Chọn ngôn ngữ

Close

Lữ khách và kẻ phiêu bạt

3,799 lượt xem

Tưởng chừng như chúng ta vừa đón năm mới ngày hôm qua nhưng thấm thoát đã bước vào nửa cuối năm 2023. Những năm tháng nhân sinh của chúng ta dường như trôi qua thật nhanh như ánh sáng, chỉ trong chớp mắt vậy.

Cuộc sống trôi qua trong những khoảnh khắc như thế thường được ví như hành trình của khách bộ hành. Người khách bộ hành có thể rời khỏi quê hương và cư ngụ ở nơi khác một thời gian, nhưng đối với người ấy có quê hương để trở về. Ký giả sách Hêbơrơ ghi chép rằng các tổ phụ đức tin đã sống trên đất này như kẻ khách và bộ hành, nhưng họ ham mến quê hương ở trên trời, tức là Nước Thiên Đàng.

Trên thế gian có nhiều người đang sinh sống trong khi lang thang về phần linh hồn mà không biết đến điểm đích là Nước Thiên Đàng. Nếu không có điểm đích để trở về trong tương lai thì chỉ có thể được gọi là kẻ phiêu bạt chứ không phải là khách bộ hành. Nhân loại đang sống cuộc đời của kẻ phiêu bạt vô vọng, Đức Chúa Trời đang chờ đợi họ nhận biết và trở về Nước Thiên Đàng là quê hương linh hồn.

Thế giới vĩnh viễn mà chúng ta sẽ đón nhận sau cuộc đời nhân sinh

Khi đi nước ngoài, tôi thấy rất nhiều bia mộ được dựng lên giữa trung tâm thành phố. Khi tôi hỏi người đi cùng thì được nghe trả lời rằng ấy là nghĩa trang công cộng. Điều này khác với Hàn Quốc, trong các nền văn hóa khác như Bắc Mỹ, Trung và Nam Mỹ, châu Âu v.v… thì nghĩa trang thường nằm ngay giữa thành phố.

Khi xem thấy vô số dấu vết của sự chết như một phần trong cuộc sống hàng ngày, tôi chợt nhớ đến sự thật rằng nhân sinh chúng ta dù ở bất cứ địa vị nào, giàu nghèo sang hèn thì cuối cùng đều phải trở về với cát bụi. Đức Chúa Jêsus cũng ban sự dạy dỗ về nguyên lý này thông qua ví dụ về người giàu và Laxarơ.

“Có một người giàu mặc áo tía và áo bằng vải gai mịn, hằng ngày ăn ở rất là sung sướng. Lại có một người nghèo, tên là Laxarơ, nằm ngoài cửa người giàu đó, mình đầy những ghẻ. Người ước ao được ăn những đồ ở trên bàn người giàu rớt xuống; cũng có chó đến liếm ghẻ người. Vả, người nghèo chết, thiên sứ đem để vào lòng Ápraham; người giàu cũng chết, người ta đem chôn. Người giàu ở nơi Âm phủ đang bị đau đớn, ngước mắt lên, xa thấy Ápraham, và Laxarơ trong lòng người; bèn kêu lên rằng: Hỡi Ápraham tổ tôi, xin thương lấy tôi, sai Laxarơ nhúng đầu ngón tay vào nước đặng làm cho mát lưỡi tôi; vì tôi bị khổ trong lửa nầy quá đỗi. Nhưng Ápraham trả lời rằng: Con ơi, hãy nhớ lúc ngươi còn sống đã được hưởng những sự lành của mình rồi, còn Laxarơ phải những sự dữ; bây giờ, nó ở đây được yên ủi, còn ngươi phải bị khổ hình.” Luca 16:19-25

Ngay cả người giàu sống xa hoa và hưởng thụ mọi thứ mình muốn trong suốt cuộc đời, lẫn người ăn mày Laxarơ sống cuộc đời nghèo khổ, khi thời gian trôi qua và có tuổi, không một ai là ngoại lệ mà hết thảy đều phải đón nhận sự chết và rời khỏi thế gian này. Song, sự chết không phải là kết thúc của mọi sự mà là điểm khởi đầu mới. Vào lúc cuối của cuộc đời phần xác thịt lại có cuộc sống khác đang chờ đợi họ.

Nhưng nơi mà hai người đi đến là khác nhau. Thế giới hạnh phúc đời đời được gọi là Nước Thiên Đàng đang chờ đợi Laxarơ, và thế giới của sự đau đớn và hình phạt đời đời được gọi là địa ngục đang chờ đợi người giàu.

