Chọn ngôn ngữ

Close

Nói chuyện êm ái như chiếc gối đệm

3,199 lượt xem

Khi nói rằng hãy nghĩ đến tư thế thoải mái nhất, mọi người thường tưởng tượng mình đang nằm trên giường hoặc ngả lưng trên ghế sofa. Bởi vì nệm hay gối đệm mềm mại và êm ái giúp giải tỏa căng thẳng cho cơ thể. Nếu tư thế thoải mái thì cả tấm lòng cũng cảm thấy dễ chịu. Lời nói cũng cần mềm mại và êm ái như chiếc gối đệm để có thể truyền đến tai và tấm lòng của đối phương một cách dễ chịu.

Đặc biệt, càng phải cẩn thận hơn nữa đối với những tình huống có thể gây mâu thuẫn với đối phương, như khi đề nghị hoặc từ chối yêu cầu, đưa ra lời khuyên hoặc bày tỏ ý kiến trái chiều, v.v… Cách trò chuyện giúp truyền đạt ý muốn một cách khéo léo, tránh gây khó chịu hay tổn thương cho người nghe, được gọi là “cách nói đệm”.

Cách nói đệm được biết đến là cách nói chuyện chủ yếu được sử dụng trong những nghề dịch vụ khi ứng xử với khách hàng, cũng rất cần thiết khi giao tiếp giữa các thành viên trong gia đình. Con người có xu hướng đồng nhất những người có mối quan hệ thân quen với chính mình, nên họ thường nói thẳng những điều muốn nói mà không nghĩ xem đối phương sẽ tiếp nhận như thế nào. Những lời không chứa đựng sự quan tâm và tôn trọng sẽ khiến người nghe thấy không thoải mái, như thể họ bị bắt ép ngồi trên một chiếc ghế cứng mà không có đệm. Người nghe khó có thể ngồi lâu và cuối cùng sẽ rời đi.

Cách nói đệm 1. Khi nhờ vả hoặc yêu cầu

“Em sẽ rửa bát, còn anh dọn dẹp nhé!”

“Đừng làm phiền mẹ nữa, con tự chơi đi!”

“Bố mua gà cho con đi!”

Gia đình là mối quan hệ giúp đỡ lẫn nhau mà không đòi giá. Vì vậy mà đôi khi chúng ta mong đợi những yêu cầu và nhờ vả của mình phải được đáp ứng và nói với giọng điệu ra lệnh. Song, trên lập trường của người nghe, dù đó là yêu cầu không mấy khó khăn, nhưng nếu bị ép buộc hoặc ra lệnh, họ sẽ mất đi thiện ý muốn thực hiện. Bởi mọi người đều không thích bị người khác ép buộc phải làm điều gì đó. Dù đó là yêu cầu của gia đình, nhưng phải có ý tự nguyện bởi lựa chọn của bản thân thì mới có thể làm bằng tấm lòng vui vẻ. Vì vậy, khi nhờ vả, điều quan trọng là phải nói sao cho đối phương thấy muốn nghe. Đó là nói dưới hình thức gợi ý hoặc rủ rê, sử dụng cách nói đệm. Khi thay đổi những ví dụ được nêu ở trên thành cách nói đệm thì có thể nói như thế này:

“Mình à, chắc anh cũng mệt nhưng anh có thể dọn dẹp nhà trong lúc em rửa bát được không?”

“Con muốn chơi cùng mẹ à? Mẹ cũng muốn nhưng giờ mẹ đang có việc phải làm. Con hãy chơi một mình 10 phút nhé!”

“Bố ơi, hôm nay con muốn ăn gà, bố có thể mua vào bữa tối được không ạ?”

Dù là yêu cầu giống nhau, nhưng nếu nói như thế này thì yêu cầu đó sẽ được truyền đạt đến người nghe một cách mềm mại hơn rất nhiều. Nếu gia đình không đáp ứng lời nhờ vả của mình, hãy thử xem lại xem mình đã nói như thế nào. Hãy nhớ rằng tùy thuộc vào cách nói mà gia đình có thể thuận ứng theo yêu cầu của chúng ta hoặc cũng có thể không.

Cách nói đệm 2. Khi từ chối lời nhờ vả hoặc yêu cầu

Nếu là nhờ vả của người thân yêu trong gia đình thì chúng ta đều muốn đáp ứng cho mọi điều, nhưng thực tế thì không phải lúc nào cũng có thể như vậy. Cũng có nội dung nhờ vả quá sức của mình, cũng có trường hợp do tình huống và điều kiện không cho phép thực hiện ngay, đôi khi cũng có trường hợp bản thân phán đoán rằng dù có đáp ứng theo yêu cầu của đối phương thì cũng không thể giúp ích được gì.

Tuy nhiên, nếu cứ trả lời một cách ngắn gọn với ý muốn từ chối như “không thích”, “không được”, “không”, thì sẽ rất khó xử. Khi bị ai đó từ chối, người ta thường có xu hướng cho rằng đối phương đang từ chối chính bản thân mình, thay vì coi đó là sự từ chối đối với lời nhờ vả của mình. Và nếu kể cả biểu hiện từ chối lúc đó cũng lạnh lùng thì cảm xúc của họ sẽ bị tổn thương.

