Chọn ngôn ngữ

Close

Tiêu điểm của cuộc sống và sự cảm tạ

1981 Xem

Mỗi khi chào đón năm mới, mọi người đều nhìn lại thời gian đã qua và lập kế hoạch mới. Tôi nghĩ các người nhà Siôn cũng đã lên kế hoạch cho năm mới. Thật tốt nếu chúng ta đặt mục tiêu phần linh hồn để cải thiện những điều thiếu sót trong năm mới, và trở thành người giỏi nhất trong lĩnh vực ấy.

Một số người sống với lòng biết ơn như mục tiêu trong cuộc đời họ. Những người xuôi theo dòng chảy mà không suy nghĩ gì có thể dễ bị nóng nảy, buồn tủi và bị cuốn vào những suy nghĩ tiêu cực khi đối mặt với những chuyện ngoài ý muốn. Khi nhìn lại quá khứ thì nghĩ rằng “Sao lúc đó mình lại làm vậy nhỉ? Mình đã có thể không làm như thế mà!”.

Hãy thử điều chỉnh tiêu điểm của cả cuộc đời quý vị vào lòng cảm tạ. Ngay cả những lời nói chướng tai hoặc những tình huống ngoài dự tính cũng có thể trở nên ân huệ nếu quý vị điều chỉnh tiêu điểm vào lòng cảm tạ. Kể cả trong sinh hoạt gia đình, công sở hay trường học, trong sinh hoạt Tin Lành hay ở bất cứ đâu, những sự kiện tràn ngập niềm vui và lòng cảm tạ nhất định sẽ xảy ra.

Cuộc sống cảm tạ lên Đức Chúa Trời

Hãy dâng cảm tạ lên Đức Chúa Trời Cha Mẹ đã dẫn dắt chúng ta đến với lẽ thật, đồng thời bày tỏ lòng biết ơn đến gia đình, bạn bè, hàng xóm và đồng nghiệp, đã động viên và cổ vũ chúng ta cho đến khi chúng ta có được ngày hôm nay. Trên hết, tôi mong các anh chị em luôn cảm tạ Cha Mẹ đã dẫn dắt chúng ta đến con đường Nước Thiên Đàng.

Nếu ai đó hỏi rằng đâu là điều tôi thấy cảm tạ nhất trong tất cả những gì Đức Chúa Trời đã làm cho chúng ta, tôi sẽ nói rằng tôi cảm tạ vì Ngài đã đến trái đất này. Nếu Đức Chúa Trời đã không đến, thì hết thảy chúng ta đều là vận mệnh phải đi xuống địa ngục vào lúc kết thúc cuộc đời và thậm chí không có điều gì để cảm tạ cả.

Trong mắt của Đức Chúa Trời, trái đất là một thiên thể rất nhỏ, như một giọt nước nhỏ trong thùng và một mảy bụi rơi trên cân. Nhờ Đức Chúa Trời Cha và Đức Chúa Trời Mẹ đã yêu thương những tội nhân tầm thường đang sống trong thế giới như vậy và đến tận đất này, những nhân sinh đang chạy đến sự chết đã được cứu rỗi. Chỉ bởi sự Đức Chúa Trời để lại đằng sau mọi vinh hiển trên trời đã là điều đáng cảm tạ đến nỗi không thể diễn tả được, thế mà Ngài lại chịu đựng mọi sự chế nhạo và bắt bớ từ các vật thọ tạo, và hy sinh chính Ngài để gánh thay gánh nặng tội lỗi của các con cái. Nếu nghĩ đến Cha Mẹ, Đấng đã lặng lẽ chịu đựng khổ nạn và sự chết như chiên con ở trước mặt kẻ hớt lông theo những lời tiên tri trong Kinh Thánh, thì chúng ta là các con cái phải luôn dâng cảm tạ lên Cha Mẹ.

