Thức ăn được ăn và thức ăn không được ăn

39,401 lượt xem

Có rất nhiều điểm khác biệt giữa giáo Giuđa (Do Thái giáo) theo luật pháp Môise và Cơ Đốc giáo theo luật pháp Đấng Christ. Một trong những điều đó là luật pháp về thức ăn.

Chúng ta hãy cùng tìm hiểu luật pháp về thức ăn theo thứ tự thời gian, bắt đầu từ thời kỳ vườn Êđen, trải qua thời đại luật pháp, đến thời đại Hội Thánh Sơ Khai, và sau đó hãy tìm kiếm sự dạy dỗ mà chúng ta phải vâng phục trong thời đại Tân Ước.

Thức ăn được ban cho tùy theo mỗi thời đại

1. Thức ăn được ban cho trong thời kỳ vườn Êđen

Trong vườn Êđen, Đức Chúa Trời ban cho loài người rau cỏ và trái cây làm thức ăn.

“Đức Chúa Trời lại phán rằng: Nầy, ta sẽ ban cho các ngươi mọi thứ cỏ kết hột mọc khắp mặt đất và các loài cây sanh quả có hột giống; ấy sẽ là đồ ăn cho các ngươi.” Sáng Thế Ký 1:29

Luật lệ ăn rau cỏ và trái cây trong vườn Êđen kéo dài đến tận sau khi Ađam và Êva bị đuổi khỏi vườn Êđen. Sau khi ra khỏi vườn, họ phải cày cấy đất và ăn nông sản của mình.

2. Thức ăn được ban cho sau lũ lụt

Sau lũ lụt, Đức Chúa Trời cho phép gia đình Nôê ăn cả rau cỏ lẫn các loài động vật.

“Phàm vật chi hành động và có sự sống thì dùng làm đồ ăn cho các ngươi. Ta cho mọi vật đó như ta đã cho thứ cỏ xanh.” Sáng Thế Ký 9:3​

Điều răn về thức ăn được ban cho trong thời Nôê đã kéo dài đến tận khi Môise được ban cho luật pháp.

3. Thức ăn được ban cho cùng với luật pháp

Trong thời đại Môise, Đức Chúa Trời ban cho rất nhiều luật pháp để người dân của Ngài vâng theo như Mười Điều Răn v.v… Một trong số đó là điều răn về thức ăn.

Tại bất kỳ thời đại nào, vâng phục hay không vâng phục mạng lịnh của Đức Chúa Trời là tiêu chuẩn để phân biệt rằng người ấy có phải là người dân của Đức Chúa Trời hay không.

​“… bởi ngươi là một dân thánh cho Giêhôva Đức Chúa Trời ngươi; Đức Giêhôva đã chọn ngươi trong các dân trên mặt đất, hầu ngươi làm dân riêng của Ngài. Chớ ăn một vật chi gớm ghiếc.” Phục Truyền Luật Lệ Ký 14:2-3

Trong thời kỳ ấy, Đức Chúa Trời đã lựa chọn các loại thức ăn nhất định có thể ăn được làm dấu hiệu để phân biệt giữa người dân Ysơraên – dân thánh của Đức Chúa Trời và người dân ngoại bang, như sau.

“Đức Giêhôva phán cùng Môise và Arôn rằng: Hãy nói cùng dân Ysơraên rằng: Trong các loài vật trên mặt đất, nầy là những con các ngươi được phép ăn: Hễ loài vật nào có móng rẽ ra, chân chia hai và nhơi, thì các ngươi được phép ăn… các ngươi được phép ăn loài vật nào có vây và có vảy…” Lêvi Ký 11:1-23

Trong thời đại của Môise, dân của Đức Chúa Trời được cho phép ăn các loài vật sạch là những con vật có móng rẽ và nhơi (nhai lại); nhưng không được ăn các loài vật không sạch là những con vật nhơi nhưng không có móng rẽ, hay có móng rẽ nhưng không nhơi.

Luật pháp thức ăn chia các loài vật ra thành “loài vật sạch” và “loài vật không sạch” được giữ gìn trong thời gian dài đến tận thời Đức Chúa Jêsus, đã châm rễ sâu trong sinh hoạt của người dân Ysơraên.

