Tập luyện, con đường để biến hóa

11,748 lượt xem

Cứ vào đầu năm, mọi người đặt ra nhiều kế hoạch để đạt được trong năm. Dù vậy, có rất nhiều trở ngại cho đến khi kế hoạch thành công. Bởi vì có thể dễ dàng để hạ quyết tâm, nhưng lại khó để đưa vào hành động, và ngay cả khi đã bắt đầu thì để duy trì được còn khó hơn nữa.

Vì vậy, các chuyên gia coi việc kiên trì và luyện tập lặp đi lặp lại là ưu tiên hàng đầu và là bí quyết thành công nhằm đạt được mục tiêu. Dù muốn đạt được bất cứ điều gì mà mình mong muốn chăng nữa thì cũng cần có “sức mạnh không ngừng” để biến điều bình thường thành phi thường, biến thất bại thành thành công.

Nỗ lực hơn tài năng

Không người nào lập mục tiêu và kế hoạch mà muốn thất bại ngay từ đầu. Vậy tại sao một số người đạt được điều mình muốn trong khi số khác thì không? Thông thường người ta nghĩ rằng có thể thành công là vì tài năng khác biệt hoặc có gen vượt trội, song quan điểm của các chuyên gia thì khác.

Một chuyên gia nổi tiếng về lãnh đạo nói rằng việc luyện tập liên tục có ảnh hưởng vô cùng lớn đến thành công so với cảm hứng bẩm sinh. Những nhà soạn nhạc vĩ đại như Beethoven, Wagner, Mozart và Bach đã nhận được nguồn cảm hứng trong khi vùi mình vào sáng tác chứ không phải chỉ vì được truyền cảm hứng thôi đâu. Họ không bao giờ lãng phí thời gian chỉ để chờ đợi cảm hứng, thái độ của những người thành công trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng đều như vậy.

“Mọi người nói tôi được sinh ra với năng lực thiên phú. Tuy nhiên có một điều mà họ không biết. Thực tế là tôi đã luyện tập ít nhất cả trăm lần để khiến mọi người bật cười một lần.”

Đây là lời mà Charlie Chaplin, diễn viên hài tầm cỡ thế giới đã chia sẻ. Charlie đã nhận được sự tán thưởng từ công chúng như một diễn viên thiên tài có khiếu nghệ thuật bẩm sinh, khiến cả thế giới dở khóc dở cười với các nhân vật độc đáo trong vô số bộ phim. Dù vậy, trên thực tế, ông từng đọc kịch bản rất nhiều lần đến nỗi kịch bản trở nên cũ nát, rồi lại luyện tập để hoàn thiện khả năng diễn xuất.

Pablo Picasso, người nổi tiếng là “họa sĩ thiên tài” cũng đã luyện tập suốt đời đến mức không buông bút và cọ. Hồi còn nhỏ, ông thường xuyên đến bảo tàng mỹ thuật và nghiên cứu tranh của các họa sĩ nổi tiếng. Ông từng ấn tượng với bức tranh nổi tiếng của Manet “Le Déjeuner sur L’Herbe (Bữa trưa trên thảm cỏ)” đến nỗi đã vẽ 140 tác phẩm ứng dụng. Dù cao tuổi nhưng ông vẫn tích cực làm việc đến mức để lại hơn 20.000 bức tranh cho đến năm 92 tuổi.

Ngay cả khi có tài năng xuất chúng, nếu bạn không luyện tập để hiện thực hóa năng lực đó thì dù là năng khiếu bẩm sinh cũng sẽ bị chôn vùi trong cuộc sống bình thường và biến mất mà thôi. Điểm khác biệt lớn nhất để phân ra thiên tài với người thường là luyện tập không ngừng nghỉ. Ngay cả khi không có tài năng đặc biệt, nhưng nếu bạn luyện tập lặp đi lặp lại một điều gì đó thì sẽ có thể vượt qua giới hạn của bản thân.

Kỳ tích của 15cm

Lý do 99% mọi người vẫn bình thường là vì họ không hành động lặp đi lặp lại cho đến khi đạt đến trạng thái họ mong muốn. Để tiếp tục nỗ lực và tập luyện hướng tới mục tiêu, phải ưu tiên việc đặt ra các kế hoạch cụ thể có thể thực hiện ngay lập tức trong đời sống thường nhật, trước khi có những kế hoạch quy mô lớn. Nếu đã đặt ra mục tiêu cần đạt được trong một năm, bạn nên lập thêm kế hoạch cho từng tháng, từng tuần, từng ngày và thực hiện từng bước một. Nếu không, khi có việc gì đó bất ngờ xảy ra, vì chú ý đến điều ấy nên bạn sẽ dễ dàng quên mất kế hoạch và mục tiêu của mình.

