Các nhà lãnh đạo toàn cầu cứu rỗi thế giới

6,043 lượt xem

Chúng ta có thể xem truyền hình trực tiếp World Cup được tổ chức ở châu Phi ngay tại nhà. Chỉ với một cú nhấp chuột, chúng ta có thể nắm được tin tức hiện tại từ khắp nơi trên thế giới. Một cái hắt hơi từ người nhiễm bệnh có thể lây virút sang cho người ở phía bên kia thế giới. Thị trường tài chính của một cường quốc chao đảo cũng có thể khiến thị trường tài chính toàn cầu hỗn loạn.

Thế kỷ 21 chúng ta đang sống thực sự là thời đại toàn cầu hóa. Biên giới quốc gia đang dần bị xóa nhòa. Cư dân trên khắp thế giới đang dễ dàng xích lại gần nhau hơn. Ngay tại chính thời điểm này, thế giới đang tìm kiếm một lãnh đạo siêu quốc gia phù hợp với thời đại toàn cầu hóa.

Thế giới hẹp và cơ hội rộng mở

Thuật ngữ “toàn cầu” (global) là tính từ của từ “trái đất” (globe). Dịch theo đúng nghĩa đen thì “toàn cầu” có nghĩa là có một thứ gì đó bao trùm cả thế giới. Biểu hiện “ngôi làng toàn cầu” có lẽ sẽ quen thuộc với chúng ta hơn. Nhờ sự phát triển của giao thông vận tải, chúng ta có thể ra nước ngoài hay đi đến bất cứ nơi đâu chỉ trong một ngày. Bên cạnh đó, thế giới còn đang được kết nối bởi mạng lưới Internet khổng lồ. Vậy nên thế giới đã trở nên gần gũi đến mức có thể ví với “ngôi làng toàn cầu”.

Xét từ góc độ kinh tế, các thị trường tài chính đang phát triển trên quy mô toàn cầu. Sản phẩm được sản xuất ở một nước được tiêu dùng ở nhiều nước khác nhau, và các sản phẩm được sản xuất ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới cũng đang đổ về một nước nào đó. Chúng ta đang sống trong thế giới nơi mà mọi thứ như con người, tiền tệ, ngân hàng, chính trị và văn hóa (như âm nhạc và phim ảnh) có thể tự do vượt qua biên giới.

Mỗi năm chỉ tính riêng tại Hàn Quốc, lượng người ra nước ngoài lên tới 10 triệu người; lượng người nước ngoài đến thăm Hàn Quốc cũng vượt quá 5 triệu người. Ở Hàn Quốc, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp người nước ngoài trên đường phố. Số lượng gia đình đa văn hóa cũng đang tiếp tục tăng lên. Người dân từ khắp nơi trên thế giới đang dần có ảnh hưởng sâu vào đời sống của chúng ta. Giờ đây, chúng ta đang sống trong quá trình toàn cầu hóa.

Thomas Friedman, nhà báo kiêm tác giả của tờ New York Times đã dùng cụm từ “Thế giới phẳng” để mô tả sân chơi kinh tế bình đẳng do toàn cầu hóa tạo ra. Ông nói rằng sân chơi cạnh tranh toàn cầu đang được san bằng. Điều này giúp cho hàng tỷ người trên thế giới cộng tác và cạnh tranh bình đẳng bất kể sự khác biệt về vị trí địa lý, văn hóa hay ngôn ngữ. Đúng như ông nói, trong thế kỷ 21 này, mọi vùng đất trên thế giới đều liên quan mật thiết đến nhau nên rất khó để sống tách biệt với thế giới bên ngoài.

Giờ đây, cư dân trên khắp thế giới đều là láng giềng. Điều này thúc đẩy sự phát triển chung thông qua hợp tác, cùng nhau giải quyết các vấn đề về chính trị, kinh tế và môi trường thay vì chỉ cạnh tranh lẫn nhau một cách vô điều kiện. Theo đó, mọi lĩnh vực đều đòi hỏi mỗi người phải có năng lực làm việc ở bất cứ nơi đâu, thậm chí ngay cả tại những vùng có nhiều người khác biệt về chủng tộc, văn hóa và nền tảng ngôn ngữ.

Họ là “những nhà lãnh đạo toàn cầu” vượt qua sân khấu nhỏ trong khu vực và có năng lực đối thoại với mọi người từ khắp nơi trên thế giới trên trường quốc tế lớn.

