Ngày kỷ niệm của Đấng Sáng Tạo và ngày kỷ niệm của Đấng Cứu Chúa

3,550 lượt xem

Chúng ta có thể dễ dàng biết được một người đến từ quốc gia nào, khi biết những ngày kỷ niệm mà người đó giữ. Nếu người đó kỷ niệm Ngày Độc lập vào ngày 15 tháng 8 và Ngày Hangul [Ngày kỷ niệm sự sáng tạo ra bảng chữ cái của Hàn Quốc] vào ngày 9 tháng 10, thì người đó đến từ quốc gia nào? Nếu ai đó kỷ niệm Ngày Độc lập vào ngày 4 tháng 7, thì người đó thuộc quốc gia nào? Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra rằng người được nhắc đến trước là người Hàn Quốc và người được nhắc đến sau là người Mỹ.

Tương tự như vậy, chúng ta có thể dễ dàng biết được những người nào thuộc về Nước Thiên Đàng thông qua những ngày kỷ niệm mà Đức Chúa Trời đã thiết lập. Ngày nay, các hội thánh nhiều như cát trên bờ biển vậy. Chúng ta cần tìm hiểu xem liệu họ có gìn giữ ngày kỷ niệm của Đấng Sáng Tạo và ngày kỷ niệm của Đấng Cứu Chúa hay không. Nếu một người kỷ niệm ngày kỷ niệm của Đấng Sáng Tạo – Đấng đã tạo ra trời đất và muôn vật, và kỷ niệm ngày kỷ niệm của Đấng Cứu Chúa – Đấng đã cứu chúng ta khỏi tội lỗi, thì người đó chắc hẳn là một trong những người dân chân thật của Đức Chúa Trời. Ngược lại, nếu ai đó không giữ ngày kỷ niệm quyền năng của Đấng Tạo Hóa cũng như ngày kỷ niệm quyền năng của Đấng Cứu Chúa, thì người đó không thuộc về Nước Đức Chúa Trời.

Qua ngày kỷ niệm của Đấng Sáng Tạo và ngày kỷ niệm của Đấng Cứu Chúa, chúng ta hãy xác minh rằng chúng ta là dân thánh của Nước Đức Chúa Trời, những người chắc chắn có thể nhận được sự cứu rỗi đời đời trên Nước Thiên Đàng vĩnh cửu và chúng ta đang ở trong đức tin vững chắc cho sự cứu rỗi đó.

Ngày Sabát, ngày kỷ niệm của Đấng Sáng Tạo

Lý do ngày nay chúng ta thờ phượng vào ngày Sabát là vì chúng ta là người dân của Nước Đức Chúa Trời. Ngày Sabát là ngày kỷ niệm Đấng Sáng Tạo, chúng ta không bao giờ được phép hủy bỏ.

“vì Con người là Chúa ngày Sabát.” Mathiơ 12:8

Đức Chúa Jêsus, cũng chính là Đức Chúa Trời, đã dạy chúng ta một cách rõ ràng rằng “Ta là Chúa của ngày Sabát.” Vì vậy, Ngài coi ngày Sabát là ngày thánh để ghi nhớ Đấng Sáng Tạo và Ngài giữ ngày đó theo thói quen. Chúng ta có thể xác minh sự thật này qua Kinh Thánh (Luca 4:16).

Ngày Sabát là ngày để ghi nhớ quyền năng của Đức Chúa Trời, Đấng tạo dựng nên trời đất và muôn vật.

“Ấy vậy, trời đất và muôn vật đã dựng nên xong rồi. Ngày thứ bảy, Đức Chúa Trời làm xong các công việc Ngài đã làm, và ngày thứ bảy, Ngài nghỉ các công việc Ngài đã làm. Rồi, Ngài ban phước cho ngày thứ bảy, đặt là ngày thánh; vì trong ngày đó, Ngài nghỉ các công việc đã dựng nên và đã làm xong rồi.” Sáng Thế Ký 2:1-3

Đức Chúa Trời, Đấng sáng tạo nên trời đất và muôn vật, đã ban phước cho ngày thứ bảy và làm cho ngày ấy trở nên thánh. Hãy xem những gì Đức Chúa Trời đã phán với chúng ta về ngày Sabát – ngày thánh kỷ niệm quyền năng của Đấng Sáng Tạo.

