Đối với trẻ sơ sinh, mẹ là tất cả. Không nơi nào an toàn như vòng tay của mẹ. Vào năm 1978, khi tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh cao, một bệnh viện ở Bogota, Colombia đã bắt đầu Kangaroo care (chăm sóc kiểu chuột túi) như một phương pháp thay thế cho lồng ấp đang thiếu vào thời điểm đó. Theo phương pháp này, em bé sơ sinh được ôm da tiếp da với mẹ để giúp duy trì nhiệt độ cơ thể ấm áp. Tên “Kangaroo Care” được đặt là vì việc người mẹ ôm con của mình trên tay và áp vào ngực trông rất giống với hình ảnh kangaroo mẹ mang theo kangaroo con trong túi.
Phương pháp chăm sóc kiểu chuột túi còn được gọi là “Phép màu trong vòng tay mẹ”. Đó là bởi việc người mẹ ôm em bé, cho em bé cảm nhận được nhiệt độ cơ thể và ngửi mùi hương của mẹ cũng giúp giảm đáng kể tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh, đồng thời cho thấy hiệu quả vượt trội trong việc điều trị cho trẻ sinh non. Vậy, bí mật ẩn chứa trong mùi hương của mẹ tỏa ra từ vòng tay ấm áp rốt cuộc là gì?
Mẹ nhận biết con bằng mùi hương
Hầu hết các động vật có vú đều liếm con mới sinh của chúng. Động tác này nhằm loại bỏ nước ối khỏi cơ thể con non, giúp ổn định nhiệt độ cơ thể của chúng. Trong quá trình đó, một lượng lớn nước bọt bao phủ khắp cơ thể con non; nước bọt bốc hơi và biến mất nhưng mùi và các chất khác có trong nước bọt vẫn còn lại và hoạt động như pheromone. Nói cách khác, pheromone trên cơ thể con non giúp cá thể mẹ phân biệt được con của mình.
Lợn rừng con bắt đầu theo mẹ ngay sau khi chúng được sinh ra. Lúc này, chúng phát ra tiếng “gừ gừ” để xác định vị trí của nhau và gọi nhau. Khi lợn rừng mẹ cảm thấy có mối đe dọa, nó sẽ kêu lên một tiếng ngắn để lợn con nghe thấy và nhanh chóng trốn vào bụi rậm gần đó hoặc chui vào ổ của mình. Lúc này, lợn rừng mẹ phân biệt con của mình thông qua mùi và sẽ có hành động cắn hoặc tấn công nếu những con lợn rừng khác đến gần.
Đối với cừu mẹ, hành động in vết cừu con vô cùng quan trọng; trong môi trường sống đông đúc và chen lấn, chúng phải học cách nhận ra con của mình trước khi bị lạc mất con trong bầy. Hầu hết cừu mẹ có thể nhận ra cừu con bằng khứu giác trong vòng 30 phút sau khi sinh. Bởi vì chúng có thể phân biệt con của mình thông qua mùi hương. Khi đó, mùi hương là ký ức không bao giờ có thể xóa nhòa đối với cừu mẹ, là sợi dây bền chặt gắn kết cừu mẹ và cừu con. Vì vậy, nếu cừu mẹ không được ngửi cừu con trong vòng một giờ sau khi sinh, rất có thể chúng sẽ bỏ mặc cừu con hoặc cho cừu con khác ăn do tưởng nhầm chúng là con mình.
Con người cũng có khả năng đặc biệt trong việc xác định con của mình bằng mùi hương. Người mẹ có thể nhận ra con chỉ bằng cách ngửi quần áo mà con mình đã mặc. Làm thế nào mà khứu giác của mẹ lại có năng lực đáng ngạc nhiên đến vậy?
Vào năm 2003, giáo sư Samuel Weiss cùng một nhóm nghiên cứu tại trường Đại học Calgary ở Canada đã công bố trong một bài báo đăng trên Science-tạp chí khoa học quốc tế nổi tiếng rằng thông qua thí nghiệm trên chuột, họ phát hiện ra lượng lớn các tế bào thần kinh mới được hình thành ở bán cầu não trước của những con chuột đang mang thai. Những tế bào thần kinh này di chuyển đến khứu giác và tạo thành hệ thống thần kinh khứu giác giúp nhận biết mùi. Các nhà khoa học suy đoán rằng các tế bào thần kinh mới được hình thành đóng vai trò quan trọng trong việc giúp chuột mẹ phân biệt được chuột con thông qua mùi. Theo các nhà khoa học, hiện tượng tương tự cũng xảy ra ở người mẹ, giúp người mẹ có khả năng phân biệt mùi của con mình.
