Ngày đập hạt tía tô cùng với bà ngoại

Jeon Young Seon từ Anyang, Hàn Quốc

3,788 lượt xem

Tôi đã thăm nhà bà ngoại trước mùa thu hoạch. Thông thường tôi hay trở về sớm để hôm sau đi làm, nhưng ngày hôm ấy tôi đã quyết định ở lại muộn hơn một chút để giúp bà đập hạt tía tô.

Lúc bước vào ruộng tía tô sau khi cẩn thận băng qua vườn hồng đã có trái rụng ở khắp nơi, tôi nhận thấy rằng lượng công việc sẽ nhiều hơn dự tính. Trên cánh đồng rộng lớn bên sườn đồi, những cây tía tô đã được buộc thành từng bó và xếp thành hàng như những đứa trẻ xếp hàng trong sân chơi vậy.

“Bà ơi, phải tuốt hết tất cả chỗ cây ở đây ạ?”

“Dù sao cũng không thể làm xong được một lần trong hôm nay, nên chỉ cần làm đến khi mặt trời lặn thôi!”

Tôi đã đến để giúp bà nên không thể ngồi yên được, tôi giấu đi sự nóng ruột và bắt đầu mang vác những bó tía tô. Khi tôi đem các bó tía tô rải rác khắp ruộng vào sân đập lúa và chia sẵn thành từng phần nhỏ, thì bà tôi làm mẫu trước về cách tuốt hạt tía tô. Ấy là sự lặp đi lặp lại công việc dùng gậy đập vào ngọn bó cây tía tô nhiều lần như giặt đồ, giũ mạnh cho hạt rơi ra, rồi lại đập tiếp. Sau khi đập được ba bốn bó rồi, cánh tay tôi bắt đầu đau mỏi.

“Chỉ lấy gậy đập kiểu này thì đến chừng nào mới tuốt được hết tía tô trên thửa ruộng rộng lớn như thế?”

Suy nghĩ chỉ là suy nghĩ, còn hiện thực vẫn là hiện thực. Vì không nỡ làm bà tôi thất vọng, trong khi bà đang trông đợi vào tôi với ánh mắt hãnh diện, nên tôi đã ngừng ca cẩm và tập trung để đập tiếp tía tô.

So với việc đập hạt tía tô đến đau cả tay thì lượng hạt tía tô thu được lại không đáng kể, ít ỏi đúng như hạt tía tô vậy. Tôi cũng hơi bực bội vì lượng hạt tía tô không tỷ lệ thuận với công sức phải bỏ ra, lại nghĩ trong đầu đủ thứ chuyện như ngày xưa người ta làm ruộng thế này thì thật vất vả biết bao, đây là cánh đồng ở giữa thung lũng có núi bao quanh mà sao mặt trời lại không lặn sớm chứ, thế rồi đến khi sự đau đớn do đập gậy càng tăng thêm thì tôi chỉ lặp lại động tác đó một cách hờ hững mà thôi.

Bà đã trải những bó tía tô thành vòng tròn ở một bên của sân đập lúa và trong tay cầm một cây gậy trông rất đặc biệt. Ấy là nông cụ gọi là “cái néo” mà tôi chỉ nghe nói thôi chứ chưa bao giờ thấy, là một vật dụng đặc thù có tay cầm và những thanh mỏng dài được cố định với nhau bằng cái chốt ở giữa và xoay được. Khi quật cái néo, cái chốt làm trục trọng điểm, các thanh mỏng đập vào bó tía tô, thì rất nhiều hạt tía tô rơi xuống sân đập.

Vun vút, bộp, lộp độp.

Tiếng cái néo mà bà vung đập vang vọng khắp cả núi và trên cánh đồng. Với tư thế rất vững vàng, bà đập cái néo làm cho hạt tía tô rơi ra. Chắc không có ai tin nếu tôi nói bà tôi một tháng sau sẽ kỷ niệm tiệc mừng 80 tuổi. Dù bà luôn nói rằng bị đau đầu gối và lưng nhưng tư thế của bà khi vung đập cái néo thì như một chuyên gia đã làm công việc tương tự hàng chục năm vậy. Có lẽ việc ép dầu từ hạt tía tô như thế và cho con cháu dù chỉ một chai cũng là niềm vui của bà, nên dù bố tôi phát cáu bảo bà đừng làm việc đồng áng nữa vì vất vả, nhưng bà vẫn không thể buông bỏ công việc ấy.

Sau khi mặt trời đã xế bóng và công việc kết thúc, tôi lại thu gom các hạt tía tô bị rải rác khắp nơi trong sân đập và cho vào túi. Tôi cảm thấy từng mỗi một hạt tía tô thật quý báu biết bao! Sau khi nhặt những nhánh cây và mảnh vụn lớn, lọc bỏ sâu bọ và sàng sảy để thổi bay một nửa số hạt tía tô rỗng, thì túi đựng hạt tía tô ban đầu to bằng đầu người lớn đã vơi bớt đi rồi.

Khi nhìn thấy túi hạt tía tô ấy, nước mắt tôi muốn tuôn trào ra. Thành quả của nửa ngày làm việc vất vả chỉ là một túi này thôi sao! Nghĩ đến chai dầu tía tô mẹ tôi dùng mỗi khi nấu ăn đều ra từ sự lao khổ thể này, tôi mới thực cảm được lời rằng trên đời không có gì là miễn phí ngoài tình yêu thương mà cha mẹ dành cho con cái.

Ngày hôm đó, khi đập hạt tía tô với bà, tôi đã nhận ra một sự thật quan trọng mà tôi đã bỏ lỡ cho đến tận khi ấy. Mặc dù cháu gái không giúp được gì nhiều vì là lần đầu tiên mang vác tía tô và không quen dùng gậy để đập, nhưng bà tôi lại nhìn trông với vẻ mặt hài lòng và đảm nhiệm công việc khó khăn. Con đường tôi đã bước đi trong đức tin cũng giống như vậy. Các con cái chẳng biết sự cực khổ là gì, hy sinh là gì, lại rất bé mọn và non nớt chỉ biết bắt chước theo một cách vụng về mà thôi. Dầu vậy, Đức Chúa Trời Mẹ luôn dõi theo bằng nụ cười và một mình đảm đương hết thảy mọi việc lao khổ.

Để lại sau lưng cánh đồng mùa thu không còn trông thấy được bởi bóng tối che khuất, con đường trở về chan chứa tình yêu thương đầy tràn trong tấm lòng. Nghĩ đến mỗi ngày tôi phải làm gì để Đức Chúa Trời Mẹ đỡ vất vả hơn, lòng tôi chợt dấy lên niềm mong ước muốn báo đáp Mẹ bằng hành động thực tiễn.