Giá trị của muối

11,169 lượt xem

Có một thứ tồn tại trong đất, đá, bướm, voi, máu, cơ bắp và thậm chí cả trong nước ối. Đó là gì? Chính là “muối”. Ngày nay, nhờ sự phát triển của kỹ thuật sản xuất muối nhân tạo, việc lấy muối trở nên dễ dàng. Tuy nhiên trong quá khứ, muối được coi trọng đến mức ở Hàn Quốc có câu tục ngữ rằng: “Người bán muối còn hơn cả quan huyện”. Hãy cùng khám phá giá trị của muối, thứ đã đồng hành cùng loài người trong suốt lịch sử và đóng vai trò quan trọng.

Muối làm rung chuyển lịch sử

Trong thời kỳ nguyên thủy khi con người sống bằng cách săn bắn, họ có thể hấp thụ muối bằng cách săn bắt và ăn cá hoặc chim. Tuy nhiên, khi loài người bước vào xã hội nông nghiệp và ngũ cốc trở thành lương thực chính, họ không còn được cung cấp đủ lượng muối cần thiết cho cơ thể chỉ thông qua thực phẩm nữa. Hơn nữa, do hấp thụ nhiều kali từ thực vật nên cơ thể cần nhiều muối hơn. Điều này là do tỷ lệ kali và natri trong cơ thể phải phù hợp để duy trì chất điện giải thích hợp.

Cuối cùng, tình huống nảy sinh là muối phải được hấp thụ riêng. Vì vậy, những người sống ở vùng núi hoặc sâu trong đất liền bắt đầu tụ họp lại ở những nơi có thể khai thác muối như bờ biển, mỏ muối hay hồ muối để trao đổi sản phẩm nông nghiệp của họ lấy muối. Sau đó, các khu vực sản xuất muối tự nhiên trở thành trung tâm mua bán.

Trong quá khứ, muối còn được sử dụng làm tiền tệ. Người Hy Lạp cổ đại mua bán nô lệ bằng muối, còn ở La Mã, binh lính và quan chức được trả lương bằng muối. Trong tiếng Anh, từ “salary” (tiền lương) và “soldier” (binh lính) đều bắt nguồn từ từ “salarium” trong tiếng Latinh có nghĩa là “tiền muối trả cho binh lính”. Vào thế kỷ 12, muối được mệnh danh là “vàng trắng” ở Ghana, vì nó quý giá như vàng nguyên chất được sản xuất tại Maroc.

Nỗ lực khai thác muối của con người vẫn diễn ra trong thời gian dài. Các cuộc chiến nổ ra để chiếm giữ những vùng đất có trữ lượng muối, và một số người đã đi thám hiểm để tìm những địa điểm mới để có thể khai thác muối. Trước đây, vì muối rất hiếm nên nếu đào được đá muối từ lòng đất thì có thể bán với giá cao và trở nên giàu có. Kỹ thuật đào sâu vào lòng đất để khai thác muối sau này đã dẫn đến công nghệ khoan dầu. Vì dầu mỏ thường bị chôn vùi dưới muối nên cũng có trường hợp dầu được phát hiện trong khi khai thác muối.

Sức mạnh của muối duy trì sự sống

Muối (NaCl) hấp thụ vào cơ thể sẽ được phân tách thành ion natri (sodium) và ion clorua, là một trong những nguyên tố cần thiết cho mọi sinh vật sống. Ion clorua có nhiều nhất trong dịch ngoại bào, tham gia duy trì cân bằng nội môi như kiểm soát áp suất thẩm thấu và độ pH bên trong tế bào. Cơ thể kiểm soát áp suất thẩm thấu để duy trì lượng độ ẩm cân bằng bên trong cơ thể, đồng thời kiểm soát lượng dịch cơ thể như máu.

Các ion natri cũng ảnh hưởng đến việc duy trì sự cân bằng của mức độ đậm đặc của nước ối trong khi thai nhi ở trong tử cung trong chín tháng. Đó là vì nước ối bảo vệ thai nhi là từ huyết tương của mẹ. Vào cuối thai kỳ, các thành phần và độ mặn của nước ối trở nên đậm đặc như nước biển.

Ngoài ra, natri cũng trở thành một thành phần của dịch tiêu hóa kiềm như mật, dịch tụy và dịch ruột, giúp tiêu hóa và hấp thụ thức ăn đã ăn vào. Nếu lượng muối hấp thụ không đủ, cơ thể sẽ bị mất nước do khó hấp thụ nước, dẫn đến giảm cảm giác thèm ăn do giảm tiết dịch tiêu hóa.

Các ion natri cũng cần thiết cho việc truyền xung thần kinh. Hàng chục nghìn bơm natri-kali được gắn vào màng tế bào trong cơ thể chúng ta. Bằng cách sử dụng năng lượng, các bơm này làm trung gian cho sự giao tiếp của các tế bào bằng cách đẩy ion natri ra ngoài tế bào và đẩy ion kali vào trong tế bào. Theo đó, các xung thần kinh được truyền đi và cơ bắp co lại.

