Nếu mở đôi tai thì tấm lòng cũng được mở ra
Để giao tiếp tốt, bạn cần phải lắng nghe tốt. Mọi người thích người biết lắng nghe hơn là người nói giỏi.
Mọi thứ đều có cặp. Có người dạy thì có người học, có người bị đau thì có người chữa bệnh. Có người bán thì có người mua. Có người dẫn dắt thì có người đi theo. Trò chuyện cũng tương tự như vậy. Có người nói thì có người nghe.
Nói cách khác, trò chuyện bao gồm “nói” và “nghe”, người nói và người nghe trao đổi lời nói với nhau. Điều này được gọi là “thông hiểu”. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp hiểu lầm rằng trọng tâm của giao tiếp là ở việc nói và ít chú ý đến việc lắng nghe. Lời nói đơn phương chỉ là những lời tuyên bố hoặc ép buộc, chứ không phải là trò chuyện.
Nếu chỉ nói ra lời của bản thân mà không cố gắng lắng nghe lời đối phương, khoảnh khắc đó có thể sẽ thoải mái nhưng cuối cùng, cuộc giao tiếp với những người xung quanh sẽ bị cắt đứt. Ngoài ra, nếu mất tập trung hoặc phớt lờ lời của đối phương, người nói sẽ mất khí thế và khó chịu với suy nghĩ rằng đối phương đang coi thường mình. Sau nhiều lần trải qua những kinh nghiệm như vậy, bạn sẽ không muốn nói chuyện thêm nữa.
“Con người có một cái miệng và hai cái tai. Điều này có nghĩa là hãy lắng nghe nhiều gấp đôi việc nói.”
Giống như giáo huấn trong sách Talmud, điều cần thiết để thông hiểu thực sự là chú tâm lắng nghe chứ không phải tài hùng biện. Chú tâm lắng nghe có nghĩa là nghiêng tai nghe và thấu hiểu ý định và mong muốn ẩn chứa trong lời của đối phương. Khi lắng tai nghe lời của đối phương thì cuộc trò chuyện mới diễn ra như ý và mối quan hệ thân thiết mới có thể phát triển.
Hiệu quả tích cực của việc chú tâm lắng nghe
Có lời rằng Dĩ Thính Đắc Tâm (三思一言), nghĩa là việc nghiêng tai chú tâm lắng nghe là sự khôn ngoan tối cao để chinh phục lòng người. Con người ai cũng có tham vọng muốn được công nhận. Họ truyền tải suy nghĩ và tình cảm của mình thông qua lời nói, và khi đối phương chấp nhận điều đó, họ cảm thấy được thấu hiểu và công nhận. Vì vậy, việc mở lòng với những người phản hồi tích cực với câu chuyện của mình là điều đương nhiên. Lắng nghe tốt lời của đối phương sẽ tạo được cảm giác tin tưởng lớn hơn so với việc nói năng lưu loát.
Đôi khi chỉ cần lắng nghe lời của đối phương thì những lo lắng và mâu thuẫn của người ấy có thể được giải quyết. Đối với những người mắc bệnh tâm lý và tìm đến trung tâm trị liệu tâm lý, người tư vấn mở rộng cả hai tai và tập trung lắng nghe câu chuyện của họ. Lý do người tư vấn tập trung vào việc lắng nghe hơn là nói, là vì thái độ lắng nghe chân thành sẽ hiệu quả trong việc điều trị hơn là đưa ra lời khuyên hoặc giải pháp đặc biệt. Có trường hợp một người đang cố gắng tự kết liễu đời mình, nhưng được cứu bởi một viên cảnh sát tích cực lắng nghe anh ta giãi bày câu chuyện trong lòng.
Tầm quan trọng của việc chú tâm lắng nghe cũng có thể học được từ trường hợp của vua Sejong. Vua Sejong coi việc lắng nghe cẩn thận câu chuyện của người khác là đức tính cơ bản của người lãnh đạo, nên vua đã đích thân xác nhận tấu trình của bách tính trên khắp cả nước, nỗ lực lắng nghe những người dưới quyền và gặp gỡ các quan lại cấp thấp. Trước khi thiết lập chế độ thuế, vua đã tiến hành một cuộc thăm dò dư luận quy mô lớn để tìm hiểu mong muốn của bách tính. Kết quả là vua đã không chỉ sáng tạo ra Hangul mà còn đạt được những thành tựu xuất sắc trên nhiều phương diện như khoa học, âm nhạc và học thuật, lập nên một triều đại thái bình thịnh vượng và được lưu danh trong lịch sử như một “thánh quân”.
