Bắt chước: Nghệ thuật nguỵ trang của côn trùng

5,632 lượt xem

Một cái hố khổng lồ nằm chính giữa lối đi với cây cầu gỗ bắc qua trông thật nguy hiểm.

Cảnh tượng ớn lạnh này thực chất chỉ là một trick art – tác phẩm nghệ thuật đánh lừa thị giác người xem bằng bức tranh được vẽ trên đường. Trick art là nghệ thuật ảo ảnh quang học tạo ra hiệu ứng thông qua khúc xạ và phản xạ ánh sáng, khiến cho tác phẩm trên mặt phẳng trông như cấu trúc lập thể. Bức tranh tuy phẳng khi nhìn gần nhưng khi nhìn từ xa thì trông tương tự như một tình huống thực tế vậy. Đáng ngạc nhiên thay, giống như trick art, những bậc thầy về ngụy trang đánh lừa thị giác của mọi người cũng đang ẩn nấp xung quanh chúng ta. Đó là côn trùng.

Để tự bảo vệ và săn mồi, động vật hòa vào môi trường xung quanh hoặc bắt chước các loài khác. Hành động này được gọi là ngụy trang (bắt chước mang tính che giấu) khiến cho khó để phân biệt màu sắc hoặc hình dáng cơ thể với môi trường xung quanh. Chúng ta có thể dễ dàng hiểu được điều này khi nghĩ đến những người lính mặc quân phục rằn ri hoặc ngụy trang để khó phân biệt được với hoàn cảnh xung quanh, nhằm tránh lọt vào tầm mắt của kẻ thù.

Khi nói đến “bắt chước”, chúng ta thường nghĩ đến màu sắc gây nhiễu của châu chấu giúp nó ẩn mình giữa những ngọn cỏ, nhưng trên thực tế, khả năng ngụy trang của côn trùng vượt xa sức tưởng tượng của chúng ta. Một ví dụ điển hình là loài bọ que chuyên đánh lừa thị giác của những kẻ săn mồi. Bọ que có thân thon dài, màu xanh lục hoặc nâu nhạt. Những con bọ que hầu như bất động trông giống như những chiếc cành dài được gắn vào thân cây. Bọ lá là loại côn trùng thuộc bộ bọ que, sống ở vùng nhiệt đới, có vẻ ngoài trông giống như chiếc lá, đúng như tên gọi của nó. Nó có gân cánh1 trông giống như gân lá; ngay cả khi soi dưới ánh sáng mặt trời, nội tạng của chúng cũng không hiện ra, vậy nên khi không di chuyển thì rất khó để phân biệt đó là lá cây hay côn trùng.

1. Gân cánh: Là các gân tách ra giống như hoa văn trên cánh côn trùng.

Bọ que
Bọ lá

Vào mùa thu, một chiếc lá giữa đám lá rụng bắt đầu di chuyển. Chuyện gì đang xảy ra vậy? Bướm đêm Uropyia có vẻ ngoài giống như chiếc lá khô với hai mép cuộn lại đang ẩn nấp một cách tài tình. Đáng kinh ngạc hơn là chiếc cánh trông có vẻ lập thể và được cuộn lại thực ra lại là mặt phẳng. Không thể tìm thấy trick art nào tuyệt vời hơn thế trong tự nhiên.

Một loài khác trông giống chiếc lá khô là bướm lá thuộc chi Kallima. Mặt trên của cánh có màu sắc và hoa văn đẹp đẽ giống như những loài bướm khác, nhưng khi khép cánh lại thì trông không khác gì một chiếc lá khô. Từ đường gân trên cánh, đốm mốc và thậm chí cả lỗ thủng đều rất tinh vi. Nhưng điều ngạc nhiên nhất là không có hai con bướm nào có màu cánh giống hệt nhau. Đó là vì mỗi chiếc lá đều khác nhau một chút.

Hầu hết các loài động vật thường tấn công vào mắt con mồi. Vì vậy, những con bướm tạo ra những con mắt giả ở đầu cánh để ngụy trang đuôi của chúng thành đầu. Điều này giúp bướm có thể sống sót ngay cả khi một cánh bị kẻ thù tấn công và rách ra một chút. Thậm chí, đôi mắt trên cánh bướm trông giống như mắt của loài chim săn mồi, khiến chúng trông có vẻ đáng sợ đối với các loài chim. Trong số đó, đỉnh cao nhất chính là loài bướm cú. Bướm cú có hoa văn hình đôi mắt lớn trên cánh sau, khi đậu trên thân cây, nó có vẻ đáng sợ như một con cú lớn đang nhìn chằm chằm. Những loài chim nhỏ khi thấy đôi mắt giả tinh vi, thậm chí còn có bóng sáng trong đồng tử này, sẽ bỏ chạy vì tưởng rằng con cú, kẻ thù tự nhiên của chúng đã xuất hiện.

Còn điều gì ẩn giấu trên cánh của loài bướm đêm Atlas? Bướm đêm Atlas, loài lớn nhất trong số các loài bướm đêm, có khắc hình con rắn trên đôi cánh của nó. Các loài chim không dám đến gần vì nghĩ rằng đó là con rắn cũng đáng sợ không thua kém gì con cú.

Bướm cú
Bướm đêm Atlas

Sở dĩ côn trùng có thể bắt chước được nhiều kiểu khác nhau là do các sắc tố được tổng hợp trong mỗi tế bào biểu bì, cho phép kiểm soát chính xác ở cấp độ tế bào. Không giống như động vật có xương sống, chỉ những tế bào chuyên biệt mới có thể tổng hợp sắc tố, côn trùng có thể tạo ra những hoa văn có độ sắc nét cao ở trên bề mặt cơ thể.

Trên bãi cỏ mà chúng ta vô tình đi ngang qua, nhiều loài côn trùng mà chúng ta chưa từng thấy hoặc chưa từng nghe nói đến đang ẩn mình ngay trước mắt chúng ta. Đôi khi, chúng đóng giả thực vật nhưng cũng có lúc chúng đánh lừa thiên địch của mình bằng cách giả dạng những con chim săn mồi hoặc rắn với hoa văn tinh xảo.

Người ta dễ dàng chấp nhận việc bắt chước như một cách để thích nghi với môi trường sống. Tuy nhiên, một số nhà khoa học cho rằng sự bắt chước của côn trùng hoàn hảo quá mức cần thiết để có thể giải thích rằng đây là kết quả của sự thích nghi. Màu sắc sinh động, bóng đổ tinh tế và hình dáng chau chuốt của côn trùng khiến ngay cả những họa sĩ xuất sắc nhất cũng phải bật khóc, làm cho chúng ta phải kinh ngạc thay. Họa tiết tinh tế trên đôi cánh bướm mỏng manh và kỹ thuật ngụy trang đa dạng của nhiều loài côn trùng ẩn mình trên nhành cây ngọn cỏ, cho chúng ta biết điều gì?

Tham khảo
Peter H. Raven & George B. Johnson, Sinh học, McGraw-Hill, Khoa học/Kỹ thuật /Toán học, (2013. Số ra tháng 1)
Kim Hyeong Ja, Tìm kiếm bậc thầy ngụy trang (tên gốc ‘위장술의 달인을 찾아라’), Mùi thơm khoa học của KISTI (18.04.2008)
Khoa học sự sống, của George Johnson và cộng sự
Peter Forbes, Dazzled and Deceived: Mimicry and Camouflage (Bị lóa mắt và lừa dối: Bắt chước và Ngụy trang), Nhà xuất bản Đại học Yale, 2011