“Hãy nhớ ngày nghỉ đặng làm nên ngày thánh. Ngươi hãy làm hết công việc mình trong sáu ngày; nhưng ngày thứ bảy là ngày nghỉ của Giêhôva Ðức Chúa Trời ngươi: trong ngày đó, ngươi, con trai, con gái, tôi trai tớ gái, súc vật của ngươi, hoặc khách ngoại bang ở trong nhà ngươi, đều chớ làm công việc chi hết; vì trong sáu ngày Ðức Giêhôva đã dựng nên trời, đất, biển, và muôn vật ở trong đó, qua ngày thứ bảy thì Ngài nghỉ: vậy nên Ðức Giêhôva đã ban phước cho ngày nghỉ và làm nên ngày thánh.” Xuất Êdíptô Ký 20:8-11

Để dẫn dắt người dân của Ngài đến Nước Thiên Đàng vĩnh cửu bằng cách cứu chuộc họ khỏi thế gian tội lỗi này và phân rẽ họ ra khỏi giữa loài người, Đức Chúa Trời đã thiết lập các luật lệ, điều răn và phép đạo. Một trong số đó là ngày Sabát – ngày kỷ niệm quyền năng của Đấng Sáng Tạo; Đức Chúa Trời truyền cho dân Ngài nhớ ngày Sabát bằng cách giữ cho ngày Sabát được nên thánh.

Không phải bất cứ ai cũng có thể kỷ niệm ngày này. Ngày Sabát là ngày kỷ niệm chỉ có thể được giữ gìn bởi những người dân chân chính của Đức Chúa Trời, những người tin vào Đức Chúa Trời là Đấng Sáng Tạo, chứ không phải bởi những người không tin vào Đức Chúa Trời. Ngày lễ quốc khánh ở một nước tuy chỉ là một ngày bình thường ở các nước khác, nhưng lại là một ngày ý nghĩa đối với toàn thể người dân của nước đó. Tương tự như vậy, ngày Sabát – ngày kỷ niệm Đấng Sáng Tạo có thể là ngày bình thường đối với người khác, nhưng đó là một ngày rất quý giá và có ý nghĩa đối với người dân của Nước Đức Chúa Trời.

Nhiều hội thánh ngày nay giải nghĩa ngày Sabát theo cách riêng của họ và khăng khăng rằng “Ngày Sabát không phải là Thứ Bảy,” “Trước đây, ngày Sabát được giữ vào Thứ Bảy, nhưng nó đã được đổi thành Chủ nhật.” Tuy nhiên, ngày kỷ niệm của Đấng Sáng Tạo, Đấng đã tạo ra trời đất và muôn vật, không bao giờ có thể thay đổi theo ý kiến của loài người, chẳng phải vậy sao? Ngày kỷ niệm của quốc gia không thể thay đổi tùy tiện bởi một cá nhân. Cũng tương tự như vậy đối với ngày Sabát. Đức Chúa Trời đã nghỉ ngơi vào ngày thứ bảy sau khi Ngài tạo ra trời đất và muôn vật, và Ngài phán với chúng ta phải ghi nhớ ngày này bằng cách giữ cho ngày đó nên thánh. Vì vậy, ngay cả khi ai đó cố gắng thay đổi ngày Sabát thành ngày đầu tuần, thì ngày Sabát cũng không bao giờ được phép thay đổi thành ngày đầu tuần.

Lễ Vượt Qua, ngày kỷ niệm của Đấng Cứu Chúa

Đức Chúa Trời đã ban cho dân sự của Ngài ngày kỷ niệm quyền năng của Đấng Cứu Chúa cũng như ngày kỷ niệm của Đấng Sáng Tạo.

