Giao tiếp chứa đựng sự quan tâm, con đường tắt để hoàn thành Tin Lành

7,559 lượt xem

Em bé vừa mới chào đời thì việc đầu tiên nhất chính là cất tiếng khóc. Khi cất tiếng khóc cũng là lúc không khí đi vào phổi và em bé lần đầu tiên được hít thở.

Tiếng khóc đầu đời chính là sự hô hấp đầu tiên. Đồng thời, việc đó cũng mang ý nghĩa là lần đầu tiên giao tiếp với thế giới. Em bé cho biết sự tồn tại của mình bằng một tiếng khóc to khỏe. Con người hít thở từ khoảnh khắc hô hấp lần đầu tiên cho đến ngày kết thúc sự sống. Giống như vậy, con người cũng sinh sống trong khi giao tiếp với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và hàng xóm suốt cả cuộc đời. Có thể gọi việc giao tiếp với người khác chính là sự hô hấp về mặt tinh thần. Giống như việc hít thở thoải mái là yếu tố cơ bản của một sức khoẻ tốt, thì việc giao tiếp không bị trở ngại chính là nền tảng của một cuộc sống hạnh phúc.

Con người là tồn tại sinh sống trong khi giao tiếp

“Cast Away” là một bộ phim kể về hành trình của một người đàn ông bình thường bị trôi giạt trên đảo hoang sau một vụ tai nạn máy bay và được trở về nhà sau 4 năm. Trong suốt khoảng thời gian dài ở nơi hoang dã mà chỉ có một mình, điều khiến cho nhân vật chính khổ sở nhất không phải là đói cũng không phải là lạnh, mà chính là sự cô đơn. Không chịu đựng nổi điều này, anh ấy đã tạo ra một người bạn. Anh ấy đã vẽ mặt người lên quả bóng chuyền và bắt đầu trò chuyện với nó. Nhân vật chính thường hay mở lời chào hỏi quả bóng chuyền “Wilson”, vừa chịu đựng nỗi cô đơn.

Dù là một người có năng lực vượt trội đến đâu đi chăng nữa thì cũng không thể sống một mình. Từ những việc thường nhật nhỏ nhặt như mua sắm ở siêu thị hay mua đồ ăn ở nhà hàng cho đến những việc trọng đại quyết định vận mệnh của đất nước như giáo dục, kinh doanh, chính trị và ngoại giao v.v…, tất thảy đều được thực hiện thông qua mối quan hệ giữa người với người bằng việc “nói và nghe”. Nhà triết học cổ đại Aristotle đã nhấn mạnh về đặc tính này và gọi loài người là “động vật có tính xã hội”.

Trong xã hội ngày càng phức tạp như hiện nay, các mối quan hệ nhân sinh mà chúng ta thiết lập đã trở nên đa dạng hơn rất nhiều. Trước đây, đối tượng giao lưu của chúng ta chỉ giới hạn trong gia đình, hàng xóm, trường học và nơi công sở. Nhưng giờ đây, vượt ra khỏi hàng rào đó, chúng ta đang giao tiếp với rất nhiều người trên thế giới có chung mối quan tâm. Trong khi chia sẻ thông tin và quan điểm với nhiều người, chúng ta xác nhận sự tồn tại của bản thân và cảm thấy hạnh phúc khi những giá trị của mình được công nhận.

Sự phát triển đột phá của công nghệ thông tin đang tạo ra một hệ sinh thái truyền thông rộng rãi và tiện lợi hơn. Chỉ cần gõ vào màn hình điện thoại thông minh bằng một ngón tay thì ngay lập tức có thể gửi tin nhắn cho bạn bè ở phía bên kia của trái đất. Hội chứng SNS1 đang bùng lên khắp thế giới đến mức thói quen sinh hoạt cứ cầm điện thoại thông minh trên tay suốt cả ngày đang trở thành một vấn đề xã hội, điều đó phản ánh nhu cầu giao tiếp vượt trội của con người thời hiện đại. Đến mức này thì có thể nói rằng việc giao tiếp cũng quan trọng giống như ăn cơm bữa.

1. Social Networking Service: Dịch vụ cho phép kết nối mối quan hệ với nhiều người không xác định trên mạng trực tuyến.

Giao tiếp rất cần thiết nhưng không dễ dàng

“Con người là những mối dây, là nút thắt và mạng lưới được kết nối với nhau bằng mối quan hệ tương hỗ. Vấn đề duy nhất chỉ là mối quan hệ giữa người với người.”