Nếu suy ngẫm thì mọi sự đều là điều đáng cảm tạ, kể từ khoảnh khắc chúng ta mở mắt vào buổi sáng và hít một hơi thở. Cảm tạ vì Ngài gìn giữ trải qua một đêm an toàn, cảm tạ vì hôm nay Ngài cũng giao phó một phần công việc Tin Lành cho tôi, làm như thế thì mỗi ngày đều sẽ tràn ngập lòng cảm tạ.

Khi dâng cầu nguyện lên Đức Chúa Trời, chúng ta thường cầu nguyện nhiều cho điều gì đó được hoàn thành, nhưng lại lơ là cầu nguyện cảm tạ về những việc Ngài đã làm cho hoàn thành rồi. Có lẽ vì thế mà có câu chuyện rằng, khi các thiên sứ dâng lời cầu nguyện của loài người lên trời, giỏ đựng lời cầu nguyện nài xin được lấp đầy nhanh chóng, nhưng giỏ đựng lời cầu nguyện cảm tạ thì lại không dễ được lấp đầy. Hãy dâng nhiều cầu nguyện lên Đức Chúa Trời, và mong rằng chúng ta đều trở thành các người nhà trên trời biết dâng nhiều ước nguyện và cả lời cầu nguyện cảm tạ lên Đức Chúa Trời.

Sự cảm tạ xuất phát từ sự nhận thức

Trạng thái thế gian thiếu sự cảm tạ cũng giống như thời Đức Chúa Jêsus 2000 năm trước. Trong các công việc của Đức Chúa Jêsus, chúng ta hãy xem sự dạy dỗ của Ngài về điều đó.

“Đức Chúa Jêsus đương lên thành Giêrusalem, trải qua bờ cõi xứ Samari và Galilê. Nhằm khi vào làng kia, có mười người phung đến đón rước Ngài, đứng đằng xa, lên tiếng rằng: Lạy Jêsus, lạy Thầy, xin thương xót chúng tôi cùng! Khi Ngài thấy họ, liền phán rằng: Hãy đi, tỏ mình cùng thầy tế lễ. Họ đương đi thì phung lành hết thảy. Có một người trong bọn họ thấy mình đã được sạch, bèn trở lại, lớn tiếng khen ngợi Đức Chúa Trời; lại đến sấp mặt xuống đất, nơi chân Đức Chúa Jêsus, mà tạ ơn Ngài. Vả, người đó là người Samari. Đức Chúa Jêsus bèn cất tiếng phán rằng: Không phải mười người đều được sạch cả sao? Còn chín người kia ở đâu? Chỉ có người ngoại quốc nầy trở lại ngợi khen Đức Chúa Trời ư! Ngài lại phán rằng: Đứng dậy, đi; đức tin ngươi đã cứu ngươi.” Luca 17:11-19

Bệnh phung còn được gọi là bệnh hủi, là căn bệnh khó chữa bằng bất kỳ phương pháp điều trị hay loại thuốc nào. Mười người mắc căn bệnh nan y như vậy đã được sạch nhờ ân điển Thánh Linh của Đức Chúa Jêsus Christ. Thật là việc đáng cảm tạ biết bao! Nhưng chỉ có một người quay trở lại để tạ ơn Ngài. Đức Chúa Jêsus cũng phán rằng “Ta đã ban ân điển cho tất cả mười người, thế mà chỉ có một người trở lại để tạ ơn. Chín người còn lại đâu?”, Ngài cảm thấy tiếc cho họ.

Tín ngưỡng không biết cảm tạ cũng giống như thế này. Chúng ta dâng lên Đức Chúa Trời vô số lời cầu nguyện và Đức Chúa Trời đã đáp lời chúng ta một cách dư dật. Lẽ ra chúng ta phải ghi khắc trong lòng ân huệ Đức Chúa Trời luôn lắng nghe và ứng đáp kể cả lòng thành nhỏ bé của chúng ta, nhưng nếu coi đó là điều đương nhiên thì sẽ không cảm tạ được. Nếu chín người bị bệnh kia được chữa khỏi sau quá trình điều trị phức tạp suốt 10 hoặc 20 năm thông qua bác sĩ, có lẽ họ đã nói lời cảm ơn. Vì họ đã coi như thể tự khắc được chữa lành nên không cảm thấy cảm tạ.

