“Xin lỗi” – Điều mang lại sự bình yên cho gia đình
Xin lỗi không phải là khuất phục hay chịu thua người khác. Mà là đức tính tốt có năng lực đáng ngạc nhiên.
Con người ai cũng có lúc sơ suất và mắc phải sai lầm lớn nhỏ. Có khi là đạp phải chân người khác trong chiếc xe bus chật cứng, đánh đổ cốc nước làm ướt áo ai đó, đùa giỡn quá trớn làm tổn thương tấm lòng của người khác, hoặc có hành động không quan tâm người khác khiến họ tức giận. Không chỉ những đứa trẻ còn chưa chín chắn mà ngay cả những người lớn tuổi có kinh nghiệm phong phú trong cuộc sống cũng không phải là sự tồn tại hoàn hảo nên mọi người đều không ngừng thử và sai.
Điều quan trọng là thái độ ứng xử theo chiều hướng tích cực khi mắc lỗi. Nếu gây tổn hại cho người khác bởi lời nói hoặc hành động bất cẩn thì bồi thường là đương nhiên. Sự bồi thường tốt nhất có thể làm trong tình huống đã gây tổn hại cho người khác chính là “xin lỗi”.
Tổng thống Mỹ Barack Obama từng nói “Trong thời đại trách nhiệm, không mắc sai lầm không phải là đức tính tốt, mà thừa nhận lỗi lầm và cẩn thận để không mắc lỗi ấy lần nữa mới là đức tính tốt”. Matsushita Konosuke, một doanh nhân tiêu biểu của Nhật Bản, đã nói “Trên đời này, không có việc gì có thể cho qua mà không cần xin lỗi và cũng không có người nào vẫn ổn khi không được xin lỗi”.
Trong thế giới mà những người không trọn vẹn sống cùng với nhau, những trọng tội cố ý phạm phải tất sẽ bị pháp luật trừng trị, nhưng nhờ có đức tính biết xin lỗi nên chúng ta mới có thể sống trong khi thấu hiểu và tha thứ cho nhau về vô số lỗi lầm mắc phải bên ngoài khuôn khổ luật pháp.
Uy lực của “Tôi xin lỗi”
Đây là việc đã xảy ra vào năm 2006 tại Bệnh viện Đại học Illinois, Mỹ. Một bác sĩ có 40 năm kinh nghiệm đã mắc phải sai lầm là lấy sinh thiết ra từ chiếc xương sườn thứ tám của bệnh nhân trong khi đáng lẽ phải lấy ra từ chiếc thứ chín. Nếu bệnh nhân biết điều này thì không chỉ bệnh viện sẽ trở nên vô cùng hỗn loạn mà thể diện của bác sĩ cũng sẽ bị sụp đổ. Tuy nhiên, vị bác sĩ này đã không che giấu hay biện minh cho sai lầm của bản thân mà đã đến thăm bệnh nhân để nói ra sự thật và gửi lời xin lỗi chân thành. Phía bệnh nhân đã có thể nhận được một khoản bồi thường khổng lồ nếu kiện bác sĩ, nhưng vụ việc đã được khép lại với một thỏa thuận hòa giải.
Nếu bệnh nhân bị thiệt hại do lỗi của bác sĩ thì hiển nhiên sẽ dẫn đến một cuộc chiến pháp lý. Tuy nhiên, thay vì đối đầu bằng pháp luật, nếu bác sĩ nói ra sự thật và gửi lời xin lỗi chân thành thì hầu hết những người bị thiệt hại đều sẽ tiếp nhận lời xin lỗi và không đi kiện tụng.
Xin lỗi cũng mang lại yên bình cho gia đình. Khi về nhà muộn và vợ hỏi “Sao giờ anh mới về?” mà lại đáp rằng “Em nghĩ anh muốn về muộn nên mới về muộn hả?” thì sẽ thành cãi nhau mất, nhưng nếu trả lời rằng “Anh xin lỗi vì đã về muộn. Em đã chờ rất lâu phải không?” thì thay vì cãi nhau, vợ sẽ đáp lại bằng lời mềm mỏng rằng “Vì muộn rồi nên em lo lắng quá!”.
Uy lực của một lời xin lỗi đơn giản lớn ngoài dự tính. Cho dù là người hà khắc đến đâu chăng nữa thì cũng sẽ mềm lòng trước một lời xin lỗi chân thành. Nếu bị người lạ giẫm vào bàn chân đến nỗi đau điếng nhưng được xin lỗi thì chúng ta sẽ nói không sao đâu, và nếu bị chiếc xe phía trước đột ngột xen ngang trên đường nhưng được nhận thông điệp xin lỗi bởi đèn xi nhan thì cơn giận sẽ nhanh chóng dịu đi. Ngay cả trong trạng thái căng thẳng không ai chịu lùi bước và đối đầu với nhau, hay khi những cảm xúc cũ trở nên chai cứng như đá, bầu không khí vẫn có thể được đảo ngược hoàn toàn nếu ai đó nói lời xin lỗi trước.
