Đại nhóm hiệp thánh Lễ Vượt Qua, Lễ Bánh Không Men, Lễ Phục Sinh 2022
Lễ trọng thể trao tặng tình yêu thương và sự trông mong cho nhân loại, được tổ chức tại 175 quốc gia
Hội Thánh của Đức Chúa Trời thực tiễn tình yêu thương trong khi tiến hành phụng sự đa dạng vì người lân cận trên ngôi làng toàn cầu. Tình yêu thương của Đấng Christ là nền tảng của mọi hoạt động thể này, cũng như phước lành của sự cứu rỗi và tình yêu thương mà Đức Chúa Jêsus đã ban cho nhân loại được chứa đựng nguyên vẹn trong 3 kỳ 7 lễ trọng thể hàng năm bắt đầu từ Lễ Vượt Qua.
Đại nhóm hiệp thánh Lễ Vượt Qua năm 2022 được cử hành tại Hội Thánh của Đức Chúa Trời trên toàn thế giới vào buổi chiều tối ngày 15 tháng 4 (nhằm ngày 14 tháng 1 thánh lịch). Các thánh đồ tham dự lễ trọng thể vào thời điểm mà các then cài đã bị đóng bởi Covid-19 đang dần được mở ra với tấm lòng gia tăng kỳ vọng về sự khôi phục cuộc sống thường nhật, họ đều mong nguyện rằng nhân loại đã từng trải qua khoảng thời gian giống như đường hầm dài, sẽ được nhận lấy phước lành và ân huệ của Đức Chúa Trời bởi việc giữ gìn lễ trọng thể. Đại nhóm hiệp thánh Lễ Bánh Không Men ngày 16 tháng 4 (nhằm ngày 15 tháng 1 thánh lịch), và Lễ Phục Sinh ngày 17 tháng 4 (một hôm sau ngày Sabát đầu tiên kể từ Lễ Bánh Không Men) cũng được cử hành bằng hình thức ngoại tuyến và trực tuyến theo hướng dẫn phòng dịch của mỗi quốc gia.

Lời hứa của sự sống và sự cứu rỗi_Đại nhóm hiệp thánh Lễ Vượt Qua
Lễ Vượt Qua là lễ trọng thể mà Đức Chúa Jêsus đã giữ lần cuối cùng với các môn đồ trước khi Ngài hy sinh trên thập tự giá vào 2000 năm trước. Khởi nguyên của Lễ Vượt Qua bắt nguồn từ sự người dân Ysơraên ra khỏi Êdíptô cách đây 3500 năm trước. Người dân Ysơraên từng làm nô lệ tại xứ Êdíptô suốt mấy trăm năm, đã vượt qua tai vạ và đón nhận niềm vui giải phóng bởi việc giữ gìn Lễ Vượt Qua bằng huyết chiên con theo lời phán của Đức Chúa Trời. Huyết của chiên con Lễ Vượt Qua là dấu hiệu để phân biệt người dân của Đức Chúa Trời sẽ được cứu rỗi trong cơn tai vạ đang giáng xuống xứ Êdíptô (Xuất Êdíptô Ký 12:1-14).
Đức Chúa Jêsus đã trở nên thực thể của chiên con Lễ Vượt Qua. Bánh và rượu nho dùng trong Lễ Vượt Qua biểu tượng cho thịt và huyết của Đấng Christ, là Đấng đã hy sinh trên thập tự giá. Lễ Vượt Qua giao ước mới là lẽ thật chứa đựng lời hứa phước lành hầu cho loài người được giải phóng khỏi tội lỗi và có thể đi vào Nước Thiên Đàng (I Côrinhtô 5:7, Luca 22:7-20, I Giăng 5:9-12, Giêrêmi 31:31-34).
Trong Đại nhóm hiệp thánh Lễ Vượt Qua được cử hành vào buổi chiều tối ngày 15 tháng 4 tại Đền thánh Giêrusalem Mới Pangyo, Mẹ đã dâng cảm tạ lên Cha – là Đấng đã ban cho lẽ thật của sự sống bởi tình yêu thương vô hạn đối với các con cái đang sống mà không có niềm trông mong sự cứu rỗi, Mẹ cầu nguyện khẩn thiết cho hết thảy các con cái biết sống cuộc đời đẹp lòng Đức Chúa Trời bằng đức tin thực tiễn và noi theo tấm gương tình yêu thương được chứa đựng trong Lễ Vượt Qua.
