Dùng tiếng thiêng liêng để giãi bày sự thiêng liêng

12,883 lượt xem

Đức Chúa Trời là Đấng chí thánh và thiêng liêng. Dù Ngài ở trong thần tánh hay mặc xác thịt mà ngự đến thì sự thật này cũng không hề thay đổi. Vì vậy, từ “Thánh (聖)” với ý nghĩa là “Chí Thánh” được gắn liền với lời biểu hiện về Đức Chúa Trời. Vì lý do đó mà Thần của Đức Chúa Trời cũng được biểu hiện là “Thánh Linh (聖靈)”.

Tất thảy mọi sự liên quan đến Đức Chúa Trời đều là những sự thiêng thiêng. Song, loài người không thể giãi bày sự thiêng liêng bằng cách thiêng liêng, và lại phạm tội lỗi ngốc nghếch khi dựa trên suy nghĩ và kinh nghiệm của mình trên đất này để phán đoán các công việc mà Đức Chúa Trời tiến hành. Thông qua sự dạy dỗ của Kinh Thánh, chúng ta phải phân biệt những sự thuộc về thế giới thiêng liêng bằng con mắt thiêng liêng.

Kẻ phán đoán sự thiêng liêng bằng con mắt xác thịt

Việc chúng ta học lời của Đức Chúa Trời không phải là để có được sự khôn ngoan nhằm sống thoải mái và bình an ở trên đất này, mà là để hiểu biết về thế giới thiêng liêng và tiến bước đến thế giới ấy theo sự dẫn dắt của Thánh Linh. Cũng vì lý do này mà chúng ta luôn giữ gìn các điều răn của Đức Chúa Trời, như luật lệ về ngày Sabát và lễ trọng thể, một cách quý trọng. Tuy nhiên, vì không thể nhìn thấy thế giới thiêng liêng bằng chính mắt mình, nên người đời không thể hiểu được các thánh đồ đang nỗ lực trong cuộc sống đức tin.

“Chúng ta nói về ơn đó, không cậy lời nói mà sự khôn ngoan của loài người dạy đâu, song cậy sự khôn ngoan mà Đức Thánh Linh đã dạy, dùng tiếng thiêng liêng để giãi bày sự thiêng liêng. Vả, người có tánh xác thịt không nhận được những sự thuộc về Thánh Linh của Đức Chúa Trời; bởi chưng người đó coi sự ấy như là sự rồ dại, và không có thể hiểu được, vì phải xem xét cách thiêng liêng.” I Côrinhtô 2:13-14

Sự thiêng liêng phải được nhìn bằng con mắt thiêng liêng. Nếu không làm như vậy mà lại phán đoán theo quan điểm phần xác thịt, thì sẽ coi công việc của Thánh Linh Đức Chúa Trời như là sự rồ dại vậy.

Đó là trường hợp của Giuđa Íchcariốt, một trong mười hai môn đồ của Đức Chúa Jêsus. Ban đầu, Giuđa cũng tin Đức Chúa Jêsus là Đấng Mêsi và đi theo Ngài, hắn cũng từng là người nhận được sự tín nhiệm giữa các môn đồ đến mức được đảm nhiệm công việc kế toán. Lý do hắn bán Đức Chúa Jêsus cho những kẻ đối nghịch với giá ba mươi đồng bạc là vì hắn đã không thể nhìn thấy thần tánh chí thánh của Đức Chúa Jêsus bằng đôi mắt thiêng liêng.

Trong suy nghĩ của Giuđa Íchcariốt, Đấng Mêsi là tồn tại có quyền năng mạnh mẽ có thể đánh bại cả một đạo quân trong thoáng chốc. Hắn đã kỳ vọng Đức Chúa Jêsus sẽ phát huy năng lực siêu nhiên để giải cứu người dân Ysơraên khỏi sự áp bức của La Mã. Thế nhưng, Đức Chúa Jêsus đã im lặng trước sự phỉ báng của dân chúng, nếu có sự bắt bớ ở làng này thì Ngài lại đi đến làng khác để rao truyền thông điệp của Tin Lành. Trông Ngài giống như một con người quá đỗi yếu đuối thay vì là Đức Chúa Trời toàn tri toàn năng. Song, hết thảy mọi điều này đều là sự bước đi theo lời tiên tri của Kinh Thánh.

