Chú tâm vào những điểm tốt của gia đình

Hãy che đậy những điểm còn thiếu sót và không tiếc lời khen ngợi những điểm tốt của nhau. Để làm được điều đó, bạn cần có đôi mắt của tình yêu thương.

17,709 lượt xem

“Con lơ đãng quá đi mất, quá thiếu tập trung”, “Tôi lo vì con mình quá thiếu quyết đoán”, “Vợ tôi cái gì cũng tốt nhưng lại quá cố chấp”, “Ước gì chồng tôi khắc phục được tính tình nóng nảy của mình”, “Em trai tôi thực sự quá tham lam” …

Khi nói về gia đình, chúng ta thường chỉ ra những điều mà mình bất mãn, hoặc cảm thấy là khuyết điểm, hơn là những điều tốt đẹp. Trên thế gian này, không có ai chỉ có ưu điểm, cũng không có ai chỉ có khuyết điểm. Bất kể nam phụ lão ấu, tất cả mọi người đều là những tồn tại không hoàn hảo với ưu và khuyết điểm. Tuy nhiên, bộ não con người có xu hướng nhìn nhận mặt tiêu cực nhiều hơn mặt tích cực, nên ngay cả khi có mười ưu điểm, bộ não con người vẫn có thể mắc sai lầm khi tập trung vào một khuyết điểm. Đây là lý do chúng ta chỉ trích các thành viên trong gia đình nhiều hơn là khen ngợi.

Nếu cố gắng sửa chữa những khuyết điểm của người khác, mối quan hệ với nhau sẽ ngày càng xa cách. Trên thực tế, ngay cả khi nhận ra những khuyết điểm của bản thân và cố gắng khắc phục thì mọi việc cũng không diễn ra như chúng ta mong muốn. Đó là bởi mỗi người đều có tính cách bẩm sinh, được pha trộn với những yếu tố sau khi ra đời như môi trường gia đình, môi trường xã hội để hình thành nên dáng vẻ như hiện tại. Liệu có ai cảm thấy dễ chịu nếu người khác chạm đến vấn đề mà bản thân cũng không thể làm gì được hay không? Nếu có thể dễ dàng thay đổi tính khí của mình, chúng ta sẽ không lo lắng về bản thân hay phát sinh mâu thuẫn với người khác nữa.

Hai mặt của đồng xu, ưu điểm và khuyết điểm

Hai người bạn là A và B cùng đi đến một nhà hàng nổi tiếng. Khi họ rời khỏi sau bữa ăn, A phàn nàn rằng “Đồ ăn thì ngon nhưng thời gian chờ lâu quá, lại đông khách nữa nên rất tất bật.” Đánh giá của B lại khác: “Nhà hàng có đồ ăn ngon thì chắc chắn sẽ đông khách mà. Dù thời gian chờ hơi lâu nhưng đồ ăn rất ngon, đáng để chờ đấy chứ?”

Ưu và khuyết điểm giống như hai mặt của đồng xu, có khi ưu điểm trở thành khuyết điểm, cũng có khi khuyết điểm lại trở thành ưu điểm. Vấn đề là ở góc độ mà chúng ta nhìn nhận. Nói một cách chính xác thì ưu điểm và khuyết điểm được xác định bởi tiêu chuẩn của người đánh giá. Khi nhắc đến cùng một người, ai đó có thể cho rằng người này “thiếu quyết đoán”, trong khi người khác có thể nói rằng người này “thận trọng”. Nói cách khác, nếu người xem thấy tốt thì trở thành ưu điểm, còn nếu người xem thấy xấu thì trở thành khuyết điểm.

Ý kiến chủ quan của người đánh giá có thể khác với thực tế. Điều được coi là ưu điểm không phải lúc nào cũng dẫn đến kết quả tốt, và điều được coi là khuyết điểm không nhất thiết sẽ dẫn đến thất bại. Có nhiều trường hợp những gì bạn cho là thiếu sót thực ra lại trở thành nguồn sức mạnh giúp bạn trưởng thành hơn.

Có một cuộc chiến nổ ra trong vương quốc động vật, các binh lính được tập hợp lại. Tuy nhiên, các loài vật bất mãn hết chỗ này đến chỗ khác. “Hươu cao cổ cao quá nên dễ bị kẻ thù phát hiện lắm”, “Kiến thật nhỏ bé đến mức vô dụng”, “Thỏ không có chút sức mạnh nào thì có thể làm gì?”. Sau đó, thủ lĩnh là sư tử hét lên: “Hươu cao cổ sẽ trông chừng, kiến nhỏ sẽ đi do thám. Thỏ nhanh nhẹn thì đưa tin.”

