Đức Chúa Trời muốn chúng ta có đức tin, nhưng nếu không nhận biết Đức Chúa Trời cho đúng thì không thể có đức tin được. Ngay cả các tổ phụ đức tin cũng chỉ có được đức tin chân chính sau khi hiểu biết đúng đắn về Đức Chúa Trời.
Chúng ta nghĩ rằng mình tin tốt vào Đức Chúa Trời. Song nếu chúng ta không hiểu được sự toàn tri toàn năng của Đức Chúa Trời thì cuối cùng sẽ không thể tránh khỏi tình trạng chỉ tin Đức Chúa Trời trên môi miệng chứ không phải bằng tấm lòng chân thật. Thông qua Kinh Thánh, chúng ta hãy tìm hiểu xem đức tin như thế nào mới được Đức Chúa Trời ngự cùng và làm công việc bên trong chúng ta và hầu cho chúng ta giữ được đức tin chân thật.
Khi Đức Chúa Trời phán Ghêđêôn hãy đi giải cứu dân Ysơraên khỏi tay quân Mađian, Ghêđêôn đã từ chối và nói rằng “Tôi sẽ lấy chi giải cứu Ysơraên? Kìa, trong chi phái Manase, họ tôi vốn nghèo hơn hết; còn tôi là nhỏ hơn hết trong nhà cha tôi.” Ghêđêôn đã tin vào Đức Chúa Trời giống như các tổ phụ của mình, nhưng khi được Đức Chúa Trời chọn và giao phó sứ mệnh thì ban đầu Ghêđêôn đã sợ hãi và không có sự tự tin. Sau đó, Đức Chúa Trời đã cho Ghêđêôn xem thấy một vài quyền phép của Ngài để giúp Ghêđêôn nhận ra sự toàn tri toàn năng của Đức Chúa Trời. Vào khoảnh khắc được trải nghiệm năng lực của Đức Chúa Trời, suy nghĩ và cuộc đời của Ghêđêôn đã hoàn toàn thay đổi. Ghêđêôn tin rằng Đức Chúa Trời chắc chắn sẽ giúp đỡ nếu ông vâng phục mạng lệnh của Ngài, nên ông đã có thể giành thắng lợi vẻ vang trong trận chiến với quân Mađian (Các Quan Xét chương 6-8).
Môise cũng vậy. Khi Đức Chúa Trời giao cho ông sứ mệnh dẫn dắt người dân Ysơraên ra khỏi xứ Êdíptô, ban đầu Môise đã từ chối rằng “Lạy Chúa, tôi chẳng qua chỉ là một người chăn chiên. Làm sao tôi có thể chống lại Pharaôn? Và Chúa biết rằng tôi không có tài ăn nói và lưỡi tôi hay ngập ngừng.”
Đối với những người tuyên bố tin vào Đức Chúa Trời nhưng không biết Ngài là ai thì sẽ cảm thấy lo sợ và từ chối khi được Đức Chúa Trời gọi. Khi Đức Chúa Trời giao phó cho chúng ta công việc gì đó thì chẳng phải là chúng ta sẽ làm việc bằng năng lực của riêng mình đâu, mà có nghĩa rằng Đức Chúa Trời sẽ tiến hành thông qua chúng ta, chẳng phải vậy sao?
Các tổ phụ của chúng ta đã trông cậy vào Đức Chúa Trời và làm theo ý muốn của Ngài. Kết quả là 300 người đã đánh bại 135.000 quân địch, và Biển Đỏ cũng đã phân rẽ ra hầu cho người dân Ysơraên có thể đi qua biển như đi trên đất khô. Tuy nhiên, sự thật là họ đã không có đức tin ngay từ ban đầu. Họ đã không có đức tin khi nghĩ rằng “Tôi có thể làm điều này như thế nào?” Môise và Ghêđêôn đã bắt đầu có đức tin thật sự từ khoảnh khắc họ nhận thức đúng đắn về sự tồn tại của Đức Chúa Trời và nhận biết rằng Đức Chúa Trời toàn tri toàn năng đang giúp đỡ họ.
