Vào lúc các người nhà Siôn toàn thế giới đang nhóm hiệp lại như mây, tinh thần của chúng ta cũng phải chín chắn thêm một bậc nữa. Khi nhiều anh chị em vào trong lẽ thật, thì cũng cần nhiều anh chị em dẫn dắt ở phía trước. Càng như vậy thì, chúng ta, là những người được gọi trước và đang đồng làm công việc Tin Lành chí thánh của Đức Chúa Trời, phải có tấm lòng khiêm nhường, kính sợ Đức Chúa Trời và hầu việc anh chị em thì công việc Tin Lành mới nhanh chóng được hoàn thành.
Chúng ta không chỉ nghe mà còn phải thực tiễn mọi lời dạy dỗ được học từ Đức Chúa Trời. Nếu chúng ta chỉ hành động như Cơ đốc nhân khi ở trong Hội Thánh, còn rời xa đạo lý của Cơ đốc nhân khi ở bên ngoài Hội Thánh, thì chúng ta không thể khiến Đức Chúa Trời vui lòng được.
Tục ngữ phương Tây có câu rằng “Nếu muốn tìm được lẽ thật thì hãy cúi mình”. Câu ấy có nghĩa là vì lẽ thật không ở nơi cao và đặc biệt, mà ở nơi thấp, nên nếu muốn tìm được lẽ thật thì phải luôn có thái độ khiêm tốn.
Điều Đức Chúa Trời ghét nhất chính là kiêu ngạo, và Ngài luôn cảnh báo chúng ta đừng kiêu ngạo bởi vì chúng ta đã bị đuổi xuống khỏi Nước Thiên Đàng bởi tấm lòng kiêu ngạo của chúng ta. Kể cả Cựu Ước lẫn Tân Ước đều ghi chép nhiều lời dạy dỗ rằng đừng kiêu ngạo.
“Ví bằng có một hai nhánh bị cắt đi, và ngươi vốn là cây ôlive hoang được tháp vào chỗ các nhánh ấy để có phần về nhựa và rễ của cây ôlive, thì chớ khoe mình hơn các nhánh đó. Nhưng nếu ngươi khoe mình, thì hãy biết rằng ấy chẳng phải là ngươi chịu đựng cái rễ, bèn là cái rễ chịu đựng ngươi… Phải lắm; các nhánh đó đã bị cắt bởi cớ chẳng tin, và ngươi nhờ đức tin mà còn; chớ kiêu ngạo, hãy sợ hãi. Vì nếu Đức Chúa Trời chẳng tiếc các nhánh nguyên, thì Ngài cũng chẳng tiếc ngươi nữa…” Rôma 11:17-23
Trong ví dụ tháp (dính) nhánh cây, người Giuđa (người Do Thái) được ví với cây Ôlive, còn người ngoại bang được ví với cây Ôlive hoang. Vốn lẽ người dân Giuđa được Đức Chúa Trời lựa chọn, và sự cứu rỗi được hứa dành cho họ (Tham khảo: Giăng 4:22). Tuy nhiên, họ đã không đón nhận Đức Chúa Trời đến thế gian này trong áo xác thịt, và đã phạm tội trầm trọng là coi khinh và đóng đinh Ngài trên thập tự giá. Cho nên, Đức Chúa Trời đã chuyển sự cứu rỗi cho những người ngoại bang. Nói một cách khác, các nhánh nguyên đã bị cắt đi vì lòng kiêu ngạo. Nhờ đó mà chúng ta, vốn là cây ôlive hoang, được dính vào chỗ các nhánh ấy, và được tiếp nhận Đấng Christ, được nhận tất thảy nhựa trong tình yêu thương, lòng nhân từ, và ân điển của Đấng Christ.
Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta ân điển cứu rỗi như thế, và còn ban thêm ân tứ khác nhau cho từng người nữa. Bởi năng lực của Thánh Linh được ban cho, có người dạy dỗ được bằng lời trí thức, có người rao truyền tốt lời khôn ngoan, cũng có người được nhận nhiệt huyết của đức tin tha thiết mong muốn cứu rỗi một linh hồn (I Côrinhtô 12:4-11).