Các bạn thấy kích thước của hai vòng tròn màu xanh ở trên như thế nào? Các vòng tròn màu xanh này có cùng kích thước. Chúng chỉ trông khác nhau tùy thuộc vào kích thước của vòng tròn bao quanh nó mà thôi. Điều này cũng tương tự với cách bạn nhìn nhận người khác. Thấy khuyết điểm lớn thì sẽ thấy ưu điểm nhỏ. Bộ não của chúng ta có thể bỏ qua những khía cạnh tích cực nếu chúng ta không chủ đích khám phá chúng. Hãy bao dung những điểm khác biệt của nhau bằng tấm lòng cởi mở và chú tâm vào ưu điểm của nhau.

Che đậy những điểm thiếu sót

Một người đàn ông có viên ngọc sáng chợt tìm thấy tì vết nhỏ trên viên ngọc và bắt đầu mài dũa để loại bỏ tì vết đó. Dù mài đi mài lại viên ngọc rất nhiều lần nhưng tì vết ấy vẫn không biến mất, cuối cùng viên ngọc ấy cũng biến mất.

Bạn có đang xem những nhược điểm của gia đình mình như cái gai trong mắt và chỉ tập trung vào việc loại bỏ chúng hay chăng? Nếu chỉ nhìn thấy nhược điểm của người khác và mải mê với việc khắc phục chúng, chắc chắn bạn sẽ không hạnh phúc. Không dễ để chấp nhận những tì vết của các thành viên trong gia đình, nhưng vì bản thân bạn cũng không phải là người không có khiếm khuyết gì, nên bạn phải cố gắng cải thiện bằng cách trao tình yêu thương và sự trợ giúp. Vì nhược điểm không thể dễ dàng được khắc phục, nên tốt hơn hết là bạn cần che đậy và chấp nhận chúng, nếu chúng không gây ảnh hưởng đáng kể gì đến cuộc sống. Vì dẫu sao, ấy vẫn là gia đình của bạn mà.

Nếu cha mẹ chỉ tập trung vào nhược điểm của con cái thì khi lớn lên, con cái ấy sẽ luôn gây rắc rối và chỉ có nhược điểm mà thôi. Bạn càng cố gắng sửa nhược điểm thì chúng càng lộ rõ hơn. Bạn có thể cảm thấy lo lắng rằng nếu không sửa thì con bạn sẽ không thể lớn lên ngay thẳng được. Song, Dale Carnegie, tác giả cuốn “Đắc Nhân Tâm” đã nói “Chỉ có một phương pháp đơn giản để khắc phục những điều bạn không thích ở đối phương. Đó là khám phá ưu điểm của họ.” Nếu muốn khắc phục nhược điểm, bạn nên nhìn vào ưu điểm. Đó là bởi điều quan trọng hơn cả là tạo niềm tin cho trẻ để trẻ không cảm thấy nản lòng.

Nếu bạn che đậy nhược điểm cho đối phương, họ sẽ biết ơn những gì bạn đã làm trong suốt thời gian dài. Mọi người đều muốn được người khác công nhận. Khi khuyết điểm hay nhược điểm của mình bị chỉ ra, chúng ta cảm thấy bị tổn thương, còn khi được khen ngợi, chúng ta cảm thấy vui vẻ. Nếu ai đó nhìn vấn đề từ góc độ khác với những gì bạn nghĩ và nói lời tích cực, thì bạn sẽ cảm thấy được thêm sức biết bao đây?

Khi hai bàn tay đan vào nhau, các ngón tay khăng khít lấp đầy khoảng trống của nhau. Gia đình chân chính là gia đình bao dung và bù đắp cho những điểm còn thiết sót của nhau. Khi đó, họ sẽ hoàn toàn tin tưởng lẫn nhau và trở nên gắn bó chặt chẽ thành gia đình không bao giờ bị phân rẽ, giống như bàn tay nắm chặt bàn tay.

