Hội Thánh của Đức Chúa Trời được gọi là Siôn. Phải có lý do nào chăng?

30,989 lượt xem

Tên của Hội Thánh mà Đấng Christ đã lập ra trên trái đất này vào 2000 năm trước là Hội Thánh của Đức Chúa Trời (I Côrinhtô 1:2, 11:22, Galati 1:13). Hội Thánh của Đức Chúa Trời cũng được gọi là Siôn (Hêbơrơ 12:22, Khải Huyền 14:1). Khi dò xem Siôn là nơi như thế nào thì có thể hiểu lý do chúng ta gọi Hội Thánh của Đức Chúa Trời là Siôn.

Siôn là tên một ngọn núi nhỏ ở Giêrusalem. Sau khi hòm giao ước của Đức Chúa Trời được đặt tại đây thì cái tên “Siôn” đã được sử dụng. Siôn không chỉ biểu tượng cho Giêrusalem mà cho cả nước Ysơraên nữa (I Các Vua 8:1). Để hiểu rõ lý do Hội Thánh của Đức Chúa Trời được gọi là Siôn, thì trước hết chúng ta cần tìm hiểu về mối quan hệ giữa vua Đavít và Đức Chúa Jêsus.

Vua Đavít và Đức Chúa Jêsus

Đức Chúa Jêsus đã đến thế gian này với tư cách là vua Đavít tiên tri (Êsai 9:5-6).

“Nầy, ngươi sẽ chịu thai và sanh một con trai mà đặt tên là Jêsus. Con trai ấy sẽ nên tôn trọng, được xưng là Con của Đấng Rất Cao; và Chúa, là Đức Chúa Trời, sẽ ban cho Ngài ngôi Đavít là tổ phụ Ngài…” Luca 1:31-32

Trong số rất nhiều các nhân vật trong Kinh Thánh Cựu Ước, thì có lý do để vua Đavít biểu tượng cho Đức Chúa Jêsus. Công việc của vua Đavít ở thời đại Cựu Ước là hình bóng cho công việc mà Đức Chúa Jêsus sẽ làm vào thời Tân Ước.

Trong số rất nhiều thành tựu đã đạt được thì công việc đáng nhớ nhất của vua Đavít chính là dựng nên Siôn. Sau khi ra khỏi xứ Êdíptô và đi vào xứ Canaan, kể từ thời của Giôsuê, người dân Ysơraên đã chiếm được phần lớn đất của xứ Canaan. Tuy nhiên, họ vẫn không thể chinh phục được Siôn trong suốt hơn 400 năm, và Siôn vẫn thuộc về người Giêbusít.

Sau khi trở thành vua, Đavít đã chinh phục được Siôn là vùng trung tâm của xứ Canaan. Rồi vua cho xây các thành và pháo đài trong đồn để làm cho kiên cố hơn nữa. Về sau, Đavít lập Siôn làm thủ đô của nước Ysơraên và trị vì người dân tại Siôn. Bởi đó mà Đavít đã trở thành vị vua đầu tiên dựng nên Siôn và trị vì tại đó. Cũng bởi vậy mà đồn Siôn được gọi là thành Đavít. Cho nên, Đavít và Siôn có mối quan hệ mật thiết không thể tách rời.

“Nhưng Đavít hãm lấy đồn Siôn: ấy là thành Đavít… Đavít ở trong đồn, đặt tên là thành Đavít; người xây vách tứ vi từ Milô trở về trong. Đavít càng ngày càng cường thạnh, và Giêhôva là Đức Chúa Trời vạn quân ở cùng người.” II Samuên 5:7-10

Trên thực tế, Đức Chúa Jêsus đã đến trái đất này với tư cách là vua Đavít tiên tri, nghĩa là Đức Chúa Jêsus đã dựng nên Siôn và trở thành vua trị vì trên người dân trong Siôn. Siôn mà Đức Chúa Jêsus đã lập và trị vì không phải Siôn phần xác mà là Siôn phần linh hồn.

Siôn phần linh hồn được lập bởi Đức Chúa Jêsus

Siôn phần linh hồn là nơi ngự của Đức Chúa Trời cho đến đời đời. Đây là nơi phước lành của sự sống đời đời được ban cho người dân vốn bị định phải chết.

