Phương pháp chặt đứt xiềng xích của thói quen xấu

17,465 lượt xem

“Anh chỉ mới 30 tuổi nhưng trông như 40 tuổi bởi những nếp nhăn hằn sâu trên trán.”

Đây là nội dung mà họa sĩ nổi tiếng Vincent Van Gogh phàn nàn trong một bức thư gửi cho em trai là Theo. Những nếp nhăn trên trán như dấu vết của những khổ nhọc trong sinh hoạt và hoạt động sáng tạo của Van Gogh đã khiến họa sĩ lo lắng về việc trông già hơn so với tuổi thực của mình.

Đâu chỉ có mỗi Van Gogh lo lắng về điều này? Mỗi khi cảm thấy mệt mỏi hoặc bực bội, chúng ta thường vô thức thể hiện cảm xúc trên khuôn mặt. Nếp nhăn là hiện tượng sinh học tự nhiên do lão hóa gây ra, nhưng cơ mặt của chúng ta cũng có thể cứng lại thành biểu hiện cảm xúc trên khuôn mặt theo thói quen. Cứ mỗi khi cảm thấy khó chịu hoặc mọi thứ không theo ý muốn, nếu chúng ta cau mày lại hoặc nhướng mày lên, thì sau vài năm, biểu hiện đó sẽ trở thành chân dung tự họa của chúng ta. Không phải vô cớ mà người ta nói rằng “Sau một độ tuổi nhất định, mỗi người phải tự chịu trách nhiệm về khuôn mặt của mình”.

Giống như việc chúng ta bất giác nhíu mày lại, chúng ta cũng có nhiều hành động vô thức bộc phát trong sinh hoạt thường nhật. Theo các nhà nghiên cứu tại Đại học Duke, Mỹ, hơn 40% hành vi của con người trong cuộc sống hằng ngày là thói quen chứ không xuất phát từ việc ra quyết định.

Bộ não của con người không ngừng tìm cách để tiết kiệm tối đa năng lượng tiêu hao trong việc phán đoán điều gì đó. Nhằm giảm thiểu công sức nhận thức điều mới, bộ não có khả năng đáng ngạc nhiên là biến những hành động phức tạp thành thói quen vô thức của cơ thể.

Thật may mắn nếu đó là thói quen tốt, nhưng nếu là thói quen xấu thì chúng ta nên lo lắng vì nó có tác động tiêu cực không lớn thì nhỏ đến cuộc sống của chúng ta. Chúng ta có thể bị loại nếu rung chân trong buổi phỏng vấn xin việc, hoặc có thể bất hòa với những người xung quanh chỉ vì giọng điệu gay gắt đã thành thói quen bất giác bật ra.

Thói quen không chỉ bao gồm những hành vi bên ngoài như cắn móng tay, mà còn cả những điều bên trong như bùng nổ cảm xúc mỗi khi không thể kiềm chế được cơn giận. Trong cuốn sách “Sức mạnh của thói quen”, tác giả Charles Duhigg nói rằng chúng ta có thể nuôi dưỡng sức mạnh ý chí để kiểm soát cảm xúc bên trong và biến nó thành thói quen. Chẳng hạn, một thanh niên tên Travis xuất hiện trong cuốn sách đã không kiềm chế được cảm xúc của mình mỗi khi gặp khách hàng thô lỗ nên thậm chí đã hét lên “Biến khỏi đây ngay!” hoặc ném đồ đạc, do đó đã bị sa thải.

Mỗi buổi sáng, anh nhìn vào gương và thề sẽ không làm điều đó nữa, nhưng khi tình huống tương tự xảy ra, kết quả vẫn như vậy. Tuy nhiên, sau vài năm, anh đã thay đổi hoàn toàn. Anh không chỉ đối xử tử tế với khách hàng bất lịch sự bằng thái độ bình tĩnh, mà cuối cùng cũng đã bắt đầu cuộc sống mới, trở thành người quản lý của hai cửa hàng. Điều gì đã thực sự xảy ra với Travis?

Công ty cà phê mà Travis vào làm đang tổ chức chương trình huấn luyện tính kỷ luật tự giác cho nhân viên. Chương trình được bắt đầu sau khi công ty phát hiện ra rằng những nhân viên bình thường nhu mì sẽ tức giận khi phải bất ngờ đối mặt với căng thẳng hoặc những sự kiện ngoài dự kiến.

Trong chương trình đào tạo, nhiệm vụ được giao là nhân viên phải điền vào chỗ trống trên giấy. Ví dụ: yêu cầu họ viết “Nếu khách hàng phàn nàn, kế hoạch của tôi là ( )”. Đó là phương pháp để nhân viên chọn trước cách phản ứng với tình huống bất ngờ và tạo thói quen làm theo hành động đúng đắn. Lý do phải ghi lại suy nghĩ đó trên giấy là vì nó có tác dụng ghi dấu vào bản thân chúng ta một cách có ý thức, và biến suy nghĩ của chúng ta thành hành động một cách hiệu quả hơn.

Từ ý tưởng đó, phương pháp khắc phục những thói quen xấu mãn tính đã được giới thiệu trong một bộ phim tài liệu. Trong thí nghiệm, những người không thể từ bỏ các thói quen xấu như hút thuốc, bừa bộn và hay trễ hẹn suốt một thời gian dài đã tham gia. Ban đầu, những người này căng thẳng hơn bình thường vì họ không được làm theo thói quen của mình. Tuy nhiên, sau vài tháng, hơn 90% trong số họ đã thay đổi thói quen.

Một trong những điều họ đã làm là viết ra hành động của mình trên giấy, đánh giá và phản ánh hành vi của họ ngay khi một thói quen xấu xuất hiện. Những người tham gia đã mơ hồ biết những điều cần sửa chữa, nhưng khi viết nó ra giấy, họ nhận ra mức độ nghiêm trọng và có thể cố gắng giảm tần xuất của thói quen xấu.

Con dao hai lưỡi là thói quen tốt và thói quen xấu cùng tồn tại trong tâm trí của chúng ta. Trong cuộc sống đức tin cũng vậy. Có thói quen tốt, song cũng có thói quen xấu (Hêbơrơ 10:25). Sống theo những thói quen tốt của Đức Chúa Trời (Luca 22:39-40) chính là cách để giúp cho linh hồn chúng ta được thêm sức.

Vào kỳ thích hợp, Đức Chúa Trời giáo dục chúng ta thông qua lời của nước sự sống, hầu cho chúng ta tập thói quen theo bổn tánh của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, dù biết rằng mình cần phải có tấm lòng tốt lành và hành động thiện lành, nhưng không dễ để chúng ta thay đổi những thói quen đã ngấm vào cơ thể, chẳng hạn như cách cư xử tự cho mình là trung tâm và lời nói gây tổn thương. Điều này là do những hành vi như bĩu môi khi phàn nàn về điều gì đó hoặc ném ánh mắt bất bình về phía người mà chúng ta không thích cứ vô thức xảy ra.

Tại sao chúng ta không ghi vào sổ tay những điều mà chúng ta thường bỏ qua mỗi ngày với suy nghĩ rằng không sao cả vì đó chỉ là sai lầm nhất thời hoặc chỉ là thói quen? Chúng ta hãy cất đi lưỡi dao mang tên thói quen xấu và mài sắc lưỡi dao mang tên thói quen tốt mỗi ngày. Hãy cắt đứt từng mắt xích của những thói quen xấu và chỉ làm những việc thiện lành. Hãy quên đi “tôi của 1 giây trước” mà từng bị lôi kéo bởi thói quen xấu. Bây giờ, điều quan trọng chính là từ giây phút này.