Tình yêu thương của loài chim đối với con cái (II) – In vết và Nuôi con

11,477 lượt xem

“Chiếp chiếp.”

Chắc hẳn đã có lần bạn không thể cứ thế đi ngang qua chú gà con màu vàng được bán trước cổng trường trên đường đi học về. Thật không thể rời mắt khỏi vẻ ngoài nhỏ nhắn dễ thương của chúng, nên rồi cuối cùng sẽ trở về nhà với một chú. Trong sự phấn khởi, dù cố gắng hết sức để nuôi chú gà con vàng, nhưng nó vẫn bị ốm và chết vài ngày sau đó. Tại sao lại như thế?

Nhiệt độ gà con nở ra khỏi trứng là khoảng 37-38 độ, nhiệt độ gà mái ấp trứng và nhiệt độ cơ thể của gà con là hơn 40 độ. Ngay cả khi trứng đã nở, gà mái vẫn tiếp tục ấp gà con. Bởi gà con không thể tự điều chỉnh nhiệt độ cơ thể của mình. Vì lý do này, những chú gà con không có mẹ sẽ dễ chết. Như vậy, không quá lời khi nói rằng vai trò của mẹ đối với con non có liên quan trực tiếp đến sự sống.

In vết – nhận biết đồng loại thông qua mẹ

Sau khi nở, gà con hoặc vịt con sẽ ngay lập tức đi theo mẹ. Một trong những bản năng đặc trưng của loài chim là “hiện tượng in vết”, là hành động bẩm sinh khi con non của loài chim rời tổ sớm1 nhận định vật thể chuyển động mà chúng thấy đầu tiên sau khi ra khỏi trứng là mẹ và đi theo sau. Đặc tính của loài chim rời tổ sớm là làm tổ trên mặt đất nên sự nguy hiểm từ kẻ thù tự nhiên là rất lớn. Vì vậy, bản năng này là để những chim non theo mẹ tránh đến nơi an toàn. Thông qua việc in vết, mối quan hệ khăng khít được hình thành giữa chim non và mẹ, nhờ đó mà chim non có năng lực nhận ra đồng loại trong tiềm thức.

1. Chim rời tổ sớm: Chim non lớn nhanh, rời tổ không lâu sau khi nở nên dễ bị tấn công bởi kẻ thù.

Konrad Lorenz, một nhà động vật học người Áo được biết đến như là cha của ngỗng xám, đã phát hiện ra hiện tượng in vết lần đầu tiên thông qua loài ngỗng xám. Với ý định rằng sau khi những quả trứng ngỗng xám nở thì sẽ trả lại con non cho ngỗng mẹ để chúng nuôi, Lorenz đã quan sát những con ngỗng xám mới nở trong vài giờ rồi trả lại cho ngỗng mẹ. Tuy nhiên, một trong những con non mới nở đã liên tục bất an và cố gắng đuổi theo Lorenz. Ngỗng con đã in vết nhầm Lorenz là mẹ, người đã dành thời gian vài giờ ở cùng khi nó mới nở. Cuối cùng, Lorenz đã đặt tên cho ngỗng con là Martina và tiếp tục chăm sóc nó. Martina luôn đi theo Lorenz và không thể nhận ra những con ngỗng xám khác. Martina thích Lorenz và những người khác hơn đồng loại của nó.

Những chim non mới nở không có bản năng nhận biết đồng loại. Bởi chỉ tiếp nhận đối tượng đầu tiên nhìn thấy là mẹ, Martina đã nhận Lorentz làm mẹ. Giống như “Chú vịt con xấu xí” trong truyện thiếu nhi, Martina đã không thể phân biệt được bản thân có phải ngỗng xám hay không. Những chim non nở tự nhiên trong lòng mẹ có thể nhận ra mẹ thật của chúng và học cách sống của đồng loại, nhưng những chim non nở nhân tạo thì không thể. Nói cách khác, chim non nhận ra sự tồn tại của chúng thông qua mẹ.