Gióp cũng vậy. Gióp đã là người có đức tin đáng để Đức Chúa Trời khoe khoang. Tuy nhiên, đức tin của Gióp đã bắt đầu suy yếu khi bỗng chốc bị mất đi tất cả tài sản và thậm chí cả sức khỏe chỉ sau một buổi sáng. Khi tranh luận với các bạn, Gióp đã thốt ra những lời không ân huệ. Đức Chúa Trời đã sửa nắn suy nghĩ của Gióp thông qua Êlihu và trực tiếp phán lời từ giữa cơn gió trốt, nhắc nhở Gióp một cách tỉ mỉ về việc Ngài đã dựng nên muôn vật và tất thảy mọi hoàn cảnh.
“Khi ta đặt nền trái đất, thì ngươi ở đâu? Hãy nhìn muôn vật trên trái đất. Ai đã ban cho con trâu nước sức mạnh thể ấy? Ngươi có biết tại sao chim lạc đà vô tâm đẻ trứng ở bất cứ đâu và tự do đi theo ý mình mà không có tình mẫu tử chăng? Ai đã thâu hấp các giọt nước rồi từ sa mù hóa ra mưa, đổ xuống trên đất? Ai đã làm tất thảy mọi điều này?”
Gióp đã than thở về sự bất hạnh của bản thân trong khi chỉ nghĩ đến nỗi đau của riêng mình. Tuy nhiên, vào chính khoảnh khắc Gióp cảm nhận được sức mạnh toàn năng của Đức Chúa Trời từ tận đáy tấm lòng, đức tin của Gióp đã được lập vững trở lại. Gióp cũng đã nhận ra rằng khi Đấng Sáng Tạo vĩ đại ban thử thách thì chắc chắn trong đó có chứa đựng sự quan phòng cứu rỗi của Ngài dành cho mình. Cuối cùng, Gióp đã tự khiển trách bản thân và ăn năn trước Đức Chúa Trời rằng “Kẻ nầy là ai, không hiểu biết gì, lại dám che ám ý chỉ của Chúa?” (Gióp 42:1-6).
“Đức Chúa Trời đang dẫn dắt tôi mà sao trở ngại lại đến với tôi như vậy?”. Những người không hiểu biết sự toàn tri toàn năng của Đức Chúa Trời sẽ nảy sinh lằm bằm và phàn nàn.
Người dân Ysơraên đã như vậy trên đường đến xứ Canaan. Trong tình huống Biển Đỏ chặn ngang trước mặt và quân đội Êdíptô đuổi theo phía sau, họ đã không nghĩ đến Đức Chúa Trời mà chỉ tập trung vào sự bất tiện và khó khăn của bản thân. Kết quả là họ đã thốt ra những lời lằm bằm và bất bình. Mặc dù họ liên tục nhìn thấy công việc của Đức Chúa Trời, Đấng đang dẫn dắt họ mỗi ngày, ban ngày bởi trụ mây, ban đêm bởi trụ lửa, nhưng họ đã không tin vào sự toàn tri toàn năng của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đã phán dạy chúng ta không được bước theo dấu chân của họ (I Côrinhtô 10:1-12). Trên thực tế, chẳng phải vì đã có con đường ở Biển Đỏ nên Đức Chúa Trời mới dẫn dắt họ đến đó hay sao? Trước mặt Đức Chúa Trời không có bất cứ chướng ngại vật nào, mà hết thảy chỉ là con đường thôi.
Chính Đức Chúa Trời là Đấng đã dựng nên chúng ta và cũng chính Đức Chúa Trời là Đấng mở ra con đường đến Nước Thiên Đàng vĩnh cửu cho chúng ta. Đức Chúa Trời là chủ thể đức tin của chúng ta; chúng ta không được phạm phải sai lầm bởi suy nghĩ rằng Đức Chúa Trời hoàn toàn không có ảnh hưởng gì trong thế giới thực tại. Những người có đức tin thì luôn nghĩ đến Đức Chúa Trời và tìm kiếm Ngài.
