Bởi việc tôn trọng lẫn nhau

11,116 lượt xem

Không có người nào ghét nghe những lời công nhận và thừa nhận tài năng và phong cách của mình cả. Dù chỉ là những điều nhỏ thôi, nhưng nếu được người khác đánh giá tốt thì chúng ta sẽ cảm thấy vui vẻ, bởi “nhu cầu được tôn trọng” khi người khác công nhận và quan tâm đã được đáp ứng.

Thật không quá lời khi nói rằng “sự tôn trọng” được coi là nhu cầu tự nhiên của con người, và là đức tính tốt đẹp đến mức trở thành đức tính cần thiết cho mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người. Thế nhưng gần đây, “sự tôn trọng” vốn không phải là điều mới đối với chúng ta, đang thường xuyên được mọi người nhắc đến. Đó là vì những lời than vãn và tự vấn về tình hình thực tại ngày càng nhiều, khiến văn hóa tôn trọng lẫn nhau đang dần biến mất.

Thời đại cần sự tôn trọng

Sự việc một nữ sinh tại một trường đại học nói xấu một công nhân vệ sinh ở tầm tuổi mẹ mình đã trở thành chủ đề nóng trên Internet. Ngay sau đó, câu chuyện về một phụ nữ trung niên đang dọn dẹp trung tâm thương mại bị một thiếu nữ la mắng, thậm chí hành hung được tiết lộ đã khiến công chúng phẫn nộ. Cả hai sự việc kèm theo từ cay đắng là “vô đạo đức” đã làm nóng dư luận, và những sự kiện tương tự đã lan truyền trên khắp thế giới khiến nhiều người phải cau mày.

Ngày nay, không khó để bắt gặp những người cư xử vô lễ ở nơi công cộng mà không quan tâm đến lập trường ​​của người khác. Trên Internet, vấn đề cư dân mạng thiếu nhận thức gây ra các cuộc tấn công cá nhân quá mức và vi phạm nhân quyền bằng vũ khí ẩn danh đã vượt quá mức nguy hiểm. Ý kiến chung là tất cả các sự việc này đều liên quan đến sự thiếu tôn trọng.

Sự thiếu tôn trọng cũng có thể dẫn đến tan vỡ gia đình. Một luật sư về ly hôn cho biết dù câu chuyện của mỗi người là khác nhau, nhưng hầu hết các trường hợp quyết định ly hôn đều cho rằng họ không được bạn đời tôn trọng. Nhân viên văn phòng nói rằng khoảnh khắc khó khăn nhất trong cuộc sống công sở là khi họ cảm thấy không được công ty hoặc đồng nghiệp tôn trọng.

Ở trường học cũng vậy. Nhóm nghiên cứu tại một trường đại học ở Tây Ban Nha đã tiến hành khảo sát đối với học sinh từ 11 đến 16 tuổi, và phát hiện lý do thanh thiếu niên tham gia bạo lực học đường là do nhu cầu được tôn trọng. Những đứa trẻ cảm thấy không được bạn bè tôn trọng sẽ biến ai đó thành vật hy sinh để được bạn bè công nhận và gây ra các vấn đề như bạo lực, bắt nạt.

Bất kỳ tổ chức nào cũng vậy, sự tôn trọng là điều cần thiết cho một mối quan hệ suôn sẻ. Khi sự tôn trọng biến mất, nhu cầu được tôn trọng của mọi người sẽ càng trở nên mạnh mẽ hơn.

Sức mạnh của sự tôn trọng

Tại trường Trung học phổ thông North County ở Glen Burnie, Maryland, Mỹ có một quy tắc ứng xử đặc biệt. Đó là “chương trình tôn trọng”. Ngay từ ngày đầu tiên nhậm chức, Phó hiệu trưởng Adam Sheinhorn đã đối mặt với tình trạng bạo lực giữa các học sinh. Sau đó, Sheinhorn đã đặt ra quy chế Sức mạnh của sự tôn trọng. Ông giải thích cặn kẽ cho các giáo viên, học sinh và phụ huynh về quy tắc ứng xử rằng “Chúng tôi tôn trọng bản thân, tôn trọng người khác, tôn trọng việc học tập và tài sản của trường. Chúng tôi thảo luận về việc tôn trọng sự khác biệt của nhau, và tôn trọng sự khác biệt trong lời nói và hành động”, đồng thời khích lệ họ thực hành sự tôn trọng.