Chú tâm lắng nghe không chỉ mang lại lợi ích cho người khác, mà còn giúp chính bản thân trở thành người tốt hơn. Có sự khác biệt giữa người bỏ ngoài tai lời của cha mẹ, coi đó là lời cằn nhằn với người tiếp nhận và coi đó là lời khuyên xuất phát từ kinh nghiệm trước đây của cha mẹ. Khi lắng nghe lời của một đứa trẻ, bạn cũng sẽ tìm thấy điều gì đó để học hỏi. Bạn có thể nghĩ rằng việc lắng nghe người khác là lãng phí thời gian, nhưng kinh nghiệm của người khác cũng có thể giúp ích cho cuộc sống của bạn. Về điểm này, chú tâm lắng nghe được coi như nền giáo dục miễn phí suốt đời.
Chú tâm lắng nghe không hề dễ dàng
Mọi người thích nói hơn là lắng nghe. Đây là lý do người ta thích những người biết lắng nghe. Khi tâm trạng tốt, bạn sẽ nói nhiều hơn. Khi bày tỏ suy nghĩ và tình cảm của bản thân qua lời nói, não bộ hoạt động tích cực, cảm xúc dâng trào và bạn trở nên phấn khích.
Thế nhưng việc lắng nghe người khác đôi khi khiến bạn thấy buồn chán, thậm chí khiến bạn cảm thấy khó xử vì nhàm chán. Nếu có cơ hội, bạn sẽ muốn thay đổi mạch câu chuyện của đối phương thành câu chuyện của bản thân. Nếu đối phương nói điều gì đó khác với suy nghĩ của mình, bạn có thể sẽ đột ngột xen vào và phản bác trước khi đối phương nói xong.
Trong tiếng Hán, chữ thính (聽) nghĩa là chú tâm lắng nghe. Chữ “聽” bao gồm sáu bộ “nhĩ – tai (耳), vương – vua (王), thập – mười (十), mục – mắt (目), nhất – một (一) và tâm – tim (心)”. Tức là tư thế khi lắng nghe có thể được hiểu là phải dỏng tai lên như khi nghe nhà vua nói, tập trung như có mười mắt, đồng một tấm lòng với người nói. Chú tâm lắng nghe không chỉ đơn giản là nghe bằng tai, mà chỉ có thể đạt được khi đồng cảm với đối phương bằng cả cơ thể và tấm lòng.
Đồng cảm không nhất thiết có nghĩa là đồng ý với ý kiến của đối phương. Ngay cả khi không đồng ý với cảm xúc và suy nghĩ của đối phương, bạn chỉ cần thấu hiểu và thừa nhận họ về mặt tâm tư là đủ. Nếu bạn nghĩ rằng “Suy nghĩ của người đó phải giống suy nghĩ của tôi”, bạn sẽ không thể chú tâm lắng nghe lời người khác. Việc coi nhẹ sự khác biệt về thế hệ, niềm tin, tri thức, v.v… và thái độ khăng khăng cho rằng ý kiến của bản thân mới đúng là trở ngại lớn nhất cho việc chú tâm lắng nghe.
Người ta càng khó lắng nghe những người trẻ hơn hoặc cấp bậc thấp hơn. Đó là bởi tấm lòng trở nên kiêu ngạo và muốn đối xử với họ bằng quyền uy, dù vô tình hay hữu ý chăng nữa. Rốt cuộc, không thể chú tâm lắng nghe nếu không có sự kiên nhẫn và lòng khiêm nhường. Vì không dễ dàng nên thiết cần sự luyện tập và nỗ lực.
Tư thế tấm lòng khi lắng nghe
① Mặt đối mặt
Nếu bạn nói “Tôi đang nghe đây, xin hãy nói đi” trong khi xem TV, điện thoại hoặc làm việc khác, đối phương sẽ cảm thấy mất hứng ngay cả khi đang định nói. Điều tương tự cũng xảy ra trong trường hợp liên tục nhìn đi chỗ khác trong khi đang nói chuyện. Đừng chỉ lắng nghe lời của đối phương bằng tai, mà hãy nhìn đối phương bằng ánh mắt dịu dàng. Ánh mắt, biểu cảm và cử chỉ rất hữu ích cho việc thông hiểu trong trò chuyện.