“Đoạn để dành cho đến ngày mười bốn tháng nầy; rồi cả hội chúng Ysơraên sẽ giết nó, vào lối chiều tối. Họ sẽ lấy huyết đem bôi trên hai cây cột và mày cửa của nhà nào ăn thịt chiên con đó. Đêm ấy họ sẽ ăn thịt chiên quay với bánh không men và rau đắng… ấy là lễ Vượt qua của Đức Giêhôva. Đêm đó ta sẽ đi qua xứ Êdíptô, hành hại mọi con đầu lòng xứ Êdíptô, từ người ta cho đến súc vật; ta sẽ xét đoán các thần của xứ Êdíptô; ta là Đức Giêhôva. Huyết bôi trên nhà các ngươi ở, sẽ dùng làm dấu hiệu; khi ta hành hại xứ Êdíptô, thấy huyết đó, thì sẽ vượt qua, chẳng có tai nạn hủy diệt các ngươi. Các ngươi hãy ghi ngày đó làm kỷ niệm; trải các đời hãy giữ làm một lễ cho Đức Giêhôva, tức là một lễ lập ra đời đời.” Xuất Êdíptô Ký 12:6-14

Lễ Vượt Qua bắt nguồn từ 3500 năm trước, khi Đức Chúa Trời truyền lệnh cho dân Ysơraên bôi huyết chiên con lên các cây cột và mày cửa nhà, để cứu họ bằng cách làm cho tai nạn đi vượt qua khỏi họ khi có huyết ấy. Đó là ngày Đức Chúa Trời giải cứu người dân của Ngài khỏi cảnh nô lệ ở xứ Êdíptô bởi bàn tay quyền năng của Ngài; và về mặt linh hồn, đó là ngày kỷ niệm quyền năng của Đấng Cứu Chúa, Đấng đã cứu rỗi và giải phóng chúng ta vĩnh viễn khỏi cảnh tôi mọi của tội lỗi trong thế gian tội ác này.

Đức Chúa Trời phán rằng “Các ngươi hãy ghi ngày đó làm kỷ niệm; trải các đời hãy giữ làm một lễ cho Đức Giêhôva, tức là một lễ lập ra đời đời.” Lịch sử Cựu Ước cho thấy Đức Chúa Trời đã trách phạt những người không nhớ ngày Ngài cứu chuộc họ, và không nhớ rằng Ngài đã ở cùng họ và cứu họ khi họ giữ Lễ Vượt Qua – ngày kỷ niệm của Đấng Cứu Chúa (Thi Thiên 78:40-42, II Sử Ký 30:1-27, II Các Vua 19:1-35).

Vì vậy, những người giữ Lễ Vượt Qua là dân sự của Đức Chúa Trời và là những người sẽ đi vào Nước Đức Chúa Trời. Chúng ta cũng có thể xác minh điều này thông qua những lời dạy của Đức Chúa Jêsus trong Tân Ước.

“Đến ngày lễ ăn bánh không men, là ngày người ta phải giết con sinh làm lễ Vượt qua, Đức Chúa Jêsus sai Phierơ và Giăng đi, mà phán rằng: Hãy đi dọn lễ Vượt qua cho chúng ta ăn. Hai người thưa rằng: Thầy muốn chúng tôi dọn lễ ấy tại đâu? Ngài đáp rằng: Khi các ngươi vào thành, sẽ gặp một người mang vò nước; hãy theo người vào nhà… các ngươi hãy dọn ở đó. Hai môn đồ đi, quả gặp những điều như Ngài đã phán, bèn dọn lễ Vượt qua. Đến giờ, Ngài ngồi bàn ăn, các sứ đồ cùng ngồi với Ngài. Ngài phán rằng: Ta rất muốn ăn lễ Vượt qua nầy với các ngươi trước khi ta chịu đau đớn.” Luca 22:7-15