Điều gì đã định đoạt vận mệnh của người giàu và Laxarơ? Dù sống cuộc đời tồi tàn nhưng Laxarơ luôn đặt sự trông cậy của mình hướng về Nước Thiên Đàng. Laxarơ đã sống trong khi vâng phục lời của Đức Chúa Trời, giữ vững đức tin coi trọng cuộc sống đời đời ở Nước Thiên Đàng là quê hương phần linh hồn mà mình sẽ trở về trong tương lai, hơn là cuộc sống tạm thời của kẻ khách bộ hành.

Trái lại, người giàu chỉ đơn giản tận hưởng cuộc sống xa hoa từng ngày và cai trị trên người khác. Ông đã nghĩ rằng khi chết thì mọi chuyện sẽ kết thúc, nhưng thế giới đời đời sau sự chết đang chờ đợi ông. Người giàu chịu đau đớn cùng cực nơi địa ngục đến nỗi phải nài xin rằng “Xin hãy nhúng đầu ngón tay vào nước đặng làm cho mát lưỡi tôi”, và cầu xin Đức Chúa Trời sai Laxarơ đến báo cho anh em mình biết về thế giới linh hồn để họ không phải xuống địa ngục. Khi xem thấy lời của Đức Chúa Trời phán rằng họ phải nghe lời Môise và các đấng tiên tri, chúng ta có thể thấy việc sống theo ý muốn của Đức Chúa Trời trên đất này là quan trọng biết bao (Luca 16:25-31).

Cuộc đời của lữ khách và cuộc đời của kẻ phiêu bạt

Kinh Thánh cho biết rằng không chỉ người giàu và Laxarơ trong ví dụ, mà hết thảy nhân sinh đều sẽ đi đến thế giới vĩnh cửu được gọi là Nước Thiên Đàng hay địa ngục khi kết thúc cuộc sống trên đất này, đồng thời dạy rằng chúng ta phải sinh sống với mục đích là Nước Thiên Đàng.

“Bởi đức tin, Abên… Bởi đức tin, Hênóc … Bởi đức tin, Nôê… Bởi đức tin, Ápraham… Hết thảy những người đó đều chết trong đức tin, chưa nhận lãnh những điều hứa cho mình; chỉn trông thấy và chào mừng những điều đó từ đằng xa, xưng mình là kẻ khách và bộ hành trên đất. Những kẻ nói như thế, tỏ rõ rằng mình đương đi tìm nơi quê hương. Ví thử họ đã tưởng đến nơi quê hương mà mình từ đó đi ra, thì cũng có ngày trở lại, nhưng họ ham mến một quê hương tốt hơn, tức là quê hương ở trên trời;…” Hêbơrơ 11:4-16

Nhiều tổ phụ đức tin đã sống như kẻ khách và bộ hành trên đất. Trái đất này chỉ là nơi chúng ta lưu trú tạm thời như là khách bộ hành, còn quê hương chúng ta sẽ trở về trong tương lai chính là Nước Thiên Đàng. Có thể nói rằng những người sinh sống trong khi suy nghĩ đến Nước Thiên Đàng mình sẽ trở về chính là khách bộ hành đúng nghĩa.

Nhưng thật đáng tiếc thay, trong cả nhân loại ngày nay, số người lắng nghe lời dạy dỗ của Kinh Thánh và sống như khách bộ hành lại rất ít.

“Hãy vào cửa hẹp, vì cửa rộng và đường khoảng khoát dẫn đến sự hư mất, kẻ vào đó cũng nhiều. Song cửa hẹp và đường chật dẫn đến sự sống, kẻ kiếm được thì ít.” Mathiơ 7:13-14

Kinh Thánh nói rằng số người đi theo con đường dẫn đến sự diệt vong nhiều hơn so với số người đi theo con đường sự sống mà Đức Chúa Trời đã mở ra. Đã là người sinh ra trên trái đất này thì không ai sinh sống với mục tiêu là địa ngục cả, thế nhưng vì không biết điểm đích phần linh hồn là Nước Thiên Đàng, nên chẳng phải họ sẽ bỏ lỡ cơ hội được trở về và cứ đi lang thang để rồi đi đến sự diệt vong sao?

Chúng ta, những người đã đi vào lẽ thật sự sống trước, phải hướng dẫn hầu cho những người phiêu bạt phần linh hồn ấy có thể cùng đi vào Nước Thiên Đàng. Hãy khiến họ thức tỉnh về sự thật rằng chúng ta đến trái đất này không phải để lang thang mà là để trở về quê hương Nước Thiên Đàng vĩnh cửu.

