Có một thứ luôn ở cùng với chúng ta khi chúng ta chạy nhảy nô đùa với bạn bè, khi nói dối khiến lương tâm cắn rứt, khi cắn phải một miếng ớt cay, hay thậm chí là khi bị cảm sốt nặng. Đó chính là mồ hôi. Như vậy, con người sống trong khi đổ mồ hôi theo nhiều cách. Đặc biệt là vào mùa hè nóng bức, cuộc đọ sức lớn nhỏ với mồ hôi diễn ra hàng ngày. Đối với nhiều người, mồ hôi bị coi là vị khách không mời vào mùa hè và là chất thải vừa hôi vừa bẩn.
Tuy nhiên, nếu con người không đổ mồ hôi thì sẽ ra sao? Có lẽ chúng ta sẽ phải thở hổn hển và thè lưỡi ra ngoài miệng giống như cún con dưới ánh mặt trời chói chang. Mồ hôi đảm nhiệm nhiều vai trò đa dạng trong cơ thể chúng ta nên là tồn tại rất cần thiết cho cơ thể. Nào, chúng ta hãy bắt đầu chuyến đi vui vẻ cùng mồ hôi.
Mồ hôi là gì?
Mồ hôi là chất lỏng được tiết ra từ các tuyến mồ hôi phân bố trên da toàn thân với 99% là nước và còn lại là natri, clo, kali, v.v… Natri và clo giúp điều tiết độ ẩm thích hợp trong cơ thể, kali hỗ trợ quá trình trao đổi chất, còn canxi và magiê đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì vận động của cơ bắp.
Một trong những nguyên nhân khiến chúng ta bị chuột rút trong khi vận động quá sức là do mất ion qua mồ hôi. Đó là bởi nếu đổ mồ hôi nhiều thì việc vận động cơ bắp bình thường sẽ trở nên khó khăn hơn do thiếu ion, là yếu tố quan trọng để điều tiết sự vận động của cơ bắp hoặc thần kinh. Kết quả nghiên cứu cho thấy nếu chúng ta đổ khoảng 4kg mồ hôi, thì hàm lượng natri và clo trong cơ thể sẽ bị mất từ 5 đến 7% và có thể khiến bị chuột rút.
Lượng mồ hôi mà một người đổ ra thay đổi tùy theo mùa và mức độ hoạt động thể chất, nhưng bình quân là khoảng 500 đến 700ml mỗi ngày. Lượng mồ hôi tối đa mà con người có thể đổ ra trong trạng thái không bị mất ý thức có thể lên đến tận 10 lít. Lượng mồ hôi mà cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp đổ ra trong một trận đấu là 4 lít. Lượng mồ hôi mà một vận động viên marathon đổ ra cho đến khi hoàn thành chặng đua là 6 lít. Đây thật sự là con số rất lớn.
Trong cơ thể của chúng ta có hai loại tuyến mồ hôi là tuyến eccrine và tuyến apocrine. Các tuyến eccrine, có hình dạng giống như các cuộn len, nằm ở phần ranh giới giữa lớp trung bì sâu và lớp hạ bì. Chúng là cơ quan điều tiết thân nhiệt được điều khiển bởi hệ thần kinh giao cảm. Với khoảng 2 đến 5 triệu tuyến eccrine nằm dàn trải khắp cơ thể, hầu hết mồ hôi của chúng ta thường được tiết ra ở đây. Tuyến apocrine, là nguyên nhân chính gây ra mùi, hơi khác nhau ở mỗi người nhưng chủ yếu tiết ra mồ hôi có chứa protein, chất béo, đường, axit pyruvic, v.v… Khi vi khuẩn trên da phân hủy mồ hôi này thành các axit béo và amoniac sẽ gây ra mùi khó chịu.