“Vì Đức Giêhôva đã chọn Siôn; Ngài ước Siôn làm nơi ở của Ngài; Đây là nơi an nghỉ ta đời đời; Ta sẽ ngụ ở đây, vì ta có ước ao như thế.” Thi Thiên 132:13-14

“Lại khác nào sương móc Hẹtmôn Sa xuống các núi Siôn; Vì tại đó Đức Giêhôva đã ban phước, tức là sự sống cho đến đời đời.” Thi Thiên 133:3

Sự sống đời đời là phước lành chỉ có thể được ban cho khi Đức Chúa Jêsus đến (Giăng 10:10). Lời rằng “Người dân nhận sự sống đời đời trong Siôn” là lời tiên tri cho biết Đức Chúa Jêsus sẽ đến trái đất này và dựng nên Siôn phần linh hồn. Bởi vậy vào thời đại Tân Ước, chúng ta phải đi đến Siôn nếu muốn gặp Đức Chúa Trời và nhận lãnh phước lành của sự sống đời đời. Đấng tiên tri Êsai đã tiên tri rằng Siôn phần linh hồn là nơi Đức Chúa Trời ngự, nơi ban sự tha tội và là nơi giữ các kỳ lễ trọng thể.

“Hãy nhìn xem Siôn, là thành của các kỳ lễ trọng thể chúng ta! Mắt ngươi sẽ thấy Giêrusalem, là chỗ ở yên lặng, là trại sẽ không dời đi nữa, các nọc nó chẳng hề nhổ lên, chẳng có một cái dây nào đứt! Vì Đức Giêhôva sẽ ở đó với chúng ta trong sự oai nghi, là nơi có sông ngòi rất rộng, không thuyền chèo đi lại, chẳng tàu lớn vượt qua. Thật, Đức Giêhôva là quan xét chúng ta, Đức Giêhôva là Đấng lập luật cho chúng ta, Đức Giêhôva là vua chúng ta; chính Ngài sẽ cứu chúng ta!… Kẻ ở trong nó sẽ được tha tội.” Êsai 33:20-24

Siôn được nhắc đến ở trên đồng nhất với Siôn phần linh hồn mà Đấng Christ đã dựng nên, ngự và trị vì theo như đã được tiên tri trong sách Thi Thiên khi Ngài đến với tư cách là vua Đavít. Siôn được miêu tả là nơi giữ các kỳ lễ trọng thể, có nghĩa rằng Đức Chúa Jêsus là vua Đavít sẽ lập nên Hội Thánh giữ các kỳ lễ trọng thể của Đức Chúa Trời.

Trên thực tế, Đức Chúa Jêsus đã lập các kỳ lễ trọng thể của giao ước mới vì sự cứu rỗi của chúng ta.

Hội Thánh của Đức Chúa Trời là Siôn, nơi giữ các kỳ lễ trọng thể

Lời tiên tri trong sách Thi Thiên rằng “Phước lành của sự sống đời đời sẽ được ban cho trong Siôn”, và lời tiên tri trong sách Êsai rằng “Sự tha tội sẽ được ban cho trong Siôn, là nơi giữ các kỳ lễ trọng thể” đã được ứng nghiệm hết thảy bởi Lễ Vượt Qua mà Đức Chúa Jêsus đã giữ cùng các môn đồ.

Để nhận phước lành của sự sống đời đời, chúng ta phải ăn thịt và uống huyết của Đức Chúa Jêsus (Giăng 6:53-54). Đức Chúa Jêsus đã phán bánh và rượu nho của Lễ Vượt Qua là thịt và huyết của Ngài mà bởi đó, Ngài hứa cùng chúng ta sự tha tội. Thông qua lễ trọng thể Lễ Vượt Qua của Đức Chúa Trời, Ngài đã ban phước lành sự tha tội và sự sống đời đời mà loài người bị định phải chết mong muốn nhất.