Đức Chúa Jêsus đã cử hành Lễ Vượt Qua – ngày kỷ niệm Đấng Cứu Chúa, và các môn đồ của Ngài là Phierơ và Giăng cũng tham dự lễ đó. Lễ Vượt Qua có thể là một ngày bình thường đối với những người khác, nhưng đó là một ngày rất ý nghĩa và quý giá đối với dân sự của Đức Chúa Trời. Đó là lý do tại sao Đức Chúa Jêsus chờ đợi Lễ Vượt Qua – ngày kỷ niệm quyền năng của Đấng Cứu Chúa, và nóng lòng muốn cử hành Lễ Vượt Qua; và chính vào ngày này Ngài đã lập giao ước mới.

“Đoạn, Ngài cầm lấy bánh, tạ ơn xong, bẻ ra phân phát cho môn đồ, mà phán rằng: Nầy là thân thể ta, đã vì các ngươi mà phó cho; hãy làm sự nầy để nhớ đến ta. Khi ăn xong, Ngài cũng làm như vậy, lấy chén đưa cho môn đồ, mà phán rằng: Chén nầy là giao ước mới trong huyết ta vì các ngươi mà đổ ra.” Luca 22:19-20

Đức Chúa Jêsus nói về bánh Lễ Vượt Qua, “Nầy là thân thể ta, đã vì các ngươi mà phó cho,” và Ngài nói về rượu nho Lễ Vượt Qua, “Chén nầy là giao ước mới trong huyết ta vì các ngươi mà đổ ra.” Nhờ huyết của Đấng Christ, chúng ta đã nhận được sự cứu chuộc – sự tha tội (Êphêsô 1:7, I Phierơ 1:18-19). “Huyết của Đấng Christ” để chúng ta nhận được sự cứu chuộc chỉ ra huyết mà Ngài đã lập giao ước vào Lễ Vượt Qua.

Lễ Vượt Qua là ngày kỷ niệm Đấng Cứu Chúa, Đấng đã ban cho chúng ta sự tha tội và sự sống đời đời bằng cách hy sinh thịt và huyết quý giá của Ngài. Vì vậy, Kinh Thánh ghi chép rằng “Ấy vậy, mỗi lần anh em ăn bánh nầy, uống chén nầy, thì rao sự chết của Chúa cho tới lúc Ngài đến,” và nhấn mạnh rằng chúng ta phải giữ Lễ Vượt Qua – ngày kỷ niệm Đấng Cứu Chúa cho đến khi Đấng Christ tái lâm (I Côrinhtô 11:23-26).

Dấu hiệu giữa Đức Chúa Trời và người dân của Ngài

Tiêu chuẩn để xác định người dân chân thật của Đức Chúa Trời trong vô số người đang sống trên trái đất này là gì? Người dân trong Vương quốc của Đức Chúa Trời giữ ngày Sabát để ghi nhớ Đức Chúa Trời là Đấng Sáng Tạo và cử hành Lễ Vượt Qua để ghi nhớ Đức Chúa Trời là Đấng Cứu Chúa. Nói cách khác, nếu người nào giữ gìn ngày Sabát và Lễ Vượt Qua, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra rằng họ là công dân của Nước Đức Chúa Trời.

Cho dù cỏ lùng trông có giống lúa mì đến đâu đi chăng nữa, Đức Chúa Trời vẫn có thể dễ dàng phân biệt chúng. Nhiều người nói rằng họ tin vào Đức Chúa Trời, mặc dù họ không giữ ngày Sabát và Lễ Vượt Qua cũng như không có đức tin vào Đức Chúa Trời Cha và Đức Chúa Trời Mẹ, Đấng đã kêu gọi chúng ta làm người dân của Ngài thông qua các luật lệ, điều răn và phép đạo của giao ước mới. Họ không bao giờ có thể vào được Nước Thiên Đàng. Làm sao họ có thể là người dân của Đức Chúa Trời mà không hề biết đến ngày kỷ niệm của Đấng Sáng Tạo hoặc giữ gìn ngày kỷ niệm của Đấng Cứu Chúa?