Giọt mồ hôi đa tài đa nghệ
Cũng như chúng ta không nhận ra tầm quan trọng của không khí vì nó quá quen thuộc, chúng ta cũng không nhận ra mồ hôi đang đảm nhận biết bao công việc dù chúng ta đổ mồ hôi từng giây từng phút. Trong số đó chức năng lớn nhất của mồ hôi là hạ nhiệt độ cơ thể. Nếu chúng ta tiếp xúc với gió khi da đang bị ướt, cơ thể chúng ta sẽ cảm thấy ớn lạnh và rùng mình vì nước bốc hơi khỏi da và mang theo nhiệt. Hệ thống làm mát hiệu quả của cơ thể cũng hoạt động theo nguyên tắc tương tự. Mồ hôi giống như nước làm mát được tiết ra từ tuyến mồ hôi và bốc hơi khỏi bề mặt da để hạ nhiệt một lần nữa.
80% phát tán nhiệt được thực hiện thông qua mồ hôi nên tác dụng của mồ hôi trong việc điều tiết thân nhiệt là rất lớn. Một người nặng 60kg có thể hạ 10 độ thân nhiệt bằng cách đổ 1 lít mồ hôi. Nhờ sự vận hành hợp lý của chiếc điều hòa hiệu suất cao như vậy mà chúng ta luôn có thể duy trì nhiệt độ cơ thể ổn định ở mức 36,5 độ dù thời tiết có nắng nóng hay chúng ta có vận động mạnh đến thế nào.
Mồ hôi đôi khi đóng vai trò như tấm gương phản chiếu tâm trạng. Có thể bạn đã từng trải qua cảm giác đổ mồ hôi tay trước một cuộc phỏng vấn xin việc quan trọng, khi thổ lộ tình cảm hoặc xem đội bóng chày mình hâm mộ lội ngược dòng bằng một pha gland slam. Điều này là do hệ thống thần kinh giao cảm sẽ kích hoạt và tiết ra mồ hôi khi chúng ta cảm thấy stress, căng thẳng, lo lắng, xấu hổ, bối rối, v.v… “Mồ hôi cảm xúc” đổ ra do những kích thích về mặt cảm xúc này tập trung ở mặt, nách, bàn tay và bàn chân. Đây là lý do có các thành ngữ như “đổ mồ hôi tay” hoặc “toát mồ hôi lạnh”. Lúc này, mồ hôi đổ ra có tác dụng giải tỏa căng thẳng và làm giảm stress đến từ các tác nhân bên ngoài.
Mồ hôi cảm xúc cũng được ứng dụng trong pháp y và tâm thần học hiện đại. Vì mồ hôi cảm xúc đột ngột xuất hiện mà không có thời gian dự phòng khi cảm xúc thay đổi khiến bàn tay và bàn chân bị ướt do đổ mồ hôi, tính dẫn điện tăng lên, nên nó được ứng dụng trong máy phát hiện nói dối hoặc đo mức độ căng thẳng tinh thần.
Ngoài việc đổ mồ hôi do nhiệt độ cao hoặc kích thích cảm xúc, mồ hôi cũng có thể xuất hiện từ trán, mũi hoặc môi trên do các kích thích như thức ăn có vị chua hoặc cay. Điều này xảy ra khi các tuyến mồ hôi trên mặt bị kích thích bởi phản xạ thần kinh liên quan đến vị giác.
Ngay cả ở khía cạnh loại bỏ chất thải, giá trị thực sự của mồ hôi cũng không thể bị bỏ qua. Tuyến mồ hôi, cùng với thận, thuộc vào nhóm cơ quan bài tiết của cơ thể. Mồ hôi thải ra từ tuyến mồ hôi giúp duy trì trạng thái ổn định bên trong cơ thể bằng cách đưa các chất cặn bã ra ngoài cơ thể. Đặc biệt, khi chúng ta đổ mồ hôi lúc tập thể dục, các chất thải tích tụ bên trong cơ thể và các kim loại nặng như chì và cadmium cũng sẽ được thải ra, có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, nếu đổ mồ hôi quá nhiều, chúng ta không chỉ loại bỏ các chất cặn bã và kim loại nặng mà còn mất đi các khoáng chất thiết yếu cho cơ thể như sắt, magiê, mangan và kẽm.
Đèn tín hiệu cho biết sức khỏe của cơ thể chúng ta
Lượng mồ hôi vừa phải là bằng chứng cho thấy cơ thể chúng ta đang điều hòa nhiệt độ cơ thể tốt, nhưng đổ mồ hôi quá nhiều hoặc rất ít có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể có điều gì đó không ổn. Lúc này chúng ta cần xem xét kỹ nguyên nhân khiến mồ hôi tiết ra bất thường.