Kể từ đó, bầu không khí ở trường đã hoàn toàn thay đổi. Các giáo viên khuyến khích học sinh bằng những lời khen thay vì chỉ ra lỗi lầm. Các học sinh bắt đầu củng cố mối quan hệ bởi việc chân thành chào hỏi lẫn nhau một cách tự nhiên và trò chuyện bằng cả tấm lòng. Khi các học sinh học được cách tôn trọng bản thân cũng như người khác thông qua chương trình tôn trọng, họ bắt đầu tích cực và chủ động tham gia các hoạt động ở trường. Kết quả là số học sinh bị cho thôi học trước đây là hơn 50 người mỗi năm, giờ đã giảm đi đáng kể. Việc giáo viên rời trường vì những lý do không đáng có cũng biến mất.

Mitarai Fujio, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Canon, người từng khởi nghiệp với tư cách là nhà sản xuất máy ảnh đạt được thành công và là huyền thoại ngành công nghiệp thiết bị văn phòng, cũng có phong cách quản lý dựa trên sự tôn trọng. Trong quá trình đóng cửa các hoạt động kinh doanh không có triển vọng và tổ chức lại doanh nghiệp, ông đã không lựa chọn phương pháp cắt giảm nhân sự mà các nhà quản lý thường sử dụng. Thay vào đó, ông tôn trọng ý kiến của nhân viên và tạo ra môi trường làm việc tốt hơn để mỗi cá nhân có thể phát huy hết khả năng của mình, nhờ đó tinh thần và lòng trung thành của nhân viên đã được thúc đẩy và trở thành động lực để vượt qua khủng hoảng. Trong khi hầu hết các doanh nghiệp lớn đang vật lộn với suy thoái kéo dài, Canon vẫn có thể duy trì tốc độ tăng trưởng liên tục.

Hầu hết mọi người có xu hướng cố gắng đáp ứng mong đợi của ai đó. Vì vậy, nếu được người khác tôn trọng, họ sẽ có ý chí mạnh mẽ trong động lực cá nhân. Vậy nên khi văn hóa tôn trọng được thiết lập trong một tổ chức, hiệu quả sẽ vượt ngoài sức tưởng tượng của chúng ta. Những đứa trẻ được gia đình tôn trọng sẽ biết cách tôn trọng bạn bè và hàng xóm. Những nhân viên được công ty và đồng nghiệp tôn trọng sẽ tôn trọng khách hàng của mình. Các giáo viên được phụ huynh và học sinh tôn trọng, các học sinh được tôn trọng thực hành sự tôn trọng lẫn nhau. Vòng tròn đạo đức của sự tôn trọng này sẽ mang lại sức mạnh to lớn mà nhất định không thể bỏ qua.

Ý nghĩa của sự tôn trọng

“Nếu muốn đối phương cười, hãy cười trước. Nếu muốn thu hút sự chú ý, hãy thể hiện sự quan tâm trước. Mọi người đối xử với bạn theo cách bạn đối xử với họ.”

Như chính trị gia người Anh Winston Churchill đã nói, mọi người tôn trọng đối phương theo cách họ được tôn trọng.

Tôn trọng nghĩa là “tấm lòng nâng cao và coi trọng đối phương”. Từ “respect” trong tiếng Anh bắt nguồn từ tiếng Latinh cổ “respectus”. Đây là động từ ghép được hình thành từ tiền tố “re (lại)” và “specere (nhìn)”. Nói một cách dễ hiểu, tôn trọng là “hành động nhìn lại đối phương”. Nếu cẩn thận nhìn lại ai đó, chúng ta sẽ hiểu được hoàn cảnh và lập trường của họ mà có thể chúng ta đã vô tình bỏ qua. Qua đó, chúng ta sẽ có thể thừa nhận sự khác biệt giữa họ và chúng ta để đến gần với họ. Đây chính là điểm khởi đầu của sự tôn trọng.

