Tình yêu thương của loài chim đối với con cái (Ⅰ) – Ấp trứng

3225 Xem

Khi còn nhỏ, vua phát minh Edison là một cậu bé giàu lòng hiếu kỳ. Một ngày nọ, Edison mất tích khiến gia đình náo loạn. Sau thời gian dài tìm kiếm, cha mẹ đã tìm thấy Edison trên đống rơm trong nhà kho. Edison đã ngủ quên khi đang cuộn tròn để ấp trứng ngỗng. Nhưng trái với mong muốn của Edison, không có quả trứng ngỗng nào nở cả. Tại sao trứng ngỗng lại không nở?

Tổ ấm nơi chim non khôn lớn – Tổ chim

Ấp để trứng nở là phần quan trọng nhất trong quá trình sinh sản của loài chim. Làm tổ là quá trình đầu tiên để ấp trứng. Giống như con người cần nhà để che mưa chắn gió, loài chim cũng cần tổ để bảo vệ trứng khỏi những kẻ thù tự nhiên và để nuôi những chim non sắp nở. Vì vậy, loài chim dốc tâm huyết vào việc làm tổ hơn bất cứ điều gì. Trải qua quá trình lựa chọn địa điểm phức tạp, chim bố mẹ làm tổ tại đó bằng cách chọn những vật liệu tốt nhất, thậm chí còn nhổ cả lông của mình.

Hình dạng và vị trí tổ mà mỗi loài chim làm ra rất đa dạng. Các loài chim rời tổ sớm (có thể sống độc lập sau khi sinh – Nidifugous) nhận ra mẹ ngay khi vừa nở từ trứng và đi theo mẹ khắp nơi. Vì chim non rời tổ trong vòng vài giờ sau khi trứng nở nên tổ thường được xây trên cát, đá cuội hoặc khe đá ở mép nước. Ngược lại, các loài chim rời tổ muộn (chim non yếu – Nidicolous) được sinh ra trong trạng thái gần như không có lông và chưa mở mắt. Nếu không có sự bảo vệ của mẹ thì chim non không thể sống được nên chúng ở trong tổ rất lâu và được mẹ chăm sóc. Vậy nên, không giống các loài chim rời tổ sớm, các loài chim rời tổ muộn như bồ câu, cú mèo, én v.v… xây tổ chắc chắn ở những nơi an toàn như trên cây.

Chim gõ kiến, là loài có chim non rời tổ muộn, thường làm tổ ở nơi cao. Thường được biết đến với việc dùng mỏ đục thân cây để làm tổ, chim gõ kiến quan tâm kỹ càng đến chủng loại, phương hướng, chiều cao và thậm chí là độ dày của cây khi làm tổ. Để tránh sự tấn công của kẻ thù tự nhiên như chim săn mồi và mưa gió, chúng làm tổ ở độ cao từ 5 tầng trở lên và ngụy trang lối vào bằng nhành cây. Chúng không tiếc thời gian và công sức cho đến tận khi làm tổ xong.

Tổ do chim gõ kiến làm ra cũng có thể trở thành tổ của những loài chim không thể xây tổ bằng cách đục thân cây. Chim trèo cây, có kích thước nhỏ như chim sẻ, thường làm tổ bằng cách sửa lại tổ của chim gõ kiến. Chim trèo cây nhỏ bé và yếu đuối thường tìm kiếm tổ đã bị bỏ hoang của chim gõ kiến vào cuối mùa đông, trước mùa sinh sản của các loài chim khác, rồi làm hẹp lối vào để ngăn các con chim khác.

Sau khi phát hiện ra cái tổ ưng ý, đôi chim trèo cây sẽ làm sạch tổ trước tiên, vì chim gõ kiến trải mùn cưa ở đáy tổ. Tiếp đó, chúng bắt đầu nắn bùn thành những quả cầu nhỏ như hạt đậu và mang về. Chúng lại lặp lại quá trình ấy, nặn và mang bùn đi không ngừng nghỉ, cứ cách 1-2 phút và khoảng 80 lần mỗi ngày. Tuy nhiên, chim gõ kiến, là chủ nhân ban đầu của tổ hoặc những con chim khác đang tìm tổ thường đến phá quấy, nhưng chim trèo cây không bỏ cuộc và lại mang bùn về vì những con non sắp được sinh ra.

Chim đực đứng gác còn chim cái làm tổ. Đến chừng làm xong tổ và đẻ trứng, chim cái lấm lem trong bùn với cái bụng phình to và cái mỏ đã mòn và tù. Cũng dễ hiểu, vì chúng phải đầm hơn 200 lần mới trải được một viên bùn lên tường.