“Lòng các ngươi chớ hề bối rối; hãy tin Ðức Chúa Trời, cũng hãy tin ta nữa. Trong nhà Cha ta có nhiều chỗ ở; bằng chẳng vậy, ta đã nói cho các ngươi rồi. Ta đi sắm sẵn cho các ngươi một chỗ. Khi ta đã đi, và đã sắm sẵn cho các ngươi một chỗ rồi, ta sẽ trở lại đem các ngươi đi với ta, hầu cho ta ở đâu thì các ngươi cũng ở đó.” Giăng 14:1-3

“Nhà Cha có nhiều chỗ ở”, nơi ấy chính là Thiên Đường mà cả nhân loại hằng mơ ước và khát khao. Đức Chúa Jêsus là Đức Chúa Trời Cha đã đến trái đất này trên lập trường của Con Trai để ban cho các con cái thế giới vinh hiển ấy. Đức Chúa Trời đã đích thân đến và dạy dỗ cho nhân loại về Nước Thiên Đàng, trước khi về trời Ngài đã lập ra giao ước của sự sống mà bởi đó con cái Ngài có thể đạt đến Nước Thiên Đàng.

Hết thảy chúng ta phải cùng nhau bước vào thế giới đầy vinh hoa ấy. Noi theo tình yêu thương của Đấng Christ, chúng ta cũng hãy chia sẻ niềm trông mong Nước Thiên Đàng cho những người đang lang thang phần linh hồn, và cho họ biết phương pháp trở về Nước Thiên Đàng.

Hết thảy nhân sinh ví như hoa cỏ

Người khách bộ hành không quan tâm nhiều ngay cả khi căn phòng họ ở qua đêm có tồi tàn chăng nữa. Dù có bất tiện nhỏ thì họ cũng không gây hấn vì điều đó. Vì trình trạng tồi tàn hiện tại không kéo dài lâu, và có đích đến mà họ sẽ sớm trở về, nên họ vẫn thong thả mà không bị chìm đắm vào những khó khăn nhất thời.

Chúng ta cũng giống như vậy. Chúng ta là những khách bộ hành đang sống với niềm trông mong Nước Thiên Đàng, trong khi hiểu biết rằng cuộc sống trên đất này chỉ là tạm thời và thời gian trên Nước Thiên Đàng sắp đến ngay trước mắt mới là đời đời.

“Anh em đã vâng theo lẽ thật làm sạch lòng mình, đặng có lòng yêu thương anh em cách thật thà, nên hãy yêu nhau sốt sắng hết lòng; anh em đã được lại sanh, chẳng phải bởi giống hay hư nát, nhưng bởi giống chẳng hư nát, là bởi lời hằng sống và bền vững của Đức Chúa Trời. Vì, Mọi xác thịt ví như cỏ, Mọi sự vinh hiển của nó ví như hoa cỏ. Cỏ khô, hoa rụng, Nhưng lời Chúa còn lại đời đời. Và lời đó là đạo Tin lành đã giảng ra cho anh em”. I Phierơ 1:22-25

Kinh Thánh ví xác thịt như hoa cỏ sớm nở trong chốt lát rồi khô héo. Vì vinh hiển của nhân sinh không kéo dài lâu mà rất ngắn ngủi và trôi qua trong khoảnh khắc. Giống như câu nói “Thảo lộ nhân sinh (草露人生)”, đời sống loài người giống như giọt sương đọng trên lá cỏ trong chốc lát rồi biến mất, và cũng như lộ trình của người lữ khách phải rời đi sau đêm nay. Song, nếu cứ sống một cách bon chen như thể cuộc sống trên đất này là tất cả, thì ắt hẳn bị gọi là kẻ phiêu bạt cứ lang thang mà không biết kể cả mục đích của mình, chứ không phải là khách bộ hành biết đặt tâm trí hướng về nơi mình phải trở về.

Sau cuộc đời nhân sinh chỉ là chốc lát này, thời gian vĩnh cửu được ban cho sẽ tràn đầy hạnh phúc hoặc đầy dẫy bất hạnh, đều được quyết định tùy theo quá trình sống trên đất này. Chính vì thế, Đức Chúa Trời đã dặn dò lặp đi lặp lại thông qua Kinh Thánh để khuyên răn chúng ta sống trong khi vâng theo lời chí thánh của Ngài. Chúng ta hãy thấu hiểu ý muốn của Đức Chúa Trời mong muốn chúng ta hối cải, vâng theo lời Ngài và được biến hóa thành bổn tánh giống với Ngài, cũng hãy nỗ lực hết sức để được sanh lại thành hình ảnh xứng đáng được trở về quê hương Nước Thiên Đàng vĩnh cửu.

