Hiệu ứng neo

8,166 lượt xem

Khi neo hạ xuống, con tàu sẽ chỉ di chuyển trong phạm vi chiều dài của sợi dây neo. Tương tự như vậy, hiện tượng tâm lý khi con người có xu hướng đưa ra quyết định phụ thuộc quá nhiều vào thông tin đầu tiên họ nhận được có tên “Hiệu ứng neo (Anchoring Effect)”.

Nếu người bán đồng hồ ban đầu chào giá cho người tiêu dùng 200 đôla, sau đó giảm xuống 100 đôla thì khả năng mua sẽ lớn hơn. Khi được hỏi: “Napoléon cao hơn 180cm đúng không?” thì nhiều khả năng bạn sẽ đoán ông ấy cao hơn khi được hỏi: “Napoléon cao hơn 150cm đúng không?” Trên thực tế, cái giá 200 đôla không liên quan đến quyết định mua đồng hồ của người mua. Ngay cả khi ước đoán chiều cao của Napoléon, con số 180cm hay 150cm cũng không có ý nghĩa gì cả. Thế nhưng chúng đã trở thành tiêu chuẩn cho việc đưa ra quyết định.

Càng có ít kiến thức hoặc càng thiếu tự tin, bạn càng có xu hướng neo mình trong những suy tưởng phi lý. Khi đó khả năng phán đoán của bạn sẽ mờ dần. Để tránh rơi vào lối tư duy sai lầm này, bạn cần nhìn lại xem điều gì đã ảnh hưởng đến quyết định của mình, trang bị kiến thức khách quan về lĩnh vực đó và nhìn rộng ra từ những ý kiến của người khác.