Một người đã quay lại và tạ ơn là người đã nhận ra rằng mình đã được chữa lành bởi quyền năng kỳ diệu của Đấng Christ. Phải có sự nhận thức thì mới có thể cảm tạ. Thật khó để cảm tạ nếu nghĩ rằng hôm nay cũng trôi qua tốt đẹp và trải qua một tháng hoặc một năm suôn sẻ thuận lợi cũng là điều đương nhiên.

Đừng coi một cách mặc nhiên rằng hôm qua và hôm nay mọi sự đều ổn, mà hãy nghĩ đến Đức Chúa Trời, Đấng luôn ở cùng và giúp đỡ chúng ta. Chúng ta phải nhận ra tình yêu thương của Đức Chúa Trời đang dẫn dắt chúng ta ban ngày bởi trụ mây, ban đêm bởi trụ lửa, luôn ở bên chúng ta mỗi ngày, ngăn chặn mọi nguy hiểm và khó khăn, nâng đỡ chúng ta bằng đôi tay vô hình, hầu cho chúng ta có thể tiến bước đến con đường Nước Thiên Đàng. Phải mở to đôi mắt phần linh hồn và nhìn xem hình ảnh Cha Mẹ đang lao khổ vì chúng ta đến từng chi tiết nhỏ nhất, chúng ta mới có thể cảm tạ trong mọi sự.

Sinh hoạt điều chỉnh tiêu điểm vào sự cảm tạ

Kết quả phân tích điều tra tai nạn giao thông cho thấy tỷ lệ tai nạn trên đường thẳng cao hơn trên đường quanh co. Theo suy nghĩ thông thường, dường như có nhiều tai nạn trên những con đường quanh co, nhưng người lái xe giảm tốc độ và lái xe cẩn thận trên những con đường đó, còn trên đường bằng phẳng và thẳng tắp, họ lại bỏ qua nguy hiểm và dễ dàng chạy quá tốc độ.

Giống như những con đường quanh co và gồ ghề giúp cho việc lái xe an toàn hơn, đời sống tín ngưỡng cũng vậy. Đức tin không tăng trưởng khi quý vị luôn bước đi trên đại lộ thênh thang và chỉ có những ngày nắng đẹp đâu. Nếu quý vị chỉ mong muốn thời tiết quang đãng suốt bốn mùa mà không thích thời tiết âm u thì quý vị phải sống ở sa mạc. Làm sao cây cối và sinh vật có thể phát triển ở nơi không có một giọt mưa? Vì vậy, trong đời sống của chúng ta, đôi khi Đức Chúa Trời cũng ban những ngày quang đãng, những ngày mây mù và cả những ngày mưa.

“Hãy giữ, đừng có ai lấy ác báo ác cho kẻ khác; nhưng hãy tìm điều thiện luôn luôn, hoặc trong vòng anh em, hoặc đối với thiên hạ. Hãy vui mừng mãi mãi, cầu nguyện không thôi, phàm việc gì cũng phải tạ ơn Chúa; vì ý muốn của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jêsus Christ đối với anh em là như vậy.” I Têsalônica 5:15-18

“Phàm việc gì” nghĩa là tất cả mọi sự. Cảm tạ khi điều mình mong muốn được diễn ra, và cảm tạ kể cả khi khổ nạn xảy đến, đó là tư thế cảm tạ trong mọi sự. Trái đất này là thành ẩn náu phần linh hồn, nơi sinh sống của các tội nhân trên trời phạm tội, nên không phải ngày nào cũng có thể bình yên. Dù sinh hoạt trong thành ẩn náu đi kèm một chút khó khăn, nhưng Cha mong muốn chúng ta được trở về với Mẹ và quê hương trên trời, với sự nhận thức đúng đắn về lòng cảm tạ trong mọi sự.

Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta đến đỗi Ngài đã chịu đóng đinh trên thập tự giá thay cho chúng ta. Ngài yêu thương chúng ta đến đỗi đích thân Ngài đến chứ không để các thiên sứ thay thế. Sự khổ nạn Ngài ban cho các con cái yêu quý đến thế không đơn thuần là chướng ngại vật, mà còn là cơ hội và là sự huấn luyện để nuôi dưỡng cơ bắp của tấm lòng, những ai hoàn thành tốt khóa huấn luyện này sẽ đạt đến đức tin vững chắc và mạnh mẽ hơn.

Xin hãy luôn đặt tiêu điểm của cuộc sống vào sự cảm tạ, dù gặp bất kỳ ai hoặc làm bất kỳ việc gì. Trong đó có sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời. Người đặt tiêu điểm vào sự cảm tạ có quan điểm khác về cuộc sống. Đôi mắt oán giận, nghi ngờ hoặc do dự thì nhìn thấy chướng ngại vật, nhưng đôi mắt đức tin dựa trên lòng cảm tạ sẽ nhìn thấy con đường. Khi có tầm mắt đức tin, chúng ta sẽ thấy được sự quan phòng đúng đắn của Đức Chúa Trời là gì, và chướng ngại vật sẽ trở thành con đường.

Đavít cảm tạ Đức Chúa Trời suốt cuộc đời mình

Trong các tổ tiên đức tin, Đavít là người thực tiễn sự cảm tạ tốt nhất. Dù là việc nhỏ bé đến đâu, Đavít đều dâng cảm tạ lên Đức Chúa Trời, Đấng đã dựng nên trời đất và muôn vật. Sách Thi Thiên chứa đầy những bài thơ cảm tạ và tán dương mà Đavít đã để lại. Đức Chúa Trời đã gọi Đavít, người luôn cảm tạ trong mọi sự, là “người vừa lòng Ta” (Công Vụ Các Sứ Đồ 13:22).

Khi nhìn bằng tầm mắt thông thường, cuộc đời của Đavít không phải lúc nào cũng đáng để cảm tạ. Đavít đã trải qua nhiều ngày ở trong sự uy hiếp đến mạng sống vì bị vua Saulơ truy đuổi và phải chiến đấu chống lại kẻ thù. Ngay cả trong những năm cuối đời, thay vì tận hưởng bình an như một vị vua, ông đã sống cuộc đời bị truy đuổi bởi sự phản nghịch do con trai mình gây ra. Song, ngay cả trong những tình huống nguy hiểm nghìn cân treo sợi tóc, ông vẫn cảm tạ Đức Chúa Trời. Khi dò xem những bài thơ mà Đavít để lại, có thể thấy ông đã tôn kính Đức Chúa Trời đến dường nào, và dâng tôn quý cùng vinh hiển lên Ngài trong mọi việc.

“Đức Giêhôva là Đấng chăn giữ tôi; tôi sẽ chẳng thiếu thốn gì. Ngài khiến tôi an nghỉ nơi đồng cỏ xanh tươi Dẫn tôi đến mé nước bình tịnh. Ngài bổ lại linh hồn tôi, Dẫn tôi vào các lối công bình, vì cớ danh Ngài… Phước hạnh và sự thương xót sẽ theo tôi; Tôi sẽ ở trong nhà Đức Giêhôva Cho đến lâu dài.” Thi Thiên 23:1-6

“Đức Giêhôva hằng sống; đáng ngợi khen hòn đá lớn tôi! Nguyện Đức Chúa Trời, là hòn đá của sự chửng cứu tôi, được tôn cao! Tức là Đức Chúa Trời báo thù cho tôi, Khiến các dân tộc qui phục tôi. Ngài giải cứu tôi khỏi kẻ thù nghịch; Thật Chúa nâng tôi lên cao hơn kẻ dấy nghịch cùng tôi, Và cứu tôi khỏi người hung bạo. Vì vậy, Đức Giêhôva ôi! Tôi sẽ khen ngợi Ngài tại giữa các dân, Và ca tụng danh của Ngài. Đức Giêhôva ban cho vua của Ngài sự giải cứu lớn lao, Và làm ơn cho đấng chịu xức dầu của Ngài, Tức là cho Đavít và cho dòng dõi người, đến đời đời.” II Samuên 22:47-51

Lòng cảm tạ luôn không thiếu trong những lời cầu nguyện và nài xin của Đavít. Lý do khiến cuộc đời Đavít tràn đầy lòng cảm tạ là vì Đức Chúa Trời đã mở đôi mắt đức tin cho ông.