Dù gặp khó khăn trong cuộc sống, nhưng cuối cùng Laxarơ đã được đi vào thế giới vinh hiển rực rỡ mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn, và được yên ủi đến đời đời. Giống như vậy, thời gian vinh hiển như thế cuối cùng cũng sẽ đến với chúng ta. Chúng ta hãy ghi nhớ bổn phận của mình với tư cách là khách bộ hành phần linh hồn, và trở thành người nhà Siôn luôn chuẩn bị cho Nước Thiên Đàng vĩnh cửu trong khi sốt sắng tuân theo lời dạy dỗ của Đức Chúa Trời.

Đức tin nhìn trông Nước Thiên Đàng

Giống như các tổ phụ đức tin trong thời đại Cựu Ước đã được đề cập trong sách Hêbơrơ, các thánh đồ Hội Thánh sơ khai cũng bước đi trên con đường đức tin với tư cách là khách bộ hành phần linh hồn, trong khi luôn nhìn hướng về thời gian vĩnh cửu, bất kể phải đối mặt với sự bắt bớ hay hoạn nạn nào chăng nữa.

“Vậy nên chúng ta chẳng ngã lòng, dầu người bề ngoài hư nát, nhưng người bề trong cứ đổi mới càng ngày càng hơn. Vì sự hoạn nạn nhẹ và tạm của chúng ta sanh cho chúng ta sự vinh hiển cao trọng đời đời, vô lượng, vô biên, bởi chúng ta chẳng chăm sự thấy được, nhưng chăm sự không thấy được; vì những sự thấy được chỉ là tạm thời, mà sự không thấy được là đời đời không cùng vậy.” II Côrinhtô 4:16-18

“Chính Đức Thánh Linh làm chứng cho lòng chúng ta rằng chúng ta là con cái Đức Chúa Trời. Lại nếu chúng ta là con cái, thì cũng là kẻ kế tự: Kẻ kế tự Đức Chúa Trời và là kẻ đồng kế tự với Đấng Christ, miễn chúng ta đều chịu đau đớn với Ngài, hầu cho cũng được vinh hiển với Ngài. Vả, tôi tưởng rằng những sự đau đớn bây giờ chẳng đáng so sánh với sự vinh hiển hầu đến, là sự sẽ được bày ra trong chúng ta.” Rôma 8:16-18

Sứ đồ Phaolô nhắc nhở rằng điều chúng ta trông mong trong đức tin không phải là những sự thấy được, mà chính là Nước Thiên Đàng vĩnh cửu không thấy được. Sứ đồ cũng nhấn mạnh rằng những khổ nạn và khó nhọc mà hiện nay chúng ta đang trải qua là không thể so sánh với vinh hiển mà chúng ta sẽ nhận lãnh trên Nước Thiên Đàng trong tương lai. Các thánh đồ Hội Thánh sơ khai đã tiến bước trong khi tin vào lời hứa của Đức Chúa Trời rằng Ngài sẽ ban cơ nghiệp Nước Thiên Đàng vĩnh cửu như thế. Vì vậy, không có chướng ngại vật nào có thể ngăn cản bước chân của họ hướng đến quê hương Nước Thiên Đàng.

Kẻ phiêu bạt không có quê hương để trở về hay điểm đến đã định sẵn, nên cứ sống cuộc sống chỉ bận rộn với hiện thực rằng sẽ trải qua từng ngày như thế nào và ở đâu, nhưng khách bộ hành thì không như vậy. Dù cảm thấy hơi bức bối hoặc không hài lòng với hoàn cảnh hiện tại, nhưng khách bộ hành không quá để tâm đến hiện thực vì có sự trông cậy rằng mọi vấn đề sẽ được giải quyết khi trở về quê hương.

Nếu chúng ta cũng hiểu biết về nơi mình sẽ trở về với tư cách là khách bộ hành chứ không phải là kẻ phiêu bạt phần linh hồn, thì chúng ta nên củng cố đức tin bằng cách nhìn trông vinh hiển của vương quốc trên trời, hơn là vui buồn nhất thời bởi những thứ thuộc về đất này. Chẳng phải Đức Chúa Trời đã định chúng ta là kẻ kế tự và phán “Chỉ cần trở về Nước Thiên Đàng thôi. Ta sẽ không tiếc chi hết mà sẽ ban cho các con bất cứ điều gì!”, cũng như đang chờ đợi chúng ta sao? Hãy có lòng tự hào và hãnh diện vì được làm con cái của Đức Chúa Trời, chúng ta hãy vui mừng mãi mãi, cầu nguyện không thôi, phàm sự gì cũng tạ ơn Đức Chúa Trời và chạy đua trên con đường đức tin trong khi đặt sự trông cậy duy chỉ ở trên trời (I Têsalônica 5:16-18).