Vì vậy, khi từ chối, nhất định phải trang bị chiếc đệm êm ái cho ý định từ chối của mình. Phương pháp ấy như sau. Trước tiên, hãy lắng nghe đối phương nói và thể hiện mình hoàn toàn đồng cảm với tình huống mà họ nhờ vả. Sau đó, hãy giải thích cụ thể lý do không thể đáp ứng lời nhờ vả của đối phương sao cho họ có thể hiểu được. Cuối cùng, hãy đề xuất giải pháp và tìm ra phương pháp mà hai bên đều hài lòng. Khi vận dụng cách nói đệm như thế này thì có thể ngăn chặn những xung đột phát sinh do bị từ chối. Ngay cả khi giải pháp thay thế không giúp ích được cho đối phương thì vẫn có thể truyền đạt cảm tình tốt bởi hình ảnh nỗ lực lắng nghe lời nhờ vả của họ.

Ví dụ, nếu bạn muốn nghỉ ngơi vào ngày nghỉ nhưng vợ lại đề nghị đưa các con ra ngoài chơi, thì đừng nói như thể bị làm phiền hoặc từ chối một cách khó chịu rằng “Anh cũng cần nghỉ ngơi vào ngày nghỉ!” hoặc “Lần sau rồi đi!”, mà hãy thử nói thế này. “Anh cũng muốn có thời gian vui vẻ ra ngoài với em và các con. Nhưng tuần này anh thấy mệt quá nên chắc phải nghỉ ngơi một chút. Vậy tuần sau mình đi được không?” Nếu nói như thế này thì có lẽ đối phương sẽ không buồn vì bị từ chối mà còn quan tâm để bạn có thể nghỉ ngơi thoải mái ở nhà.

Cách nói đệm 3. Khi đưa ra lời khuyên hoặc ý kiến phản đối

Hầu hết mọi người đều không thích lời khuyên. Bởi vì trong lời khuyên có bao hàm việc đánh giá về bản thân họ. Và kể cả khi nội dung ấy là cần thiết với đối phương, nhưng nếu nói thẳng thì họ cũng khó có thể tiếp nhận một cách vui vẻ.

Nếu có điều thực sự muốn nói với những người thân yêu trong gia đình hoặc nếu ai đó tìm đến xin lời khuyên, chúng ta không nên chỉ chia sẻ ý kiến của bản thân mà phải truyền đạt cùng với tình yêu thương. Để làm được như vậy, chúng ta nên tập trung vào lời khen hơn là tập trung vào lỗi sai. Ví dụ, thay vì nói “Mọi thứ ở bạn đều tốt, chỉ có vấn đề là lười biếng thôi”, thì hãy nói “Nếu bạn siêng năng hơn chút nữa thì sẽ không có gì để chê cả”. Khi nói theo cách này, lời khen đóng vai trò giống như chiếc gối đệm êm ái và có thể đưa ra lời khuyên mà người nghe không biết là lời khuyên.

Khi có sự bất đồng ý kiến với gia đình, nên tránh nói theo kiểu “Ý kiến đó sai rồi” chỉ vì không đồng tình với quan điểm của đối phương. Vì mỗi người có lập trường và suy nghĩ khác nhau, nên những gì đúng theo tiêu chuẩn của bản thân cũng có thể không như vậy với đối phương.

Khi đưa ra ý kiến trái ngược với ý kiến của đối phương, hãy nhớ điều này: Đó là cách nói “Vâng, nhưng (Yes, But)”. Điều này nghĩa là chúng ta đồng cảm và công nhận những gì đối phương nói, trước khi bày tỏ ý kiến riêng của mình. Trước hết hãy tiếp thu ý kiến của đối phương như “Tất nhiên là có khía cạnh đó”, “Đúng vậy. Cũng có thể nghĩ như thế”. Những điều muốn nói có thể để sau. Sự đồng cảm và công nhận có tác dụng như lớp đệm, nên kể cả khi đưa ra ý kiến khác sau đó thì cũng không làm tổn thương tâm trạng của đối phương. Khi trò chuyện với thái độ công nhận và tiếp thu sự khác biệt trong suy nghĩ của nhau, có thể dẫn đến cái kết tốt đẹp.

Trọng tâm của cách nói đệm là “tôn trọng” đối phương. Sự tôn trọng giống như lớp bông của chiếc gối đệm. Giống như bên trong vỏ gối đệm phải có bông thì mới có thể phát huy hết chức năng của chiếc gối đệm mềm mại, nếu muốn sử dụng thành thạo cách nói đệm thì phải lấp đầy sự tôn trọng bên trong đó. Đồng thời, việc kết hợp các yếu tố phi ngôn ngữ cũng quan trọng. Dù nói bằng biểu hiện mềm mại và uyển chuyển chăng nữa, nhưng nếu biểu cảm hay phong cách nói cáu gắt thì đối phương sẽ cảm thấy rằng họ không được tôn trọng. Biểu cảm và cử chỉ cũng phải mềm mại phù hợp với lời nói thì cách nói đệm mới phát huy hiệu quả hơn nữa.

Dù nói cùng một nội dung, nhưng chúng ta phải truyền đạt sao cho đối phương ít cảm thấy khó chịu và không bị tổn thương. Lý do là vì sự tôn trọng với đối phương giúp duy trì sự thông hiểu, và cuối cùng, chính sự thông hiểu sẽ tạo nên gia đình hòa thuận. Gia đình tôn trọng lẫn nhau thì tất cả thành viên đều hạnh phúc. Dù không trực tiếp nói những điều như “Em quan tâm anh” hay “Anh tôn trọng em”, nhưng hãy thử thêm tấm đệm vào lời nói để gia đình có thể cảm nhận được sự tôn trọng thông qua lời nói của bản thân. Người nói chuyện mềm mại như chiếc gối đệm sẽ trở nên người mà bất cứ ai cũng muốn lại gần, giống như chính chiếc gối đệm êm ái và thoải mái.