Tuy nhiên, Đức Chúa Trời phán rằng chúng ta đừng khoe khoang những sự ban cho này, và cũng tuyệt đối đừng kiêu ngạo. Dù trái được dính ở nhánh cây, nhưng không phải nhánh cây được dính vào tự kết trái, mà ấy là do rễ cây đã cung cấp dinh dưỡng cho nhánh cây. Giả sử, chúng ta, vốn là những nhánh cây được dính vào, không hiểu ra ân điển và lòng nhân từ của Đức Chúa Trời, lại kiêu ngạo, thì ân điển cứu rỗi dành cho chúng ta sẽ được chuyển nhượng cho người khác, giống như người dân Giuđa bị cướp đi phước lành mặc dù họ vốn là những nhánh nguyên.
Lòng kiêu ngạo giống như thuốc độc phần linh hồn, nên nó khiến tiêu hủy sự khôn ngoan, thông sáng mà chúng ta được nhận từ Đức Chúa Trời, và khiến chúng ta mất đi năng lực của Thánh Linh. Chúng ta hãy luôn ghi nhớ sự thật này, và phải dâng mọi vinh hiển lên Đức Chúa Trời, là Đấng ban năng lực cho chúng ta.
“Sự kiêu ngạo đi trước, sự bại hoại theo sau, Và tánh tự cao đi trước sự sa ngã. Thà khiêm nhượng mà ở với người nhu mì, Còn hơn là chia của cướp cùng kẻ kiêu ngạo.” Châm Ngôn 16:18-19
Đức Chúa Trời tuyệt đối không bao giờ chấp nhận lòng kiêu ngạo. Đức Chúa Trời không xem bề ngoài, nhưng nhìn trọng tâm của loài người.
Đáng lẽ chúng ta phải luôn ghi nhớ sự thật rằng mọi ân điển và phước lành hiện tại đều đến từ Đức Chúa Trời, tuy nhiên đôi khi chúng ta lại mắc phải suy nghĩ rằng “Đó là do tôi tài giỏi! Đó là do tôi đã làm rất tốt điều gì đó!”. Suy nghĩ này khiến hao giảm năng lực phần linh hồn của chúng ta. Nếu bởi suy nghĩ ấy mà chúng ta không hoàn thành một cách trung thực nhiệm vụ và vai trò Tin Lành do Đức Chúa Trời giao phó, thì chúng ta sẽ hối hận biết bao khi đi vào Nước Thiên Đàng.
Loài người rất yếu đuối nên dễ dàng trở nên kiêu ngạo vào ngạo mạn. Thậm chí, ngay cả Môise, vốn là người khiêm nhường hơn bất cứ người nào khác thời đó, cũng bị Đức Chúa Trời rầy la và khiển trách do kiêu ngạo.
Khi người dân Ysơraên tới đồng vắng Sin, họ lại lằm bằm với Môise và Arôn vì không có nước uống. Đức Chúa Trời đã phán cùng Môise rằng hãy đập hòn đá bằng cây gậy để nước từ hòn đá chảy ra. Môise đã làm theo lời dạy dỗ của Đức Chúa Trời, đập hòn đá bằng cây gậy, nước bèn chảy tràn ra nhiều, hội chúng và súc vật cũng uống nữa. Thường ngày, Môise luôn dâng mọi vinh hiển lên Đức Chúa Trời, nhưng giây phút ấy, Môise đã sai lầm. Môise đã nói với những người dân miệt thị và lằm bằm những người lãnh đạo một câu như sau “chúng ta há dễ khiến nước chảy từ hòn đá nầy ra cho các ngươi được sao?” (Dân Số Ký 20:1-13).