4. Luật pháp được ban cho Cơ Đốc nhân

Giống như Đức Chúa Trời ban cho luật lệ về thức ăn tùy theo mỗi thời đại từ thời vườn Êđen, Đức Chúa Trời đã ban cho mạng lịnh về thức ăn trong giao ước mới, là luật pháp mà Cơ Đốc nhân phải vâng phục vào thời đại sứ đồ.

“Ấy là Đức Thánh Linh và chúng ta đã ưng rằng chẳng gán gánh nặng nào khác cho anh em ngoài những điều cần dùng, tức là anh em phải kiêng ăn của cúng thần tượng, huyết, thú vật chết ngột, và chớ tà dâm; ấy là mọi điều anh em khá kiêng giữ lấy vậy. Kính chúc bình an!” Công Vụ Các Sứ Đồ 15:28-29

Như trên, tất thảy các thức ăn đều được ban cho trong thời đại sứ đồ, ngoại trừ của cúng thần tượng, huyết và thú vật chết ngột (bị siết cổ).

Phân loại Thức ăn được ăn​ ​Thức ăn không được ăn​ ​Câu Kinh Thánh​
​Vườn Êđen​ Rau cỏ và trái cây Sáng Thế Ký 1:29
​Sau lũ Lụt​ Rau cỏ và thú vật Sáng Thế Ký 9:3
Sau luật pháp Môise Loài vật sạch (Ví dụ: Con vật có móng rẽ ra và nhơi) Loài vật không sạch (Ví dụ: Con vật không có móng rẽ hoặc không nhơi) Lêvi Ký chương 11
Sau Đấng Christ Tất thảy ngoại trừ những thức ăn cấm Của cúng thần tượng, huyết, thú vật chết ngột (bị siết cổ) Công Vụ Các Sứ Đồ 15:28-29

Loài vật sạch và loài vật không sạch

Vì sao luật pháp về thức ăn được gìn giữ trong suốt khoảng thời gian dài 1500 năm lại được thay đổi vào thời đại sứ đồ? Để hiểu rõ vấn đề này, trước hết chúng ta cần phải hiểu rõ ý định về loài vật sạch và loài vật không sạch được ban cho trong luật pháp của thời đại Cựu Ước. Từ thời đại Môise, loài vật sạch và loài vật không sạch trở nên tiêu chuẩn phân biệt giữa người Giuđa và người ngoại bang. Trên thực tế, người ngoại bang được miêu tả là không sạch vì họ ăn thức ăn không sạch. Vì thế, người dân Giuđa đã không tiếp xúc với người dân ngoại là bởi thức ăn.

Chúng ta có thể xác minh điều này thông qua giai thoại của sứ đồ Phierơ.

Cọtnây, đội trưởng của đội binh Ytali, là người tin vào Đức Chúa Trời và làm nhiều công việc thiện lành. Một ngày nọ, ông thấy trong sự hiện thấy: Một thiên sứ của Đức Chúa Trời truyền bảo ông hãy gặp Phierơ đang ở Giốpbê. Nên Cọtnây cử người đến Giốpbê.

Trong thời gian đó, Phierơ đang ở tại Giốpbê bị ngất trí và thấy một sự hiện thấy: Trời mở ra và có vật chi giống một bức khăn lớn níu bốn chéo lên, giáng xuống và sa đến đất. Trong đó có những thú bốn cẳng, đủ mọi loài, côn trùng bò trên đất, và chim trên trời. Lại có tiếng phán cùng người rằng “Hỡi Phierơ, hãy dậy, làm thịt và ăn.” Nhưng Phierơ đáp rằng “Lạy Chúa, chẳng vậy; vì tôi chẳng ăn giống gì dơ dáy chẳng sạch bao giờ.” Tiếng đó lại phán với người lần thứ hai rằng “Phàm vật chi Đức Chúa Trời đã làm cho sạch, thì chớ cầm bằng dơ dáy.” Lời đó lặp lại ba lần; rồi vật ấy liền bị thâu lên trên trời.