Tình yêu thương – Tấm lòng nhìn vào điểm tốt

Nhà văn người Ireland – Margaret Wolfe Hungerford từng nói “Vẻ đẹp nằm trong đôi mắt của người ngắm nhìn”, và phát thanh viên người Mỹ Sam Levenson cũng nói “Nếu muốn có đôi mắt đẹp, hãy nhìn vào những điều tốt đẹp ở con người”. Để duy trì mối quan hệ tốt đẹp, bạn phải chú ý đến những điểm tốt của đối phương. Chúng ta không thể xây dựng một mối quan hệ tốt đẹp với cái nhìn không thiện chí.

Nếu bạn đối xử qua loa với người khác, không quan tâm đến lời nói hay hành động của họ, hoặc nhìn họ với con mắt thành kiến thì sẽ chỉ thấy khuyết điểm của họ nổi bật mà thôi. Còn nếu cố gắng tìm kiếm ưu điểm của họ, bạn sẽ có thể phát hiện ra nhiều mặt tích cực. Bất cứ điều gì cũng có thể là ưu điểm, chẳng hạn như không nói dối hoặc giữ lời hứa. Dù đó là điều không đáng kể nhưng nếu bạn thấy điều gì đó tốt đẹp ở gia đình mình, hãy lớn tiếng khen ngợi. Sự khuyến khích và khen ngợi phù hợp là động lực và là bước đệm để người khác phấn đấu trở thành người tốt hơn.

Nếu giàu lòng yêu thương với đối phương thì dù họ có làm gì, bạn cũng sẽ thấy ấy là đẹp đẽ và không chú ý đến những khuyết điểm của họ. Tuy nhiên, những người bị coi là không xứng đáng thì dường như lại đầy khiếm khuyết. Vấn đề là ở “tình yêu thương”. Mọi người đều có xu hướng chỉ nhìn thấy những mặt tích cực của người mà mình thích. Trong tâm lý học, đây được gọi là “Hiệu ứng kính hồng”. Chúng ta sẽ chỉ thấy thật đáng yêu mà thôi, như thể đang đeo một chiếc kính màu hồng vậy.

Tuy nhiên, hiệu ứng kính hồng cũng có hạn sử dụng. Thời gian trôi qua, bạn sẽ bắt đầu thấy dáng vẻ còn thiếu sót của người khác, rồi dần dần ngay cả những điều bạn từng cho là ưu điểm cũng có thể trở thành khuyết điểm. Nhưng ấy là khi tình yêu thương chân thật bắt đầu. Dù còn thiếu sót nhưng vẫn thấu hiểu và đón nhận thì ấy mới là tình yêu thương chân thật.

Cách chúng ta nhìn mọi người hoặc mọi sự vật hiện tượng rốt cuộc sẽ quyết định cuộc sống của chúng ta trên thế gian này sẽ như thế nào. Tìm kiếm những điều tốt đẹp ở người khác sẽ khiến chúng ta làm mới lại thậm chí cả bản thân mình. Mọi người thường bị ảnh hưởng bởi suy nghĩ và lời nói của chính mình, nhưng nếu bạn tập trung vào những điểm tốt của người khác, bạn sẽ có được cái nhìn tích cực về thế giới. Khi nói ra điểm mạnh của người khác thành lời, cái nhìn của bạn về họ cũng sẽ cởi mở hơn. Vì vậy, lời khen tạo ra thay đổi tích cực không chỉ cho người nghe mà còn cả với người khen.

Chúng ta có thể dễ dàng thấy được khuyết điểm của người khác, trái lại, chúng ta thường không nhận ra khuyết điểm của chính mình. Như có lời rằng “đối phương là tấm gương soi chính tôi”, khuyết điểm bạn nhìn thấy ở người khác có thể chính là khuyết điểm của bạn. Chúng ta hãy nhìn lại bản thân và khám phá phần mà chúng ta chưa từng thấy trước đây trong hình ảnh phản chiếu của chính mình ở người khác. Khi tôi mắc phải điểm còn thiếu sót của người khác, có thể người bên cạnh đang cố gắng che đậy khuyết điểm cho tôi.

“Người quân tử chỉ nói điều tốt đẹp về người khác chứ không nói về điểm yếu của họ. Trái lại, kẻ tiểu nhân không nói điều tốt đẹp về người khác mà chỉ nói về điểm yếu mà thôi”. Khổng Tử

Chúng ta hãy che đậy và đón nhận những điểm còn thiếu sót của các thành viên trong gia đình bằng tình yêu thương. Cũng hãy không tiếc lời khen ngợi và khích lệ cho những điểm tốt của họ. Giúp đỡ để gia đình của bạn phát huy được ưu điểm của họ còn quý giá hơn bất kỳ món quà nào.