Đavít luôn suy nghĩ Đức Chúa Trời đã vất vả lao khổ thể nào vì mình và dân sự, ông cũng luôn tìm kiếm điều đáng cảm tạ. “Ngài cũng đã làm điều này vì tôi.” “Ngài cũng đã làm điều kia vì tôi.” Đavít đã bận tâm vì Đức Chúa Trời ban cho mình nhiều điều đến thế, nhưng bản thân thì sống trong cung điện bằng gỗ bá hương, còn hòm của Đức Chúa Trời chỉ ở dưới những bức màn. Nên Đavít đã quyết tâm xây dựng đền thờ cho Đức Chúa Trời. Trông thấy tấm lòng ấy của Đavít, Đức Chúa Trời càng ban thêm phước lành cho ông mà phán rằng, vì Đavít đã tham chiến và đổ máu nhiều nên con trai ông, tức là người kế vị ông, sẽ xây dựng đền thờ (I Sử Ký chương 17, 22).

“Tại trước mặt cả hội chúng, Đavít chúc tạ Đức Giêhôva mà rằng: Hỡi Giêhôva Đức Chúa Trời của Ysơraên, tổ phụ chúng tôi ôi! đáng chúc tạ Ngài cho đến đời đời vô cùng! Hỡi Đức Giêhôva! sự cao cả, quyền năng, vinh quang, toàn thắng, và oai nghi đáng qui về Ngài; vì muôn vật trên các từng trời và dưới đất đều thuộc về Ngài… Đức Chúa Trời chúng tôi ôi! chúng tôi cảm tạ Chúa và ngợi khen danh vinh hiển của Ngài. Nhưng tôi là ai, và dân sự tôi là gì, mà chúng tôi có sức dâng cách vui lòng như vậy? Vì mọi vật đều do nơi Chúa mà đến; và những vật chúng tôi đã dâng cho Chúa chẳng qua là đã thuộc về Chúa.” I Sử Ký 29:10-14

Đavít một lần nữa dâng cảm tạ lên Đức Chúa Trời khi ông cùng dân sự dâng hiến lên Ngài những lễ vật mà sau này Salômôn sẽ sử dụng khi xây dựng đền thờ. Ông vừa tán dương Đức Chúa Trời đã ban cho mọi thứ, vừa nói rằng “Vì mọi vật trên trời dưới đất đều thuộc về Đức Chúa Trời, nên dâng lên Đức Chúa Trời những gì chúng ta đã nhận được từ Ngài thật tuyệt vời biết bao?”.

Dù chúng ta có cảm tạ đến thế nào chăng nữa, thì vẫn thật quá thiếu sót so với ân huệ dư dật mà Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta. Từ giây phút chúng ta được sinh ra trên trái đất này, từ giây phút chúng ta tiếp nhận lẽ thật, hãy tìm kiếm ân huệ mà Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta từ những điều nhỏ bé nhất. Và hãy dâng cảm tạ lên Ngài. Đức Chúa Trời ban phước lành, đức tin và hạnh phúc lớn hơn cho những người cảm tạ.

Các thánh đồ tôn vinh Đức Chúa Trời bằng sự cảm tạ

Lòng cảm tạ không phụ thuộc vào bất kỳ hoàn cảnh hay môi trường nào. Một số vị hỏi “Làm sao có thể cảm tạ trong hoàn cảnh khó khăn được?”. Việc dâng cảm tạ trong cả tình huống thể ấy chính là lời dạy của Đức Chúa Trời. Các thánh đồ Hội Thánh sơ khai đã không mất đi lòng cảm tạ và niềm vui cho đến giờ phút cuối cùng, ngay cả trong sự bắt bớ và hoạn nạn. Ấy là bởi sự trông cậy về vương quốc trên trời lớn hơn những sự đau đớn mà họ trải qua trên trái đất này.