Đầu tiên, Phierơ đã không hiểu ra ý nghĩa của sự hiện thấy. Ngay sau đó, những người được Cọtnây cử đến đã đến gặp Phierơ. Ngày hôm sau, Phierơ và một vài anh em đã theo họ đến nhà Cọtnây tại thành Sêsarê. Thấy nhiều người nhóm lại, Phierơ đã nói rằng:

“… Người Giuđa vốn không được phép giao thông với người ngoại quốc hay là tới nhà họ; nhưng Đức Chúa Trời đã tỏ cho ta biết chẳng nên coi một người nào là ô uế hay chẳng sạch. Nên khi các ngươi đã sai tìm, thì ta chẳng ngại gì mà đến đây.” Công Vụ Các Sứ Đồ 10:28-29

Khi Phierơ nhìn thấy mọi giống thú vật được gói lại trong bức khăn lớn trong sự hiện thấy, người đã không muốn ăn chúng vì chúng gồm có cả loài vật sạch và loài vật không sạch.

Ngay sau đó, có một tiếng phán từ trên trời rằng “Vật chi Đức Chúa Trời đã làm cho sạch thì chớ cầm bằng dơ dáy.” Phierơ đã giải thích lời này về mối quan hệ giữa “người dân Giuđa và người ngoại bang”. Nhận ra sự thật rằng Đức Chúa Trời đã xóa bỏ sự phân biệt giữa người Giuđa phần xác và người ngoại bang, Phierơ hiểu ra rằng Tin Lành của Đức Chúa Trời phải được rao truyền cho cả người ngoại bang từ thời điểm ấy.

Dù người biết rằng về phần xác thịt, sự người Giuđa (loài vật sạch) gặp mặt người ngoại bang (loài vật không sạch) là vi phạm luật pháp Môise, nhưng người đã làm chứng rằng người đến gặp những người ngoại bang mà không nghi ngại gì bởi Đức Chúa Trời đã làm cho những người ngoại bang ô uế được tinh sạch.

Người Giuđa và người ngoại bang

Bởi lời “Hỡi Phierơ, hãy dậy, làm thịt và ăn.” Đức Chúa Trời bày tỏ rằng “Không phân biệt đối xử, nhưng rao truyền Tin Lành này cho hết thảy mọi quốc gia trên thế giới.” Và bởi tấm khăn chứa mọi loại thú vật bị thâu lên trời, Đức Chúa Trời cho thấy rằng hết thảy mọi người, bất kể người Giuđa hay người ngoại bang đều có thể được lên Thiên Đàng nếu nhận lãnh Tin Lành.

Vì không còn sự phân biệt giữa người Giuđa và người ngoại bang, nên không còn sự phân biệt giữa loài vật sạch và loài vật không sạch, là hình bóng. Vậy nên, Đức Chúa Trời làm cho người ngoại bang tinh sạch, đồng thời Ngài cũng làm tinh sạch kể cả những loài vật không sạch nữa.

“Vậy, anh em, theo xác thịt là người ngoại… hãy nhớ lại lúc trước, trong thuở đó, anh em không có Đấng Christ, bị ngoại quyền công dân trong Ysơraên, chẳng dự vào giao ước của lời hứa, ở thế gian không có sự trông cậy và không có Đức Chúa Trời. Nhưng trong Đức Chúa Jêsus Christ, anh em là kẻ ngày trước cách xa, hiện nay đã nhờ huyết Đấng Christ mà được gần rồi. Vì, ấy chính Ngài là sự hòa hiệp của chúng ta; Ngài đã hiệp cả hai lại làm một, phá đổ bức tường ngăn cách, là sự thù nghịch đã phân rẽ ra… Dường ấy, anh em chẳng phải là người ngoại, cũng chẳng phải là kẻ ở trọ nữa, nhưng là người đồng quốc với các thánh đồ, và là người nhà của Đức Chúa Trời.” Êphêsô 2:11-19

Kể cả luật pháp về thức ăn được tiếp diễn từ thời Môise, đã thay đổi sang luật pháp Đấng Christ và hoàn thành sứ mạng của nó.

