Chiến lược thụ phấn một cách tích cực và thông minh của thực vật
Cây dương hòe tỏa hương thơm ngào ngạt trong gió xuân, hoa đỗ quyên với sắc hồng nở rộ khắp núi sông, cho đến hoa hồng đỏ rực… Những đóa hoa rực rỡ tỏa ra không khí cuối xuân tràn ngập và thu hút ánh nhìn của mọi người. Quả thật, những bông hoa đẹp đẽ đầy màu sắc và thơm ngát này dành cho ai?
Mặc dù cũng có những loài thực vật không có hoa như rêu và dương xỉ, nhưng hầu hết các loài thực vật đều nở hoa rồi kết hột và để lại giống loài của mình cho thế gian. Để tạo ra hột giống, thì phải phát sinh việc tiếp nhận phấn hoa (thụ phấn, pollination), là quá trình phấn hoa được tạo ra ở nhị hoa được chuyển đến nhụy. Vì vậy, thực vật không thể tự di chuyển sẽ nhận được sự trợ giúp từ côn trùng, chim, nước, gió, v.v…
Bông hoa đầy màu sắc và mật hoa ngọt ngào
“Thực vật thụ phấn nhờ côn trùng” là hai trong số năm loài thực vật có hoa, chúng được thụ phấn nhờ côn trùng như ong hoặc bướm. Phấn hoa bám trên cơ thể côn trùng được chuyển đến nhụy của hoa khác để tạo thành hột giống của sự sống mới. Côn trùng vô tình trở thành sứ giả của tình yêu.
Đặc biệt, các loài hoa thụ phấn nhờ côn trùng có cánh hoa và đài hoa đầy màu sắc. Tuy nhiều người bị mê hoặc bởi dáng vẻ của những bông hoa ấy, nhưng thực ra đó là để thu hút côn trùng. Cây cối nở hoa với nhiều màu sắc khác nhau để nổi bật giữa những bụi cây xanh, giống như một bảng hiệu có đèn nhấp nháy. Tuy nhiên, côn trùng nhìn nhận màu sắc khác với con người. Bởi vì bước sóng của ánh sáng mà loài người và côn trùng có thể cảm nhận là khác nhau. Côn trùng có thể nhìn thấy cả tia cực tím, và nhận biết kể cả họa tiết của bông hoa nhưng con người thì không thể trông thấy được.


Chỉ với màu sắc tươi sáng thì không thể hoàn toàn chiếm được cảm tình của ong và bướm. Vì vậy, thực vật giấu tuyến mật sâu bên trong bông hoa và thu hút côn trùng bằng mật hoa ngọt ngào. Nếu nhìn vào hoa diên vĩ hoặc hoa lan, thì thấy rằng phần có họa tiết màu sắc tương phản với màu nền của cánh hoa được kéo dài đến trung tâm của bông hoa giống như đường chỉ dẫn đến nơi hạ cánh. Nó giúp côn trùng tìm được nguồn mật mà không bị lạc. Thực vật báo hiệu nơi có tuyến mật hoa của chúng bằng các họa tiết và màu sắc để chỉ những loài côn trùng đặc trưng mà chúng muốn mới có thể phân định được. Tại đây có ẩn giấu chiến lược thụ phấn hiệu quả của thực vật. Sở dĩ nhiều loài hoa có phần trung tâm màu vàng cũng là để thu hút sự chú ý của loài ong mật tập trung vào đó.
Các loài hoa thuộc chi “bát bảo” và “mơ trân châu” (chi Hylotelephium và Spiraea) mọc thành từng chùm hoa nhỏ và sắc nét. Nó không chỉ trông như một bông hoa khổng lồ đối với côn trùng mà còn rất dễ đậu lên. Hơn nữa, côn trùng tìm đến có thể dễ dàng tiếp cận với các bông hoa khác, giúp cho việc thụ phấn thành công hơn trong khoảng thời gian ngắn.