Như lời của Saint-Exupéry, tác giả cuốn sách Hoàng Tử Bé đã nói, để mối quan hệ con người được tốt đẹp thì cần phải giao tiếp tốt, nhưng điều đó lại không hề dễ dàng. Nhiều người xảy ra mâu thuẫn, hiềm khích và chuốc lấy đau khổ do giao tiếp không đúng cách với những người xung quanh. Cha mẹ với con cái, chồng với vợ, thầy cô giáo với học trò, cấp trên với cấp dưới, người bán với người mua, cầu thủ với huấn luyện viên, doanh nghiệp với chính phủ, hễ là nơi có người tập hợp lại thì nơi đó sẽ phát sinh nhiều vấn đề do bất đồng quan điểm.

Theo một cuộc khảo sát cho thấy nguyên nhân hàng đầu khiến cho nhân viên công sở không cảm thấy vui chính là vì “mối quan hệ khó khăn giữa người với người”. Điều này nghĩa là tuy mối quan hệ nhân sinh quan trọng đến mức ấy, nhưng đồng thời lại rất khó khăn. Kể cả ở trong trường học cũng vậy. Gần một nửa thanh thiếu niên đã trải qua sự bắt nạt bạn bè trong vòng 6 tháng, và trường hợp bị tẩy chay chiếm đến 30%. Mặc dù có nhiều nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc bắt nạt, nhưng việc thiếu giao tiếp chiếm tỷ lệ cao. Mâu thuẫn giữa bạn bè không được giải quyết thông qua đối thoại và cứ thế bị tuyệt giao hoàn toàn.

Những mâu thuẫn do giao tiếp xảy ra một cách thường xuyên hơn trong các mối quan hệ thân thiết. Tỷ lệ ly hôn đang có xu hướng gia tăng mỗi năm, và nguyên nhân lớn nhất dẫn đến thất bại trong đời sống hôn nhân chính là “sự khác biệt tính cách”. Có nhiều trường hợp thay vì có những vấn đề chí mạng về tính cách của người bạn đời, mà chỉ vì không khắc phục được sự “khác biệt” về mặt chữ, nên đã đặt dấu chấm hết cho cuộc sống hôn nhân của mình.

Không có bất cứ ai mong muốn xảy ra sự mâu thuẫn với gia đình yêu dấu, bạn bè quý trọng hoặc với những đồng nghiệp phải hợp tác lẫn nhau. Ai cũng mong muốn làm cho nhau hạnh phúc và nỗ lực hết sức có thể để duy trì mối quan hệ tốt đẹp. Cho nên, ngay cả khi khó để gặp mặt nói chuyện trực tiếp, thì nhiều người vẫn tạo cơ hội giao tiếp dù thông qua các phương tiện như điện thoại và internet.

Tuy nhiên, có không ít lời than thở rằng càng nỗ lực cố gắng thì mối quan hệ nhân sinh lại càng trở nên rối như tơ vò. Họ nói rằng mặc dù cơ hội giao tiếp được tăng lên, nhưng bức tường vô hình ngăn cách giữa người với người ngày càng cao, hậu quả là cuộc đối thoại đã bị gián đoạn. Rốt cuộc, vấn đề đó là gì?

Sự khác biệt nhỏ nhoi giữa sự thông hiểu và bất đồng

Vào cuối năm 2008, tại phố Wall của Mỹ (Trung tâm giao dịch tài chính và chứng khoán của Mỹ tại thành phố New York), một ngân hàng đầu tư đã bị phá sản khiến cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra. Ngân hàng gặp vấn đề là một trong những ngân hàng đầu tư đứng thứ 4 nước Mỹ, và CEO của ngân hàng ấy là nhân vật đã thành công đưa công ty từng gặp khó khăn vào những năm 1980 lên vị trí hàng đầu thế giới.

“Tôi đã gây dựng công ty này. Công ty này là công ty có giá trị cao hơn nhiều so với những gì thị trường công nhận.”

Đây là lời mà ông ấy hay lặp đi lặp lại thường ngày như câu cửa miệng. Quá tự tin vào năng lực phán đoán và tri thức của bản thân bằng kinh nghiệm thành công của mình, ông ấy đã điều hành công ty một cách độc đoán mà không lắng nghe lời cảnh báo của những nhân tài đắc lực, kết cục đã dẫn đến sự sụp đổ của công ty.