“… Người đã lớn lên trước mặt Ngài như một cái chồi, như cái rễ ra từ đất khô. Người chẳng có hình dung, chẳng có sự đẹp đẽ; khi chúng ta thấy người, không có sự tốt đẹp cho chúng ta ưa thích được. Người đã bị người ta khinh dễ và chán bỏ… Nhưng người đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết, vì sự gian ác chúng ta mà bị thương, bởi sự sửa phạt người chịu chúng ta được bình an, bởi lằn roi người chúng ta được lành bịnh.” Êsai 53:1-5

Dù Đức Chúa Jêsus đang trải qua quá trình của lời tiên tri về sự Đấng Christ phải chịu khổ nạn vì cớ tội lỗi thay thế cho nhân loại theo lời tiên tri của các đấng tiên tri, nhưng Giuđa Íchcariốt đã không hề suy nghĩ đến sự thật này. “Đức Chúa Trời mà sao lại phải chịu sự chế giễu từ loài người chứ?”, “Đức Chúa Trời lại không có sức mạnh như thế kia ư?”. Vì hắn đã phán đoán công việc cứu rỗi mà Đức Chúa Jêsus tiến hành bằng suy nghĩ xác thịt hơn là nhìn xem trong khi soi chiếu theo lời tiên tri, nên hắn luôn cảm thấy bất mãn về mọi việc.

Khi mất đi năng lực giãi bày sự thiêng liêng bằng cách thiêng liêng thì ác linh của Satan đã bắt đầu tác động bên trong hắn chứ không phải Thánh Linh. Giuđa Íchcariốt vốn hay nghi ngờ, cuối cùng đã phản bội Đức Chúa Jêsus và bán Ngài cho kẻ đối nghịch, dẫn đến một kết cục thê thảm.

Những người tiếp nhận Đấng Christ bằng đôi mắt thiêng liêng

Ngay cả khi Đức Chúa Trời mặc áo xác thịt mà đến thế gian này, cùng dùng bữa với chúng ta và sinh hoạt với hình ảnh giống như chúng ta trong cùng một không gian sinh hoạt, dù có người chỉ phán đoán về Ngài thông qua phần xác thịt, nhưng cũng có người nhìn trông vào quang cảnh của lời tiên tri thiêng liêng bằng đôi mắt phần linh hồn. Khác với Giuđa Íchcariốt đã chỉ nhìn vẻ bề ngoài của Đức Chúa Jêsus, mười một môn đồ, trong đó có Phierơ đã nhìn vào thần tánh của Đức Chúa Jêsus bằng đôi mắt thiêng liêng.

“Khi Đức Chúa Jêsus đã vào địa phận thành Sêsarê Philíp, bèn hỏi môn đồ, mà rằng: Theo lời người ta nói thì Con người là ai? Môn đồ thưa rằng: Người nói là Giăng Báptít; kẻ nói là Êli; kẻ khác lại nói là Giêrêmi, hay là một đấng tiên tri nào đó. Ngài phán rằng: Còn các ngươi thì xưng ta là ai? Simôn Phierơ thưa rằng: Chúa là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời hằng sống.” Mathiơ 16:13-16

Một số người nghĩ rằng Đức Chúa Jêsus là một thầy dạy luật pháp và Kinh Thánh, một số khác thì hơn một chút, cho rằng Ngài có địa vị như một đấng tiên tri, nhưng Phierơ thì khác. Khi Đức Chúa Jêsus hỏi “Còn các ngươi xưng ta là ai?” thì Phierơ đã trả lời rằng “Chúa là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời hằng sống”. Phierơ đã xác tín rằng Đức Chúa Jêsus là Đức Chúa Trời đã đến thế gian này với lập trường là “con trai” theo lời tiên tri của đấng tiên tri Êsai (Êsai 9:5). Có sự khác biệt rất rõ ràng giữa Đức Chúa Jêsus mà Giuđa Íchcariốt đã thấy và Đức Chúa Jêsus mà Phierơ đã thấy.

“Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời… Ngôi Lời ở thế gian, và thế gian đã làm nên bởi Ngài; nhưng thế gian chẳng từng nhìn biết Ngài. Ngài đã đến trong xứ mình, song dân mình chẳng hề nhận lấy. Nhưng hễ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin danh Ngài, là kẻ chẳng phải sanh bởi khí huyết, hoặc bởi tình dục, hoặc bởi ý người, nhưng sanh bởi Đức Chúa Trời vậy. Ngôi Lời (Đức Chúa Trời) đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta, đầy ơn và lẽ thật; chúng ta đã ngắm xem sự vinh hiển của Ngài, thật như vinh hiển của Con một đến từ nơi Cha.” Giăng 1:1-14

Sứ đồ Giăng cũng đã tiếp nhận Đức Chúa Jêsus là Ngôi Lời, tức là Đức Chúa Trời đã sáng tạo nên trời đất và muôn vật từ buổi sáng thế. Mặc dù Đức Chúa Jêsus đã sinh hoạt không khác gì so với loài người, và giống như một cái rễ ra từ đất khô, lại chẳng có sự đẹp đẽ gì cho người ta ưa thích được, nhưng Giăng đã nhìn biết chính xác thần tánh của Ngài. Sứ đồ Phaolô cũng tin chắc rằng Đức Chúa Jêsus là Đấng Christ đến trong xác thịt, và Ngài vốn là Đức Chúa Trời. Các sứ đồ, những người có con mắt phân biệt những sự thiêng liêng bằng cách thiêng liêng, đã dạn dĩ rao truyền rằng chẳng có Đấng Cứu Chúa nào khác ngoài Đức Chúa Jêsus và phải tin vào Đức Chúa Jêsus thì mới được cứu rỗi (I Timôthê 2:4-5; Philíp 2:5-8; Công Vụ Các Sứ Đồ 4:11-12, 16:24-32). Những người tiếp nhận Đấng Christ bằng đôi mắt thiêng liêng là “những người sanh bởi Đức Chúa Trời”.

Những người Giuđa phán đoán về Đức Chúa Jêsus trên khía cạnh phần xác thịt

Nếu bị giam trong suy nghĩ xác thịt thì không thể nhìn biết Đức Chúa Trời một cách đúng đắn. Đức Chúa Trời đã đích thân đến trái đất này để rao giảng Tin Lành, nhưng thật đáng tiếc là chỉ một số ít người tiếp nhận Ngài. Ngay cả khi Đức Chúa Jêsus đã làm những phép lạ mà nếu bằng năng lực của loài người thì không thể thực hiện được, chẳng hạn như cho 5.000 người ăn với 5 cái bánh mạch nha và 2 con cá, nhưng họ vẫn chỉ phán đoán trên lập trường phần xác thịt mà thôi. Ngay cả những người đồng hương cũng không tin Ngài, thậm chí những bạn hữu thân thích cũng đến để ngăn cản Ngài vì cho rằng Ngài đã mất trí khôn.

“Đức Chúa Jêsus cùng môn đồ vào trong một cái nhà; đoàn dân lại nhóm họp tại đó, đến nỗi Ngài và môn đồ không ăn được. Những bạn hữu Ngài nghe vậy, bèn đến để cầm giữ Ngài; vì người ta nói Ngài đã mất trí khôn.” Mác 3:20-21

“Nhưng vì Ngài đã phán: Ta là bánh từ trên trời xuống, nên các người Giuđa lằm bằm về Ngài, mà rằng: Ấy chẳng phải là Jêsus, con của Giôsép, mà chúng ta đều biết cha mẹ người chăng? Vậy, thể nào người nói được rằng: Ta đã từ trên trời mà xuống?…” Giăng 6:41-44

“… Ngài về đến quê hương, rồi dạy dỗ trong nhà hội, đến nỗi ai nghe cũng lấy làm lạ, mà nói rằng: Bởi đâu mà người nầy được khôn ngoan và những phép lạ nầy? Có phải là con người thợ mộc chăng? Mẹ người có phải là Mari, và anh em người là Giacơ, Giôsép, Simôn, Giuđe chăng? Chị em người đều ở giữa chúng ta chăng? Bởi đâu mà người nầy được mọi điều ấy như vậy? Họ bèn vì cớ Ngài mà vấp phạm…” Mathiơ 13:53-57

Thành Naxarét thuộc xứ Galilê, nơi Đức Chúa Jêsus sinh trưởng, là một khu vực nghèo nàn, nơi mà chủ yếu là những người thuộc tầng lớp thấp kém sinh sống. Người ta cũng phỉ báng về vấn đề xuất thân và học vấn của Đức Chúa Jêsus.