“Trong ngày thứ nhứt ăn bánh không men, môn đồ đến gần Đức Chúa Jêsus mà thưa rằng: Thầy muốn chúng tôi dọn cho thầy ăn lễ Vượt qua tại đâu? Ngài đáp rằng: Hãy vào thành, đến nhà một người kia, mà nói rằng: Thầy nói: Giờ ta gần đến; ta và môn đồ ta sẽ giữ lễ Vượt qua trong nhà ngươi. Môn đồ làm y như lời Đức Chúa Jêsus đã dạy mà dọn lễ Vượt qua… Khi đương ăn, Đức Chúa Jêsus lấy bánh, tạ ơn rồi, bẻ ra đưa cho môn đồ mà rằng: Hãy lấy ăn đi, nầy là thân thể ta. Ngài lại lấy chén, tạ ơn rồi, đưa cho môn đồ mà rằng: Hết thảy hãy uống đi; vì nầy là huyết ta, huyết của sự giao ước đã đổ ra cho nhiều người được tha tội.” Mathiơ 26:17-28

Sau khi Đức Chúa Jêsus thăng thiên, Ngài đã ban cho Hội Thánh món quà lớn nhất là “Đức Thánh Linh”. Bởi quyền năng của Đức Thánh Linh mà sự hồi sinh kỳ diệu đã diễn ra trong Hội Thánh sơ khai. Và Đức Thánh Linh được ban cho các thánh đồ mà đã cầu nguyện khẩn thiết từ Ngày Thăng Thiên và giữ Lễ Ngũ Tuần.

Đến ngày lễ Ngũ tuần, môn đồ nhóm họp tại một chỗ. Thình lình, có tiếng từ trời đến như tiếng gió thổi ào ào, đầy khắp nhà môn đồ ngồi. Các môn đồ thấy lưỡi rời rạc từng cái một, như lưỡi bằng lửa hiện ra, đậu trên mỗi người trong bọn mình. Hết thảy đều được đầy dẫy Đức Thánh Linh, khởi sự nói các thứ tiếng khác, theo như Đức Thánh Linh cho mình nói. Công Vụ Các Sứ Đồ 2:1-4

Đồng thời, Đức Chúa Jêsus đã hứa ban nước sự sống cho người dân giữ Lễ Lều Tạm. Ngài đã ban nước sự sống cần thiết cho những linh hồn đang khát thông qua lễ trọng thể Lễ Lều Tạm.

“Vả, ngày lễ của dân Giuđa, gọi là lễ Lều tạm gần đến.” Giăng 7:2

“Ngày sau cùng, là ngày trọng thể trong kỳ lễ, Đức Chúa Jêsus ở đó, đứng kêu lên rằng: Nếu người nào khát, hãy đến cùng ta mà uống. Kẻ nào tin ta thì sông nước hằng sống sẽ chảy từ trong lòng mình, y như Kinh thánh đã chép vậy. Ngài phán điều đó chỉ về Đức Thánh Linh mà người nào tin Ngài sẽ nhận lấy; bởi bấy giờ Đức Thánh Linh chưa ban xuống, vì Đức Chúa Jêsus chưa được vinh hiển.” Giăng 7:37-39

Hơn nữa, Đức Chúa Jêsus đã giữ lễ trọng thể hàng tuần là ngày Sabát theo thói quen, và làm gương để chúng ta nhận ra Đức Chúa Trời chính là Đấng dựng nên trời đất và muôn vật (Lêvi Ký 23:2-3, Êxơra 31:13, Êxêchiên 20:21).

“Đức Chúa Jêsus đến thành Naxarét, là nơi dưỡng dục Ngài. Theo thói quen, nhằm ngày Sabát, Ngài vào nhà hội, đứng dậy và đọc.” Luca 4:16

Thông qua các kỳ lễ trọng thể của giao ước mới, Đức Chúa Jêsus đã ban phước lành tuyệt đối cần thiết cho các thánh đồ như sự tha tội, sự sống đời đời, Đức Thánh Linh, nước sự sống v.v… Đấng Christ đến với tư cách là vua Đavít đã dựng nên Siôn phần linh hồn, là nơi giữ các kỳ lễ trọng thể của giao ước mới. Siôn phần linh hồn này mà đã được Đức Chúa Jêsus lập ra vào 2000 năm trước chắc chắn là Hội Thánh của Đức Chúa Trời (I Côrinhtô 1:2, 11:22, Galati 1:13).