Chúng ta là người dân của Vương quốc tuân theo ngày kỷ niệm của Đấng Sáng Tạo và là người dân của Vương quốc giữ gìn ngày kỷ niệm của Đấng Cứu Chúa. Điều này có nghĩa rằng đất nước của chúng ta là Nước Thiên Đàng vĩnh cửu. Vì vậy, chúng ta có thể gọi Đức Chúa Trời là “Abba, Cha,” và chúng ta được ban cho đặc ân có thể vào Nước Thiên Đàng vĩnh cửu và hưởng cuộc sống vĩnh hằng mãi mãi. Kinh Thánh cho chúng ta biết rõ ràng về thân phận của chúng ta như thế này.

“Phần ngươi hãy nói cùng dân Ysơraên rằng: Nhứt là các ngươi hãy giữ ngày sabát ta, vì là một dấu giữa ta và các ngươi, trải qua mọi đời, để thiên hạ biết rằng ta, là Đức Giêhôva, làm cho các ngươi nên thánh. Vậy, hãy giữ ngày sabát, vì là một ngày thánh cho các ngươi. Kẻ nào phạm đến ngày đó, phải bị xử tử; kẻ nào làm một việc chi trong ngày đó, cũng sẽ bị truất khỏi vòng dân sự.” Xuất Êdíptô Ký 31:13-14

“Ta cũng cho chúng nó những ngày sabát ta làm một dấu giữa ta và chúng nó, đặng chúng nó biết rằng ta là Đức Giêhôva biệt chúng nó ra thánh…” Êxêchiên 20:12-13

Ngày Sabát là một ngày thánh của Đức Chúa Trời. Giữ ngày này có nghĩa là thừa nhận sự tồn tại của Đức Chúa Trời, Đấng Sáng Tạo và tôn vinh, thờ phượng Ngài với lòng tôn kính. Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta ngày Sabát như là một dấu hiệu giữa Ngài và người dân của Ngài, thừa nhận rằng những người giữ ngày này là người dân của Ngài và Ngài là Đức Chúa Trời của họ. Về Lễ Vượt Qua của giao ước mới, Đức Chúa Trời cũng phán rằng “Ta sẽ đặt luật pháp ta trong bụng chúng nó và chép vào lòng. Ta sẽ làm Đức Chúa Trời chúng nó, chúng nó sẽ làm dân ta.” (Giêrêmi 31:31-34). Cuối cùng, bất cứ khi nào chúng ta giữ ngày Sabát và Lễ Vượt Qua, chúng ta được đóng dấu rõ ràng dấu hiệu là người dân của Đức Chúa Trời.

Chỉ những ai làm theo ý muốn của Cha mới được vào Nước Thiên Đàng

Vào ngày phán xét, Đức Chúa Jêsus cũng phân biệt những người có thể đi vào Nước Thiên Đàng với những người không thể đi vào bằng cách xem họ có tuân thủ đầy đủ luật pháp của Nước Đức Chúa Trời hay không.

“Chẳng phải hễ những kẻ nói cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, thì đều được vào nước thiên đàng đâu; nhưng chỉ kẻ làm theo ý muốn của Cha ta ở trên trời mà thôi. Ngày đó, sẽ có nhiều người thưa cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, chúng tôi chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri sao? nhân danh Chúa mà trừ quỉ sao? và lại nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ sao? Khi ấy, ta sẽ phán rõ ràng cùng họ rằng: Hỡi kẻ làm gian ác, ta chẳng biết các ngươi bao giờ, hãy lui ra khỏi ta!” Mathiơ 7:21-23

Rất nhiều người muốn được cứu rỗi mà không hề giữ luật pháp, điều răn và phép đạo mà Đức Chúa Jêsus đã lập ra. Đức Chúa Jêsus cho biết Ngài sẽ phán với họ một cách rõ ràng rằng “Ta chẳng biết các ngươi bao giờ. Hãy lui ra khỏi ta, hỡi kẻ làm gian ác!” Họ không giữ gìn ngày kỷ niệm quyền năng của Đấng Sáng Tạo cũng như ngày kỷ niệm quyền năng của Đấng Cứu Chúa. Điều này có nghĩa rằng họ không phải là người dân của Nước Đức Chúa Trời. Họ sẽ khốn khổ biết bao nếu không vào được Nước Thiên Đàng khi không được công nhận là người dân của Đức Chúa Trời đây?