② Làm trống tâm trí
Trò chuyện phải bắt đầu từ trạng thái giống như tờ giấy trắng. Khi bạn từ bỏ định kiến về đối phương, quyết tâm thay đổi suy nghĩ của đối phương, suy nghĩ rằng mình biết nhiều hơn đối phương, những suy nghĩ xao lãng, v.v… và lắng nghe với tâm thế rằng “Tôi không biết nhiều về điều đó, xin hãy cho tôi biết”, thì đối phương cũng có thể nói một cách thoải mái.
③ Công nhận đối phương
Câu hỏi “Bạn có đang lắng nghe lời đối phương không?” cũng giống như câu hỏi “Bạn có công nhận người đó không?”. Ngay cả khi đối phương có quan điểm khác với bạn, đừng bác bỏ hay chỉ trích một cách tùy tiện mà hãy tôn trọng họ. Bạn có thể nghe được tiếng lòng chân thật của đối phương khi công nhận và tôn trọng họ như một cá thể hoàn chỉnh.
④ Nghe hết mà không ngắt lời
Có nhiều trường hợp ngay cả trước khi đối phương nói xong, bạn khiển trách rằng “Đó không phải là cách bạn nên làm” và đề xuất giải pháp. Khi đột nhiên xuất hiện điều muốn nói, bạn ngắt lời đối phương hoặc làm gián đoạn cuộc trò chuyện của người khác. Đây là hành vi làm cắt đứt mạch trò chuyện. Hãy để những suy nghĩ của bản thân nảy ra trong lúc đó trôi đi và tập trung vào lời của đối phương. Để có được cuộc trò chuyện suôn sẻ, bạn phải kìm lại những lời muốn nói và lắng nghe đến cuối cùng.
⑤ Không phán xét
Giữa các cuộc trò chuyện thỉnh thoảng phát sinh tình huống dự đoán suy nghĩ hoặc ý định của đối phương hoặc vội vàng phán đoán đúng sai trong lúc đang lắng nghe câu chuyện. Trải nghiệm của bản thân và trải nghiệm của người khác không thể giống hệt nhau được. Không thể chỉ vì hoàn cảnh của đối phương giống với hoàn cảnh bạn đã trải qua mà có nghĩa là bạn có thể vội vàng phán đoán như thể bạn biết tất cả mọi thứ.
⑥ Phản ứng một cách chân thành
Người nói liên tục quan sát phản ứng của đối phương trong khi đang nói. Nếu đối phương không phản ứng, người nói sẽ bối rối không biết nên dừng lại hay tiếp tục nói. Khi đối phương đang nói, bạn không chỉ nên lắng nghe mà hãy gật đầu hoặc nói họa theo để thể hiện rằng mình đang lắng nghe tốt. Khi đối phương phản ứng tích cực và chú tâm lắng nghe, người nói sẽ cảm thấy cả hai đang thông hiểu lẫn nhau.
Khi nghe, bạn hãy chú tâm để lắng nghe; còn khi nói, bạn hãy để tâm xem lời nói của mình có gây khó chịu hay làm tổn thương tấm lòng đối phương hay không. Bởi vì không ai muốn nghe những lời tiêu cực, những lời gây tổn thương hay những lời chỉ tập trung vào chủ trương của bản thân.
Có câu nói rằng “Mất 2 năm để học nói, nhưng phải mất 60 năm để học cách im lặng”. Khổng Tử cũng nói rằng phải đến khi sáu mươi tuổi thì tai mới trở nên thuần tính, nên chẳng phải lắng nghe tốt lời người khác là một kỹ năng sống cần phải không ngừng mài giũa và học hỏi trong suốt cuộc đời hay sao?
Để có cuộc sống tốt đẹp hơn, chúng ta hãy đối xử với gia đình với tâm thế luôn sẵn sàng lắng nghe. Chú tâm lắng nghe làm tăng thêm hạnh phúc vợ chồng, khiến cha mẹ vui mừng, giúp con cái duỗi thẳng vai. Bản thân hình ảnh lắng nghe lời của người mình yêu thương cũng là thông điệp ấm áp rằng “Bạn là người trân quý đối với tôi”.