Vào ngày 18 tháng 7 năm 1989, khi Mark Wellman, 29 tuổi, leo lên đỉnh El Capitan ở California, Mỹ, cả nước Mỹ đã rơi nước mắt cảm động. Mặc dù bị liệt nửa thân dưới nhưng ông vẫn leo lên vách đá cao 1.000m chỉ với sức mạnh của hai cánh tay. Mark đã nâng cơ thể của mình nhích lên từng 15㎝, trong khi bám vào sợi dây và lên đến đỉnh núi chỉ sau 9 ngày.

Điều gì sẽ xảy ra nếu ban đầu ông đã đặt mục tiêu một cách mơ hồ? Có lẽ ông đã bỏ cuộc sau một thời gian vì áp lực phải leo lên độ cao lớn như vậy. Tuy nhiên, ông đã lập mục tiêu đạt được 15㎝ cho mục tiêu lớn là 1.000m, tiến lên từng chút một, kết quả là cuối cùng ông đã có thể chinh phục được đỉnh cao. Đó là kỳ tích được tạo nên bởi 15㎝.

Bạn có thể sẽ thất bại. Nhưng bây giờ mới là điều quan trọng. Nếu gục ngã vì thất bại, bạn sẽ mãi mãi cách xa với thành công. Nhưng nếu vượt qua được điểm thất bại bằng cách nào đó, bạn vẫn có thể tiến thêm một bước nữa. Thay vì đánh mất tinh thần vì thất bại và bỏ cuộc, hãy rút ra bài học từ thất bại và bổ khuyết những phần còn thiếu sót của mình để đương đầu một lần nữa. Đến lúc đó, xác suất đạt được mục tiêu sẽ cao hơn.

Samuel Beckett, nhà văn Ireland từng nhận giải thưởng Nobel văn học nói rằng “Dù đã nỗ lực nhưng nếu vẫn thất bại thì đừng lùi bước và hãy thử lại lần nữa. Thậm chí ngay cả khi thất bại thì thông qua đó, bạn cũng sẽ trở nên mạnh mẽ hơn”. Nhà văn nhấn mạnh rằng ngay cả khi thất bại lặp đi lặp lại nhiều lần thì trong thời gian triển khai kế hoạch ắt vẫn để lại dù chỉ là một chút kết quả hữu hình hay vô hình. Dù là quyết tâm không quá 3 ngày nhưng nếu kiên trì thì sẽ trở nên giống như quyết tâm suốt 365 ngày. Khi chúng ta âm thầm tiến bước với tấm lòng biến ngày hôm nay tốt hơn hôm qua, và ngày mai tốt hơn một chút so với hôm nay thì chắc chắn chúng ta sẽ có thể lên đến đỉnh cao mà bản thân mong muốn.

Nguồn động lực khiến chúng ta vững vàng hướng tới mục tiêu là lòng khẩn thiết. Lòng khẩn thiết tựa như đòn bẩy nâng giới hạn của chúng ta lên cao hơn. Một khi đã nếm trải cảm giác thất vọng, chúng ta sẽ cảm thấy mất đi ý chí và muốn bỏ cuộc. Song khi muốn bỏ cuộc, chúng ta cần phải suy nghĩ lại xem mục tiêu đó quan trọng và đáng giá thế nào đối với mình. Nếu đó không phải điều mình mong muốn thì chúng ta đã không bắt đầu ngay từ đầu. Nếu chúng ta tưởng tượng đến niềm vui khi hoàn thành được thì sẽ được tiếp thêm sức lực để thách thức thêm lần nữa.

Chẳng phải Mark Wellman leo lên vách đá thành công chỉ nhờ vào một mục tiêu nhỏ thôi đâu. Sau tai nạn leo núi năm 1982, ông bắt đầu tập phục hồi chức năng và dành nhiều năm để nâng cao sức mạnh cơ bắp của phần thân trên thay cho phần thân dưới không thể cử động. Dù luôn phải chịu đựng những cơn đau như rút xương nhưng ông vẫn không ngừng tập luyện vì đã có mục tiêu khẩn thiết là leo lên đến đỉnh El Capitan.

