Lễ Vượt Qua và huyết của Đấng Christ

6,792 lượt xem

Lễ Vượt Qua là lễ trọng thể của niềm vui, vì thông qua đó chúng ta được nhận sự tha tội và sự sống đời đời cùng lời hứa được làm con cái của Đức Chúa Trời. Nhưng đây cũng là ngày kỷ niệm sự hy sinh của Đấng Christ. Kể từ khi Ngài chịu chết thay cho chúng ta là những kẻ có tội, thì chúng ta đã được giải thoát khỏi nỗi đau đớn của sự chết và nhận được sự sống. Vì vậy, Lễ Vượt Qua là lễ trọng thể của niềm vui và cả nỗi buồn.

Chúng ta đã được cứu bởi sự hy sinh của Đức Chúa Trời, Đấng đã đổ huyết của Ngài mà gánh lấy tội lỗi của chúng ta. Là con cái của Đức Chúa Trời, chúng ta không được coi nhẹ ân điển sự cứu rỗi vô điều kiện của Ngài, nhưng phải một lần nữa ghi khắc ý nghĩa sự hy sinh chí thánh của Đức Chúa Trời chứa đựng trong Lễ Vượt Qua giao ước mới.

Sự cứu chuộc bởi huyết của Đấng Christ

Mọi Cơ Đốc nhân đều muốn trở về Nước Thiên Đàng, được tha tội và được nhận sự sống đời đời. Tuy nhiên, không có nhiều người biết cách đón nhận ân điển của Đấng Christ và đi vào Nước Thiên Đàng.

Nhiều Cơ Đốc nhân nói rằng họ có thể đi vào Nước Thiên Đàng nhờ huyết báu chí thánh của Đấng Christ. Việc chúng ta có thể trở về Nước Thiên Đàng bởi huyết của Đấng Christ là một lẽ thật chắc chắn. Vậy trước hết, hãy xem huyết của Đấng Christ có ý nghĩa như thế nào và quan trọng đến mức nào đối với chúng ta.

“Ấy là trong Đấng Christ, chúng ta được cứu chuộc bởi huyết Ngài, được tha tội, theo sự dư dật của ân điển Ngài.” Êphêsô 1:7

Sứ đồ Phaolô, người chép sách Êphêsô, đã truyền đạt ý muốn của Đức Chúa Trời rằng: Huyết báu của Đấng Christ ban cho loài người sự cứu chuộc. Vì Kinh Thánh cho biết rằng chúng ta được cứu chuộc — được tha thứ tội lỗi — thông qua huyết của Đấng Christ, nên chúng ta không thể nhận được sự tha tội và sự cứu rỗi nếu không có huyết quý báu của Ngài.

“Vì biết rằng chẳng phải bởi vật hay hư nát như bạc hoặc vàng mà anh em đã được chuộc khỏi sự ăn ở không ra chi của tổ tiên truyền lại cho mình, bèn là bởi huyết báu Đấng Christ, dường như huyết của chiên con không lỗi không vít.” I Phierơ 1:18-19

Sứ đồ Phierơ cũng giải thích rằng chúng ta được chuộc tội bằng huyết báu của Đấng Christ. Đây là những lời trong Kinh Thánh, mà sứ đồ Phaolô và Phierơ – những môn đồ của Hội Thánh sơ khai – đã viết khi họ được cảm động bởi Đức Thánh Linh và làm chứng rõ ràng rằng nhân loại chỉ có thể đạt được sự cứu rỗi nhờ huyết báu của Đấng Christ.

“Đoạn, người cũng lấy huyết ấy rảy đền tạm cùng mọi đồ thờ. Theo luật pháp thì hầu hết mọi vật đều nhờ huyết mà được sạch: không đổ huyết thì không có sự tha thứ.” Hêbơrơ 9:21–22

Vào thời đại Cựu Ước, bất cứ khi nào một tế lễ chuộc tội được dâng lên Đức Chúa Trời, thì phải có sự đổ huyết của động vật. Người dân được tha tội bằng cách rưới huyết của những con vật tế lễ như chiên và dê.