Bằng tầm nhìn và phán đoán của loài người thì rất dễ mắc phải sai lầm như thế. Mỗi khi công việc Tin Lành kỳ diệu được hoàn thành, chúng ta phải hiểu ra sự thật rằng đằng sau ấy được tác động bởi sức mạnh của Đức Chúa Trời mà không trông thấy bằng mắt thường, chứ không phải sức mạnh của loài người.
“Hỡi con người, ta đã lập ngươi lên đặng canh giữ nhà Ysơraên; khá nghe lời từ miệng ta, và thay ta răn bảo chúng nó.” Êxêchiên 3:17
Đức Chúa Trời đã phán với đấng tiên tri Êxêchiên rằng “Khá nghe lời từ miệng ta, và thay ta răn bảo chúng nó.” Như vậy, các đấng tiên tri đóng vai trò truyền đạt lại y nguyên lời dạy dỗ của Đức Chúa Trời cho người dân, chứ không tự ý nói theo ý riêng của mình. Thế thì chúng ta, là các tiên tri Tin Lành, làm sao có thể nói rằng “Tôi đã tự mình làm” trong khi rao truyền lời của Đức Chúa Trời được?
Ban đầu Saulơ cũng rất khiêm tốn nên Đức Chúa Trời đã chọn Saulơ làm vị vua đầu tiên của Ysơraên. Tuy nhiên, từ sau khi trở thành vua, Saulơ dần dần trở nên kiêu ngạo và sau này đã không vâng phục lời của Đức Chúa Trời. Rốt cục, Đức Chúa Trời đã rút lại vinh hiển mà Ngài vốn đã ban cho Saulơ.
Không ai có thể tự cao và khoe khoang trước Đức Chúa Trời. Chúng ta cần phải biết điều khiển và hạ thấp bản thân, khiêm tốn nhún nhường kể từ khi sống với Đức Chúa Trời trong lẽ thật, đừng giống như những người không nhận biết Đức Chúa Trời và hành động ngạo mạn, không khiêm tốn. Dù là việc thể xác hay việc linh hồn, thì khiêm tốn là đức tính mà chúng ta nhất thiết phải có.
Đức Chúa Jêsus cũng luôn luôn dạy dỗ về khiêm tốn khi Ngài đến thế gian này.
“Ngài phán rằng: Còn các ngươi thì xưng ta là ai? Simôn Phierơ thưa rằng: Chúa là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời hằng sống. Bấy giờ, Đức Chúa Jêsus phán cùng người rằng: Hỡi Simôn, con Giôna, ngươi có phước đó; vì chẳng phải thịt và huyết tỏ cho ngươi biết điều nầy đâu, bèn là Cha ta ở trên trời vậy.” Mathiơ 16:15-17
Khi Phierơ nhận biết Đấng Christ, Đức Chúa Jêsus đã phán rằng ấy là do Cha ở trên trời đã tỏ cho Phierơ biết sự thật đó, chứ Phierơ không tự biết được. Không biết chừng lúc ấy Phierơ đã hoài nghi rằng “Ta đã tự hiểu biết rằng Đức Chúa Jêsus là Đấng Christ do xét đoán những việc mà ta nghe và nhìn thấy, vậy tại sao Đức Chúa Jêsus lại phán rằng Đức Chúa Trời đã tỏ cho ta biết điều này”. Nếu ai đó suy nghĩ sai lệch thì sẽ khoe khoang như thể tự bản thân mình đã hiểu ra lẽ thật. Đức Chúa Jêsus đã làm thức tỉnh về tồn tại của Đức Chúa Trời, là Đấng cho Phierơ biết tất thảy mọi điều, để Phierơ không mắc phải lỗi lầm ấy.
Khi chúng ta hiểu ra lẽ thật cũng giống như vậy. Ban đầu chúng ta không biết một chút nào về lẽ thật, cũng không biết Kinh Thánh, thế nhưng khi được nghe lời Kinh Thánh và hiểu ra lẽ thật thì rất vui mừng. Giống như quả bóng bay tự bay lên trời khi được bơm đầy không khí, chúng ta cũng sẽ tự cao cho rằng “Tôi đã hiểu biết được từng này” khi lòng kiêu ngạo được gieo vào lòng chúng ta. Rốt cục, chúng ta sẽ quên đi Đức Chúa Trời, là Đấng ban sự khôn ngoan và thông sáng cho chúng ta.