“Đó chẳng qua là mạng lịnh của xác thịt, cũng như các lễ ăn, uống, rửa sạch, chỉ lập cho đến kỳ hoán cải vậy. Nhưng Đấng Christ đã hiện đến, làm thầy tế lễ thượng phẩm của những sự tốt lành sau này…” Hêbơrơ 9:10-11

Móng rẽ và nhơi

Như đã được ghi chép “Luật pháp chỉ là bóng của sự tốt lành ngày sau.” (Hêbơrơ 10:1), nên có sự tồn tại thực thể về loài vật sạch và loài vật không sạch trong thời đại Tin Lành. Trong Kinh Thánh, các loài thú đồng tượng trưng cho loài người. Theo lời tiên tri, những loài vật sạch mà có “móng rẽ và nhơi” tượng trưng cho người dân Đức Chúa Trời được nhận sự cứu rỗi, và loài vật không sạch mà không có móng rẽ và không nhơi bị loại ra vì nó tượng trưng cho người dân không được cứu rỗi.

Hội Thánh chân thật tin vào Đấng Christ phải có móng rẽ và nhơi. Nhơi có nghĩa là giữ điều răn của Đức Chúa Trời, và móng rẽ có nghĩa là có đức tin trong Đức Chúa Jêsus. Nói cách khác, Cơ Đốc nhân chân thật phải giữ điều răn của Đức Chúa Trời và giữ lòng tin chắc chắn vào Đấng Christ.

“Tôi nhìn xem, thấy Chiên Con đứng trên núi Siôn, và với Ngài có mười bốn vạn bốn ngàn người… Nếu ai thờ phượng con thú cùng tượng nó, và chịu dấu nó ghi trên trán hay trên tay… Những kẻ thờ lạy con thú cùng tượng nó, cùng những kẻ chịu dấu của tên nó ghi, thì cả ngày lẫn đêm không lúc nào được yên nghỉ. Đây tỏ ra sự nhịn nhục của các thánh đồ: Chúng giữ điều răn của Đức Chúa Trời và giữ lòng tin Đức Chúa Jêsus.” Khải Huyền 14:1-12

Mười bốn vạn bốn ngàn người được cứu rỗi là những người giữ điều răn của Đức Chúa Trời và giữ lòng tin Đức Chúa Jêsus. Tuy nhiên, người thờ phượng con thú (thế lực của Satan) và tượng nó chỉ giữ một trong hai điều trên hoặc không giữ điều gì cả (Khải Huyền 13:4, 12:9). Họ làm những công việc không tinh sạch trước mắt Đức Chúa Trời. Nói cách khác, họ thờ phượng con thú và nhận dấu của nó bởi giữ điều răn làm ra bởi con thú, nên họ sẽ chịu hình phạt hư mất đời đời.

Những người cố chấp luật pháp Môise và coi thường luật pháp của Đấng Christ

Các sứ đồ, trong đó có Phierơ, đã tổ chức Tổng Hội tại Giêrusalem để bàn về vấn đề rao truyền Tin Lành không chỉ cho những người Giuđa mà còn cho những người ngoại bang, và tuyên bố mạng lịnh của Đấng Christ.

“Ấy là Đức Thánh Linh và chúng ta đã ưng rằng chẳng gán gánh nặng nào khác cho anh em ngoài những điều cần dùng, tức là anh em phải kiêng ăn của cúng thần tượng, huyết, thú vật chết ngột, và chớ tà dâm; ấy là mọi điều anh em khá kiêng giữ lấy vậy…” Công Vụ Các Sứ Đồ 15:28-29

Tại Tổng Hội ở Giêrusalem, Đức Thánh Linh đã bày tỏ và làm chứng rằng mạng lịnh này là điều răn của Đấng Christ. Vậy thì ai có thể không vâng phục đây? Tuy nhiên, vẫn có người vẫn khăng khăng chủ nghĩa ăn chay, làm theo luật pháp của vườn Êđen hay nhiều người vẫn chủ trương rằng chúng ta phải phân biệt loài vật sạch và loài vật không sạch theo như luật pháp của Môise. Tuy nhiên, trong bất kỳ thời đại nào, người dân sẽ không được cứu rỗi nếu không vâng phục theo luật pháp mà Đức Chúa Trời ban cho trong thời kỳ ấy.

Trong thời đại sứ đồ, cũng có nhiều người chống đối lại sự dạy dỗ của Thánh Linh, chủ trương rằng chỉ được ăn các loại thức ăn nhất định theo như luật pháp của Môise. Khi họ giữ ngày Sabát, họ đề nghị giữ gìn theo như luật pháp Môise thay vì luật pháp Đấng Christ, và họ cũng chủ trương rằng phải giữ Lễ Vượt Qua bằng cách giết con chiên.