Nói xin lỗi trước là thua sao?
Việc thừa nhận sai lầm của bản thân và nói lời như cầu xin sự tha thứ không phải là điều dễ dàng. Theo bản năng, mọi người có khuynh hướng keo kiệt với sai lầm của người khác nhưng khoan dung với sai lầm của bản thân và cố gắng giảm bớt những tình huống bất lợi cho mình.
Trong thuật ngữ tâm lý học, tác động tâm lý vô thức để bảo vệ bản thân khỏi cảm giác tội lỗi hoặc bất an được gọi là “cơ chế phòng vệ”. Vì tác động thể này nên dù mắc lỗi nhưng người ta thường không thừa nhận mà đổ lỗi cho người khác hoặc biện minh. Hơn nữa, do cảm giác như là kẻ thất bại nếu thừa nhận sai lầm của bản thân nên họ ngần ngại hoặc tránh xin lỗi vì sợ mất thể diện và lòng tự trọng. Người càng có chức vụ cao hơn, lớn tuổi hơn hoặc có quyền uy hơn đối phương thì càng dễ có suy nghĩ thể này.
Tuy nhiên, trong tình huống cần một lời xin lỗi thích hợp, nếu lần nào cũng biện minh rằng “Điều này cũng có thể xảy ra trong cuộc sống mà!” hoặc “Ở mức độ này thì mọi người sẽ hiểu cho thôi!” và cố lảng tránh bằng cách hợp lý hóa bản thân thì mối quan hệ giữa người với người không tránh khỏi bị rạn nứt. Có trường hợp không xin lỗi mà cứ đối đầu khiến mọi việc trở nên nghiêm trọng hoặc khiến mối quan hệ trở nên không thể vãn hồi trong tình huống mà chỉ cần nói một câu đơn giản rằng “Tôi xin lỗi” thôi là có thể kết thúc.
Điều này là do sự thiếu hiểu biết về xin lỗi. Hối hận và tự kiểm điểm lại sai lầm của bản thân tuyệt đối không phải là điều đáng xấu hổ. Xin lỗi không phải là hành vi khuất phục hay chịu thua đối phương. Chúng ta làm vậy chỉ vì đó là điều đúng đắn. Xin lỗi là hành động mang tính chủ động của người có lòng tự trọng, là sự lựa chọn của người dũng cảm và là cơ hội để nhận ra điểm thiếu sót của bản thân.
“Khi mắc lỗi, người thắng sẽ nói ‘Tôi sai rồi’ còn kẻ thua sẽ nói ‘Đó không phải là lỗi của tôi’. Người thắng có thể nói xin lỗi ngay cả với đứa trẻ, còn kẻ thua không thể cúi đầu dù là trước người lớn tuổi.” Nhà báo Sidney J. Harris
Kỹ năng xin lỗi để khôi phục mối quan hệ
Ngay cả khi đã xin lỗi đối phương, vẫn có trường hợp tình huống không kết thúc mà còn trở nên tồi tệ hơn. Điều này rất có thể là do xin lỗi không đúng cách. Xin lỗi không nên là cách để lẩn tránh nguy cơ hay là biện pháp mang tính hình thức để giảm bớt gánh nặng trong lòng. Thay vì “Có xin lỗi hay không?” thì “Tấm lòng của đối phương có thấy thoải mái không?” càng quan trọng hơn. Hãy tìm hiểu về phương pháp xin lỗi đúng đắn.
① Biểu hiện một cách cụ thể
Những người chồng thường mắc phải một sai lầm. Đó là thường nói xin lỗi một cách thiếu thận trọng khi xin lỗi vợ. Nếu vợ hỏi xin lỗi về điều gì thì nhiều người chồng lảng tránh vì không nghĩ ra được điều gì để nói. Đôi khi, thay vì nói xin lỗi trực tiếp, có người cố gắng xoa dịu tấm lòng của vợ bằng sự hài hước hoặc vật chất, hay họ cho rằng họ đã nói xin lỗi bằng những từ mang sắc thái xin lỗi như “Ôi chao!”, “Làm sao đây?”. Khi xin lỗi, đừng nói cho qua một cách mập mờ mà phải biểu hiện một cách cụ thể điều cần xin lỗi. Tấm lòng chân thành được truyền đạt bởi việc cho thấy bản thân thật sự đã nhận thức được mình làm sai điều gì.
② Không kèm theo điều kiện hoặc biện minh
Giống như tất cả mọi việc đều có lý do, ngay cả việc mắc lỗi cũng có lý do riêng. Tuy nhiên, khi xin lỗi thì đừng kèm theo lý do. Vào khoảnh khắc thêm lý do vào, điều đó trở thành biện minh được ngụy trang thành xin lỗi. “Xin lỗi. Nhưng…”, “Tôi sai nhưng bạn cũng sai!”, “Tôi đã xin lỗi rồi. Bạn cũng xin lỗi đi!”, “Nếu bạn cảm thấy khó chịu thì tôi xin lỗi!”. Những biểu hiện trốn tránh trách nhiệm này là lời xin lỗi có điều kiện khiến đối phương càng khó chịu hơn.
