Trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai, nước Anh đã triển khai “Chiến dịch sơ tán trẻ em”. Đó là chính sách đưa trẻ em ở các thành phố lớn, nơi dễ bị ném bom dữ dội, sơ tán đến các khu vực an toàn. Khoảng 830.000 trẻ em và hàng trăm nghìn trẻ sơ sinh đã bị tách khỏi bố mẹ và được đưa vào nhà nuôi dưỡng hoặc nơi trú ẩn tạm thời.
Dù được coi là chiến dịch tốt, nhưng lại kéo theo tác dụng phụ sau khi chiến tranh kết thúc. Nhiều đứa trẻ được gửi cho người lạ mặt chăm sóc đã bị bệnh hoặc tử vong, chúng cũng phải chịu nhiều vấn đề về tinh thần như lo âu, trầm cảm, khả năng học tập giảm sút trong thời gian dài. Đó là hậu quả của “sự tổn thương do gắn bó” trong tâm lý học.
Tổn thương do gắn bó đề cập đến cú sốc tâm lý và những hậu quả sau đó do thiếu sự gắn kết tình cảm với người chăm sóc. Tổn thương do gắn bó có thể xảy ra không chỉ ở thời thơ ấu, mà cả khi trưởng thành do sẩy thai, sinh con, bệnh tật đe dọa tính mạng, bố mẹ qua đời, xung đột với bạn đời v.v… Khi bị tổn thương do gắn bó, niềm tin đối với mọi người giảm sút và dễ rơi vào tình trạng mất lòng tin, bất an, sợ hãi. Hơn nữa, để bảo vệ quá mức cái tôi bị tổn thương của mình, thái độ và giọng điệu chỉ trích cũng như công kích người khác trở nên cố hữu, khiến các mối quan hệ giữa người và người dễ bị đổ vỡ. Bác sĩ tâm thần người Anh John Bowlby đã định nghĩa về sự gắn bó là “sự liên kết sâu sắc và lâu dài vượt qua thời gian và không gian”, đồng thời giải thích rằng sự hiện diện hay vắng mặt của một người sẽ chăm sóc một cách ổn định và liên tục là rất quan trọng trong việc hình thành sự gắn bó.
Loài người đã rời khỏi quê hương trên trời của mình, mất đi sợi dây liên kết với Đức Chúa Trời, phải đối mặt với nhiều khó khăn và khủng hoảng khác nhau. Đức Chúa Trời đã đến và trở thành hàng rào vững chắc cho nhân loại đang cần người bảo hộ phần linh hồn. Linh hồn chúng ta có được niềm an ủi và bình yên trong vòng tay của Đức Chúa Trời, Đấng đã kết nối mối dây trên thiên thượng bằng tình yêu thương sâu sắc và bền bỉ. Nhân loại cần Đức Chúa Trời.