
Khi tôi đến nhà trẻ để đón con gái, cô giáo bước ra cùng con với ánh mắt đầy lo lắng.
“Chị ơi, hôm nay Seohee cứ chớp mắt suốt. Đây không phải lần đầu tiên con bị như vậy nên em rất lo, không biết con có sao không ạ.”
“À, mắt con bé nhạy cảm lắm, nếu buồn ngủ hoặc đọc sách lâu là thường xảy ra tình trạng đó. Chỉ cần cho bé ngủ sớm là ổn thôi.”
Tôi nói như thể đó không phải là vấn đề lớn rồi đưa con về nhà. Nhưng, có lẽ vì lời cô giáo nói mà hôm đó, tôi thấy con chớp mắt nhiều hơn trước một cách bất thường. Dù đọc sách, ăn cơm hay nói chuyện, con cứ liên tục chớp mắt. Quan sát một lúc, tôi không kiềm chế được mà lớn tiếng:
“Con dừng lại đi!”
Con bé nói nó sẽ làm như vậy nhưng cứ lặp lại hành động ấy. Bực mình vì hành động của con không thay đổi, tôi đã dọa: “Nếu con cứ làm thế, các bạn sẽ trêu con đấy. Mẹ sẽ đưa con đi bác sĩ và tiêm thuốc luôn!”, thậm chí tôi còn dọa sẽ không mua bất kỳ đồ ăn vặt nào mà con bé thích. Cuối cùng, con bé bật khóc.
“Mẹ ơi, con không muốn đâu, nhưng mắt cứ tự chớp thôi.”
“Không có chuyện gì là không làm được cả! Chẳng qua là con chưa cố gắng thôi. Hãy cố gắng lên!”
Mấy ngày trôi qua nhưng triệu chứng của con vẫn không khá hơn. Tôi lo lắng nên đã đưa con đến bác sĩ nhãn khoa. Sau khi khám, bác sĩ cho tôi xem tình trạng mắt của con trên màn hình:
“Ôi, chắc là đau lắm. Chị có thấy mấy sợi lông mi này không? Lông mi mọc ngược vào trong và cứa vào mắt bé. Chị có thấy chỗ này đỏ lên không? Bị viêm rất nặng. Hôm nay tôi sẽ nhổ những sợi đó ra, nhưng chị phải thường xuyên kiểm tra khi về nhà và nhổ ra nếu phát hiện thấy. Và nhớ nhỏ thuốc nhỏ mắt nữa nhé”.
Sau khi gặp bác sĩ, tôi cảm thấy thương con vô cùng. Tôi cảm thấy xấu hổ vì đã không nhận ra lông mi của con đang chọc vào mắt, mà chỉ chăm chăm bắt con sửa thói quen xấu của mình.
“Seohee à, bây giờ mắt con còn đau không?”
“Dạ không mẹ ạ. Không có gì đâm vào nữa nên không còn đau nữa rồi.”
“Seohee của chúng ta giỏi quá. Có thể đi học tiểu học được rồi!”
“Dạ, giờ con là chị lớn rồi. Con sẽ nghe lời mẹ thật tốt ạ.”
Nhìn con cười, tôi mới thực sự nhẹ nhõm và cũng mỉm cười theo. Dù không nói ra, nhưng trong lòng tôi đã lặp đi lặp lại lời xin lỗi con rất nhiều lần. Thay vì kiểm tra kỹ chỗ bị đau, tôi đã chỉ nói những lời có thể khiến con bị tổn thương.
Tôi nghĩ rằng tôi đã nói chuyện thường xuyên với con và dành cho con thật nhiều tình yêu thương. Tôi tự tin rằng mình đã hạ mình xuống đủ thấp, ngang hàng với con, nhưng bây giờ nghĩ lại, tôi nhận ra mình đã chỉ trao yêu thương theo cách của riêng mình, theo tiêu chuẩn của riêng mình mà không thực sự hiểu cảm xúc của con hoặc không chú ý nhiều đến việc ấy.
Tôi cảm thấy như thể tôi đã nói với các người nhà Siôn, những người đã ở bên cạnh tôi trong thời gian dài, rằng tôi yêu họ, nhưng lại không nhận ra vết thương của họ mà khiến họ đau đớn hơn bằng sự cố chấp và suy nghĩ của riêng mình. Tôi tự hỏi liệu tôi có cố gắng hết sức để yêu họ theo cách riêng của mình mà không biết họ đau đớn ở đâu hay khó khăn đến mức nào chăng.
Từ giờ trở đi, tôi muốn được đau đớn khi anh chị em tôi đau đớn, và vui mừng khi họ vui mừng, vì chúng ta là các chi thể trong một thân. Tôi sẽ bao bọc vết thương của anh chị em, không làm tổn thương họ, và chia sẻ tình yêu thương mà Mẹ trên trời đã ban cho tôi với các anh chị em.