác. Dế và châu chấu xanh nghe tiếng con đực kêu để thu hút con cái bằng màng nhĩ gắn vào chi trước, còn màng nhĩ của bướm đêm lại ở trên lưng để chúng có thể nghe thấy âm thanh của kẻ thù đang đến gần dễ dàng hơn.

Chúng ta thường nghĩ rằng nghe bằng “tai” và nhìn bằng “mắt”, nhưng cũng có những loài động vật nhìn bằng âm thanh. Đó chính là những con dơi sống trong hang tối. Dơi phát ra sóng siêu âm rồi lắng nghe tiếng vang của sóng siêu âm đó để xác định vị trí cũng như kích thước của vật thể. Chúng có thể phân biệt được tín hiệu của bản thân giữa những tín hiệu của hàng nghìn con dơi khác. Giống như dơi được trang bị máy dò sóng siêu âm sinh học trong cơ thể vậy. Dơi bị mù nên chúng hoàn toàn phụ thuộc vào việc nghe để săn mồi và bay; và thính giác của chúng nhạy đến mức chúng có thể bay qua các cành cây trong bóng tối và thậm chí bắt cả những côn trùng nhỏ như muỗi.

Cảm nhận bằng toàn bộ cơ thể – Nếm và chạm

Cá da trơn là loài động vật có vị giác tuyệt vời. Nếu nói đến vị giác của các loài động vật có xương sống thì cá da trơn là số một. Toàn thân chúng được bao phủ bằng các gai vị giác, là những khối tế bào vị giác, giúp chúng cảm nhận mùi vị bằng cả cơ thể. Một con cá da trơn đang bơi ở phía bên kia của hồ nước rộng lớn thậm chí có thể phát hiện ra một thìa dung dịch axit amin được đổ xuống phía bên này hồ.

Côn trùng không chỉ sử dụng vị giác để phân biệt những thứ có thể ăn được và không ăn được, mà còn để tìm nơi thích hợp để đẻ trứng. Lưỡi không phải là cơ quan duy nhất cảm nhận hương vị, ngoài lưỡi còn có nhiều bộ phận khác nữa, nên bướm trắng bắp cải nếm bằng chi trước. Vì ấu trùng của bướm trắng bắp cải lớn lên bằng cách ăn duy chỉ lá của những cây thuộc họ quýt, nên bướm trắng bắp cải mẹ dùng chi trước để nếm lá cây và xác định xem lá đó có thích hợp để đẻ trứng hay không.

Bọ ngựa và bọ cánh cứng được gắn các siêu cảm biến xúc giác gọi là râu, cho phép chúng cảm nhận được độ rung ở mức một phần triệu milimét. Nhện, loài có xúc giác phát triển ở mức cao và có thể phát hiện ra những thay đổi trong rung động nhỏ tới 1 nanomet, nhận ra con mồi đã bị dính vào mạng nhện nhờ những rung động của mạng. Thỉnh thoảng những con nhện khéo léo giật sợi tơ và phân tích các rung động dội ngược lại để kiểm tra xem con mồi có biến mất không.

Da cá sấu mà được sử dụng để làm khiên hoặc áo giáp vì dai và cứng, cũng cực kỳ nhạy cảm và có thể cảm nhận và phân biệt ngay cả những kích ứng nhỏ nhất. Đặc biệt, những nốt sần sùi quanh miệng cá sấu rất nhạy cảm. Cá sấu chỉ để mắt và mũi ở trên mặt nước trong khi chờ con mồi. Nếu phát hiện thấy chuyển động của nước, nó sẽ phán đoán phương hướng và nhanh chóng tấn công. Chỉ một giọt nước rơi trên mặt nước cũng đủ để cá sấu tìm ra hướng của con mồi. Nhờ làn da nhạy cảm độc đáo, cá sấu không bỏ lỡ khoảnh khắc con mồi chạm vào nước.

Pin và la bàn sinh học – Thụ cảm điện và thụ cảm từ trường

Một số kích thích điển hình mà động vật có thể cảm nhận được nhưng con người thì không là điện và từ trường. Đặc biệt, các sinh vật dưới nước có khả năng cảm nhận điện tuyệt vời. Nhờ khả năng cảm nhận dòng điện sinh học yếu do con mồi phát ra, nên dù trốn trong cát và không thể nhìn rõ, cá mập vẫn có thể dễ dàng tìm thấy con mồi. Lươn điện và cá đuối điện là những loài vốn tạo ra dòng điện mạnh, không chỉ cảm nhận được dòng điện yếu do con mồi phát ra mà còn cảm nhận được trạng thái dòng điện do chính chúng tạo ra, nhờ đó nắm bắt được tình hình xung quanh.

