Động vật không xương sống, sự tồn tại không thể thay thế

7,365 lượt xem

Người hoặc sự vật có vẻ như hiện diện nhưng thực tế lại không, thường được biểu hiện là “sự hiện diện mờ nhạt”. Sự hiện diện nghĩa là “cảm giác rằng người, sự vật hay cảm xúc có trong thực tế”, đôi khi phản ánh mức độ quan tâm tập trung vào đối tượng.

Vậy loài động vật nào có sự hiện diện lớn nhất trên trái đất? Là con voi có kích thước như một ngôi nhà, hay cá voi có kích thước bằng vài chiếc xe buýt ghép lại? Vì là thế giới cá lớn nuốt cá bé, nên cũng có thể là sư tử, chúa tể của muôn loài hay cá mập thống trị biển cả.

Tuy nhiên, sự hiện diện trong tự nhiên không nhất thiết tỷ lệ thuận với kích thước cơ thể hay sức mạnh. Dù kích thước nhỏ bé, không đáng kể và nằm ngoài sự quan tâm của con người, nhưng có những loài động vật vẫn sống và tự hào về sự hiện diện của chúng trong hệ sinh thái. Đó chính là động vật không xương sống. Ngay cả cá cơm nhỏ cũng là cá “có xương”, nhưng động vật không xương sống mà không có xương bị con người coi thường bởi lý do vẻ ngoài của chúng trông đáng sợ. Hãy cùng xem lý do sự hiện diện của chúng trong tự nhiên không hề nhỏ.

Thế giới gần như vô hạn

Động vật được chia thành động vật có xương sống và động vật không xương sống dựa trên tiêu chuẩn chúng có xương sống hay không. Động vật không xương sống là động vật không có xương sống theo đúng nghĩa đen. Ngay cả con rắn trườn uốn éo cũng có xương sống, vậy có bao nhiêu loài động vật không xương sống? Trên thực tế, chúng chiếm tới 97% tổng số loài động vật.

Nhà động vật học Lamarck là người đầu tiên gọi chung các động vật không có xương sống là “động vật không xương sống”. Trong 6 nhóm động vật cơ bản của Linnaeus, người được coi là cha đẻ của phân loại sinh vật học hiện đại, có động vật có vú, chim, lưỡng cư, cá, côn trùng và giun; ông gọi côn trùng và giun là động vật không xương sống.

Theo những gì đã được phát hiện cho đến nay, có khoảng 1.300.000 loài động vật không xương sống trên toàn thế giới. Điểm chung duy nhất của chúng là không có xương sống, còn hình dạng, phương pháp sinh sản và lối sống đều khác nhau. Chúng được phân loại thành hơn 30 ngành1 dựa theo đặc trưng riêng. Điều này trái ngược với động vật có xương sống thuộc cùng một ngành gọi là ngành Dây sống.

1. Ngành: đơn vị phân loại sinh vật. Cấp bậc xếp dưới giới – cấp phân loại cao nhất.

Trong số đó, ngành có quy mô lớn nhất là ngành Chân khớp. Bao gồm khoảng 1 triệu loài, từ nhện, tôm càng đến các loại côn trùng, chiếm 75% tổng số các loài sinh vật. Động vật chân khớp có cơ thể được bao bọc bởi lớp vỏ cứng và có các khớp ở chân. Tiếp theo, ngành Thân mềm, bao gồm nhiều loài, là những động vật có cơ thể mềm, không có khớp và thở bằng mang. Nghêu, ốc sên và bạch tuộc là những động vật thân mềm được biết đến nhiều.

Giun đất và đỉa thuộc ngành Giun đốt. Chúng là những động vật có thân hình trụ dài, có đốt, và có khoảng 17.000 loài đã được biết đến. Động vật giun dẹp, đại diện là giun planaria, có cơ thể mềm, phẳng và khả năng tái sinh tuyệt vời. Động vật da gai, chẳng hạn như sao biển, có cơ thể đối xứng tỏa tròn được bao bọc bởi lớp da có gai. Động vật ruột khoang có cơ thể mềm, không có sự tách biệt giữa miệng và hậu môn, và sống dưới nước. Hải quỳ là ví dụ tiêu biểu.

Ngoài ra, còn có vô số động vật không xương sống vẫn đang hoạt động khắp nơi trong hệ sinh thái dù chúng không dễ thấy. Cho đến nay, riêng động vật chân khớp, có hơn 900.000 loài đã được biết đến và tùy thuộc vào phân loại, con số này có thể lên tới 80 triệu loài.