Thách thức đối với những nhà lãnh đạo toàn cầu để hướng tới thế giới lớn hơn

Kể từ khi một người Hàn Quốc được chọn làm Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, người thường được gọi là tổng thống của cộng đồng thế giới, những nhà lãnh đạo toàn cầu ở Hàn Quốc đang ngày càng nhiệt tình hăng hái hơn nữa. Sách và những tài liệu liên quan đến lãnh đạo toàn cầu đang tràn vào Hàn Quốc. Trẻ em dễ dàng nói rằng chúng sẽ trở thành những nhà lãnh đạo toàn cầu, tích cực và chủ động làm việc cho các tổ chức và doanh nghiệp quốc tế. Nhiều chương trình với mục đích ươm mầm tài năng toàn cầu cũng mọc lên nhanh chóng ở các trường học, từ tiểu học đến cao học.

Lãnh đạo là người có năng lực dẫn dắt những người khác. Một trong những đặc tính của nhà lãnh đạo toàn cầu là phải làm việc trên trường quốc tế hoặc làm việc cùng mọi người trên khắp thế giới. Làm việc với người lạ trong môi trường xa lạ là điều đáng sợ. Vậy nên có người đã ví lãnh đạo toàn cầu với cá hồi.

Dù sinh sống ở quê hương vùng nước ngọt có thoải mái đến đâu chăng nữa thì sau khi nở, cá hồi cũng không ở lại đó mà ngược sông hướng ra biển lớn. Giống như vậy, thay vì bằng lòng với thực tại, lãnh đạo toàn cầu là những người dám theo đuổi giấc mơ lớn và can đảm bước ra thế giới.

Thế giới quá rộng lớn nên chúng ta cần phải mở rộng tầm nhìn thay vì chỉ tranh đua với những người xung quanh trong khu vực của chúng ta. Nếu cứ chỉ xoay quanh bản thân và bị cuốn vào công việc của riêng mình, chúng ta sẽ dễ dàng bị bỏ lại đằng sau mà không thể trông thấy thế giới lớn hơn.

Nếu chỉ nhìn lên bầu trời từ cái giếng, chúng ta sẽ không thể biết bầu trời rộng và đẹp đẽ đến mức nào. Chúng ta cần phải có tầm nhìn rộng hơn và chuyển hướng tầm mắt của chúng ta ra thế giới có nhiều tiềm năng hơn. Sau khi thoát khỏi tầm nhìn hạn hẹp như con ếch ngồi trong đáy giếng rồi, chúng ta phải chủ động thách thức bản thân để nhảy ra khỏi cái giếng.

Cho đến khi thích nghi được với thế giới mới thì việc chúng ta phải trải qua khó khăn, đau đớn, thất bại và thất vọng là điều đương nhiên. Thế nhưng, giống như con sâu được hóa thành bướm sau khi vượt qua nỗi đau lột xác, chúng ta cũng có thể trở thành nhân vật chính của toàn cầu trong tương lai, khi chúng ta bước ra thế giới với mục tiêu rõ ràng và thực hiện bằng tinh thần sôi nổi nhiệt huyết.

Tư duy toàn cầu – khiêm tốn và hầu việc

Khi nhắc đến lãnh đạo toàn cầu, hầu hết mọi người đều nghĩ đến một người có khả năng nói ngoại ngữ thành thạo. Họ coi đó là một vị trí cao mà không phải ai cũng có thể đạt được. Dĩ nhiên, để sánh vai với thế giới thì cũng cần phải có kiến thức chuyên môn. Khả năng ngoại ngữ cũng cần thiết cho cuộc giao tiếp được trôi chảy. Tuy nhiên không phải cứ thạo kĩ năng và giỏi ngoại ngữ là có thể trở thành lãnh đạo đâu. Điều quan trọng hơn cả điều kiện bên ngoài chính là có “tư duy”.

Giám đốc điều hành của một công ty toàn cầu đã nói rằng “Từng người là khác biệt. Mỗi người sống trong môi trường khác nhau, có đời sống khác nhau. Bởi vậy, họ có cách suy nghĩ khác nhau và hành động khác nhau. Để trở thành nhà lãnh đạo toàn cầu, trước hết bạn phải nhận biết điều này. Bạn cũng phải quan tâm và tôn trọng những người khác với mình. Khi tiếp cận họ bằng đức tính khiêm tốn, bạn sẽ chứng tỏ được khả năng lãnh đạo đẳng cấp toàn cầu.”

Như giám đốc điều hành đã nói, có vô số những rào cản như chủng tộc, tôn giáo, ngôn ngữ và hệ tư tưởng trong thế giới này, nơi mà mọi thứ đều khác biệt. Tuy nhiên, chúng ta có thể vượt qua những rào cản này khi tự hạ mình xuống. Nếu chúng ta bỏ đi thái độ kiêu ngạo và suy nghĩ ở vị trí của người khác ngay từ những điều nhỏ nhặt bằng sự quan tâm, thì điều này sẽ chạm đến tấm lòng của mọi người, và họ sẽ tự mình phá bỏ những bức tường ngăn cách ấy. Đây chính là “tư duy toàn cầu”.