Nhà sử học Arnold Toynbee đã gọi điều này là “Hubris”, một hiện tượng mà những người từng kinh nghiệm sự thành công trong quá khứ tin rằng năng lực và phương pháp luận của bản thân là đúng vô điều kiện. Hubris là từ có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp, có nghĩa là “sự ngạo mạn”, và mang ý nghĩa là “sự ngạo mạn vượt qua lĩnh vực của thần” mà không chịu thừa nhận những giới hạn của con người.

Dù không phải là một ví dụ cực đoan như “Hubris”, nhưng người ta vẫn thường suy nghĩ và phán đoán dựa trên nền tảng kiến thức và kinh nghiệm của bản thân. Vấn đề phát sinh từ đây. Giống như khuôn mặt của mỗi người đều khác nhau, thì giá trị quan của mỗi cá nhân cũng khác nhau và hoàn cảnh sống cũng khác nhau, nhưng vẫn cố chấp vào ý kiến chủ quan của bản thân và cứ tiếp diễn cuộc đối thoại mang tính một chiều trong khi bỏ qua những khác biệt cơ bản thì sự mâu thuẫn sẽ được gieo trồng.

Phong cách đối thoại của người hiện đại cũng góp phần gây ra sự bất đồng trong giao tiếp. Ngày nay mọi việc được xử lý “nhanh lên, nhanh lên”, các cuộc đối thoại cũng diễn ra một cách ngẫu hứng. Người ta nói, gửi tin nhắn và bình luận ngay lập tức mà không có thời gian để suy nghĩ. Miệng phản ứng trước và các ngón tay chuyển động nhanh hơn cả não bộ. Một lời nói thiếu cẩn trọng trở nên mầm mống của sự hiểu lầm và mồi lửa của cuộc tranh cãi.

Thói quen nói sai lầm khiến cho mối quan hệ nhân sinh càng trở nên xấu hơn. Những lời nói coi thường như “Cậu thì biết cái gì!”, “Cậu né ra chút đi, dù có giải thích thì cậu cũng không hiểu đâu!”, và những lời nói công kích như “Cậu chính là vấn đề đó!”, “Cậu lúc nào cũng làm bộ dạng đó!”, những lời ấy làm tổn thương lòng tự trọng của đối phương và khiến cho họ nổi giận mà không cần biết ý đồ của câu nói đó là gì. Bởi vì những lời nói thế này được phát ra như một thói quen mà bản thân mình cũng không biết, nên đa số đều không biết nguyên nhân thực sự là gì kể cả khi đối phương cảm thấy khó chịu.

Do đó, việc giải quyết vấn đề trở nên khó khăn nếu chỉ có đối phương tìm kiếm lý do của việc giao tiếp không được suôn sẻ. Nếu muốn thay đổi từ “bất đồng” thành “thông hiểu” thì cần thiết tự suy xét cẩn thận xem liệu chúng ta có đang chủ trương duy chỉ ý kiến của mình hay không, có đang nói mà không suy nghĩ hay không, hoặc có thói quen nói mà không suy nghĩ chăng.

Giao tiếp thể hiện sự quan tâm

Giao tiếp là quá trình mà những con người có cá tính và giá trị quan khác nhau khỏa lấp sự khác biệt lẫn nhau. Schopenhauer đã giải thích điều này thông qua ví dụ về con nhím. Các con nhím lại gần nhau để tránh cái lạnh, nhưng rồi chúng lùi lại khi những cái gai nhọn hoắt đâm vào thịt nhau. Các con nhím tìm ra một khoảng cách thích hợp trong khi chúng cứ lặp đi lặp lại việc đến gần và lùi lại.

Mối quan hệ giữa người với người cũng được thiết lập thông qua sự thử nghiệm đúng và sai như thế. Định nghĩa của sự thông hiểu trong từ điển là “thông hiểu ý muốn của nhau mà không có sự hiểu lầm”. Cần thiết quá trình thấu hiểu và trung hòa ý kiến để đạt đến sự thông suốt tuyệt đối ý muốn của nhau. “Chú ý lắng nghe” chính là tư thế cần có vào lúc này. Người ta thường nghĩ rằng để sự giao tiếp không bị cản trở thì phải ăn nói thật giỏi, tuy nhiên “lắng nghe” mới là điều quan trọng hơn cả việc “nói”. Một chuyên gia nổi tiếng về lĩnh vực giao tiếp đưa ra lời khuyên rằng hãy dành 90% cuộc đối thoại cho việc lắng nghe, và 10% còn lại cho việc nói.