Trong Cựu Ước, nhờ huyết của động vật mà mọi thứ đã được tẩy sạch và tội lỗi của người dân được tha thứ. Cũng giống như vậy, vào thời đại Tân Ước, chúng ta sẽ được tha tội và được tinh sạch bởi huyết báu của Đấng Christ. Là thực thể của con sinh tế lễ, Đức Chúa Jêsus Christ đã hy sinh trên thập tự giá, đổ huyết của Ngài để chuộc tội cho cả nhân loại và hoàn thành công việc cứu rỗi vĩ đại.

Các thánh đồ đã được chuộc bằng huyết của Đấng Christ

Kinh Thánh nhiều lần nhắc nhở chúng ta rằng huyết của Đấng Christ vô cùng quan trọng đối với việc chúng ta được trở về Nước Thiên Đàng.

“lại từ nơi Đức Chúa Jêsus Christ là Đấng làm chứng thành tín, sinh đầu nhứt từ trong kẻ chết và làm Chúa của các vua trong thế gian! Đấng yêu thương chúng ta, đã lấy huyết mình rửa sạch tội lỗi chúng ta…” Khải Huyền 1:5-6

Đấng Christ đã giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi nhờ huyết của Ngài. Để cứu chuộc chúng ta và đưa chúng ta về Nước Thiên Đàng, Đức Chúa Trời đã để lại ngai vinh hiển của Ngài và đến thế gian này. Trong áo xác thịt giống như chúng ta, Ngài đã phải chịu sự thống khổ của sự chết. Vì Đức Chúa Trời đã hy sinh và chịu nỗi đau đớn thay cho những kẻ tội nhân như vậy nên chúng ta đã được cứu.

“Chúng hát một bài ca mới rằng: Ngài đáng lấy quyển sách mà mở những ấn ấy ra; vì Ngài đã chịu giết, lấy huyết mình mà chuộc cho Đức Chúa Trời những người thuộc về mọi chi phái, mọi tiếng, mọi dân tộc, mọi nước, và Ngài đã làm cho những người ấy nên nước, và thầy tế lễ cho Đức Chúa Trời chúng ta; những người ấy sẽ trị vì trên mặt đất.” Khải huyền 5:9-10

Chúng ta đã chết vì tội lỗi của mình, nhưng Đức Chúa Trời đã chuộc chúng ta bằng huyết báu của Ngài. Nhờ sự hy sinh của Đấng Christ, chúng ta đã có thể sống ngày hôm nay. Vì vậy, Sứ đồ Phaolô đã tuyên bố: “mà tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi” (Galati 2:20).

Nếu chúng ta đã nhận ra sự vĩ đại và chiều sâu của tình yêu thương, cùng sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời dành cho con cái Ngài, thì chúng ta cũng phải sống không chỉ cho bản thân mình mà còn cho Đức Chúa Trời nữa. Là những người dân Siôn, chúng ta hãy luôn ghi nhớ rằng chúng ta đã được giải thoát khỏi tội lỗi nhờ sự đổ huyết của Đức Chúa Trời và hãy giữ vững đức tin của chúng ta cho đến cuối cùng để huyết quý báu của Ngài không trở nên vô ích.

Lễ Vượt Qua, nghi thức dự phần vào huyết của Đức Chúa Jêsus

Một số người khẳng định rằng họ có thể nhận được sự tha tội và sự cứu rỗi chỉ bởi đức tin vào huyết báu của Đức Chúa Jêsus trên thập tự giá. Nhưng làm cách nào để biết được bản thân đã nhận được huyết của Đấng Christ hay chưa?

Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng đức tin phải đi đôi với việc làm. Vậy thì, dựa trên cơ sở nào chúng ta có thể nói rằng mình đã nhận huyết của Đấng Christ?

“Cái chén phước lành mà chúng ta chúc phước, há chẳng phải là thông với huyết của Đấng Christ sao? Cái bánh mà chúng ta bẻ, há chẳng phải là thông với thân thể của Đấng Christ sao? Vì chỉ có một cái bánh, chúng ta dầu nhiều, cũng chỉ một thân thể; bởi chưng chúng ta đều có phần chung trong một cái bánh.” I Côrinhtô 10:16-17

Các câu Kinh Thánh trên có nghĩa là chúng ta dự phần vào huyết của Đấng Christ bằng cách uống chén phước lành mà chúng ta chúc phước và tham gia vào thân thể của Đấng Christ bằng cách ăn bánh mà chúng ta bẻ. Thông qua công việc của Đức Chúa Jêsus, chúng ta hãy tìm hiểu xem chiếc bánh và cái chén làm cho chúng ta được nhận thịt và huyết của Đấng Christ là đề cập đến điều gì.