Hãy dẫn dắt nhân loại đến con đường Nước Thiên Đàng

Alexanđer Đại Đế, người đã xây dựng đế chế vĩ đại trải dài khắp châu Á, châu Phi và châu Âu, đã qua đời ở tuổi 33. Người ta chú ý đến việc Alexander Đại Đế sẽ để lại di chúc gì, nhưng nghe nói rằng di chúc của ông rất đơn giản. Đừng nói đến tương lai của đế quốc hay vấn đề người kế vị, tất cả những gì ông muốn làm là “Khi ta qua đời, hãy để một bàn tay ra khỏi quan tài”. Tôi nghĩ ý định của ông là muốn cho mọi người biết sự thật rằng nhân sinh là tồn tại không thể tránh khỏi số phận đến tay không và về cũng tay không, ngay cả anh hùng đã chinh phục thế giới như ông cũng vậy.

Dù là người có quyền lực to lớn chăng nữa thì cũng không thể hưởng được quyền thế và phú quý ấy đến đời đời, cũng không tránh khỏi sự chết được. Nhân sinh là như thế. Vì trái đất này không phải là quê hương của linh hồn chúng ta, mà là nơi chúng ta trải qua cuộc sống tạm thời của khách bộ hành thôi. Thế mà, có nhiều người lao vào con đường diệt vong, trong khi sống như thể cuộc đời xác thịt hữu hạn này là tất cả mà bỏ lại sau lưng Nước Thiên Đàng vĩnh cửu, như thể đang đuổi theo ảo ảnh. Đức Chúa Trời thương xót nhân sinh thể ấy, nên Ngài đã đặt để con đường đi đến Nước Thiên Đàng trong Kinh Thánh và cho chúng ta biết về con đường đó.

“Thánh Linh và vợ mới cùng nói: Hãy đến! Kẻ nào nghe cũng hãy nói rằng: Hãy đến! Ai khát, khá đến. Kẻ nào muốn, khá nhận lấy nước sự sống cách nhưng không. Tôi ngỏ cho kẻ nào nghe lời tiên tri trong sách này: Nếu ai thêm vào sách tiên tri nầy điều gì, thì Đức Chúa Trời sẽ thêm cho người ấy tai nạn đã ghi chép trong sách nầy. Và kẻ nào bớt điều gì trong những lời ở sách tiên tri nầy, thì Đức Chúa Trời sẽ cất lấy phần họ về cây sự sống và thành thánh, mà đã chép ra trong sách nầy.” Khải Huyền 22:17-19

Nếu thêm hoặc bớt lời của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh thì sẽ gặp tai vạ và không thể dự phần vào cây sự sống và thành thánh. Chỉ khi giữ theo y nguyên sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời, chúng ta mới có thể đạt đến Nước Thiên Đàng.

Nước Thiên Đàng là nơi không có sự chết, cũng không có đau đớn hay buồn rầu, khi được cứu rỗi và đi vào Nước Thiên Đàng, chúng ta sẽ được hưởng hạnh phúc đời đời với tư cách là thầy tế lễ nhà vua ở vương quốc trên trời (Khải Huyền 21:1-4, 22:5). Chúng ta hãy dẫn dắt vô số người chưa biết đến phước lành này và đang sống lang thang không có mục đích trong cuộc đời nhân sinh đến với con đường cứu rỗi. Hãy siêng năng rao truyền tin tức vui mừng rằng quê hương của chúng ta là Nước Thiên Đàng, Cha An Xang Hồng và Mẹ Giêrusalem Mới đã mở ra con đường Nước Thiên Đàng và đang kêu gọi chúng ta “Hãy đến nhận lấy nước sự sống!”.

Chúng ta hãy trông mong ngày được biến hóa mau chóng trong vinh hiển của Đức Chúa Trời và trở về quê hương Nước Thiên Đàng vĩnh cửu, cũng hãy gắng sức hơn nữa trong việc làm cho mọi linh hồn được hối cải và dẫn họ cùng lên Nước Thiên Đàng, trong khi luôn kiểm tra và đổ đầy dầu đức tin. Mong chúng ta đều bước đi con đường đức tin xứng đáng với tư cách là khách bộ hành phần linh hồn, luôn ham mến quê hương trên trời mà mình đã từ đó đi ra, bởi đó được đi vào Nước Thiên Đàng cách rộng rãi, và hãy trở thành các con cái trên trời được Cha Mẹ trên trời khen ngợi là đã làm rất tốt và xuất sắc.