Vinh hoa và thú vui trên đất này mà người ta mong đợi sẽ biến mất trong chốc lát, nhưng chẳng phải vinh hiển mà chúng ta sẽ được hưởng trên trời là vĩnh cửu hay sao? Sự chúng ta được ở trong lẽ thật giao ước mới, nhận biết Cha Mẹ và ở trong Siôn, được cứu rỗi và được nhận lời hứa làm thầy tế lễ nhà vua trên trời, thật là điều đáng cảm tạ. Đức Chúa Trời sẽ ban phần thưởng tùy theo việc làm của chúng ta (Khải Huyền 22:12), nên chúng ta hãy trở thành những con cái luôn biết cảm tạ trong Đức Chúa Trời với niềm trông mong phần thưởng trên trời mà chúng ta sẽ được nhận lãnh trong tương lai.

“Kẻ nào dâng sự cảm tạ làm của lễ, tôn vinh ta; Còn người nào đi theo đường ngay thẳng, Ta sẽ cho thấy sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời.” Thi Thiên 50:23

Kinh Thánh Bản Dịch 2011 đã dịch đoạn này là “Kẻ nào dâng của lễ do lòng biết ơn là người biết tôn kính Ta; Ai cứ đi trong đường ngay lành Ta sẽ chỉ cho ơn cứu rỗi của Ðức Chúa Trời”. Người dâng vinh hiển lên Đức Chúa Trời và tôn vinh Ngài chính là người dâng tấm lòng cảm tạ lên Đức Chúa Trời.

Trái ngược với cảm tạ là phàn nàn. Những người không biết cảm tạ, những người phàn nàn sẽ không thể tôn vinh Đức Chúa Trời được. Sở dĩ sự phàn nàn rất nguy hiểm là vì phàn nàn hoạt động trên nền tảng của sự không vâng phục. Sự phàn nàn lớn lên từ tấm lòng không biết cảm tạ, khiến nảy sinh bất mãn về những điều Đức Chúa Trời phán lệnh, và rốt cuộc dẫn đến sự không vâng phục. Đức Chúa Trời thậm chí còn thề rằng người không vâng lời sẽ không được vào nơi yên nghỉ của Đức Chúa Trời, là xứ Canaan trên trời.

“Ngài lại thề với ai rằng không được vào sự yên nghỉ của Ngài? Há chẳng phải với những người không vâng lời sao?” Hêbơrơ 3:18

Kể cả trong 40 năm đồng vắng, hết thảy những người phàn nàn đều đã đi vào con đường hủy diệt rồi (I Côrinhtô 10:10). Sự phàn nàn và bất mãn khiến cuộc sống chúng ta chệch hướng khỏi con đường Nước Thiên Đàng. Xin hãy ghi nhớ điều này và cùng nhau nỗ lực để Siôn luôn tràn ngập lòng cảm tạ, vui mừng và tiếng ca hát thay vì phàn nàn.

Xin dâng cảm tạ vô hạn lên Đức Chúa Trời Êlôhim đã ban cho chúng ta phước lành cứu rỗi lớn lao, và xin cảm ơn các người nhà Siôn đã trung thành với vai trò lớn nhỏ của mình trong Tin Lành. Khi nhìn lại, thật có nhiều vị mà tôi phải cảm ơn. Chúng ta cũng đừng quên cảm ơn những người mà chúng ta biết ơn. Người dâng cảm tạ nhiều chắc chắn sẽ nhận được phước lành từ Đức Chúa Trời. Tôi mong các quý vị sẽ thực tiễn tốt sự cảm tạ là lời dạy của Đức Chúa Trời Cha Mẹ, và trở thành các thánh đồ dâng cảm tạ đời đời lên Cha Mẹ, cả dưới đất này và trên Nước Thiên Đàng.