Chim thiên đường đuôi đen với chiếc đuôi lộng lẫy làm tổ đẹp như vẻ ngoài của chúng. Các nhành cây được đan vào nhau làm khung để tốt cho việc ấp trứng và rêu được gắn bên ngoài để chúng trở nên giống với môi trường xung quanh. Tổ của chim thiên đường đuôi đen có một vật liệu rất đặc biệt là mạng nhện. Mạng nhện rất dai nên được dùng để làm cho tổ chắc chắn và đóng vai trò khiến rêu dính chặt vào nhành cây. Chim thiên đường đuôi đen thường bện tổ ở những nơi ẩm thấp như trong rừng rậm, ít ánh sáng mặt trời. Tuy nhiên, các nhành cây của tổ đan vào nhau nên thoát nước tốt, và rêu bám ở bên ngoài hút hơi ẩm còn lại ở bên trong nên tổ nhanh chóng trở nên khô ráo. Khi trời mưa, chim bố mẹ thu mình trong tổ và đóng vai trò thay thế cho mái nhà.

Lồng ngực ấm áp của chim bố mẹ – Ấp trứng

Khi tổ đã sẵn sàng, chim mẹ bắt đầu đẻ trứng. Sự tiếp xúc đầu tiên giữa chim bố mẹ với chim non sau khi đẻ trứng chính là ấp trứng. Ấp trứng là quá trình chim bố mẹ làm ấm trứng và mất trung bình từ 2-3 tuần từ ngay sau khi đẻ trứng cho đến khi con non nở. Có một số loài chim thì trứng được thay phiên ấp bởi chim bố mẹ, còn một số loài khác thì trứng chỉ được ấp bởi chim bố hoặc chim mẹ. Tuy nhiên, một điều rõ ràng là những chiếc tổ hiếm khi trống rỗng.

Trước khi ấp trứng, lông vũ trước ngực của chim bố mẹ rụng theo hình tròn và đốm ấp trứng (bào noãn ban, brood patch) phát triển. Đốm ấp trứng là phần bị rụng lông để lộ ra lớp da dày, có nhiều mạch máu. Nhờ đốm ấp trứng, chim bố mẹ có thể ấp trứng kề sát da để giữ trứng ấm hơn. Chim gõ kiến thường nhổ những chùm lông vũ ở ngực để tạo đốm ấp trứng. Chúng làm thế để bỏ đi lớp lông vũ và ấp trứng được ấm hơn với da trần. Phải đến mùa đông năm sau, khi thay lông thì lớp lông vũ mới mọc lại ở đốm ấp trứng. Loài chim nhạy cảm nhất trong thời kỳ ấp trứng, chúng dành thời gian kiên nhẫn ấp trứng sắp nở, thậm chí giảm hoạt động kiếm ăn.

Chim nhàn nhỏ ấp trứng

Nhìn chung, chim bố mẹ đều cùng chăm sóc con non nhưng chim cánh cụt hoàng đế thể hiện tình yêu thương vĩ đại của người cha. Chim cánh cụt hoàng đế đực ấp trứng trong cái lạnh khắc nghiệt gần âm 60 độ C. Ngay khi con cái đẻ trứng và đặt nhẹ xuống, con đực lăn trứng vào giữa hai chân, cẩn thận đặt lên mu bàn chân và dùng da bụng dưới che quả trứng lại. Chúng dồn lực vào gót chân và chú ý sao cho phần đặt quả trứng không chạm vào mặt băng. Khi đã nhịn ăn trong khoảng một tháng rưỡi và vất vả đẻ trứng, con cái ra biển để tìm thức ăn cho con non, còn con đực duy trì trạng thái im lặng gần như không cử động vì chúng phải ấp trứng và chịu đựng khoảng hai tháng cho đến khi chim non ra đời. Được cho biết rằng ngay cả khi chúng bị rơi khỏi vách đá hay lăn trên dốc tuyết, chúng cũng không bao giờ để tuột mất quả trứng.

Khi chim non nở ra, dù sắp chết đói nhưng con đực sẽ vẫn nôn ra một chất được gọi là “sữa diều” và cho con ăn. Vì nhiều con đực không ăn gì trong gần 4 tháng kể từ khi gặp bạn tình cho đến khi ấp trứng và trứng nở nên cân nặng của chúng giảm đi một nửa còn bộ lông bị mất độ bóng và có vẻ xơ xác. Vào khoảng thời gian này, con cái ra biển trở về và thay phiên với con đực. Sau khi nở, chim non vẫn ở trên chân của chim cánh cụt bố mẹ trong khoảng 45 ngày.