Những người duy trì mối quan hệ tốt với những người xung quanh thường có thái độ “tôn trọng” đối phương. Cách họ thực hành sự tôn trọng rất đa dạng. Giọng điệu nhẹ nhàng, lời chào lịch sự và ánh mắt ấm áp… Họ biết rất rõ rằng họ có thể bày tỏ sự tôn trọng với người khác bằng bất cứ cách nào, dù điều đó không lớn lao hay vĩ đại.

Càng thân thiết với ai đó, chúng ta càng cần nỗ lực để cư xử lịch sự, thừa nhận và tôn trọng những sở thích, thị hiếu khác biệt của nhau. Song không phải lúc nào cũng dễ để làm được như vậy. Một trong những lý do là “sự hiểu lầm” của chúng ta.

“Dù không nói ra thì anh ấy cũng hiểu tấm lòng của tôi mà.”

Sự nhầm lẫn hay ảo tưởng này thường rơi vào những mối quan hệ gần gũi, khiến chúng ta lướt qua hoặc thậm chí không nhận thức được điều đó với lý do xấu hổ ngay cả vào những thời điểm rất cần thể hiện sự tôn trọng. Vì điều này mà đối phương cảm thấy bị phớt lờ và có thể nảy sinh ác cảm với chúng ta, đôi khi chồng chất và tích tụ lại như quả cầu tuyết, cuối cùng khiến mối quan hệ phải chấm dứt. Vì vậy, thật tốt khi bày tỏ sự tôn trọng của mình với đối phương một cách tích cực nhất có thể. Sức mạnh của sự tôn trọng chỉ xuất hiện khi điều này được thể hiện ra mà thôi.

“Tôn trọng lẫn nhau làm trọn niềm vui của tôi”

Chúng ta là những người đã nhận được sự tôn trọng cao nhất từ Đức Chúa Trời. Đối với những tội nhân không còn lựa chọn nào khác ngoài việc nhận hình phạt đời đời vì những tội đã gây ra trên Nước Thiên Đàng, Đức Chúa Trời đã đến thế gian này và hầu cho chúng ta trở nên tồn tại có giá trị nhất bởi việc hy sinh bản thân Ngài cho đến chết.

“… Chớ làm sự chi vì lòng tranh cạnh hoặc vì hư vinh, nhưng hãy khiêm nhường, coi người khác như tôn trọng hơn mình. Mỗi một người trong anh em chớ chăm về lợi riêng mình, nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa. Hãy có đồng một tâm tình như Ðấng Christ đã có. Ngài vốn có hình Ðức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình đẳng mình với Ðức Chúa Trời là sự nên nắm giữ; chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người; Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự.” Philíp 2:3-8

Giờ là thời gian để chúng ta trau dồi, truyền bá và trao đi hết thảy những phẩm tính tạo nên văn hóa tôn trọng như tình yêu thương, sự hy sinh, quan tâm, hầu việc và khiêm nhường, v.v… mà đích thân Đức Chúa Trời đã làm gương cho chúng ta. Trong quá trình thực hiện sứ mệnh này, chúng ta sẽ nhận lãnh phước lành luôn được Đức Chúa Trời tôn trọng.

“… Vì phàm ai tôn kính ta, ta sẽ làm cho được tôn trọng, còn ai khinh bỉ ta, tất sẽ bị khinh bỉ lại.” I Samuên 2:30

“là Đấng đã chết vì chúng ta, hầu cho chúng ta hoặc thức hoặc ngủ, đều được đồng sống với Ngài. Vậy thì anh em hãy khuyên bảo nhau, gây dựng cho nhau, như anh em vẫn thường làm… Hãy lấy lòng rất yêu thương đối với họ vì cớ công việc họ làm.” I Têsalônica 5:10-13

Trên hết mọi sự, chúng ta hãy dâng hết cả tấm lòng mình lên Đức Chúa Trời, nhìn lại những người lân cận bằng tấm lòng khiêm tốn và tôn trọng, nhờ đó sức mạnh của sự tôn trọng có thể được bày tỏ ra cả thế giới. Chúng ta hãy bước đi trên con đường thực sự tôn trọng Đức Chúa Trời, là Đấng đã tôn trọng chúng ta, tôn trọng thế giới và hoàn thành sứ mệnh truyền bá Tin Lành được trao cho mỗi chúng ta.