Rời tổ sớm – Theo mẹ đến tổ mới

Ngay khi vừa nở, loài chim rời tổ sớm đã mọc lông vũ và có thể vừa đi vừa ăn. Vì vậy, ngay sau khi nở, chúng rời tổ và di chuyển đến môi trường sống giàu thức ăn. Hiện tượng này được gọi là “rời tổ sớm”. Trong quá trình này, chim non gặp phải rất nhiều khó khăn.

Có trường hợp uyên ương vốn là di sản quốc gia Hàn Quốc, đã đẻ trứng trong phòng sưởi ở tầng 9 tòa chung cư và rời tổ thành công. Uyên ương mẹ đã nhổ lông để làm tổ và ấp trứng trong suốt một tháng. Uyên ương có tập tính làm tổ trên cây nên để rời tổ, uyên ương con chưa thể bay sẽ phải rơi tự do từ tổ cao xuống. Những uyên ương con nở trong phòng sưởi đã phải nhảy xuống đường nhựa từ tầng 9 vì làm tổ trong chung cư chứ không phải trong rừng. Người ta đã trải một tấm vải trên vỉa hè để giúp đỡ uyên ương, và các con non đã bỏ lại sau lưng nỗi sợ rồi nhảy xuống theo mẹ.

Trong quá trình rời tổ, một con đã rơi xuống cống thoát nước và mất tích, còn con út nở muộn đã không thể theo kịp mẹ. Hai trong số chín quả trứng đã không nở được và chỉ năm trong số bảy chim non mới nở thành công theo mẹ rời tổ. Những chim non rời tổ khi mới nở luôn phải đối mặt với nguy hiểm thường trực bởi kẻ thù tự nhiên và hoàn cảnh xung quanh, nên nếu mất mẹ dù chỉ trong giây lát thì chúng sẽ bị rớt lại mãi mãi.

Khi con người nhìn thì thấy vẻ ngoài của những con chim rất giống nhau và nghe tiếng kêu thì càng không cảm nhận được sự khác biệt. Thế nhưng làm thế nào mà uyên ương con có thể nhận ra uyên ương mẹ chỉ bởi nghe tiếng kêu? Có một thí nghiệm thú vị về sự nhận biết lẫn nhau giữa chim bố mẹ và chim con. Chim cánh cụt Adélie là loài mà chim bố và chim mẹ cùng chia sẻ bổn phận nuôi dạy con cái và được biết đến về khả năng nhận ra nhau do sự khác biệt về giọng tiếng. Hai đến ba tuần sau khi nở, khi những con chim cánh cụt trưởng thành đi săn và chỉ còn lại những con chim cánh cụt con ở nơi sinh sản tập thể, những chim con sẽ tập hợp lại thành một đàn. Khi đó, nếu cho chúng nghe tiếng của một số con chim cánh cụt đã được ghi âm sẵn, thì khoảng 90% chim con nhận ra tiếng của chim bố mẹ và rời khỏi đàn. Âm thanh đó không thể phân biệt được bằng tai người. Tuy nhiên, nếu phân tích bằng máy phân tích âm thanh thì thấy đủ sự khác biệt để có thể xác định từng cá thể. Bố mẹ và con của chúng có thể nhận ra nhau bởi sự khác biệt nhỏ trong giọng tiếng đã được in vết.

Sự chăm sóc tận tình của chim bố mẹ – Nuôi con

“Nuôi con” là quá trình chim bố mẹ chăm sóc và nuôi dưỡng con non của chúng. Trong thời gian nuôi con, một số loài chim cõng con non trên lưng giống như con người. Các loài chim nước như le hôi và vịt, cõng con non trên lưng khi bơi. Gà lôi nước châu Phi và gà lôi nước lược mào mang con non dưới cánh mà chở đi. Khi gà mẹ cúi thấp và phát ra tín hiệu nguy hiểm, gà con sẽ núp dưới cánh của mẹ. Lúc ấy, gà mẹ sẽ siết chặt cánh vào người để các con bám lấy.