Vả, không có đức tin, thì chẳng hề có thế nào ở cho đẹp ý Ngài; vì kẻ đến gần Đức Chúa Trời phải tin rằng có Đức Chúa Trời, và Ngài là Đấng hay thưởng cho kẻ tìm kiếm Ngài. Bởi đức tin, Nôê được Chúa mách bảo cho về những việc chưa thấy, và người thành tâm kính sợ, đóng một chiếc tàu để cứu nhà mình; bởi đó người định tội thế gian, và trở nên kẻ kế tự của sự công bình đến từ đức tin vậy. Bởi đức tin, Ápraham vâng lời Chúa gọi, đi đến xứ mình sẽ nhận làm cơ nghiệp: người đi mà không biết mình đi đâu. Hêbơrơ 11:6-8
Người không có đức tin thì không thể ở cho đẹp ý Đức Chúa Trời. Làm sao chúng ta có thể nhìn biết Đức Chúa Trời một cách đúng đắn nếu chỉ nghĩ đến khó khăn của bản thân và xem việc giải quyết những khó khăn ngay trước mắt chúng ta là ưu tiên hàng đầu? Khi chúng ta quên đi sự tồn tại của Đức Chúa Trời thì đức tin của chúng ta không thể trưởng thành được, và chúng ta cũng không thể trải nghiệm thế giới của đức tin.
Chúng ta hãy nghĩ đến Nôê. Nếu Nôê chỉ suy nghĩ trên lập trường của bản thân thì sẽ không bao giờ có thể hiểu được thế giới của đức tin. Các học giả ước tính rằng với kỹ thuật đóng tàu đương thời đó thì sẽ phải mất từ 40 đến 120 năm mới có thể đóng được con tàu như vậy. Dù Kinh Thánh chỉ ghi chép một cách ngắn gọn rằng Nôê đã đóng tàu, nhưng quá trình này chắc hẳn đã rất khó khăn đối với Nôê. Tuy nhiên, bất chấp những ánh mắt cay nghiệt, những lời chế giễu và sự cản phá từ những người xung quanh, Nôê đã suy nghĩ đến Đức Chúa Trời hơn là lập trường của bản thân và tiến hành công việc trong khi nhìn trông duy chỉ Đức Chúa Trời. Người thể này là người có đức tin. Cuối cùng, con tàu của Nôê đã trở nên nơi trú ẩn của sự cứu rỗi; Nôê và cả gia đình đã được cứu rỗi khi hết thảy nhân loại bị phán xét và bị hủy diệt bởi nước lụt.
Ápraham cũng đã tin tuyệt đối vào sự toàn tri toàn năng của Đức Chúa Trời. “Trước khi tạo nên xác thịt tôi, Đức Chúa Trời đã biết tôi rồi. Ngài đã dẫn tôi đến thế giới đời đời thông qua sự quan phòng cứu rỗi của Ngài mà tôi không biết đến.” Vì tin chắc chắn vào điều này nên Ápraham đã vâng phục lời chỉ dẫn của Đức Chúa Trời, cứ đi khi được Đức Chúa Trời gọi dù không biết mình sẽ đi đâu. Dù không biết sẽ đi đâu và làm gì nhưng Ápraham đã phó thác mọi sự nơi Đức Chúa Trời.
Nếu quý vị đang băn khoăn liệu mình có đức tin giống như Nôê và Ápraham hay không thì hãy tự hỏi bản thân xem quý vị nghĩ Đức Chúa Trời là sự tồn tại như thế nào. Nếu chỉ hiểu về mặt chữ nghĩa rằng Đức Chúa Trời là Đấng Sáng Tạo của muôn vật dựa trên tri thức Kinh Thánh thì quý vị chỉ mới có được đức tin trên lý thuyết thôi. Khi tận sâu trong đáy tấm lòng quý vị nhận biết Đức Chúa Trời là Đấng toàn tri toàn năng thì mới có thể nói rằng quý vị có đức tin thực sự. Chúng ta phải thoát khỏi đức tin lý thuyết và có được đức tin thực tế.
Trong Kinh Thánh, chúng ta có thể thấy một số tiền lệ về những người làm đẹp lòng Đức Chúa Trời bằng đức tin.