Chúng ta nên giúp họ nhận ra sự thật này. Để vào Nước Đức Chúa Trời, ít nhất chúng ta phải tham dự những ngày kỷ niệm được cử hành trong Nước Đức Chúa Trời, hiểu được ý nghĩa của chúng. Đó là lý do tại sao Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta ngày Sabát, 3 kỳ 7 lễ trọng thể, và tất cả các luật pháp và điều răn khác của giao ước mới. Là người dân của Đức Chúa Trời, chúng ta phải luôn ghi nhớ và tuân giữ mọi luật lệ của giao ước mới đã được ban cho chúng ta, mà không xem nhẹ bất cứ điều răn nào.

Hội Thánh của Đức Chúa Trời của chúng ta là nơi duy nhất vâng giữ ngày kỷ niệm Đấng Sáng Tạo và ngày kỷ niệm Đấng Cứu Chúa. Chúng ta nên tự hào về sự thật này. Vì chúng ta tưởng nhớ quyền năng của Đấng Sáng Tạo bằng cách giữ ngày Sabát và tưởng nhớ quyền năng của Đấng Cứu Chúa bằng cách cử hành Lễ Vượt Qua, nên chúng ta là những người thuộc về Đức Chúa Trời và nơi chúng ta sẽ đến là Nước Thiên Đàng vĩnh cửu. Là người dân của Nước Thiên Đàng, chúng ta có một dấu hiệu rõ ràng như vậy. Chúng ta thật có phước biết bao!

Đức Chúa Trời đã dạy chúng ta rằng Nước Thiên Đàng là nhà của chúng ta, là nơi chúng ta sẽ đi vào (Châm Ngôn 8:22-30, Gióp 38:1-21, Hêbơrơ 11:14-16). Vì không ai có thể hiểu đầy đủ về Nước Thiên Đàng vinh hiển, nên Đức Chúa Trời mô tả đó là một nơi không có sự chết chóc, than khóc hay đau đớn mà tràn ngập niềm vui và hạnh phúc mỗi ngày. Giờ này Đức Chúa Trời đang nuôi nấng và rèn luyện chúng ta, để chúng ta sẽ trị vì mãi mãi trong một thế giới tuyệt vời và vinh hiển như thế. Tương lai rực rỡ này đang chờ đợi chúng ta. Vì vậy, mặc dù chúng ta đang trải qua những giai đoạn khó khăn trong cuộc sống nhân sinh, nhưng chúng ta hãy luôn vui mừng và xích lại gần nhau, hãy nghĩ về ân điển mà Đức Chúa Trời đã ban tặng cho chúng ta và Nước Thiên Đàng mà chúng ta sắp đi vào.

Có rất nhiều linh hồn đáng thương xung quanh chúng ta, những người nghĩ rằng họ sẽ được đi vào Nước Thiên Đàng nhưng sẽ không được đạt tới Nước Thiên Đàng. Tôi tha thiết mong rằng tất cả chúng ta sẽ trở thành những người giúp việc Tin Lành và dẫn dắt họ đi trên con đường đúng đắn đến Nước Thiên Đàng, giới thiệu quê hương Nước Thiên Đàng vĩnh cửu của chúng ta cho họ và khoe khoang về Đức Chúa Trời Cha và Đức Chúa Trời Mẹ của chúng ta – Chủ nhân của Nước Thiên Đàng, để chúng ta có thể nhận được lời khen từ Cha rằng “Con làm tốt lắm!” trong ngày Cha đến.