Đối với loài vịt và ngỗng, mẹ và con non giao tiếp với nhau trong khi ấp trứng. Nếu con non nằm ngược trong trứng thì khi nở, chúng sẽ khó thoát ra ngoài và nếu sơ suất, chúng sẽ bị kẹt vào vỏ trứng, không thể thoát ra mà chết. Trước khi điều này xảy ra, con non yêu cầu sự giúp đỡ của mẹ bằng cách phát ra âm thanh từ bên trong quả trứng. Thế thì mẹ chúng sẽ lấy mỏ mà lăn trứng cho đến khi con non phát ra âm thanh “Tốt rồi!” mới ngừng. Điều này giống như trẻ sơ sinh nhờ mẹ giúp đỡ bằng tiếng khóc.

Chim mẹ cũng cho con non đang khóc trong trứng nghe tiếng an ủi. Đó là âm thanh mang ý nghĩa giống như “Đừng lo lắng. Mẹ luôn ở bên cạnh con!”. Những con non của các loài chim rời tổ sớm ghi nhớ âm thanh của mẹ mà chúng được nghe từ trong trứng nên sau khi nở, chúng nghe và đi theo âm thanh của mẹ khi chuyển tổ.

Đối thoại giữa những quả trứng cũng rất thần kì. Vì loài chim có con non khỏe rời tổ ngay sau khi nở nên tất cả con non phải nở cùng một lúc. Khi con non chuẩn bị ra khỏi quả trứng, nó sẽ phát ra tiếng lớn như thể đánh trống, với ý nghĩa là “Đã chuẩn bị xong chưa? Tôi sẵn sàng rồi!”. Khi nghe thấy âm thanh này, nhịp tim, hô hấp và quá trình trao đổi chất của con non trong những quả trứng khác mà vẫn chưa chuẩn bị xong sẽ được kích thích để đẩy nhanh tốc độ sinh trưởng của chúng. Như thế, những con non của một tổ sẽ được nở cùng lúc.

Trứng nở – phá vỡ vỏ trứng và bước ra thế giới

Những con non lớn lên dưới sự chăm sóc tận tình của chim bố mẹ đã sẵn sàng bước ra thế giới, nhưng ngay từ cánh cửa đầu tiên đã không hề dễ dàng. Quá trình trứng nở không diễn ra trong một lần duy nhất. Con non bên trong trứng xoay mình lại và bắt đầu mổ xung quanh đầu tù của quả trứng bằng răng trứng (egg tooth)1 là phần cứng nhô ra trên mỏ. Vậy nên, khi vỏ trứng xuất hiện vết nứt hình ngôi sao thì quá trình trứng nở bắt đầu. Quả trứng bị nứt trong thời gian khá dài và thường phải mất vài giờ để hình thành một lỗ trên vỏ. Chuyển động của chân và cổ của con non tạo ra những vết nứt trên vỏ trứng, khiến vỏ vỡ ra và con non bước ra thế giới bên ngoài. Đó là khoảng thời gian khó nhọc đối với con non vì chúng phải chiến đấu trong hơn 48 giờ.

1. Răng trứng: phần mô cứng hình thành trên mỏ có chức năng đập vỡ vỏ hoặc lòng đỏ. Sau khi trứng nở, phần mô cứng này sẽ dần thoái hóa hoặc rơi ra.

Trứng không thể tự nở bằng sức mạnh của bản thân. Chim bố mẹ cẩn thận làm tổ, nơi sự sống sẽ được thai nghén và bảo vệ tổ nguyên vẹn mà không được ăn uống đầy đủ cho đến khi sự sống nảy mầm và phát triển trong trứng. Chúng không hề do dự từ bỏ bộ lông đẹp đẽ để giữ ấm cho những quả trứng. Bởi tình yêu thương hết lòng của chim bố mẹ, con non mới có thể đối diện với thế giới.

Các học giả gọi hành động thể này ở các loài chim là bản năng. Có nghĩa là tập tính sẵn có ngay từ đầu dù không ai dạy dỗ. Tình yêu thương con cái sẵn có ở loài chim, vốn chỉ là những sinh vật nhỏ bé, sao lại cảm động đến thế?

Tham khảo
Ornithology in Laboratory and Field (Điểu học), tác giả Olin Sewall Pettingill Jr., NXB Academic Press, 1985
큰오색딱따구리의 육아일기(Nhật ký nuôi con của chim gõ kiến đốm lớn), tác giả Kim Seong Ho
동고비와 함께한 80일(80 ngày cùng chim trèo cây), tác giả Kim Seong Ho
Tierisch erfolgreich: Überlebensstrategien im Tierreich (Động vật học của chủ nghĩa nhân văn), tác giả Vitus B. Dröscher, NXB Goldmann, 1996