Đức Chúa Jêsus ở đó ra đi, có hai người mù theo Ngài mà kêu rằng: Hỡi con cháu vua Đavít, xin thương chúng tôi cùng! Khi Ngài đã vào nhà rồi, hai người mù đến; Ngài bèn phán rằng: Hai ngươi tin ta làm được điều hai ngươi ao ước sao? Họ thưa rằng: Lạy Chúa, được. Ngài bèn rờ mắt hai người mà phán rằng: Theo như đức tin các ngươi, phải được thành vậy. Mắt hai người liền mở… Mathiơ 9:27-30
Đức Chúa Jêsus bèn đứng dậy, cùng môn đồ Ngài đều đi theo người. Nầy, có một người đàn bà mắc bịnh mất huyết đã mười hai năm, lại gần sau lưng mà rờ trôn áo Ngài. Vì người đàn bà ấy tự nghĩ rằng: Nếu ta chỉ rờ áo Ngài, thì cũng sẽ được lành. Đức Chúa Jêsus xây mặt lại, thấy người đàn bà, thì phán rằng: Hỡi con, hãy vững lòng, đức tin con đã làm cho con được lành. Liền trong giờ đó, người đàn bà lành bịnh. Mathiơ 9:19-22
Khi Đức Chúa Jêsus phán với hai người mù “Theo như đức tin các ngươi, phải được thành vậy” thì mắt hai người liền được sáng. Đó là vì họ đã có đức tin tin 100% vào Đức Chúa Jêsus. Điều tương tự cũng xảy ra với người đàn bà bị bệnh mất huyết. Đức Chúa Jêsus đã phán với người đàn bà ấy rằng “Đức tin con đã làm cho con được lành”. Nhìn vào đức tin thể này thì thấy rằng người đàn bà đã có thể nhận sự cứu rỗi trọn vẹn rồi.
Hết thảy mọi lời trong Kinh Thánh đều được ghi chép để dạy dỗ chúng ta (Rôma 15:4). Đức Chúa Trời đã cho ghi chép công việc của các tổ phụ đức tin trong Kinh Thánh vì Ngài muốn chúng ta có đức tin thể này, chẳng phải vậy sao?
Chỉ khi có đức tin thì chúng ta mới có thể nhận biết được công việc của Đức Chúa Trời và trải nghiệm được niềm vui của đức tin. Nếu không như vậy, càng bước đi trên con đường đồng vắng đức tin thì chúng ta sẽ chỉ càng tích lũy thêm nhiều đau đớn. Mặc dù con đường này nhìn về phần xác thịt là con đường của thập tự giá gian nan và khổ nhọc, nhưng vì là con đường dẫn đến Nước Thiên Đàng nên linh hồn chúng ta phải vui mừng mỗi ngày. Phải có đức tin thì mới có thể đi kèm với niềm vui thể này.
Dù đang sống trong thế giới của đức tin nhưng có nhiều lúc chúng ta quên mất sự vĩ đại và toàn tri toàn năng của Đức Chúa Trời mà cố gắng làm mọi việc bằng năng lực của bản thân. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta cũng phải nhớ đến sự toàn tri toàn năng của Đức Chúa Trời. Đích thân Đức Chúa Trời có thể làm hết thảy mọi sự, nhưng Ngài đã giao phó sứ mệnh truyền bá Tin Lành cho chúng ta. Chúng ta hãy hiểu biết trọn vẹn ý muốn của Đức Chúa Trời và tiếp tục tiến bước trong ân huệ của Ngài bằng đức tin.
Ấy vậy, ông hãy hòa thuận với Ngài. Hãy ở bình an: nhờ đó phước hạnh sẽ giáng cho ông. Hãy nhận lãnh luật pháp từ nơi miệng Ngài. Và để các lời Ngài vào lòng của mình. Nếu ông trở lại cùng Đấng Toàn năng, tất ông sẽ được lập lại. Nếu ông trừ bỏ sự gian ác khỏi trại mình, Ném bửu vật mình vào bụi đất, Và quăng vàng Ôphia giữa các hòn đá của khe, Thì Đấng Toàn năng sẽ là bửu vật của ông, Ngài sẽ là bạc quý cho ông. Vì bấy giờ, ông sẽ được vui sướng nơi Đấng Toàn năng, Và được ngước mắt lên cùng Đức Chúa Trời. Ông sẽ cầu khẩn cùng Ngài, Ngài sẽ nghe lời mình, Và ông sẽ trả xong lời khẩn nguyện mình. Nếu ông nhứt định việc gì, việc ấy chắc sẽ được thành; Ánh sáng sẽ chói trên đường lối mình… Gióp 22:21-29
Nếu như trong nhà có bửu vật thì tấm lòng của chúng ta luôn hướng về bửu vật đó. Kinh Thánh dạy rằng hãy lấy Đức Chúa Trời làm bửu vật của chúng ta, có nghĩa là chúng ta hãy luôn chú tâm vào Đức Chúa Trời. Những người không coi Đức Chúa Trời là bửu vật thì sẽ luôn quan tâm đến bản thân và bận tâm với những lo lắng, suy nghĩ về phần xác thịt. Đức tin không thể hình thành trong hoàn cảnh như vậy.