“Tăng tiết mồ hôi”, nghĩa là đổ mồ hôi quá nhiều, xuất hiện khi chức năng của hệ thần kinh giao cảm hoạt động bất thường. Những cái bắt tay có thể trở nên khó xử vì tay ướt đẫm mồ hôi, hoặc sự đáng xấu hổ xảy ra vì phần áo ở quanh nách bị ướt. Trong trường hợp nghiêm trọng, nó có thể cản trở sinh hoạt xã hội.
Đổ mồ hôi nhiều là vấn đề, nhưng không đổ mồ hôi lại là vấn đề lớn hơn. “Giảm tiết mồ hôi” là triệu chứng không đổ mồ hôi nên không thể duy trì nhiệt độ cơ thể thông thoáng qua mồ hôi; vì vậy, bệnh nhân phải cố gắng chống chọi với cái nóng. Tăng thân nhiệt có thể gây kiệt sức vì nóng, say nắng hoặc thậm chí là tử vong. Người lớn tuổi có thể không nhận ra rằng nhiệt độ cơ thể của họ đã tăng quá mức cho đến khi họ ngã quỵ vì sốc nhiệt do suy giảm khả năng đổ mồ hôi.
Mới đây, một loại cảm biến gắn trên da đã được phát minh để giúp phân tích các thành phần của mồ hôi và thông báo tình trạng sức khỏe. Mồ hôi chứa nhiều chất hóa học khác nhau biểu thị tình trạng sức khỏe của mỗi người và nhiều chất khác biểu thị tình trạng căng thẳng. Ví dụ, bệnh tiểu đường có thể được chẩn đoán dựa trên nồng độ glucose trong mồ hôi và các bệnh như xơ nang có thể được chẩn đoán thông qua nồng độ của các ion clorua. Bằng cách đo độ pH của mồ hôi, chúng ta có thể kiểm tra xem cơ thể có bị mất nước hay không; hoặc quan sát cách mà chúng ta phản ứng trước căng thẳng thông qua sự thay đổi hormone cortisol tiết ra khi cơ thể phản ứng với căng thẳng. Nhiều nghiên cứu về mồ hôi như một phương tiện truyền tải thông tin về cơ thể dự kiến sẽ được tiến hành trong tương lai.
Mồ hôi bảo vệ cơ thể chúng ta thông qua nhiều chức năng khác nhau, chẳng hạn như duy trì nhiệt độ cơ thể, đào thải các chất cặn bã và giảm căng thẳng tùy theo những thay đổi của cơ thể. Mồ hôi là chỉ số quan trọng về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.
“No sweat, no sweet.”
Giống như câu nói “Không đổ mồ hôi thì không thể nếm được vị ngọt của chiến thắng”, mồ hôi cũng là biểu tượng của quá trình tất yếu, sự nỗ lực và kiên trì để đơm hoa kết trái. Mồ hôi cũng được sử dụng để thể hiện các giá trị và thái độ sống của một người, chẳng hạn như mồ hôi mà người nông dân lao động vất vả đổ ra, mồ hôi của vận động viên luyện tập cho Thế vận hội và mồ hôi của học sinh ứng thí trong khi chiến đấu với cái nóng. Như vậy, mồ hôi chứa đựng các yếu tố chức năng để duy trì sức khỏe và cả những nỗ lực, cố gắng của con người. Tất cả những công sức mà chúng ta đổ ra cũng quý giá như những giọt mồ hôi mà chúng ta đổ ra.
- Tham khảo
- 여름의 불청객이라고? ‘땀’의 항변 (Vị khách không mời vào mùa hè? Lời bào chữa của “mồ hôi”) của Park Tae Jin đăng trên KISTI’s Science Scent số 1663, Hàn Quốc.
- 다한증의 이해와 치료 (Hiểu biết và điều trị bệnh tăng tiết mồ hôi) của An Se Young và Jo Jeong Rae, Nhà xuất bản Y-Gelli Books, 2016, Hàn Quốc.