Tuy nhiên, ngày Sabát mà Đức Chúa Jêsus giữ để làm gương cho chúng ta là thờ phượng bằng tâm thần và lẽ thật; và Lễ Vượt Qua mà Ngài giữ để làm gương là thờ phượng bởi bánh và rượu nho tượng trưng cho thịt và huyết của Ngài thay vì giết con chiên. Cũng vậy, Đức Chúa Jêsus đã dạy dỗ chúng ta về luật lệ phép Báptêm là phép cắt bì của Đấng Christ, thay vì phép cắt bì phần xác thịt. Ngài đã ban cho chúng ta luật pháp mới về thức ăn, để chúng ta có thể ăn tất thảy ngoại trừ của cúng thần tượng, huyết và thịt của thú vật chết ngột, thay cho luật lệ phân biệt loài vật sạch và loài vật không sạch.

Giống như trên, luật pháp phải được vâng theo trong thời đại Hội Thánh Sơ Khai theo như lời dạy dỗ của Đức Chúa Jêsus được gọi là luật pháp của Đấng Christ. Sứ đồ Phaolô đã nói rằng ông không ở dưới luật pháp (của Môise), nhưng ông lại nói rằng ông ở dưới luật pháp của Đấng Christ.

“… với những người dưới quyền luật pháp, (dầu chính tôi chẳng ở dưới quyền luật pháp)… với những người không luật pháp, (dầu đối với Đức Chúa Trời tôi không phải là không luật pháp, vì tôi ở dưới luật pháp của Đấng Christ), song tôi cũng ở như người không luật pháp, hầu được những người không luật pháp.” I Côrinhtô 9:20-21

Xét về hoàn cảnh xã hội đương thời Hội Thánh Sơ Khai, luật pháp của Đấng Christ đã thật là mới mẻ. Vẫn có nhiều người giữ ý tưởng và phong tục của giáo Giuđa trong số những người đã cải đạo từ giáo Giuđa sang Cơ Đốc giáo. Nhiều lúc họ vẫn chủ trương rằng nên giữ Lễ Vượt Qua bằng cách giết con chiên theo như luật pháp Môise, hay nên tránh khỏi những loài vật không sạch theo như luật pháp Môise. Vì vậy, các sứ đồ phải bảo vệ bầy chiên khỏi những loại người này. Đó là lý do vì sao sứ đồ Phaolô viết thư cho Hội Thánh tại Côlôse như sau.

“Ngài đã xóa tờ khế lập nghịch cùng chúng ta, các điều khoản trái với chúng ta nữa… Vì vậy, chớ có ai đoán xét anh em về của ăn uống, hoặc ngày lễ, hoặc ngày mặt trăng mới, hoặc ngày Sabát, ấy đều chỉ là bóng của các việc sẽ tới, còn hình thì ở trong Đấng Christ.” ​Côlôse 2:14-17​

Đức Chúa Jêsus đã phá hủy rào cản giữa người Giuđa và người ngoại bang cũng như vấn đề về thức ăn (Êphêsô 2:11-19). Dù vậy mà nếu ai đó dựng lại bức tường mà Đức Chúa Jêsus đã phá hủy, thì làm sao chúng ta có thể gọi người ấy là Cơ Đốc nhân được đây? “Cơ Đốc nhân” có nghĩa là người vâng phục tuyệt đối theo sự dạy dỗ của Đấng Christ. Dựng lại bức tường mà Đức Chúa Jêsus đã phá hủy ấy chính là hành động làm cho sự hy sinh của Đức Chúa Jêsus thành ra hư không và chống lại Đấng Christ. Đó là lý do vì sao Kinh Thánh đã cho lời tiên tri rằng những người ra lệnh những người khác kiêng những thức ăn đã được ban cho là chống đối lại sự dạy dỗ của Đấng Christ và theo sự dạy dỗ của quỷ dữ (I Timôthê 4:1-3). Như vậy, chúng ta phải làm theo sự dạy dỗ của Hội Thánh Sơ Khai (Công Vụ Các Sứ Đồ 15:28-29) mà đã được làm chứng bởi Đức Thánh Linh và các sứ đồ.