Ngay cả những động vật có vú như thú mỏ vịt và chuột chũi mũi sao cũng có thể phát hiện được điện, và cả hai loài đều có vẻ ngoài rất độc đáo. Thú mỏ vịt, loài động vật lặn xuống nước để săn mồi vào ban đêm, bắt được cá ngay cả khi bịt mắt và tai bằng các nếp nhăn trên mặt để ngăn nước tràn vào. Đó là do thú mỏ vịt có 40.000 thụ cảm điện và 60.000 thụ thể cảm nhận cơ học trên bề mặt của chiếc mỏ. Nhờ chiếc mỏ đóng vai trò như mắt và tay này, thú mỏ vịt có thể cảm nhận một cách sống động thế giới dưới nước tối tăm.

Chuột chũi mũi sao có chiếc mũi hình ngôi sao với 22 xúc tu. Bề mặt mũi có hình dạng độc đáo này được phủ đầy các cơ quan xúc giác có độ nhạy rất cao, được gọi là “cơ quan Eimer’s”, có thể cảm nhận được các rung động và áp lực siêu nhỏ. Đó là lý do chúng có thể nắm bắt được trọn vẹn thế giới tối tăm dưới lòng đất.

Chim, rùa, cá hồi, cá voi và nhiều loài động vật di cư đường dài khác có thể phát hiện ra từ trường của trái đất. Nhờ vào chất quặng sắt từ bên trong cơ thể hoạt động như chiếc la bàn, chúng có thể di chuyển quãng đường dài mà không bị lạc giữa bầu trời và trong đại dương. Ong mật cũng sử dụng từ trường của trái đất để xây dựng tổ hình lục giác và xác định vị trí, phương hướng cũng như khoảng cách trong khi bay xung quanh. Gần đây, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng động vật có thể phát hiện ra các tín hiệu động đất – các rung động được truyền lên từ đất.

Từ những loài côn trùng nhỏ bé cho đến những kẻ săn mồi to lớn, tất cả các loài động vật trên hành tinh này đều có những khả năng cảm nhận đặc biệt, những vũ khí bí mật được tối ưu hóa cho sự sinh tồn của chúng. Khi nhìn vào khả năng cảm nhận của động vật, chúng ta có thể thấy rằng việc nhìn, nghe và nếm không nhất thiết là phải bằng mắt, tai và lưỡi.

Loài người đã không tiếc công sức để đưa những thông tin mà chúng ta không thể cảm nhận được vào trong phạm vi nhận thức của con người. Giờ đây, bằng cách sử dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, chúng ta đang lần theo khả năng cảm nhận của động vật và mở rộng các giác quan của mình sang thế giới cảm giác của những sinh vật sống khác. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bí ẩn nữa vẫn chưa được giải quyết. Điều này có thể là do các yếu tố khác nhau mà chúng ta không thể nhận ra hoặc đo lường được.

Thế giới mà con người có thể cảm nhận được vô cùng nhỏ bé và chật hẹp. Đó là lý do thế giới của các loài động vật duy trì sự sống bằng cách trao đổi các tương tác phức tạp với môi trường thông qua những khả năng cảm nhận bí ẩn, vượt xa năm giác quan của con người trở nên thật kỳ diệu đối với chúng ta.

Tham khảo
Yuko Morita, 『각색짐승 생존백서 (Sách trắng về sự sinh tồn của nhiều loài động vật)』, Hwang Hye Suk dịch, Công ty Xuất bản Bada, 2008
Ulrich Schmidt, 『동물들의 비밀신호 (Tín hiệu bí mật của động vật)』, Jang Hye Kyung dịch, Haenamu, 2008
John Lloyd và John Mitchinson, 『동물 상식을 뒤집는 책 (Cuốn sách về sự thiếu hiểu biết đối với động vật: Mọi điều bạn nghĩ là bạn đã biết đều sai lầm)』, Jeon Dae Ho dịch, Haenamu, 2011
Karen Shanor và Jagmeet Kanwal, 『동물의 숨겨진 과학 (Dơi hát, chuột cười khúc khích: Khoa học đáng ngạc nhiên về sự sống bên trong của động vật)』, Seonmi Jin dịch, Yangmun, 2013