Không có khởi đầu nào là quá muộn

Một trong những trường hợp khiến chúng ta không sẵn sàng hành động dù có lòng khẩn thiết là khi đối mặt với suy nghĩ rằng “Chẳng phải đã quá muộn rồi sao?” Mọi người đồng tình với câu nói “Tuổi tác chỉ là con số”, nhưng hầu hết họ đều do dự và lo lắng về con số đó. Đó là bởi sự thất vọng đi trước ý chí muốn làm việc gì đó. Điều này được tỏ rõ khi họ được so sánh với những người thành công ở cùng độ tuổi hay hoàn cảnh.

Giống như mỗi loài hoa lại có thời kỳ nở rộ khác nhau tùy mỗi mùa, thời điểm chúng ta đạt được mục tiêu cũng sẽ khác. Hoa mai Mỹ nở vào mùa xuân, còn hoa trà my nở khi đông đến. Trọng tâm của việc khai hoa là hoa nở đẹp đến mức nào chứ không phải là nở khi nào. Nếu có điều gì mà mình mong muốn thì đừng so sánh với người khác mà hãy tự tin hướng tới mục tiêu của bản thân từng bước một. Bên cạnh đó, để bắt đầu một khởi đầu mới, chúng ta phải quên đi “tôi của quá khứ”. Dù trước đây từng thành công hay thất bại chăng nữa, điều quan trọng là hiện tại chúng ta đang làm gì cho tương lai.

Khi Colonel Sanders, người sáng lập tập đoàn đồ ăn nhanh tầm cỡ thế giới KFC, bắt đầu kinh doanh chuỗi cửa hàng gà nhượng quyền thì ông đã 65 tuổi. Mặc dù đã trải qua nhiều lần thất bại trong kinh doanh nhưng ông không bị ám ảnh bởi quá khứ mà đã đương đầu với những điều mới mẻ. Tận dụng kinh nghiệm điều hành nhà hàng, ông đã hoàn thành món gà rán đặc biệt của riêng mình. Sau đó, ông đã đến hơn 1.000 nhà hàng để tìm nhà đầu tư trong hai năm, nhưng không một nhà hàng nào muốn nhận nhượng quyền. Cuối cùng, ở tuổi 68, nhà hàng thứ 1.009 mà ông ghé thăm đã chấp nhận lời đề nghị của ông. Kể từ đó, Sanders đã trở thành một huyền thoại thành công nhờ kinh doanh nhượng quyền thương hiệu gà rán toàn cầu với 13.000 cửa hàng tại 80 quốc gia trên thế giới.

Điều gì sẽ xảy ra nếu Sanders chỉ hình thành ý tưởng kinh doanh nhượng quyền gà rán mà ông đã quyết tâm ở tuổi 65? Nếu ông đã chỉ lo lắng vì nghĩ rằng đã quá muộn thì sẽ ra sao? Ông sẽ kết thúc cuộc đời mình sau khi dành phần đời còn lại như một người bình thường vô danh. Tuy nhiên, ông đã đạt được mục tiêu của mình ngay cả khi đã ngoài 60 tuổi và có thể chứng kiến thương hiệu mình gây dựng phát triển như thế nào trong 30 năm sau đó.

Có câu nói rằng dù khởi đầu muộn thì vẫn chưa phải là quá muộn, và dù hối hận sớm thì vẫn không phải là quá sớm. Miễn là chúng ta khẩn thiết mong muốn hoàn thành mục tiêu thì không có khởi đầu nào là muộn trên thế gian này, và giấc mơ chắc chắn sẽ trở thành hiện thực.

Tập luyện để tiến đến Nước Thiên Đàng

“… anh em đáng nên thánh và tin kính trong mọi sự ăn ở của mình là dường nào, trong khi chờ đợi trông mong cho ngày Đức Chúa Trời mau đến,… theo lời hứa của Chúa, chúng ta chờ đợi trời mới đất mới, là nơi sự công bình ăn ở.” II Phierơ 3:11-13

Trời mới đất mới – Nước Thiên Đàng mà chúng ta đang chờ đợi, là nơi các thiên sứ sinh sống. Khi trông thấy một người có tấm lòng đẹp, người ta thường nói người đó giống như thiên sứ. Các thiên sứ có những phẩm tính đẹp như khiêm nhường, yêu thương, nhân ái, v.v… vì họ giống với Đức Chúa Trời. Những tội nhân có nhiều tì vết và khiếm khuyết, đã phạm tội nặng đến mức phải trả giá bằng cái chết từ trên trời xuống đất này, nhất định phải sinh lại mới để được vào Nước Thiên Đàng bằng phẩm tính trọn vẹn.