Chúng ta phải hiểu rằng tất thảy mọi sự là phước lành và ân điển đến từ Đức Chúa Trời. Chúng ta, vốn là cây Ôlive hoang, chỉ tự kết được những trái không giá trị, không ra gì, nhưng nếu chúng ta được dính vào Đấng Christ thì sẽ được kết trái quí và chắc. Chính vì thế, Đức Chúa Jêsus đã dạy dỗ Phierơ rằng “chẳng phải thịt và huyết tỏ cho ngươi biết điều nầy đâu, bèn là Cha ta ở trên trời vậy.
Chúng ta phải trung thực làm công việc Tin Lành của Đức Chúa Trời bằng tấm lòng khiêm tốn và tư thế hạ thấp bản thân. Khi chúng ta trung thành với đạo lý của giao ước mới và lắng nghe lời của Đức Chúa Trời hơn nữa, thì chúng ta có thể biến đổi thành người của Nước Thiên Đàng.
Đức Chúa Trời ban phước lành cho người khiêm tốn, và rút lại phước lành từ kẻ kiêu ngạo bất cứ khi nào. Đức Chúa Trời không hề muốn người có lòng kiêu ngạo cho dù người ấy có nhiều năng lực đến đâu đi chăng nữa. Lý do vua Nêbucátnếtsa bị đòi lại ngôi vua vinh hiển cũng là bởi kiêu ngạo.
“… Đây chẳng phải là Babylôn lớn mà ta đã dựng, bởi quyền cao cả ta, để làm đế đô ta, và làm sự vinh hiển oai nghi của ta sao? Lời chưa ra khỏi miệng vua, thì có tiếng từ trên trời xuống rằng: Hỡi vua Nêbucátnếtsa, đã báo cho ngươi biết rằng: Ngôi nước đã lìa khỏi ngươi… Đến cuối cùng những ngày đó, ta đây, Nêbucátnếtsa, ngước mắt lên trời, trí khôn đã phục lại cho ta, và ta xưng tạ Đấng Rất Cao. Ta bèn ngợi khen và làm sáng danh Đấng sống đời đời… Bây giờ, ta, Nêbucátnếtsa, ngợi khen, tôn vinh, và làm cả sáng Vua trên trời; mọi công việc Ngài đều chân thật, các đường lối Ngài đều công bình; và kẻ nào bước đi kiêu ngạo, Ngài có thể hạ thấp nó xuống.” Đaniên 4:29-31, 34-37
Nếu kiêu ngạo thì sẽ bị đòi lại tất thảy quyền thế, năng lực, chức vị. Ngay khi vua Nêbucátnếtsa nói rằng “ta đã dựng”, thì Đức Chúa Trời liền phán với vua rằng “Ngôi nước đã lìa khỏi ngươi”. Vì Nêbucátnếtsa có lòng kiêu ngạo nên trong khoảnh khắc Đức Chúa Trời đã đòi lại quyền thế và vinh hiển mà vua đã hưởng.
Nêbucátnếtsa đã bị mất tất thảy vinh hiển và sự khôn ngoan, thông sáng, phải ăn cỏ như bò, và thân thể vua phải thấm nhuần sương móc trên trời trong vòng 7 năm. Sau đó, Nêbucátnếtsa đã nghĩ rằng “Tất thảy mọi thứ này đều đến từ Đức Chúa Trời! Ta phạm phải lỗi lầm thật trầm trọng vì nghĩ rằng ta đã làm ra tất cả, mặc dầu ta chỉ là một người yếu đuối, đánh mất sự khôn ngoan, thông sáng trong chốc lát và phải ăn cỏ như bò”. Rồi Nêbucátnếtsa ăn năn, hối cải thật sự, và dâng tán dương, ngợi khen, cảm tạ lên Đức Chúa Trời bằng tấm lòng khiêm tốn. Khi ấy, Đức Chúa Trời đã ban lại cho Nêbucátnếtsa sự khôn ngoan và thông sáng.