Tổng hội trưởng mục sư Kim Joo Cheol nói rằng “Lễ Vượt Qua là lẽ thật mà Đức Chúa Trời hằng sống đang sáng tạo loài người thành cái trọn vẹn có sự sống đời đời thông qua thịt và huyết của Ngài. Sở dĩ Đức Chúa Jêsus đã thật khẩn thiết mong muốn giữ Lễ Vượt Qua cùng với các môn đồ là vì Lễ Vượt Qua là mối dây liên kết giữa Đức Chúa Trời và loài người, đó cũng là giao ước hầu cho loài người được đi vào Nước Thiên Đàng.” Tiếp đó, mục sư nhắc lại lịch sử của thời đại các sứ đồ đã giữ Lễ Vượt Qua giao ước mới một cách quý trọng theo sự dạy dỗ của Đức Chúa Jêsus, và khẳng định một lần nữa về giá trị cũng như tầm quan trọng của Lễ Vượt Qua mà Kinh Thánh và các đấng tiên tri đã làm chứng (Giăng 5:17, 6:52-56, Mathiơ 26:17-28, 7:21-23).
Trong khi gìn giữ Lễ Vượt Qua theo sự làm gương của Đức Chúa Jêsus Christ (Giăng 13:4-15), các thánh đồ ghi khắc lại ân huệ và tình yêu thương của Đức Chúa Trời, Đấng ban cho phước lành sự sống đời đời.
Đấng Christ chịu hy sinh để chuộc tội cho nhân loại_Đại nhóm hiệp thánh Lễ Bánh Không Men
Đại nhóm hiệp thánh Lễ Bánh Không Men được cử hành vào ngày 16 tháng 4, ngày hôm sau của Lễ Vượt Qua. Lễ Bánh Không Men là lễ trọng thể nhằm ghi nhớ sự khổ nạn của người dân Ysơraên kể từ sau khi giữ Lễ Vượt Qua và ra khỏi Êdíptô cho đến tận khi vượt qua Biển Đỏ. Sự việc này là lời tiên tri về khổ nạn của Đức Chúa Jêsus – Đấng đã hy sinh trên thập tự giá vào Lễ Bánh Không Men để chuộc tội cho nhân loại. Vào thời đại Cựu Ước, người dân giữ Lễ Bánh Không Men bằng cách ăn bánh không bỏ men (bánh không men) với rau đắng để ghi nhớ sự khổ nhọc vào thời kỳ xuất Êdíptô. Còn vào thời đại Tân Ước thì chúng ta đồng tham vào sự khổ nạn của Đấng Christ bằng cách kiêng ăn trong Lễ Bánh Không Men (Xuất Êdíptô Ký 12:15-20, Mathiơ 9:14-15) theo như lời phán của Đức Chúa Jêsus rằng “Song, tới kỳ chàng rể phải đem đi khỏi họ, trong ngày đó họ sẽ kiêng ăn” (Mác 2:20).
Mẹ dâng cầu nguyện cảm tạ lên Cha, là Đấng đã hy sinh trên thập tự giá trong sự đau đớn tột cùng vì tội lỗi nặng nề của nhân loại. Ngài cũng cầu nguyện hầu cho các con cái trên khắp thế giới làm cho nhiều linh hồn được hối cải bằng tấm lòng cảm tạ lên Đức Chúa Trời, Đấng đã yêu thương các con cái cho đến chết.
Tổng hội trưởng mục sư Kim Joo Cheol nói rằng “Chúng ta không được quên sự thật rằng nguyên nhân của mọi sự đớn đau mà Đấng Christ phải chịu như sự phủ nhận và phản bội của các môn đồ yêu dấu, sự nhạo báng và coi thường của những kẻ không tin, hay đòn roi và khổ nạn trên thập tự giá v.v…, đều là vì tội lỗi của chúng ta. Mỗi khi gặp khó khăn, nếu chúng ta nghĩ đến tình yêu thương của Đức Chúa Trời, là Đấng đã chịu khổ nạn nhiều hơn chúng ta, thì chúng ta mới có thể nhịn nhục và sống một cách tin kính hơn.” (Mathiơ 26:14-15, 27:1-50, Êsai 50:1, 53:1-6). Mục sư còn nói rằng “Sự khổ nạn của Đấng Christ là tấm gương cho chúng noi theo bước chân Ngài.”, và cổ vũ đức tin rằng “Tuy mỗi cá nhân đều có hình thức và mức độ khổ nạn khác nhau, nhưng thông qua sự rèn luyện ấy, đức tin được trở nên vững vàng và chúng ta có thể sanh lại mới thành cái được trọn vẹn. Dù cho khổ nạn có xảy đến đi chăng nữa, thì chúng ta cũng hãy nhịn nhục và đồng hành cùng Đấng Christ một cách vui mừng giống như các thánh đồ Hội Thánh sơ khai!” (I Phierơ 2:21-24, 4:13-16, 5:10-11, Rôma 8:16-18, Philíp 1:29, Côlôse 1:23-24).