Chúng ta là các thiên sứ bị giáng xuống trái đất này do đã phạm tội trên trời và đang trải qua thời gian ăn năn tội lỗi. Dù bây giờ đang sống trong tấm màn xác thịt nhưng nếu cởi bỏ tấm áo này đi thì tương lai vinh hiển được hầu việc và trị vì đời đời cùng Đức Chúa Trời Cha và Đức Chúa Trời Mẹ đang chờ đợi chúng ta. Chúng ta không được để tuột mất vinh hiển trên trời chỉ vì tập trung vào việc sống sao cho thoải mái hơn và ít bất tiện hơn người khác một chút trên đất này.
Đức Chúa Trời có thể ban cho chúng ta con đường bằng phẳng, nhưng đôi khi Ngài đặt ra những chướng ngại vật trên con đường này. Hãy nghĩ xem người mẹ sẽ làm gì khi dạy con tập đi? Em bé nào cũng thích được mẹ bế trên tay, nhưng người mẹ sẽ đặt con xuống đất, để con cách xa mình một chút và không ngừng cổ vũ con hãy tự đứng trên đôi chân của mình và bước về phía mẹ, dù em bé sẽ gặp phải đôi chút khó khăn. Khi em bé tự đứng trên đôi chân của mình và chập chững tập đi thì xương sẽ trở nên chắc khỏe và các cơ bắp cũng bắt đầu hình thành. Nguyên tắc phần linh hồn cũng tương tự như vậy. Đức Chúa Trời đang dẫn dắt và giúp đỡ hầu cho chúng ta có thể đạt đến đức tin trưởng thành và quay trở về Nước Thiên Đàng.
Trong ví dụ của Đức Chúa Jêsus, người con trai hoang đàng đã dùng gia tài của cha mình để tận hưởng cuộc sống một cách phung phí ở nơi phương xa mà không hề nghĩ đến quê hương của mình. Thế nhưng chẳng bao lâu sau, anh ta đã tiêu sạch gia tài và rơi vào cảnh nghèo túng đến mức thậm chí không thể ăn thức ăn dành cho gia súc. Chỉ đến khi đó anh ta mới nghĩ đến quê hương. Ngay cả khi đối mặt với hoàn cảnh khó khăn, chúng ta phải tin rằng ý muốn của Đức Chúa Trời là đừng quên Đức Chúa Trời và quê hương phần linh hồn của chúng ta. Vì vậy, Kinh Thánh nói rằng nếu chúng ta lấy Đức Chúa Trời làm bửu vật thì dù làm bất cứ việc gì cũng đều sẽ được thành, và ánh sáng sẽ soi chiếu trên đường lối của chúng ta. Chúng ta hãy hiểu biết sự quan phòng của Đức Chúa Trời dù trong nghịch cảnh và gian khổ, nhờ đó có thể luôn vui mừng và dâng cảm tạ trong mọi hoàn cảnh. Bằng cách làm như vậy, chúng ta hãy đi theo con đường mà Đức Chúa Trời dẫn dắt với tư cách là các thánh đồ của Đức Chúa Trời.
Chúng ta hãy xem lời dạy dỗ của Đức Chúa Trời về đức tin mà chúng ta nên có.