③ Cho thấy ý chí sẽ cải thiện
Điều mà người nhận lời xin lỗi mong muốn là người mắc lỗi không mắc lại sai lầm tương tự. Nếu vẫn còn lo lắng việc này sẽ xảy ra lần nữa sau khi đã nhận được lời xin lỗi thì không thể tin tưởng người nói xin lỗi được. Lời xin lỗi nhất định phải có hành động theo sau. Bạn phải cho thấy ý chí rằng sau này sẽ cẩn thận hơn và cố gắng không lặp lại lỗi lầm tương tự.
④ Lời xin lỗi có được nhận hay không là tùy thuộc vào đối phương
Khi đã lùi lại một bước và xin lỗi nhưng đối phương vẫn không dễ dàng chấp nhận thì lại có người tức giận hoặc bực bội mà rằng “Tôi đã làm đến mức này rồi, bạn cứ làm quá lên thế?”. Nếu làm như vậy, đối phương sẽ càng thương tâm hơn do bị chỉ trích trong khi trạng thái tấm lòng vẫn chưa được nguôi ngoai. Bên có thể thừa nhận và quyết định có chấp nhận lời xin lỗi hay không, là người nhận lời xin lỗi chứ không phải là người nói xin lỗi. Đôi khi, vì sự thương tâm lớn đến mức dù nhận được lời xin lỗi cũng phải trải qua một khoảng thời gian thì mới được chữa lành. Khi ấy, không nên thúc giục rằng hãy rũ bỏ điều đó nhanh đi mà phải chờ đợi.
⑤ “Tôi đâu có làm gì sai đâu?”
Có những lúc dù nghĩ thế nào đi nữa cũng khó có thể hiểu được tại sao đối phương khó chịu và hoàn toàn không hiểu bản thân đã làm sai điều gì. Không có điều gì miễn cưỡng hơn việc phải nói lời xin lỗi trong khi bản thân không làm gì sai. Tuy nhiên, ngay cả khi không có ý xấu, nếu tấm lòng của đối phương bị tổn thương vì mình, thì phải coi bản thân là người phải chịu trách nhiệm. Vì mỗi người có suy nghĩ khác nhau nên cũng có tiêu chuẩn khác nhau đối với sự mắc lỗi. Người tự do phóng khoáng nghĩ rằng việc sử dụng đồ vật và để chúng ở đâu không quan trọng, nhưng người có tính hay sắp xếp mọi thứ ngăn nắp thì nghĩ rằng việc không đặt đồ vật đã sử dụng lại đúng chỗ của chúng là sai.
⑥ Khi nhận lời xin lỗi
Để việc xin lỗi được tiến hành suôn sẻ, người nhận được lời xin lỗi cũng phải có tấm lòng rộng lượng. Thay vì nhắc lại lỗi lầm của đối phương rằng “Biết sai ở đâu không?” hay kéo dài thời gian giận dỗi rằng “Chỉ xin lỗi thế này thôi thì không được!”, hãy tha thứ bằng tấm lòng rộng lượng. Vì bản thân cũng có thể phạm phải sai lầm tương tự trong lúc không hề hay biết.
Hơn nữa, dù có khó chịu vì đối phương nhưng nếu không phải chuyện gì to tát thì hãy có lòng bao dung để hiểu và bỏ qua cho. Nếu bạn bực dọc mà trút giận ngay tức khắc, thì đối phương cũng có thể nổi nóng dù đã định nói lời xin lỗi. Nếu không bỏ qua được, thay vì thúc giục rằng “Xin lỗi ngay đi!” thì hãy bình tĩnh giải thích một cách gián tiếp rằng “Vì điều này, điều kia, nên tôi đã bị tổn thương tấm lòng”.
Lời xin lỗi hàm chứa cả tình yêu thương, sự tôn trọng và sự quan tâm dành cho đối phương. Lời xin lỗi cũng đóng vai trò là thông điệp truyền tải ý muốn rằng “Tôi coi trọng mối quan hệ của chúng ta hơn bản thân mình”. Trên thực tế, dù việc xin lỗi là chính đáng đến đâu chăng nữa, thì cũng rất khó để chuyển thành hành động. Dù vậy, lý do chúng ta phải xin lỗi là vì mọi người sống cùng với nhau.
Đặc biệt, mối quan hệ trong gia đình không phải là mối quan hệ kết thúc trong ngày một ngày hai mà sẽ kéo dài đến suốt cuộc đời. Có nhiều trường hợp làm tổn thương lẫn nhau và bị tổn thương do gần gũi và thân thiết. Do đó, càng gần gũi thì càng không được ngần ngại nói lời xin lỗi. Khi có dấu hiệu tranh cãi với gia đình, hãy xin lỗi trước. Thế thì dù bất hạnh có định vào nhà cũng sẽ bỏ chạy thật xa.