Mùi hương của mẹ là tín hiệu an toàn: “Mẹ đang ở bên con”
Không chỉ có người mẹ mới nhận ra con mình bằng mùi hương, mà trẻ sơ sinh cũng rất thích mùi hương của mẹ. Trẻ sơ sinh có khứu giác phát triển hơn và nhạy cảm với mùi hơn nhiều so với người lớn. Ngoài ra, phải sau 3 đến 4 tháng, trẻ mới có thể nhận biết chính xác mẹ của mình bằng thị giác hoặc thính giác, nên trẻ sơ sinh cảm nhận được mẹ đang ở gần bằng khứu giác nhạy bén hơn bất kỳ giác quan nào khác. Đặc biệt, mùi nước ối mà trẻ được ngửi từ khi còn trong bụng mẹ và mùi sữa của mẹ mang lại cảm giác an toàn nhất cho trẻ.
Cảm giác bình yên trong vòng tay ấm áp của mẹ mà trẻ cảm nhận được qua ánh mắt đầy yêu thương, giọng nói và nhịp tim của mẹ khiến trẻ tin rằng mẹ sẽ luôn chạy đến vì mình. Lúc này, những cảm xúc và cảm giác của trẻ về mẹ trở thành ấn tượng chung của trẻ đối với mọi người, cho phép trẻ tin tưởng và gần gũi với những người khác ngay cả khi đã trưởng thành. Nói cách khác, sự gắn kết được hình thành với mẹ vào lúc ban đầu có ảnh hưởng rất lớn đến mối quan hệ giữa người với người trong cuộc đời con cái sau này.
Sự gắn bó, mối quan hệ tình cảm giữa trẻ và người chăm sóc được hình thành khi trẻ cảm thấy hài lòng, thích thú với mối quan hệ gần gũi và lâu dài với người chăm sóc. Đứa trẻ có sự gắn bó ổn định có thể tự do khám phá môi trường xung quanh, ngay cả trong những tình huống mới mẻ, miễn là có mẹ ở bên cạnh. Khi mẹ rời đi, trẻ sẽ khóc hoặc đi tìm, nhưng trẻ tin rằng dẫu không ở bên cạnh thì mẹ vẫn sẽ quay lại.
Một trong những cách dễ dàng để hình thành sự gắn kết an toàn với trẻ chính là ngửi mùi của mẹ. Khi trẻ ngửi thấy mùi hương quen thuộc và dễ chịu, các hormone tạo cảm giác vui vẻ sẽ được tiết ra giúp tâm lý trẻ ổn định; những cảm giác này có tác động rất lớn đến sự phát triển tình cảm của trẻ. Đây là lý do cần phải tạo cơ hội cho trẻ ngửi đủ mùi hương của mẹ trong ba năm đầu đời, tương ứng với giai đoạn phát triển quan trọng của trẻ.
Chính vì vậy, cho dù có người khác thay người mẹ nuôi nấng đứa trẻ thì đó cũng chỉ là việc chăm sóc mang tính hình thức, vì người chăm sóc không thể mang lại cảm giác ổn định cho trẻ khi không có mùi hương của mẹ. Ngay cả khi người lớn không nhận ra, một em bé được đặt trong môi trường không có mùi hương của mẹ sẽ chìm trong nỗi lo “mẹ không ở bên mình” và cảm thấy không an toàn. Chính việc được ở cùng người có mùi hương của mẹ, tức là ở cùng với mẹ mình, là điều mang đến cảm giác an toàn tối ưu cho trẻ.
Mùi cỏ tươi, mùi mồ hôi và bụi bẩn trên quần áo, mùi phấn trang điểm, v.v…
Những mùi hương tưởng như hoàn toàn khác biệt này đều là biểu hiện mùi hương của mẹ. Mùi hương của mẹ gợi nhớ lại mảnh ký ức thời thơ ấu, mang đến sự bình an và an ủi cho bất cứ ai. Mùi hương mà chúng ta từng ngửi thấy trong vòng tay của mẹ khi còn là trẻ sơ sinh có lẽ giờ đây đã biến mất khỏi ký ức, nhưng đó chính là sự thật rằng: mẹ, người là tất cả mọi thứ trên đời, đang ở bên chúng ta.
Mẹ chỉ cần ngửi mùi thôi cũng tìm được chính xác con mình, và em bé nhớ rõ mùi của mẹ mà đã ngửi thấy khi còn nằm trong bụng mẹ. Mẹ và con xác nhận sự tồn tại của nhau chỉ bởi mùi hương thoang thoảng. Ý muốn sâu nhiệm của Đức Chúa Trời trong mối quan hệ này là gì?
“hầu cho các ngươi sẽ được bú và no bởi vú của sự yên ủi nó; được vắt sữa và lấy làm vui sướng bởi sự dư dật của vinh quang nó… Ta sẽ yên ủi các ngươi như mẹ yên ủi con, và ấy là tại trong Giêrusalem mà các ngươi sẽ được yên ủi.” Êsai 66:11-13
- Tham khảo
- Katherine Ellison, 2005, 『The Mommy Brain: How Motherhood Makes Us Smarter (Bộ não của mẹ: Làm mẹ giúp chúng ta thông minh hơn như thế nào)』, NXB Basic Books, New York, Mỹ.
- Lee Hyeon Su, 2013, 『하루 3시간 엄마 냄새 (Mùi hương của mẹ 3 giờ mỗi ngày)』, NXB Gimm Young, Hàn Quốc.