Con người luôn coi mình là trọng tâm và có khuynh hướng chỉ tin vào những gì mắt nhìn thấy. Chúng ta dễ dàng bỏ lỡ những sự thật không trông thấy bằng mắt trong khi phán đoán những điều thực tế mà mắt chúng ta thấy được. Trong mối quan hệ thứ bậc đưa ra chỉ thị và tiếp nhận mệnh lệnh thì lại càng có nhiều điều bị bỏ sót vì cuộc đối thoại chủ yếu được tiến hành chủ đạo từ một phía. Để hiểu biết về sự thật mà mắt mình không thấy, thì chúng ta lắng nghe câu chuyện trong khi mắt đối mắt với đối phương ở vị trí bình đẳng thoát ra khỏi mối quan hệ thứ bậc. Không chỉ lắng nghe một cách đơn thuần, mà nên đặt mình vào lập trường của người ấy mà suy nghĩ về hoàn cảnh đó. Cũng không quá muộn để nói ra ý kiến của mình sau khi lắng nghe hết câu chuyện.

Khi nói cũng có những điều cần phải chú ý. Việc cố phân định thắng thua trong mọi sự mọi việc bởi lời nói “Tôi đúng, bạn sai” là một điều cấm kỵ. Đương nhiên cũng có những tình huống mà chúng ta phải lựa chọn đúng sai phải trái, nhưng nếu chúng ta tấn công vào khuyết điểm của đối phương với những lý luận chặt chẽ như thể đang trải qua một cuộc chiến để quán triệt chủ trương của bản thân, thì không biết chừng có thể đạt được mục tiêu của mình, nhưng khả năng cao là sẽ để lại sự tổn thương trong tấm lòng của đối phương. Nên phán đoán trước hết đây là vấn đề phải chọn lựa đúng sai phải trái, hay là nên nhượng bộ nếu đó là việc không có vấn đề gì dù làm thế này hay làm thế kia mới tốt, có thể nói rằng đó là phương pháp giao tiếp khôn ngoan.

Một điều nữa là, chúng ta phải truyền đạt một cách chính xác điều mình muốn nói. Ví dụ như, khi các món ăn Hàn Quốc như Bibimbap và Bulgogi được biết đến trên toàn thế giới, ngày càng có nhiều người nước ngoài muốn học cách nấu các món ăn này, nhưng cũng có nhiều lời phàn nàn về công thức chế biến. Đó là vì công thức không được rõ ràng như “lượng muối vừa phải”, “lượng đường phù hợp”.

Sự hiểu lầm dễ xảy ra nếu chúng ta giải thích một cách qua loa và đoán rằng chắc là mọi người đều hiểu. Để tránh những mâu thuẫn không cần thiết, thì việc quan trọng là cần sắp xếp các điểm chính và cho biết một cách bài bản, dù có hơi phức tạp.

Trước tiên hãy lắng câu chuyện của đối phương và đong đếm tấm lòng họ, rồi mắt đối mắt sao cho người đó có thể nghe hiểu rõ và hãy nói một cách đơn giản và chính xác. Rốt cuộc, sự thông hiểu được bắt đầu từ sự quan tâm. Những yếu tố thông hiểu thể này đương nhiên cũng có thể quen thuộc với bất cứ ai. Thế nhưng, dù biết rõ đến đâu đi chăng nữa mà không thực tiễn, thì cũng là vô ích.

Dù ở bất cứ đâu thì cách giao tiếp của Mẹ đều được tiếp nhận

Tin Lành giao ước mới đã được truyền bá trên toàn thế giới trong nháy mắt, và ngọn cờ của Siôn đã được dựng nên trên 7500 khu vực tại 175 quốc gia. Theo lời tiên tri, muôn dân các nước, gia đình phần linh hồn bị lạc mất từ trên trời đang chạy đến và được ôm vào lòng của Đức Chúa Trời Êlôhim. Việc có nhiều người nhà trên trời hơn cũng đồng nghĩa với việc đối tượng mà chúng ta phải giao tiếp cũng tăng lên theo, và những khó khăn trong giao tiếp cũng có thể phát sinh thêm.