“Giữa kỳ lễ, Đức Chúa Jêsus lên đền thờ dạy dỗ. Các người Giuđa sững sờ mà nói rằng: Người nầy chưa từng học, làm sao biết được Kinh thánh?” Giăng 7:14-15

Thay vì lắng nghe lời của Đức Chúa Jêsus và tiếp nhận Ngài là Đấng Christ, họ đang đánh giá và chế giễu Ngài dựa trên thước đo về học thức. Người Giuđa, người Pharisi và các thầy thông giáo đã luôn nhìn Đức Chúa Jêsus trên lập trường về phần xác thịt như thế này. Kể cả khi Đức Chúa Jêsus ban cho sự dạy dỗ thiêng liêng, thì họ cũng từ chối mà nói rằng “Bởi đâu mà người nầy được sự khôn ngoan và năng lực nầy?” Họ còn thử Đức Chúa Jêsus bằng những câu hỏi gian xảo nhằm kiếm cớ bắt lỗi Ngài.

Dù Đức Chúa Trời nói rằng Ngài chính là Đức Chúa Trời, nhưng họ vẫn cho Ngài là đạo dối

Vì không phân biệt được Đức Chúa Trời thiêng liêng bằng cách thiêng liêng mà nhìn Ngài bằng con mắt xác thịt, nên nhiều người đã không chấp nhận được sự thật rằng Đức Chúa Jêsus chính là Đức Chúa Trời, Đấng Sáng Tạo đã dựng nên muôn vật trong vũ trụ. Ngay cả khi đã nghe lời của sự cứu rỗi đầy ân huệ ra từ miệng của Đức Chúa Jêsus mà vẫn từ chối và ngoảnh mặt đi, thì những người ấy tuyệt đối không thể đi vào Nước Thiên Đàng. Đức Chúa Trời đã ẩn giấu thân phận của Ngài và đến trong hình ảnh xác thịt để tìm kiếm những người có đức tin chân thật, nhưng những người ấy đã không nắm bắt được cơ hội đạt đến sự cứu rỗi đang được đặt ngay trước mắt họ.

“Ta với Cha là một. Người Giuđa lại lượm đá đặng ném Ngài. Đức Chúa Jêsus phán rằng: Ta đã làm trước mắt các ngươi lắm việc lành bởi Cha đến; vì việc chi mà các ngươi ném đá ta? Người Giuđa trả lời rằng: Ấy chẳng phải vì một việc lành mà chúng ta ném đá ngươi, nhưng vì lỗi lộng ngôn: Ngươi là người, mà tự xưng là Đức Chúa Trời.” Giăng 10:30-33

Hãy thử tưởng tượng tôi đi ra ngoài trong một bộ đồ thể thao và va phải một người quen. Dù tôi đã nói với họ rằng tôi là ai, nhưng vì trang phục khác với ngày thường nên đối phương nói rằng “Sao anh dám?” và định ném đá tôi. Quả thật là một việc hết sức hoang đường và vô lý. Những người Giuđa đang làm một hành động giống hệt như vậy. Đức Chúa Trời đã che giấu đi hình ảnh thiêng liêng của Ngài mà đến thế gian này bởi lớp áo xác thịt, và phán rằng “Ta là Đức Chúa Trời”, nhưng họ lại muốn ném đá Ngài. Vì phán đoán Đức Chúa Trời thiêng liêng theo như mắt xác thịt trông thấy nên họ đã không thể nhận ra Ngài.

Bởi vậy, Đức Chúa Jêsus đã gọi họ là những kẻ mù mà phán rằng “Kẻ mù dẫn đưa kẻ mù, thì rốt cuộc cả hai đều sẽ bị diệt mất”. Những kẻ tự xưng mình tin vào Đức Chúa Trời mà lại không nhận ra Đức Chúa Trời dù Ngài đang ở ngay trước mắt mình, chính là những kẻ mù về phần linh hồn, chẳng phải vậy sao?

“Sau đó năm ngày, có thầy cả thượng phẩm là Anania đến, với vài người trưởng lão cùng một nhà diễn thuyết tên là Tẹttulu, trình đơn kiện Phaolô trước mặt quan tổng đốc… chúng tôi đã gặp người nầy, như là đồ ôn dịch, đã gây loạn trong hết thảy người Giuđa trên cả thế giới: Nó làm đầu của phe người Naxarét.” Công Vụ Các Sứ Đồ 24:1-5

Tẹttulu đã tố cáo Phaolô trước mặt quan tổng đốc mà gọi Phaolô là “đầu của phe người Naxarét”. Ngay cả sau khi Đức Chúa Jêsus đã thăng thiên, xã hội Giuđa vẫn coi Đức Chúa Jêsus là “phe người Naxarét”. Những người đã từ chối sự cứu rỗi đến gần thì bây giờ đang ở đâu vậy?