Gà nhà cũng cho thấy hành động tương tự. Khi gặp phải tình huống nguy hiểm như đến nơi xa lạ hoặc xuất hiện kẻ thù tự nhiên, gà mẹ sẽ phát ra tín hiệu cảnh báo để gọi gà con. Sau khi chúng nhóm lại, gà mẹ nâng đôi cánh và gồng mình lên để giấu gà con trong lòng. Đó là hành động bản năng để bảo vệ gà con.

Khác với loài chim rời tổ sớm, các con non của loài chim rời tổ muộn2 nở trong trạng thái gần như không có lông và chưa mở mắt. Lúc này, chim bố mẹ sẽ ở lại tổ trong thời gian dài hơn để nuôi con. Trong thời gian ở lại tổ, chim bố mẹ trải qua những ngày bận rộn cho con non ăn. Bạc má đuôi dài hay còn được gọi là chim sẻ đuôi dài, mang thức ăn về tổ sau mỗi 3 đến 5 phút và dùng mỏ bỏ phân ra ngoài khi con non đang ở trong tổ. Con đực và con cái mang thức ăn về tổng cộng khoảng 250 lần một ngày, mỗi lần mang hai đến ba con sâu. Ước tính bạc má đuôi dài bắt được hơn 500 con sâu mỗi ngày để nuôi con non.

2. Chim rời tổ muộn: Chim non lớn chậm nên chúng ở lại lâu trong tổ và phải nhận sự giúp đỡ từ chim bố mẹ.

Vì đỉnh mái của tổ chim thường lộ bên ngoài nên khi trời mưa, chim bố mẹ sẽ dùng thân mình che cho chim con để chắn mưa. Không chỉ vậy, chúng còn liều mạng bảo vệ chim non khỏi các kẻ săn mồi như chim săn mồi hay rắn, đồng thời luôn cảnh giác để những chim non không bị rơi khỏi tổ cao. Trong khi chăm sóc chim non, chim bố mẹ không còn sức tỉa lông cũng như thời gian tìm thức ăn cho bản thân nên dần trở nên hốc hác, gầy còm.

Khi những chim non vốn được nuôi dưỡng cách quý trọng lớn lên và rời khỏi tổ, chim bố mẹ đập cánh và dạy chim non cách bay, đồng thời dùng thức ăn để dụ chim non ra khỏi tổ và bay đi. Đó là quá trình mà chim non phải trải qua để có thể bay lượn trên bầu trời rộng lớn. Sau khi tiễn chim non rời đi, chim bố mẹ thường luẩn quẩn quanh chiếc tổ trống trong một thời gian dài như thể chúng biết điều gì đó.

Chính nhờ sự chăm sóc tận tình của chim bố mẹ, chim non mới có thể vượt qua muôn vàn nguy hiểm cho đến khi chui ra khỏi vỏ trứng và bay lượn trên bầu trời. Giống như vậy, gà con chỉ có thể sống khi ở trong lồng ngực ấm áp của gà mái. Hôm nay cũng vậy, trong rừng, trên sông và xung quanh chúng ta, sự sống mới đang được sinh ra và lớn lên. Dù bị ướt sũng trong mưa, chim bố mẹ vẫn đang chăm sóc chim non và theo sát, động viên chim non vỗ đôi cánh lần đầu tiên. Tiếng chiếp chiếp của chim bố mẹ cổ vũ chim con đang vang vọng bên tai chúng ta.

“… bao nhiêu lần ta muốn nhóm họp các con ngươi như gà mái túc con mình lại ấp trong cánh… ”Mathiơ 23:37

Tham khảo
Ornithology in Laboratory and Field (Điểu học), tác giả Olin Sewall Pettingill Jr., NXB Academic Press, 1985
큰오색딱따구리의 육아일기 (Nhật ký nuôi con của chim gõ kiến đốm lớn), tác giả Kim Seong Ho
동고비와 함께한 80일 (80 ngày cùng chim trèo cây), tác giả Kim Seong Ho
SBS TV Animal Farm Tập 469 “원앙 새끼들의 위험한 첫 비행 (Chuyến bay đầu tiên đầy nguy hiểm của uyên ương con)” (Phát sóng ngày 11/7/2010)