“Trong miệng kẻ ngu dại có cây roi đánh phạt sự kiêu ngạo nó; Song môi người khôn ngoan giữ lấy người. Đâu không có bò, đó máng cỏ trống không; Nhưng nhiều hoa lợi do nơi sức bò đực mà ra.” Châm Ngôn 14:3-4

Để gia đình trên trời được hòa thuận bằng tình yêu thương không có sự xung đột, hiểu lầm và hiềm khích, thì nhất thiết cần có một quá trình giao tiếp. Khi chúng ta hiệp một tấm lòng với anh em chị em ở bên cạnh mình bây giờ, thì chúng ta mới có thể giao tiếp mà không có sự ngăn cách với những người khác nhau trong thế giới rộng lớn và rao truyền được tình yêu thương của Đức Chúa Trời.

Sự thông hiểu, tuyệt đối không phải là việc khó khăn. Chỉ cần thực hiện giống như cách Đức Chúa Trời đã đối xử với chúng ta là được. Như có lời chép rằng “Bởi sự đầy dẫy trong lòng mà miệng mới nói ra” (Mathiơ 12:34), việc mang lấy tấm lòng của Đức Chúa Trời và làm theo những gì Đức Chúa Trời đã làm gương chính là cách giao tiếp tốt nhất.

”Trước ngày lễ Vượt qua, Đức Chúa Jêsus biết giờ mình phải lìa thế gian đặng trở về cùng Đức Chúa Trời Cha đến rồi; Ngài đã yêu kẻ thuộc về mình trong thế gian, thì cứ yêu cho đến cuối cùng… nên đứng dậy khỏi bàn, cởi áo ra, lấy khăn vấn ngang lưng mình. Kế đó, Ngài đổ nước vào chậu, và rửa chân cho môn đồ, lại lấy khăn mình đã vấn mà lau chân cho.” Giăng 13:1, 4-5

Vì sự cứu rỗi của nhân sinh, Đức Chúa Jêsus đã đến trong xác thịt mà hết thảy đều có thể nhìn biết và phán lời bằng giọng tiếng mà bất cứ ai cũng có thể nghe hiểu được. Trong Lễ tiệc thánh Lễ Vượt Qua trước khi chịu khổ nạn trên thập tự giá, bằng tư thế hạ mình, Đức Chúa Jêsus đã rửa chân cho các môn đồ, là một việc làm bị coi là tầm thường, qua đó Ngài cho thấy tấm gương giao tiếp bằng sự hầu việc. Ngày hôm nay, Mẹ trên trời cũng đang cho thấy tấm gương giao tiếp khiêm tốn bằng cách mắt đối mắt với các con cái và lắng nghe câu chuyện của từng một người, từng một người. Dù là hôm qua hay hôm nay, phương pháp Đức Chúa Trời giao tiếp với các con cái là “sự quan tâm” kết hợp với lòng khiêm tốn và sự hầu việc.

Giờ là lúc Nước Thiên Đàng vinh hiển đang ở trước mắt chúng ta, là quá trình các anh em chị em biến hóa thành cái được trọn vẹn có thể thấu hiểu và tôn trọng lẫn nhau, cũng như yêu thương nhau đến đời đời. Như thể nước cứ không ngừng chảy xuống nơi thấp rồi cuối cùng đổ về biển, khi mọi người giao tiếp một cách chân thành và hoàn thành tình yêu thương trọn vẹn với tấm lòng quan tâm lẫn nhau, thì Tin Lành mới được hoàn thành và Nước Thiên Đàng mơ ước sẽ trở thành hiện thực.

“… Hết thảy đối đãi với nhau phải trang sức bằng khiêm nhường; vì Ðức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo, mà ban ơn cho kẻ khiêm nhường. Vậy, hãy hạ mình xuống dưới tay quyền phép của Ðức Chúa Trời, hầu cho đến kỳ thuận hiệp Ngài nhắc anh em lên.” I Phierơ 5:5-6

Tài liệu tham khảo
Đừng nói, mà hãy đối thoại (Wisdom House)
Lắng nghe – sức mạnh lớn nhất trên thế gian (Midas Books)
67 phương pháp giao tiếp thú vị (Tư duy của cây cối)
Giao tiếp đặt mọi người về phía tôi (Vô hạn)
Phương pháp đối thoại thông hiểu (Phong cảnh với sách)