Đôi mắt mà các thánh đồ thời đại Đức Thánh Linh phải có

Vào thời đại Đức Thánh Linh ngày nay, Đấng Christ An Xang Hồng và Mẹ trên trời Giêrusalem Mới, là Thánh Linh và Vợ Mới đã đến trái đất này với tư cách là Đấng Cứu Chúa. Satan, kẻ nắm quyền lực của thế gian, đã làm mờ đi năng lực phân biệt của loài người bằng những thủ đoạn giống hệt với 2.000 năm trước. Hắn chỉ nhấn mạnh những nội dung mang tính xác thịt hầu cho người ta không nhìn thấy được những khía cạnh thiêng liêng, và thực sự khiến người ta không nghĩ được rằng tại sao Đức Chúa Trời lại từ trên trời đến trái đất này.

“Vậy nên ta phán thí dụ cùng chúng; vì họ xem mà không thấy, lắng tai mà không nghe, và không hiểu chi hết. Vậy, về họ, đã được ứng nghiệm lời tiên tri của Êsai rằng: Các ngươi sẽ lóng tai nghe, mà chẳng hiểu chi; Lấy mắt xem mà chẳng thấy chi… Nhưng phước cho mắt các ngươi vì thấy được; phước cho tai các ngươi vì nghe được!” Mathiơ 13:13-16

Tuy nhiều người không có đức tin đúng đắn vào Đức Chúa Trời, nhưng chúng ta đã có được đôi mắt thiêng liêng và sự khôn ngoan để được nhận biết Đức Chúa Trời Cha Mẹ và bước đến Siôn. Đây là ân huệ và phước lành đặc biệt mà Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta (Tham khảo: Mathiơ 16:16-17).

Chúng ta thật sự là những người có phước thay. Chúng ta hãy có tấm lòng tự hào và kiêu hãnh với tư cách là những người được nhận ân huệ thiêng liêng từ trên trời. Nếu bị cuốn vào những lời hủy báng và gièm pha của những người thế gian và nhìn những điều thiêng liêng bằng con mắt xác thịt, thì chúng ta sẽ không thể tránh khỏi việc lặp lại sai lầm của những người Giuđa đã từ chối Đức Chúa Jêsus. Dù thế gian không hiểu chúng ta đi chăng nữa, nhưng chúng ta hãy giữ vững lẽ thật cho đến cuối cùng và tiến bước trong khi trông mong phước lành của Nước Thiên Đàng và sự nghỉ ngơi đời đời sắp đến trong tương lai.

2.000 năm trước, lý do Đức Chúa Jêsus chịu sự khổ nạn và bị đóng đinh trên thập tự giá không phải là vì Ngài không có sức mạnh đâu. Ấy là vì Ngài đã đến đất này như là của lễ hy sinh để chuộc tội lỗi của nhân loại, nên Ngài đã lặng lẽ bước đi trên con đường ấy. Ngày nay cũng vậy, Đức Chúa Trời Cha Mẹ đã đến đất này theo lời tiên tri Kinh Thánh là vì tội lỗi của chúng ta. Vì sự cứu rỗi của các con cái, Đức Chúa Trời đã đích thân đến trong xác thịt và sống cuộc đời nhịn nhục. Chúng ta phải có sự khôn ngoan biết giãi bày sự thiêng liêng bằng cách thiêng liêng thông qua những lời tiên tri của Kinh Thánh và các đấng tiên tri, thay vì nhìn trông những điều ấy bằng quan điểm xác thịt.

Các sứ đồ đã nhìn biết và tiếp nhận Đức Chúa Jêsus bằng đôi mắt phần linh hồn biết phân biệt những điều thiêng liêng theo cách thiêng liêng, nên họ đã không chịu khuất phục trước bất kỳ sự bắt bớ nào và đi theo con đường mà Đức Chúa Jêsus đã bước đi một cách ân huệ. Chúng ta cũng hãy mở rộng đôi mắt phần linh hồn của mình và bước đi theo con đường mà Cha Mẹ đã đi. Giống như Phierơ, chúng ta cũng hãy bày tỏ rằng “Đấng Christ An Xang Hồng và Đức Chúa Trời Mẹ Giêrusalem Mới là Đức Chúa Trời chân thật”. Tôi mong rằng chúng ta đều trở thành các con cái Siôn luôn đi theo bất cứ nơi nào Thánh Linh và Vợ Mới, là Đấng Cứu Chúa của thời đại này dẫn dắt bằng tấm lòng cảm tạ và vui mừng, nhờ đó nhận được sự cứu rỗi.