“Đến ngày lễ ăn bánh không men là ngày người ta phải giết con sinh làm lễ Vượt qua, Đức Chúa Jêsus sai Phierơ và Giăng đi, mà phán rằng: Hãy đi dọn lễ Vượt qua cho chúng ta ăn… Hai môn đồ đi, quả gặp những điều như Ngài đã phán, bèn dọn lễ Vượt qua. Đến giờ, Ngài ngồi bàn ăn, các sứ đồ cùng ngồi với Ngài. Ngài phán rằng: Ta rất muốn ăn lễ Vượt qua này với các ngươi trước khi ta chịu đau đớn… Đoạn, Ngài cầm lấy bánh, tạ ơn xong, bẻ ra phân phát cho môn đồ, mà phán rằng: Nầy là thân thể ta, đã vì các ngươi mà phó cho; hãy làm sự này để nhớ đến ta. Khi ăn xong, Ngài cũng làm như vậy, lấy chén đưa cho môn đồ mà phán rằng: Chén nầy là giao ước mới trong huyết ta vì các ngươi mà đổ ra.” Luca 22:7-9, 13-20

Đức Chúa Jêsus sai Phierơ và Giăng đi chuẩn bị Lễ Vượt Qua. Khi đến giờ, Ngài cử hành Lễ Vượt Qua mà Ngài đã rất mong muốn được giữ cùng với các môn đồ của mình. Trong lễ tiệc thánh Lễ Vượt Qua, Ngài bẻ bánh, phân phát cho môn đồ và nói rằng: “Nầy là thân thể ta, đã vì các ngươi mà phó cho;” rồi Ngài cầm chén rượu nho đưa cho họ và nói rằng: “Chén nầy là giao ước mới trong huyết ta.”

“Trong ngày thứ nhứt ăn bánh không men, môn đồ đến gần Ðức Chúa Jêsus mà thưa rằng: Thầy muốn chúng tôi dọn cho thầy ăn lễ Vượt qua tại đâu? Ngài đáp rằng: Hãy vào thành, đến nhà một người kia, mà nói rằng: Thầy nói: Giờ ta gần đến; ta và môn đồ ta sẽ giữ lễ Vượt qua trong nhà ngươi. Môn đồ làm y như lời Ðức Chúa Jêsus đã dạy mà dọn lễ Vượt qua… Khi đương ăn, Ðức Chúa Jêsus lấy bánh, tạ ơn rồi, bẻ ra đưa cho môn đồ mà rằng: Hãy lấy ăn đi, nầy là thân thể ta. Ngài lại lấy chén, tạ ơn rồi, đưa cho môn đồ mà rằng: Hết thảy hãy uống đi; vì nầy là huyết ta, huyết của sự giao ước đã đổ ra cho nhiều người được tha tội.” Mathiơ 26:17-19, 26-28

Nghi thức dự phần vào thân thể và huyết báu của Đấng Christ mà sứ đồ Phaolô đề cập chỉ ra Lễ Vượt Qua giao ước mới. Vì vậy, những người không cử hành Lễ Vượt Qua không bao giờ có thể dự phần vào huyết báu của Đấng Christ. Chỉ những ai giữ gìn Lễ Vượt Qua giao ước mới thì mới có thể nhận được sự cứu chuộc, sự tha tội nhờ vào huyết của Đấng Christ.

Lễ Vượt Qua Giao Ước Mới, mà chính Đấng Christ đã lập nên bằng huyết báu của Ngài, là lễ trọng thể vô cùng quý báu đối với chúng ta. Bằng cách giữ Lễ Vượt Qua, chúng ta một lần nữa ghi khắc và kỷ niệm mọi sự thương khó của Đức Chúa Trời Cha Mẹ để cứu chúng ta, khi Ngài mặc lấy áo xác thịt tội lỗi và chịu sự thù nghịch, ghen ghét của loài người.

Đấng Christ, Thực thể của Chiên Con Lễ Vượt Qua

3.500 năm trước, khi người dân Ysơraên rời khỏi Êdíptô, tai vạ huỷ diệt con đầu lòng đã giáng xuống toàn cõi Êdíptô, nhưng những nhà của dân Ysơraên cử hành Lễ Vượt Qua thì đã được cứu khỏi tai vạ. Đây chính là khởi nguyên của Lễ Vượt Qua, một trong những lễ trọng thể của Đức Chúa Trời. Từ “Lễ Vượt Qua” có ý nghĩa rằng tai nạn sẽ vượt qua.