Bí mật 3%

Nước biển vô tình đi vào miệng khi đang tắm biển sẽ có vị mặn, không giống nước ngọt. Tại sao nước biển lại mặn? Có phải vì cối xay muối ma thuật tạo ra muối ngày xưa đã chìm xuống đáy đại dương không? Sở dĩ nước biển mặn là vì nó chứa một lượng lớn natri clorua. Natri clorua là sự kết hợp của natri và clorua, không có vị. Nhưng khi hòa tan trong nước và tách thành ion natri và clorua, ion natri có vị mặn. Dù có sự thay đổi tùy theo khu vực, nhưng độ mặn trung bình của nước biển là khoảng 35 ppt. Có nghĩa là có khoảng 35g muối được hòa tan trong 1kg nước biển.

Không chỉ độ mặn mà nhiệt độ của nước biển cũng khác nhau tùy từng vùng. Nhìn chung, nhiệt độ nước biển gần xích đạo là khoảng 30°C, nhưng ở Bắc Băng Dương có thể giảm xuống -2°C. Nếu nước biển đóng băng và sự lưu thông của nước biển dừng lại, sự di chuyển của nước ấm và nước lạnh sẽ bị chặn lại, chênh lệch nhiệt độ giữa xích đạo và vùng cực sẽ tăng lên, và các hiện tượng thời tiết bất thường sẽ xảy ra.

May mắn thay, nước biển bắt đầu đóng băng ở khoảng -2°C, không phải 0°C. Điều này là do 3% muối hòa tan trong nước biển làm giảm điểm đóng băng của nước biển. Hơn nữa, vì đại dương rất lớn và sâu, nên phải mất thời gian dài để toàn bộ nước biển xuống dưới -2°C. Nhiệt độ trung bình của nước biển là khoảng 17,5°C. Trước khi nhiệt độ nước xuống đến điểm đóng băng, mùa ấm bắt đầu. Đây là lý do nước biển không đóng băng. Nhiệt độ không phải là yếu tố duy nhất ngăn nước biển đóng băng, mà sự chuyển động không ngừng của nước biển do sóng, dòng hải lưu và thủy triều cũng góp phần ngăn ngừa đóng băng.

Bề mặt đại dương liên tục chuyển động dưới ảnh hưởng của sự tự quay của trái đất và gió. Nước biển chìm xuống đại dương sâu hoặc nổi lên bề mặt tùy theo sự chênh lệch mật độ do sự khác biệt về nhiệt độ và độ mặn của nước. Ở Bắc Đại Tây Dương, khi mùa đông lạnh giá đến, nước đóng băng và vẫn giữ lại muối khiến nước biển trở nên mặn hơn. Khi một lượng lớn nước biển trở nên nặng do mật độ tăng lên, nó chìm xuống đáy đại dương, và chỗ trống được lấp đầy bởi nước khác. Nước lạnh và nặng ở phía bắc chìm xuống, còn nước ấm từ phía nam lấp vào chỗ đó, tạo nên dòng chảy nước biển khổng lồ.

Nước biển chìm chảy qua xích đạo và tuần hoàn qua Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương. Trong quá trình này, nước biển ở vùng nhiệt đới ấm chảy đến các vùng cực lạnh cùng với dòng hải lưu bề mặt; còn nước biển ở vùng cực lạnh chảy đến vùng nhiệt đới. Nước biển duy trì sự tuần hoàn nhiệt để một phần nhất định của đại dương không bị nóng hoặc lạnh liên tục. Như vậy, các dòng hải lưu đóng vai trò hòa trộn nước biển của toàn bộ trái đất và cũng ảnh hưởng đến khí hậu của trái đất bằng cách tuần hoàn nhiệt.

Điều mà mọi người quan tâm nhất hiện nay là sự tan chảy của các sông băng ở hai cực do hiện tượng nóng lên toàn cầu. Khi các sông băng tan, nồng độ muối của nước biển ở hai vùng cực sẽ bị pha loãng, làm giảm mật độ, khiến quá trình lưu thông của dòng hải lưu dừng lại. Nếu các dòng hải lưu sâu không bắt đầu, các dòng hải lưu bề mặt ấm bắt đầu từ xích đạo không thể di chuyển đến hai cực, gây cản trở sự lưu thông nhiệt của trái đất. Nếu muối hòa tan trong nước biển bị pha loãng thì không chỉ gây ra những thay đổi trong hệ sinh thái biển, mà còn gây ra biến đổi khí hậu toàn cầu.

Muối, thứ đã ảnh hưởng đến lịch sử từ thời cổ đại do tầm quan trọng của nó, là chất thiết yếu đối với loài người và liên quan trực tiếp đến cuộc sống của chúng ta. Từ xa xưa, con người đã sử dụng muối để nêm nếm thức ăn và bảo quản thực phẩm. Muối có thể làm giảm vị ngọt gắt và làm vị đắng bớt đắng hơn. Chất tạo ngọt nhân tạo đã được phát triển để thay thế đường, nhưng chưa có chất nào thay thế được muối. Có lẽ vì thế mà muối thường được dùng để miêu tả thứ gì đó quý giá và thiết yếu. Chúng ta hãy trở thành người thể hiện giá trị của mình ở bất cứ nơi đâu, giống như muối không bao giờ mất đi vị mặn.

“Các ngươi là muối của đất; song nếu mất mặn đi, thì sẽ lấy giống chi mà làm cho mặn lại? Muối ấy không dùng chi được nữa, chỉ phải quăng ra ngoài và bị người ta đạp dưới chân.” Mathiơ 5:13

“Muối là vật tốt, nhưng nếu muối mất mặn đi, thì lấy chi làm cho mặn lại được? Các ngươi phải có muối trong lòng mình, lại phải hòa thuận cùng nhau.” Mác 9:50