Cũng có loài thực vật gắn hoa giả lớn để côn trùng dễ phát hiện hơn. Bông hoa lớn ở bên ngoài của “hoa cẩm tú cầu” thực ra không có nhụy hoa và nhị hoa. Nó chỉ đóng vai trò để khiến bông hoa nổi bật hơn. Những cánh hoa giả to lớn này giúp cho côn trùng dễ dàng tìm thấy bông hoa. Khi hoa thật đã được thụ phấn rồi, hoa cẩm tú cầu sẽ lật ngược những cánh hoa giả của nó để gửi tín hiệu cho côn trùng đừng đến với nó nữa. Khi hình thành theo khóm, hoa cẩm tú cầu cố gắng giúp đỡ việc thụ phấn bằng cách đưa ong đến những bông hoa khác chưa được thụ phấn thay vì những bông hoa đã được thụ phấn rồi.
Hương thơm độc đáo
Hương thơm ngát của hoa cũng đóng vai trò quyến rũ côn trùng. Vì mùi thơm được lan tỏa ra xa nên có thể thu hút các loài côn trùng kể cả khi bông hoa bị cây cối hoặc các loài thực vật khác che khuất. Nhưng không phải loài hoa nào cũng thơm.
Ruồi sinh sống ở nhiều nơi khác nhau và có vô số chủng loại. Ruồi tồn tại ngay cả ở những nơi không có ong và chim sinh sống. Ruồi bay với tốc độ cao, có thể đổi hướng trong giây lát, bền bỉ và kiên trì, có tài đến nỗi các loài thực vật cũng mong muốn được chúng làm côn trùng thụ phấn.

“Hoa xác thối” ký sinh trên thực vật dây leo và tỏa ra mùi hôi nồng nặc như mùi thịt bị phân hủy. Đối với con người thì loài hoa ấy không hề thơm chút nào, nhưng đối với ruồi thì ấy lại là loài hoa cực kỳ thơm. Loài hoa này có những đốm màu nâu ánh tím nổi lên xung quanh, đây cũng là màu sắc mà ruồi ưa thích. “Hoa sao biển” (Stapelia) là loài thực vật mọng nước sống ở vùng khô hạn, nơi hiếm có ong, cũng nở hoa màu đỏ sẫm để thu hút ruồi. Loài hoa này còn có mùi hôi thối khiến người ta phải nhăn mặt. Thậm chí trên những bông hoa này còn có lông để mô phỏng xác động vật, vốn là thức ăn ưa thích của ruồi.
“Bulbophyllum virescens” – một loài lan sống trong rừng nhiệt đới ở Borneo, cũng thu hút ruồi nhờ mùi tanh kinh khủng và buồn nôn. Những bông hoa nhỏ này tạo ra một cái bẫy để bắt ruồi và giấu phấn hoa ở bên trong. Khi ruồi ngửi thấy mùi và bay đến đậu lên đó, cái bẫy sẽ di chuyển và phấn hoa sẽ bám dính trên cơ thể ruồi. Nó cũng khiến phấn hoa chỉ dính vào những con ruồi có kích thước và trọng lượng nhất định. Nó không có tác dụng với các loài côn trùng khác, thậm chí kể cả với ruồi có kích cỡ khác. Bằng cách chỉ sử dụng một loài côn trùng thụ phấn, chúng ngăn phấn hoa trộn lẫn với các loại hoa khác, nhờ đó làm tăng khả năng thụ phấn.
Phương pháp đặc biệt hơn một chút
“Hoa lan búa (Hammer Orchid)” càng có những nỗ lực tích cực hơn, đây là một loại hoa có thể được thấy ở tây nam Australia. Hoa lan búa ngụy trang thành hình dáng vô cùng giống với ong cái để dẫn dụ những con ong bắp cày đực, là loài ong sẽ mang phấn hoa cho chúng. Thậm chí, chúng còn tiết ra gấp 10 lần lượng pheromone mà con cái dùng để thu hút ong đực. Những con ong đực ngửi thấy pheromone mạnh mẽ bay dồn đến và cuộc chiến nảy lửa nổ ra giữa những con ong đực vì chúng tranh nhau để giao phối. Tuy nhiên, kẻ chiến thắng trong cuộc chiến cuối cùng cũng bị bao phủ bởi phấn hoa thay vì được giao phối. Sau khi bị lừa, con ong đực bị say bởi pheromone mạnh mẽ mà bông hoa tỏa ra và bay sang bông hoa khác, phấn hoa cứ thế được chuyển sang nhụy hoa của bông hoa khác. Hoa lan búa sử dụng phương pháp giao phối của ong để đạt được thành công mỹ mãn trong việc giao phối của chúng.