Động vật không xương sống giúp ích rất nhiều trong nghiên cứu sinh thái học bởi chúng có số lượng cá thể và loài vượt trội hơn nhiều so với động vật có xương sống. Đặc biệt, các sinh vật đáy sống dưới đáy biển trở thành chỉ số đánh giá sức khỏe của hệ sinh thái biển, còn ruồi giấm và giun tròn Caenorhabditis elegans được sử dụng làm mẫu vật trong nghiên cứu sinh học.

Sinh vật sống đối mặt với khủng hoảng

Ốc sên thường dễ thấy ở vườn hoa vào những ngày mưa. So với các động vật khác, ốc sên có khả năng di chuyển chậm hơn nên có nhiều loài đặc hữu chỉ sống ở một số khu vực nhất định. Ngày 1 tháng 1 năm 2019, một con ốc sên đặc biệt đã chết. Đây là “ốc sên cây Hawaii” cuối cùng trên trái đất. Do biến đổi khí hậu nhanh chóng và sự xâm nhập của ốc sên sói ngoại lai, số lượng cá thể của chúng giảm mạnh và cuối cùng đã biến mất hoàn toàn.

Năm 2019, có khoảng 30.000 con bướm vua trải qua mùa đông ở California, giảm 99,4% so với 10 triệu con vào năm 1980. Đó là bởi môi trường sống của chúng bị thu hẹp khi diện tích các đô thị tăng lên, và nhiều nơi bị ô nhiễm do việc sử dụng thuốc diệt cỏ cùng thuốc trừ sâu. Nhóm nghiên cứu Đại học Michigan cho rằng chỉ số carbon dioxide trong bầu khí quyển tăng cao có thể gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của các thực vật thuộc chi Bông tai. Thực vật thuộc chi Bông tai là nguồn thức ăn duy nhất của ấu trùng bướm vua. Biến đổi khí hậu đã làm giảm thậm chí cả tỷ lệ sống sót của ấu trùng. Số lượng cá thể bướm vua đang giảm dần mỗi năm.

Không chỉ ốc sên cây Hawaii và bướm vua, mà gần đây nhiều động vật không xương sống cũng đang mất đi môi trường sống. Trai cánh mỏng, loài trai nước ngọt lớn nhất ở Hàn Quốc, sống bằng cách lọc chất hữu cơ ở các sông hoặc hồ sâu. Tuy nhiên, sự thay đổi mực nước do việc xây dựng các công trình nhân tạo như đập và hồ chứa nước cùng hạn hán thường xuyên đã trở thành mối đe dọa lớn với trai cánh mỏng. Thêm vào đó, tình trạng ô nhiễm nước và thiếu oxy hòa tan khiến chúng rơi vào nguy cơ tuyệt chủng.

Bọ nước khổng lồ, loài ăn nòng nọc của ếch bò vốn không phải loài bản địa của Hàn Quốc, được xếp là sinh vật bản địa để khắc phục sự xáo trộn của hệ sinh thái. Tuy nhiên, các vùng đất ngập nước như đầm lầy và bờ kè dần biến mất ở nông thôn, những nơi còn lại cũng bị ô nhiễm bởi thuốc trừ sâu, khiến việc tìm thấy bọ nước khổng lồ ngày càng trở nên khó khăn.

Trên thực tế, sự biến mất của động vật không xương sống không phải là chuyện mới xảy ra ngày một ngày hai. Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu tại Đại học Stanford được công bố trên tạp chí khoa học “Science” vào năm 2014, số lượng cá thể động vật không xương sống đã giảm gần một nửa trong 35 năm qua. Năm 2012, sở thú London đã công bố báo cáo cho thấy 20% động vật không xương sống đang gặp nguy cơ tuyệt chủng. Giữa bối cảnh nhiều loài động, thực vật đang bị đe dọa sinh tồn do sự phát triển bừa bãi và đánh bắt quá mức không phân biệt rừng hay đại dương, cùng với ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, vô số động vật không xương sống mà dễ bị tổn thương trước những thay đổi của môi trường đang bị đặt ở tuyến đầu của nguy cơ tuyệt chủng.

Động vật không xương sống tuy nhỏ nhưng đóng vai trò lớn

Điều gì sẽ xảy ra nếu toàn bộ loài trai, sò, nghêu đột nhiên biến mất? Vấn đề không dừng lại ở mức chúng ta không thể ăn món spaghetti alle vongole (mì ống nấu với nghêu) thơm ngon hay canh trai thanh mát. Nhiều động vật, từ động vật không xương sống như sao biển, ốc xoắn đến động vật có xương sống như rái cá và chim, đều ăn trai, sò. Nếu không còn trai, sò, trước hết những động vật này sẽ đối mặt với nguy cơ, rồi bi kịch này sẽ sớm lan rộng ra toàn bộ hệ sinh thái. Như vậy, hầu hết các động vật không xương sống đều nằm ở nền tảng của chuỗi thức ăn và nhiều sinh vật sống phụ thuộc vào động vật không xương sống.