Một đấng nói rằng: Trong độ một năm nữa, ta sẽ trở lại đây với ngươi không sai, và chừng đó, Sara, vợ ngươi, sẽ có một con trai. Sara ở nơi cửa trại sau lưng đấng đó, nghe các lời nầy. Vả, Ápraham cùng Sara đã già, tuổi tác đã cao; Sara không còn chi nữa như thế thường người đàn bà. Sara cười thầm mà rằng: Già như tôi thế nầy, dễ còn được điều vui đó sao? Còn chúa tôi cũng đã già rồi! Đức Giêhôva phán hỏi Ápraham rằng: Cớ sao Sara cười như vậy mà rằng: Có quả thật rằng tôi già đến thế nầy lại còn sanh sản chăng? Há có điều chi Đức Giêhôva làm không được chăng? Đến kỳ đã định, trong một năm nữa, ta sẽ trở lại cùng ngươi, và Sara sẽ có một con trai. Vì Sara sợ, nên chối mà thưa rằng: Tôi có cười đâu! Nhưng Ngài phán rằng: Thật ngươi có cười đó! Sáng Thế Ký 18:10-15
Chỉ dựa trên những kinh nghiệm của bản thân ở trên đất này, Sara đã nghĩ rằng người không thể sinh con được nữa. Nhưng Đức Chúa Trời nhắc nhở người rằng không có việc gì mà Đức Chúa Trời không thể làm được. Lời phán “Há có điều chi Đức Giêhôva làm không được chăng?” đã trở nên động lực quan trọng để cả Ápraham và Sara có đức tin lớn hơn.
Trong con mắt của Đức Chúa Trời, trái đất chẳng qua chỉ là giọt nước nhỏ trong thùng và mảy bụi rơi trên cân. Chúng ta không được quên rằng chính Đức Chúa Trời của chúng ta đã biến biển thành đất khô, đã giáng thức ăn từ trời xuống để nuôi sống 60 vạn nam đinh cùng gia quyến của họ trong đồng vắng suốt 40 năm.
Ngay cả khi rao giảng Tin Lành, chúng ta hãy rao truyền với đức tin và niềm tự hào thể này. Khi đi truyền đạo, chúng ta không rao truyền thông điệp của bản thân nhưng tuyên bố giao ước mới, là phương thuốc Đức Chúa Trời ban cho để chữa lành cho muôn dân và cứu sống nhân loại. Xin đừng thất vọng nếu quý vị không thấy kết quả ngay lập tức. Đó không phải thất bại mà chỉ là quá trình đang diễn ra thôi. Trong quá trình nước biến thành hơi nước, cho đến tận khi đạt đến 99°C, dù nỗ lực đến đâu thì vẫn không thể thấy có sự chuyển hóa nào. Tuy nhiên, chỉ cần làm nóng thêm 1°C nữa thì có thể thấy nước bắt đầu có sự thay đổi rõ rệt.
Chúng ta không nên dựa vào năng lực của bản thân nhưng bất cứ lúc nào cũng hãy lấy Đức Chúa Trời làm bửu vật, nhờ đó mọi công việc được hoàn thành một cách ân huệ trong thế giới đức tin mà Đức Chúa Trời mở ra. Chúng ta có Đức Chúa Trời Cha và Đức Chúa Trời Mẹ. Há có điều gì mà Đức Chúa Trời Cha Mẹ không làm được chăng? Đức Chúa Trời của chúng ta, Đấng dẫn dắt chúng ta đến xứ Canaan trên trời đời đời với trụ mây vào ban ngày, trụ lửa vào ban đêm, quả thật là vĩ đại và toàn tri toàn năng. Khi nhận thức đúng đắn sự thật này và có đức tin, chúng ta sẽ có thể can đảm như Ghêđêôn, dạn dĩ như Môise và vâng phục lời Đức Chúa Trời tuyệt đối giống như Nôê và Ápraham.
Chỉ khi chúng ta lấy Đức Chúa Trời làm bửu vật và chú tâm vào Đức Chúa Trời thì chúng ta mới có thể có đức tin chân thật. Khi đó, công việc chúng ta đảm đương nhất định sẽ được thành và sẽ có kết quả tốt khi rao truyền Tin Lành. Xin hãy xác tín rằng Đức Chúa Trời của chúng ta là Đức Chúa Trời toàn tri toàn năng, đồng thời hãy kính sợ Đức Chúa Trời bằng đức tin chân thật, hầu cho có thể nhanh chóng hoàn thành sứ mệnh truyền bá Tin Lành cho 7 tỷ người với tư cách là các thánh đồ của Siôn.