Làm cùng nhau

10,283 lượt xem

“Điều này” gây hại cho cơ thể tương tự như việc hút mười lăm điếu thuốc mỗi ngày. “Điều này” làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh. Những người mắc phải “điều này” có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn 30%, nguy cơ bị sa sút trí tuệ cao hơn 40% và nguy cơ bị bệnh tim cao gấp hai lần so với những người khỏe mạnh. “Điều này” là gì?

Đó là sự cô đơn. Vivek H. Murthy, cựu Phó Trưởng ban của Ủy ban Dịch vụ Y tế Công cộng Hoa Kỳ, cho biết rằng cô đơn là một yếu tố gây ra các vấn đề của xã hội hiện đại như trầm cảm và nghiện ma túy. Ông nói rằng những căn bệnh xuất phát từ sự cô đơn có thể gây hại cho cơ thể hơn những căn bệnh về thể chất nói chung. Ông thậm chí còn trở thành người đầu tiên thêm sự cô đơn vào danh sách những căn bệnh cần được chăm sóc đặc biệt của quốc gia khi ông còn đương chức. Các quốc gia khác như Australia và Ireland cũng đã nhận ra mức độ nghiêm trọng của sự cô đơn và đang tìm kiếm giải pháp.

Vương quốc Anh thậm chí đã bổ nhiệm một “Bộ trưởng về Cô đơn” và đang tích cực thực hiện các biện pháp để chống lại sự cô đơn. Cư dân ở nhiều vùng khác nhau thuộc Vương quốc Anh tự nguyện mở tiệc vào tháng 6 hàng năm. Sự kiện này được gọi là “Sự tuyệt vời khi làm cùng nhau (Great Get Together)”, một sự kiện kéo dài ba ngày, nơi mọi người chia sẻ thức ăn và trò chuyện. Việc lên kế hoạch cho sự kiện với những người hàng xóm và quyết định địa điểm của sự kiện và đồ ăn để phục vụ, giúp họ giảm bớt nỗi cô đơn. 71% người tham gia trả lời rằng việc này giúp giải tỏa nỗi cô đơn của họ. Một phụ nữ đến từ Bristol cho biết, “Trong 20 năm qua, tôi đã mắc phải hội chứng mệt mỏi mãn tính, khiến tôi khó làm việc hoặc tiếp xúc với người khác. Nhưng khi chuẩn bị cho sự kiện, tôi chắc chắn có năng lượng.”

“Phong trào nhà kho của những người đàn ông (Men’s Shed Movement), một phong trào dành cho nam giới tuổi trung niên bị thờ ơ và cô đơn sau khi nghỉ hưu, cũng mang đến những kết quả tương tự. Đúng như tên gọi của phong trào, những người tham gia nhóm lại cùng nhau tại một nhà kho và tập trung vào các hoạt động sản xuất như làm đồ nội thất, chậu hoa và đồ chơi hoặc sửa chữa ô tô. Mục tiêu của họ là xóa bỏ sự cô đơn và cô lập thông qua các hoạt động đội nhóm.

Điểm chung của hai dự án này là chúng đều là những hoạt động mà mọi người làm cùng nhau. Bằng cách giao tiếp và chia sẻ cảm xúc với nhau, họ nhận ra rằng họ không đơn độc và cảm thấy bớt cô đơn hơn và cũng có thêm sức mạnh. Vấn đề ở chỗ nhịp sống hiện nay không cho chúng ta có thời gian để dành cho nhau nhiều như trước đây nữa.

Lối sống của chúng ta đã thay đổi đáng kể do đại dịch Covid-19. Dịch bệnh khiến chúng ta phải làm việc tại nhà hoặc tham dự các lớp học trực tuyến; và việc gặp gỡ hay dùng bữa cùng bạn bè đã trở thành một sự kiện đặc biệt. Chính vào lúc mà bất cứ ai cũng dễ dàng bị những con sóng của sự cô đơn cuốn đi hơn, có một điều chúng ta phải nhớ: Sự thật là Đức Chúa Trời luôn ở cùng với chúng ta.

Sau cuộc đối đầu với 850 tiên tri của Baanh, Êli chạy trốn vào sa mạc để tránh khỏi sự đe dọa của kẻ thù. Trong khi Êli đang nghĩ rằng không có ai ở bên cạnh mình, Đức Chúa Trời đã sai thiên sứ của Ngài đến chăm sóc ông. Khi ông ở trên núi Hôrếp, Đức Chúa Trời đã cho ông nhận ra rằng ông không đơn độc bằng lời phán: “Ta đã để dành lại cho ta bảy ngàn người không có quỳ gối xuống trước mặt Baanh.” Sau khi tự sốc lại tinh thần, Êli đã quay lại thực hiện sứ mệnh của mình (I Các Vua 19, Rôma 11:2-5).

Cũng vậy, khi Đaniên cầu nguyện hướng về Giêrusalem mỗi ngày trong khi ông sống trong cảnh bị giam cầm ở Babylôn, Đức Chúa Trời luôn ở bên và nhậm lời cầu nguyện của ông. Ngay cả trong thời khắc nguy kịch khi ông bị ném vào hang sư tử, Đức Chúa Trời đã sai một thiên sứ đến bảo vệ ông (Đaniên 9:20-23, 6:16-23). Đối với Môise người đã lãnh đạo dân Ysơraên trong đồng vắng sau khi rời khỏi Êdíptô, Đức Chúa Trời đã nhóm lại 70 người chịu trách nhiệm quản lý người dân Ysơraên để Môise không phải một mình gánh vác tất cả trách nhiệm; và Đức Chúa Trời ở cùng luôn luôn, giúp đỡ Môise ở bất cứ nơi nào ông đi đến. (Dân số ký 11:14–17).

Theo khảo sát gần đây về sức khỏe tâm thần bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 do nhóm nghiên cứu của Đại học Cambridge ở Anh và Đại học Stanford ở Mỹ thực hiện, 35% trong số 15.000 người tham gia trả lời rằng họ thường cảm thấy cô đơn. Tất cả chúng ta đều có những lúc cảm thấy không có ai để giãi bày những trăn trở trong lòng, hoặc cảm thấy trống rỗng, hoặc đột nhiên cảm thấy cô đơn. Bất cứ khi nào chúng ta rơi vào tình trạng này, chúng ta hãy cảm nhận bàn tay của Đức Chúa Trời đang chăm sóc từng chi tiết của linh hồn chúng ta. Vì Đức Chúa Trời luôn ở cùng với chúng ta trên mọi nẻo đường nên chúng ta không cô đơn. Con đường đức tin của chúng ta cũng không đơn độc vì chúng ta còn có các anh chị em luôn động viên và cổ vũ cho nhau.