Đương thời Xuất Êdíptô, khi thiên sứ hủy diệt nhìn thấy huyết chiên con Lễ Vượt Qua trên hai cây cột và mày cửa của nhà người dân Ysơraên thì đã đi qua. Bởi vì huyết của chiên con Lễ Vượt Qua tượng trưng cho huyết của Đức Chúa Trời.

“Hãy làm cho mình sạch men cũ đi, hầu cho anh em trở nên bột nhồi mới không men, như anh em là bánh không men vậy. Vì Đấng Christ là con sinh lễ Vượt qua của chúng ta, đã bị giết rồi.” I Côrinhtô 5:7

Đấng Christ là thực thể của con chiên Lễ Vượt Qua. Nếu một nơi nào đó có huyết của con chiên Lễ Vượt Qua, thì chứng tỏ rằng Đức Chúa Trời ngự ở nơi đó, nên không một thiên sứ hủy diệt nào có thể đến gần. Vì vậy, Lễ Vượt Qua là dấu hiệu của sự cứu rỗi, và chính là bằng chứng rằng chúng ta là con cái của Đức Chúa Trời, những người đã được cứu chuộc khỏi tội lỗi. Cho dù đến bất cứ đâu thì chúng ta cũng tự tin và dù gặp phải bất cứ tình huống nào thì chúng ta cũng không cần phải sợ hãi, bởi vì nhờ vào Lễ Vượt Qua, Đức Chúa Trời ở trong chúng ta và chúng ta ở trong Ngài (Giăng 6:53-56).

Khi Sađơrắc, Mêsắc và Abếtnêgô bị ném vào lò lửa hực, Đức Chúa Trời đã sai thiên sứ của Ngài đến giải cứu họ (Đaniên 3:1-30). Tương tự như vậy, Đức Chúa Trời bảo vệ các con cái Ngài, những người giữ Lễ Vượt Qua, khỏi tai vạ. Đối với những người có huyết báu của Đấng Christ, Đức Chúa Trời đã ban lời hứa rằng Ngài sẽ bảo vệ họ khỏi nước cũng như lửa.

Nếu chúng ta không giữ Lễ Vượt Qua ân điển này thì không thể nói rằng chúng ta là người dân của Đức Chúa Trời được. Đức Chúa Trời đã phán rằng những ai không cử hành Lễ Vượt Qua thì sẽ bị truất khỏi dân sự Ngài (Dân Số Ký 9:13). Cũng vậy, vào thời đại ngày nay, Đức Chúa Trời phân biệt người dân của Ngài mà được chuộc bằng huyết báu của Đấng Christ với những người khác, dựa trên việc họ có giữ Lễ Vượt Qua hay không.

Con cái của Đức Chúa Trời nhận thịt và huyết của Ngài

2.000 năm trước, Đức Chúa Trời đã đến trái đất này và lập nên lẽ thật Lễ Vượt Qua giao ước mới để cứu rỗi nhân loại. Nhưng thật không may, ngày nay thật khó để tìm thấy một hội thánh nào giữ Lễ Vượt Qua. Để ban cho nhân loại lẽ thật quý báu này thì Đức Chúa Trời đã phải đổ huyết của Ngài, nhưng những người tự nhận là tin vào Ngài thì coi điều ấy là không có giá trị. Đây là hiện trạng của các hội thánh ngày nay. Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng những ai không coi trọng mà làm ngơ trước huyết báu của Đấng Christ thì sẽ bị chịu hình phạt.

“Huống chi kẻ giày đạp Con Đức Chúa Trời, coi huyết của giao ước, tức là huyết mà mình nhờ nên thánh, là ô uế, lại khinh lờn Đức Thánh Linh ban ơn, thì anh em há chẳng tưởng rằng người ấy đáng bị hình rất nghiêm đoán phạt hay sao?” Hêbơrơ 10:29

Cụm từ “huyết của giao ước” để chỉ về huyết của Đức Chúa Jêsus, Đấng đã lập nên Lễ Vượt Qua. Những người coi thường huyết của giao ước, tức là những người quay lưng lại và nói rằng không cần phải giữ Lễ Vượt Qua giao ước mới, chính là những người khinh lờn Đức Thánh Linh ban ơn. Những kẻ xúc phạm đến Đức Thánh Linh sẽ phải chịu hình phạt nghiêm khắc đến mức nào?