Đức Chúa Trời đã lập lại Siôn vào những ngày sau rốt

Nhắc đến Hội Thánh của Đức Chúa Trời mà lại loại trừ Siôn thì có nghĩa là họ không hiểu biết chính xác Hội Thánh của Đức Chúa Trời mà Đức Chúa Jêsus đã lập là nơi thể nào. Thế thì tại sao nhiều hội thánh nhắc đến Siôn nhưng lại không biết đến các kỳ lễ trọng thể của giao ước mới? Theo như một lời ví dụ thì đó là bởi ma quỉ đã gieo cỏ lùng, tức sự trái luật pháp ra thế gian để cản trở công việc Tin Lành của Đấng Christ được ví với công việc làm nông phần linh hồn.

“Nhưng đương khi người ta ngủ, thì kẻ thù chủ ruộng liền đến, gieo cỏ lùng vào trong lúa mì, rồi đi.” Mathiơ 13:25

“Kẻ nghịch thù gieo cỏ ấy, là ma quỉ; mùa gặt, là ngày tận thế; con gặt, là các thiên sứ. Còn người ta nhổ cỏ lùng mà đốt trong lửa thể nào… Con người sẽ sai các thiên sứ Ngài thâu mọi gương xấu và những kẻ làm ác khỏi nước Ngài, và quăng những người đó vào lò lửa…” Mathiơ 13:39-42

Đấng tiên tri Đaniên cũng đã tiên tri rằng ma quỉ là kẻ nói phạm Đức Chúa Trời sẽ thay đổi các kỳ lễ trọng thể mà Đức Chúa Trời lập ra vì sự cứu rỗi của linh hồn chúng ta.

“Vua đó sẽ nói những lời phạm đến Đấng Rất Cao, làm hao mòn các thánh của Đấng Rất Cao, và định ý đổi những thời kỳ và luật pháp…” Đaniên 7:25

Thật đáng buồn cho chúng ta là lời tiên tri trên đã được ứng nghiệm. Siôn đã bị phá hủy và đổ nát (Êsai 51:3). Điều này có nghĩa rằng không ai có thể nhận được phước lành của sự sống đời đời. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời là Đấng biết trước sự cản trở này nên Ngài đã tiên tri rằng Ngài sẽ đến thế gian này một lần nữa với tư cách là vua Đavít và lập lại Siôn (Luca 18:8, Giăng 10:16, Thi thiên 102:16, Êxêchiên 37:24).

“Xảy ra trong những ngày sau rốt, núi của nhà Đức Giêhôva sẽ lập lên trên chót các núi, và sẽ được nhắc cao lên hơn các đồi. Các dân sẽ chảy về đó; và nhiều nước sẽ đi đến đó, mà rằng: Hãy đến, chúng ta hãy lên núi của Đức Giêhôva, nơi nhà của Đức Chúa Trời Giacốp! Ngài sẽ dạy chúng ta về đường lối Ngài, và chúng ta sẽ đi trong các nẻo Ngài. Vì luật pháp sẽ ra từ Siôn, lời của Đức Giêhôva từ Giêrusalem.” Michê 4:1-2

Kinh Thánh đã tiên tri rằng muôn nước và muôn dân sẽ chảy đến Siôn mà sẽ được lập lại vào những ngày sau rốt, và rằng họ sẽ tiếp nhận lời dạy dỗ của Đức Chúa Trời. Theo lời tiên tri này, Siôn được khôi phục vào thời đại này chính là nơi Đức Chúa Trời ngự và ban phước lành của sự sống đời đời. Đức Chúa Trời Cha Mẹ đã đến và lập lại Siôn, là nơi giữ các kỳ lễ trọng thể của Đức Chúa Trời. Đó chính là Hội Thánh của Đức Chúa Trời.

Các con cái của Đức Chúa Trời có niềm trông mong sự sống đời đời, sự tha tội, Đức Thánh Linh và nước sự sống đang từ khắp nơi trên thế giới mà chảy đến Hội Thánh của Đức Chúa Trời, là nơi giữ các kỳ lễ trọng thể của giao ước mới. Chúng ta, những người đã đến Siôn trước và nhận phước lành thông qua ân huệ của Đức Chúa Trời, cần phải rao truyền thật nhiều hơn nữa về tin tức vui mừng rằng “Đức Chúa Trời đã khôi phục Siôn, là nơi giữ các kỳ lễ trọng thể theo những lời tiên tri của Kinh Thánh.”