Dù có vẻ yếu ớt và không mấy quan trọng, nhưng vai trò của động vật không xương sống trong hệ sinh thái là vô cùng lớn. Như chúng ta đã biết, giun đất đào đất, làm cho đất màu mỡ, qua đó giúp thực vật hô hấp, và kể cả sau khi chết, chúng trở thành nguồn dinh dưỡng cho đất. Rận biển và Cirolana, thuộc bộ Chân đều trong ngành Chân khớp, dọn sạch “rác” trong tự nhiên như xác các động thực vật. Ốc sên, động vật thân mềm, cũng ăn tảo2, nấm và vi khuẩn trên lá cây, bảo vệ cây khỏi bệnh tật.

2. Tảo: Vi sinh vật sống nhờ quang hợp. Có nhiều loại gồm các loài đơn bào đến các sinh vật đa bào như tảo biển.

Nếu không có các loại côn trùng thuộc ngành Chân khớp như ong, bướm và bọ cánh cứng, nhân loại có thể phải lo lắng về thức ăn ngay lập tức. Chúng di chuyển từ hoa này sang hoa khác, lấy mật và ăn phấn hoa, nhờ đó, chúng giúp thực vật thụ phấn và kết trái. Theo báo cáo của Hội Hoàng gia Anh, 75% cây trồng trên toàn thế giới không thể phát triển nếu không có động vật thụ phấn.

Các rạn san hô, nơi tập hợp các loài san hô tô điểm cho lòng biển bằng muôn màu muôn sắc, là sự tồn tại không thể thiếu của hệ sinh thái đại dương. San hô là động vật ruột khoang, sống cộng sinh với tảo, lấy chất dinh dưỡng qua quá trình quang hợp của tảo, đồng thời chúng cũng trở thành thức ăn cho các sinh vật khác. Nếu không có rạn san hô, khoảng 30.000 loài sinh vật sống ở đó sẽ mất môi trường sống. Năm 2015, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) dự đoán rằng nếu tình trạng nóng lên toàn cầu tiếp diễn với tốc độ hiện tại, các rạn san hô sẽ hoàn toàn biến mất vào năm 2050.

Năm 1986, châu Âu công bố “Hiến chương châu Âu về động vật không xương sống”. Trong đó nêu rõ rằng động vật không xương sống là “yếu tố quan trọng nhất cấu thành quần thể động vật hoang dã, xét về số lượng loài và sinh khối”, chúng không chỉ là nguồn thức ăn cần thiết cho động vật mà còn hữu ích cho nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi, sức khỏe con người và bảo vệ độ tinh khiết của nước. Họ cũng nói rõ rằng ngay cả khi có những loài động vật không xương sống gây hại cho con người, thì số lượng của chúng vẫn có thể tự động được điều chỉnh bởi các động vật không xương sống khác. Hiện nay, ngày càng có nhiều nghiên cứu chỉ ra tầm quan trọng của động vật không xương sống và sự cần thiết của việc bảo tồn chúng. Những nỗ lực bảo vệ động vật không xương sống cũng ngày càng trở nên tích cực.

Có câu tục ngữ rằng “Kể cả con giòi cũng có tài bò” và “Con giun xéo lắm cũng quằn”. Lời này có nghĩa là ngay cả người trông có vẻ tầm thường và không có năng lực cũng đều có tài riêng, vì vậy không nên coi thường người khác. Điều thú vị là nhân vật chính của cả hai câu tục ngữ đều là động vật không xương sống. Trong suốt thời gian dài, động vật không xương sống đã bị coi là biểu tượng của sự tầm thường bởi chúng không dễ thấy hay có vẻ ngoài trông ghê rợn. Song, những câu tục ngữ trong thế giới loài người giúp chúng ta nhớ lại giá trị thật sự của chúng.

Paul Ehrlich, nhà sinh vật học tại Đại học Stanford, Mỹ cho rằng mỗi loài, dù nhỏ bé, đều đảm nhiệm vai trò quan trọng trong tự nhiên, giống như những chiếc đinh nhỏ giúp giữ vững máy bay lớn. James Lovelock, nhà khoa học lỗi lạc, cũng đã chứng minh thông qua các thí nghiệm rằng càng có nhiều loài sinh vật thì hệ sinh thái càng ổn định.

Không có sự tồn tại nào vô dụng trong tự nhiên, chỉ là con người không nhận thấy sự hiện diện của chúng. Giới tự nhiên được tạo nên từ những sự sống quý giá, không thể thiếu và không thể thay thế bởi bất cứ thứ gì.