“Ðức Chúa Jêsus cất tiếng đáp rằng: Quả thật, quả thật, ta nói cùng ngươi, nếu một người chẳng sanh lại, thì không thể thấy được nước Ðức Chúa Trời.” Giăng 3:3

Ban đầu chúng ta đã không trọn vẹn vì mang bản tính tội lỗi như kiêu ngạo, ghen ghét, đố kỵ, cố chấp, bướng bỉnh, v.v… Không có ai không muốn thay đổi những phẩm tánh thể này. Dù vậy, bản tính của một người không thể thay đổi một sớm một chiều như thay bóng đèn được. Thật khó để thay đổi ngay cả khi đó là thói quen nhỏ nhặt. Vậy thì phẩm tánh đã hình thành từ lâu trong đời sống sẽ không thể được thay đổi chỉ với một hai lần nỗ lực đâu! Hơn nữa, những người nghiêm khắc với người khác thường khoan dung với bản thân mình. Dù có điểm sai sót nhưng nếu là việc của bản thân thì họ thường bỏ qua một cách đại khái, từ bỏ hoặc hợp lý hóa rằng “tính cách của tôi vốn là như vậy”.

Giống như việc trau dồi kỹ năng và kiến ​​thức là cần thiết cho cuộc sống, chúng ta cũng cần tập luyện để có được phẩm tánh trọn vẹn. Dẫu khó có thể thay đổi ngay lập tức, nhưng nếu chúng ta đặt đích đến là Nước Thiên Đàng và khẩn thiết mong muốn đến nơi đó thì phải sửa đi sửa lại cho dù đó là điều nhỏ nhặt đến đâu đi chăng nữa để có đủ tư cách đi vào Nước Thiên Đàng.

“… tập tành sự tin kính. Vì sự tập tành thân thể ích lợi chẳng bao lăm, còn như sự tin kính là ích cho mọi việc, vì có lời hứa về đời nầy và về đời sau nữa.” I Timôthê 4:7-8

Mao trúc (moso) được coi là loài trúc tốt nhất, dù nhận đủ nắng và mưa nhưng chỉ đâm chồi nhỏ như móng tay trong suốt 5 năm. Tuy nhiên sau 5 năm đó, cây phát triển 80㎝ mỗi ngày và cuối cùng đạt đến 30m. Đến một lúc nào đó, nó vươn lên không chút do dự nhờ chất dinh dưỡng đã tích lũy ở rễ trong lòng đất suốt 5 năm.

Dáng vẻ của chúng ta trong sinh hoạt đức tin cũng giống như mao trúc. Lời nước sự sống của Đức Chúa Trời và giáo huấn của Mẹ đang thấm đượm trong tấm lòng chúng ta trước khi chúng ta nhận ra, và giúp chúng ta trưởng thành. Vậy nên nếu chúng ta không ngừng tập luyện để được sinh lại dù chỉ một chút thì đến một ngày nào đó, nhất định chúng ta sẽ tỏa sáng.

Bây giờ vẫn chưa muộn đâu. Dẫu chúng ta cảm thấy bức bối vì mắc nhiều sai lầm hơn là để lại thành quả nổi bật, nhưng nếu cứ tập luyện không ngừng, lập kế hoạch để hôm nay tốt hơn hôm qua, ngày mai tốt hơn hôm nay một chút, thì đến một lúc nào đó chúng ta sẽ phát hiện ra mình đã biến hóa thành người mới. Chúng ta hãy tiến bước về quê hương trên trời trong khi nhìn trông Đức Chúa Trời Cha Mẹ, là Đấng luôn giúp đỡ chúng ta trong quá trình được dựng nên thành cái được trọn vẹn. Nơi ấy có mão triều thiên trên trời đang chiếu sáng rực rỡ.

“Hết thảy những người đua tranh, tự mình chịu lấy mọi sự kiêng kỵ, họ chịu vậy để được mão triều thiên hay hư nát. Nhưng chúng ta chịu vậy để được mão triều thiên không hay hư nát.” I Côrinhtô 9:25

Tham khảo
Thành công chậm chạp (Luxmedia)
Quy tắc 10.000 giờ (Wisdom House)
Hội chứng bắt đầu (Wisdom House)