Con cái luôn luôn giống cha mẹ ở một khía cạnh nào đó. Nhờ huyết của Đấng Christ, Đức Chúa Trời đã lập nên luật pháp giao ước mới để cứu rỗi nhân loại. Ngài cũng đã đích thân đi trên con đường rao truyền lẽ thật ấy cho mọi người. Nếu chúng ta là con cái của Đức Chúa Trời thì chúng ta cũng phải đi theo con đường của Ngài, tuyên bố về Lễ Vượt Qua giao ước mới cho mọi dân tộc. Cho dù chúng ta bị bắt bớ và hủy báng bởi những người xung quanh thì chúng ta cũng không cần phải kinh hãi hay lo sợ. Vì con đường chúng ta đang đi chính là con đường đúng đắn mà Đức Chúa Trời đã đi.

“Vậy chớ bỏ lòng dạn dĩ mình, vốn có một phần thưởng lớn đã để dành cho. Vì anh em cần phải nhịn nhục, hầu cho khi đã làm theo ý muốn Đức Chúa Trời rồi, thì được như lời đã hứa cho mình. Còn ít lâu, thật ít lâu nữa, thì Đấng đến sẽ đến; Ngài không chậm trễ đâu. Người công bình của ta sẽ cậy đức tin mà sống. Nhưng nếu lui đi thì linh hồn ta chẳng lấy làm đẹp chút nào. Về phần chúng ta, nào phải là kẻ lui đi cho hư mất đâu, bèn là kẻ giữ đức tin cho linh hồn được cứu rỗi.” Hêbơrơ 10:35-39

Nếu chúng ta xa rời đức tin vì những người chối bỏ huyết của giao ước cản trở lẽ thật, thì Đức Chúa Trời sẽ không đẹp lòng chút nào. Do đó, chúng ta không được thu mình lại và sợ hãi, nhưng hãy dạn dĩ và tự tin. Chúng ta là con cái của Đức Chúa Trời, những người đã nhận huyết của Ngài. Dù cho tất thảy loài người trên thế gian nhạo báng và chế giễu thì chúng ta cũng phải tiếp tục vâng giữ và rao truyền lẽ thật giao ước mới với tư cách là con cái của Đức Chúa Trời. Đây là cách để làm cho huyết báu của Đấng Christ trở nên quý giá hơn.

Bằng những lời lẽ xảo quyệt, Satan cố gắng làm tổn thương linh hồn chúng ta và khiến chúng ta lưu luyến những điều thoáng qua. Mặt khác, Đức Chúa Trời cầu nguyện cho chúng ta luôn đặt tâm trí của mình vào những thứ đời đời. Chúng ta hãy lắng nghe giọng tiếng của Cha Mẹ, Đấng đang dẫn dắt chúng ta đến con đường hy vọng. Cho dù hiện tại chúng ta đang phải trải qua gian khổ nhưng tương lai của chúng ta sẽ rất rực rỡ và huy hoàng. Đức Chúa Trời Cha đã đổ huyết trên thập tự giá để ban cho con cái Ngài sự sống đời đời cũng như niềm vui, sự bình an và hạnh phúc mãi mãi. Đức Chúa Trời Mẹ mỗi ngày vẫn đang mang gánh nặng hy sinh và đau đớn vì tội lỗi của chúng ta. Chúng ta đừng bao giờ làm cho sự hy sinh của Cha Mẹ trở nên vô ích.

Tôi tha thiết mong rằng tất thảy các anh chị em, những thành viên gia đình trên trời tại Siôn, hãy luôn nhớ đến công ơn của Đức Chúa Trời, Đấng đã hy sinh để dẫn dắt chúng ta đến Nước Thiên Đàng vĩnh cửu, và hãy dâng cảm tạ lên Ngài luôn luôn. Tất cả chúng ta hãy giữ gìn giao ước mới mà Đức Chúa Trời lập nên bằng huyết của Ngài để cứu các con cái, nhờ đó chúng ta có thể nhận được tình yêu thương và phước lành dồi dào từ Đức Chúa Trời Êlôhim.