Thật là một lời dạy dỗ quan trọng trong Kinh Thánh rằng Đức Chúa Trời hạ thấp những kẻ kiêu ngạo. Từ thời đại đồng vắng cho đến ngày nay, Đức Chúa Trời luôn hạ thấp người dân của Ngài, và còn để cho người dân của Ngài trở thành tồn tại giống như ‘rác rến của thế gian’ (I Côrinhtô 4:13). Khi nghĩ đến điều đó, chúng ta phải hồi phục lại sự khôn ngoan, thông sáng và vinh hiển đã bị đánh mất trong quá khứ thông qua ăn năn, hối cải và hiểu biết phần linh hồn, chứ không nên để bị đòi lại sự khôn ngoan, thông sáng bởi lòng kiêu ngạo giống như vua Nêbucátnếtsa.
Chúng ta đừng kiêu ngạo, mà hãy hạ thấp bản thân mình, đồng cam cộng khổ với các anh chị em, dẫn dắt họ vào đường đức tin, và hãy làm tấm gương đức tin tốt cho họ với tư cách là người đi trước. Đức Chúa Trời để chúng ta đi con đường đồng vắng đức tin với mục đích hạ thấp chúng ta xuống.
“Hãy nhớ trọn con đường nơi đồng vắng mà Giêhôva Đức Chúa Trời ngươi đã dẫn ngươi đi trong bốn mươi năm nầy, để hạ ngươi xuống và thử ngươi, đặng biết điều có ở trong lòng ngươi, hoặc ngươi có gìn giữ những điều răn của Ngài hay chăng.” Phục Truyền Luật Lệ Ký 8:2
Giống như đã làm với người dân Ysơraên vào thời đại đường đồng vắng, Đức Chúa Trời đã hạ thấp chúng ta và dẫn dắt chúng ta vào con đường đồng vắng mặc dù Ngài có thể nâng cao chúng ta trên khắp thế gian. Đôi khi Ngài để chúng ta thiếu ăn, đôi khi Ngài nâng chúng ta lên, có lúc lại hạ chúng ta xuống.
Chúng ta phải luôn luôn giữ gìn tấm lòng khiêm tốn đặng hoàn thành công việc Tin Lành của Đức Chúa Trời, dù được đặt trong bất kỳ vị trí nào, và dù gặp bất cứ khó khăn nào. Để làm được như vậy, chúng ta phải luôn có thái độ hạ thấp mình một cách khiêm tốn trước Đức Chúa Trời, và cũng phải khiêm tốn trước các anh chị em nữa. Chúng ta cần phải quý trọng từng anh chị em, coi anh chị em ấy như những người giúp việc đang gắng sức vì công việc Tin Lành của Đức Chúa Trời. Thêm vào đó, nếu chúng ta quan tâm tới khó khăn của từng anh chị em, lo lắng, động viên, khuyên bảo, và yêu thương họ, thì chúng ta chắc chắn sẽ được đi trên con đường đức tin ân huệ nhận lãnh phước lành và tình yêu thương lớn lao từ Đức Chúa Trời.
Hãy khắc sâu trong tim lời dạy dỗ rằng “Đừng kiêu ngạo”. Hãy nhớ rằng: Mang lòng kiêu ngạo thì không ai có thể đi vào được Nước Thiên Đàng, nhưng tấm lòng khiêm tốn được thắm đượm tình yêu thương của Đức Chúa Trời và sự khôn ngoan dẫn dắt đến Nước Thiên Đàng. Mong mọi người nhà Siôn gắng sức vì công việc Tin Lành bằng lòng tự hào và hãnh diện, tùy theo vị trí và hoàn cảnh của mỗi anh chị em.