“Thực vật thụ phấn nhờ chim” là những loài hoa thụ phấn bằng cách nhờ sự trợ giúp của các loài chim tương đối nhỏ như chim ruồi, thường có màu sắc mà các loài chim thích, đặc biệt là màu đỏ. Loài chim có thị lực tốt nên nhạy cảm với màu sắc hơn các loài động vật khác. Vì loài chim có khứu giác không phát triển như côn trùng nên hầu hết các loài hoa nhờ chim hỗ trợ thụ phấn đều không có mùi hương. Các loài hoa thu hút chim thường giấu mật của chúng ở độ sâu mà chỉ những loài chim có mỏ dài và lưỡi phát triển mới có thể ăn được chứ không phải những loài côn trùng nhỏ như ong hay bướm. Ngoài ra, chúng phải có đủ không gian cũng như sức mạnh để một con chim lớn có thể đậu lên chắc chắn và phải có lượng mật đủ để chim ăn no nê. “Hoa thiên điểu” – được đặt tên như vậy vì nó giống như loài chim thiên đường, không chỉ mang màu sắc của chim thiên đường mà kể cả hình dạng xòe cánh ra cũng giống nữa. Loài hoa này còn có cánh để chim có thể đậu lên dễ dàng.
Ngoài ra, cũng có những loài thực vật sử dụng các hiện tượng tự nhiên thay vì sinh vật. “Thực vật thụ phấn nhờ gió” là những loài hoa mượn sức gió, tạo ra phấn hoa rất nhỏ và nhẹ nên có thể dễ dàng bị thổi bay đi ngay cả khi có cơn gió thoảng qua. Cây thông và cây bạch quả thuộc loại này, và vì không có gì đảm bảo rằng phấn hoa mà cơn gió mang theo sẽ được vận chuyển chính xác đến vị trí mong muốn nên chúng thường nở nhiều hoa đực có phấn hoa hơn. Phấn hoa của cây thông còn có cả túi khí nên càng có thể bay xa hơn nữa.
Trái đất – nơi các sinh vật sinh sống đời nối đời. Trên đó, hàng triệu loài sinh vật có vẻ ngoài độc đáo riêng của mỗi loài, cùng chung sống và thích nghi theo trật tự vô hình của tự nhiên. Bằng nhiều phương thức đa dạng, chúng vừa cạnh tranh vừa cộng sinh để sinh sôi dòng giống. Không chỉ động vật mà cả thực vật cũng có khát vọng duy trì nòi giống.
Những nỗ lực của thực vật nhằm để lại giống loài của mình thật đáng kinh ngạc, mang tính tích cực và chiến lược. Thực vật cũng dốc hết lòng thành để tạo ra hột giống chứa đựng sự sống mới. Thực vật biết cách sống như một thành viên của hệ sinh thái mà không đi ngược lại quy luật của tự nhiên. Thế giới tự nhiên thực sự là một kỳ quan. Trước thế giới tự nhiên, con người chúng ta cũng chỉ là một trong những sinh vật đa dạng tồn tại trên trái đất.
- Tham khảo
- “Thế giới thực vật thần bí” (Tác giả Lee Seong Gyu)
- “Sự sinh tồn của thực vật” (Tác giả Lee Seong Gyu)
- “Những câu chuyện thú vị về thực vật” (Tác giả Choi Joo Young)
- EBS, “Docuprime – Động vật xanh, phần 3 – Giao phối” (phát sóng 28/9/2016)