Bí mật trong chuyến bay hơn 10.000㎞

8,647 lượt xem

Choắt mỏ thẳng đuôi vằn là loài chim sinh sản ở Alaska. Khi trời trở lạnh, chúng sẽ di chuyển đến Úc hoặc New Zealand nằm ở Nam bán cầu và trải qua mùa đông ấm áp. Để bay từ Alaska đến nơi trú ngụ, chúng sẽ phải băng qua Thái Bình Dương. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là những con choắt mỏ thẳng đuôi vằn đã bay cả quãng đường dài đó mà không hề nghỉ ngơi.

Bởi nghi ngờ chúng sẽ nghỉ ngơi trên một hòn đảo ở Thái Bình Dương, các nhà điểu học thuộc Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ đã gắn một thiết bị vệ tinh lên một số con chim để theo dõi và tìm ra đường bay của chúng. Kết quả là họ đã phát hiện ra một trong những con chim rời Alaska vào chiều ngày 30 tháng 8 năm 2007 đã đến cửa sông Piako, New Zealand vào tối ngày 7 tháng 9 năm 2007. Chúng đã bay khoảng 11.680㎞ trong tám ngày trọn mà không hề dừng lại. Bằng cách nào mà điều này có thể xảy ra?

Trước cuộc di cư, những con chim choắt mỏ thẳng đuôi vằn đã tập trung kiếm ăn để tích trữ chất béo nhiều nhất có thể. Chất béo giống như nhiên liệu mà máy bay sử dụng, và những chú chim phải có đủ chất béo để bay quãng đường dài. Vì béo nên trọng lượng cơ thể chúng tăng gấp hai đến ba lần. Tuy nhiên, kích thước của gan, thận và các cơ quan khác không liên quan nhiều đến quá trình bay lại được giảm đi.

Những con chim choắt mỏ thẳng đuôi vằn chuẩn bị cho chuyến bay kỹ lưỡng đến mức thậm chí là thay đổi cả cấu trúc cơ thể của chúng. Đây chính là sức mạnh giúp chúng có thể bay đến 10.000㎞.