Lòng ta há chẳng ở cùng ngươi sao?

II Các Vua 5:14-27

9,753 lượt xem

Naaman, quan tổng binh Syri, vốn là người mắc bệnh phung, đã tìm đến Êlisê, là người của Đức Chúa Trời. Sau khi Naaman tắm mình bảy lần dưới sông Giôđanh theo như lời của Đức Chúa Trời thì người liền được sạch và thịt người trở nên như trước, giống như thịt của một đứa con nít nhỏ. Vậy nên người muốn dâng lễ vật cho Êlisê.

“Ta chỉ Đức Chúa Trời hằng sống mà thề rằng ta chẳng nhận gì hết.”

Vì Êlisê đã từ chối cho đến cùng nên Naaman đành phải từ bỏ ý định đó. Nhưng khi Naaman rời khỏi Êlisê chưa được bao lâu, thì Ghêhaxi, tôi tớ của Êlisê, chạy theo sau Naaman. Naaman nhảy xuống xe, đi đến đón Ghêhaxi đang chạy hướng về mình.

“Chủ tôi sai tôi nói với ông rằng: Hồi nãy, có hai người trai trẻ, là môn đồ của những tiên tri, ở núi Épraim đến; ta xin ông hãy cho hai người ấy một talâng bạc, và hai bộ áo.”

Bởi lời nói dối của Ghêhaxi, Naaman để hai talâng bạc và hai bộ áo trong bao, rồi trao cho hai tôi tớ mình đem đi trước mặt Ghêhaxi. Ghêhaxi để các vật ấy trong nhà mình và ra mắt Êlisê.

“Ớ Ghêhaxi, ngươi ở đâu đến?”

“Tôi tớ thầy không có đi đâu.”

“Khi Naaman xuống khỏi xe đặng đi đón ngươi, lòng ta há chẳng ở cùng ngươi sao? Rày há có phải lúc nên nhậm lấy bạc và quần áo sao? Bệnh phung của Naaman sẽ dính vào ngươi và dòng dõi ngươi đời đời.”

Rồi Ghêhaxi đi ra khỏi Êlisê và bị tật phung trắng như tuyết.

Ghêhaxi đã quá tham lam trước những lễ vật mà Naaman mang đến, đến nỗi hắn lấp đầy tham vọng của mình bằng những lời dối trá gian xảo. Dĩ nhiên đó là việc làm trong bí mật vì hắn đã làm một mình. Tuy nhiên, dù là tấm lòng bên trong mà không ai biết, hay là hành động làm cách bí mật chăng nữa thì cũng không thể giấu kín trước Đức Chúa Trời. Vào khoảnh khắc Ghêhaxi phạm tội, Đức Chúa Trời đã hầu cho lòng của Êlisê ở cùng Ghêhaxi để người biết hết mọi việc.

Kết cục của Ghêhaxi, kẻ có tư dục trong lòng đã thật thê thảm. Lòng tham nhất định sẽ sinh ra tội lỗi. Nếu tội lỗi lớn dần thì không thể tránh khỏi bị dứt khỏi phước lành của sự cứu rỗi. Cảnh giác để lòng tham không ngự trị trong lòng là bước đầu tiên để đến với phước lành.