Tin tức vui mừng của phục sinh và biến hoá_Đại nhóm hiệp thánh Lễ Phục Sinh
Vào ngày 17 tháng 4, các thánh đồ Hội Thánh của Đức Chúa Trời trên toàn thế giới đã tham dự Đại nhóm hiệp Thánh Lễ Phục Sinh. Lễ Phục Sinh là ngày mà Đức Chúa Jêsus chứng thực lời phán của Ngài rằng “Ta là sự sống lại và là sự sống; kẻ nào tin ta thì sẽ sống, mặc dầu đã chết rồi. Còn ai đang sống mà tin ta thì không hề chết.” (Giăng 11:25-26). Ghi chép của sứ đồ Phaolô nhấn mạnh rằng “Nếu Đấng Christ chẳng sống lại… thì đức tin chúng ta cũng vô ích.” (I Côrinhtô 15:14) cho biết rõ về tầm quan trọng của sự phục sinh.
Lễ Phục Sinh bắt nguồn từ sự kiện người dân Ysơraên trong thời đại Cựu Ước đã vượt qua Biển Đỏ như đi trên đất cạn một cách bình an. Sự kiện dân Ysơraên đi xuống và lên khỏi Biển Đỏ là lịch sử mang tính tiên tri được ứng nghiệm bởi sự Đức Chúa Jêsus đi xuống mồ và phục sinh sau ba ngày. Loài người vốn không thể tránh khỏi sự chết và sự đoán phạt vì tội lỗi ở trên trời, nay lại có được sự trông cậy sống, được phục sinh và biến hóa thành thể thiêng liêng, và có thể dự phần vào cơ nghiệp đời đời của Nước Thiên Đàng nhờ sự phục sinh của Đấng Christ (I Phierơ 1:3-4, I Côrinhtô 15:40-58).
Mẹ đã dâng cảm tạ lên Cha, là Đấng ban niềm trông mong về sự phục sinh và biến hóa cho những người tin cậy, cũng như khiến cho họ được sống cuộc đời đầy niềm vui. Thêm nữa, Mẹ cũng cầu khẩn phước lành hầu cho các con cái trao tặng niềm trông mong về sự phục sinh cho mọi người lân cận trên khắp ngôi làng toàn cầu để tất thảy đều cùng nhau dự phần vào vinh hiển của Nước Thiên Đàng.
Tổng hội trưởng mục sư Kim Joo Cheol giải thích về lịch sử các môn đồ đã có được đức tin vững chắc và dạn dĩ sau khi chứng kiến sự phục sinh của Đức Chúa Jêsus, và nhấn mạnh rằng “Sự phục sinh của Đức Chúa Jêsus chính là ‘Tin Lành’, tức là tin tức vui mừng và đáng ngạc nhiên vượt qua cả sự chết. Các môn đồ đã xác tín lời hứa về sự phục sinh nên không hề sợ hãi kể cả hoạn nạn và bắt bớ, họ đã mạnh mẽ rao truyền Tin Lành cho đến tận châu Âu. Chúng ta cũng hãy rao truyền Tin Lành cho khắp thế giới bởi niềm trông mong và đức tin mạnh mẽ hơn cả Hội Thánh sơ khai!” (Luca 24:1-48, Giăng 20:19-29).
Vào ngày này, các thánh đồ đã cùng nhau bẻ bánh Lễ Phục Sinh theo công việc của Đức Chúa Jêsus vào ngày Lễ Phục Sinh, Ngài đã bẻ bánh chúc tạ cho hai môn đồ đang trên đường đi Emmaút và mở mắt linh hồn cho họ (Luca 24:13-35).
Sau khi thờ phượng, Mẹ đã thức tỉnh cho các thánh đồ về sự phước lành và niềm vui được chứa đựng trong lễ trọng thể, và khích lệ rằng “Thông qua lễ trọng thể, chúng ta đã được ban cho lời hứa được biến hoá thành thể thiêng liêng và bay lượn thỏa thích trên Nước Thiên Đàng, nên chúng ta hãy sống một cách vui mừng và dạn dĩ trong khi ôm ấp niềm trông mong về sự phục sinh và biến hoá.”
Trong bầu không khí tự do hơn vì lệnh giãn cách xã hội được nới lỏng, trên khuôn mặt của các thánh đồ tràn ngập sự cảm tạ về phước lành của lễ trọng thể, và sự vui mừng vì tìm lại được cuộc sống thường nhật quý giá. Các thánh đồ quyết tâm sẽ siêng năng gieo trồng niềm trông mong Nước Thiên Đàng và ân huệ mà Đức Chúa Trời đã ban cho cách nhưng không trong tấm lòng của người thế gian, những người đang kiệt sức bởi sự bất an về tương lai và bị cô lập về tâm lý trong thời gian dài.