Do đó, tất cả những nhà lãnh đạo toàn cầu thành công đều nói nhân cách khiêm tốn là điều kiện chính để trở thành lãnh đạo toàn cầu. Theo lời họ, cho dù ai đó có nhiều kiến thức và học thức bên cạnh năng lực ngoại ngữ và vị trí cao, nếu không có nhân cách tốt thì người đó sẽ không thể lấy được lòng của bất kỳ ai.

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Tập đoàn sân bay quốc tế Incheon, người đã góp phần đưa sân bay Incheon trở thành sân bay tốt nhất thế giới, đã chỉ ra bốn yếu tố then chốt để thành công. Đó là niềm đam mê, sự tự tin, khiêm tốn và cẩn trọng. Ông cũng nói thêm “Bạn phải tự hạ mình xuống. Hễ ai làm việc với tính tự phụ thì chắc chắn sẽ thất bại. Bạn nên cố gắng bù đắp những yếu điểm của mình trong suốt cả cuộc đời và tìm điều gì đó để học hỏi từ bất cứ người nào. Bất kể gặp ai, khi bạn quan tâm đến họ, đối xử với họ bằng sự tôn trọng thì cuối cùng, họ sẽ cảm nhận được sự chân thành của bạn.

Giới lãnh đạo toàn cầu dẫn dắt các thành viên trong tổ chức của mình bằng quyền lực khác với quyền lực trên cương vị của một ông chủ/bà chủ hay chủ tịch. Người lãnh đạo có sức ảnh hưởng đến bất cứ ai với sự hào phóng, quan tâm trong sự khiêm tốn.

Không nhất thiết phải trở thành lãnh đạo. Nếu có tư duy rộng mở và thái độ khiêm tốn như vậy, bạn sẽ là nhà lãnh đạo chân chính mà thế giới cần – một công dân toàn cầu có thể dịch chuyển thế giới.

Các nhà lãnh đạo toàn cầu cứu rỗi thế giới

Theo dòng chảy của lời tiên tri, Tin Lành giao ước mới gần như đã đạt đến đích bởi đã được truyền bá tới xứ Samari cho đến cùng trái đất. Khi chúng ta nhìn vào thế giới truyền giáo rộng lớn được dẫn dắt bởi Đức Chúa Trời là Đấng muốn cứu rỗi cả thế giới, chúng ta cần có tầm nhìn như thế nào? Chúng ta đã có tầm nhìn rộng lớn chưa? Giờ là lúc chúng ta phải có tầm nhìn toàn cầu thay vì chỉ suy nghĩ trong phạm vi địa vực hay Hội Thánh của chúng ta.

Muôn dân trên khắp thế giới đang than thở trước những tai vạ đang xảy ra gần như hàng ngày, về cuộc sống khó khăn ở nơi thế giới ngày càng trở nên tàn nhẫn này. Chúng ta không nên chỉ ngồi nhìn họ đau đớn thêm nữa. Giờ là lúc chúng ta phải có đức tin lớn hơn và tầm nhìn rộng hơn để có thể dạn dĩ rao truyền tin tức tốt lành của sự cứu rỗi cho tất cả mọi người trong khi chia sẻ với nỗi đau của họ và cầu nguyện cho thế giới.

Trái đất nhìn từ phía bên kia của vũ trụ chẳng khác gì mảy bụi, rất khó để thấy (Êsai 40:15). Nếu nhìn trông thế giới thiên sứ rộng lớn đang ở trước mắt, chúng ta sẽ không còn chăm chú vào những điều nhỏ nhặt nữa, hay coi thế giới này là lớn lao và đáng sợ nữa. Thế giới chỉ là một hòn đá bên lề trên con đường đến Nước Thiên Đàng mà thôi.

Đức Chúa Trời luôn ở cùng với những người không chút do dự và bước ra thế giới cho đến tận thời khắc cuối cùng của thời đại, và biến họ thành những nhà lãnh đạo toàn cầu dẫn dắt muôn dân thông qua Tin Lành.

“Đừng sợ, vì ta ở cùng ngươi: ta sẽ khiến dòng dõi ngươi đến từ phương đông, và nhóm họp ngươi từ phương tây. Ta sẽ bảo phương bắc rằng: Hãy buông ra! và bảo phương nam rằng: Chớ cầm lại làm chi! Hãy đem các con trai ta về từ nơi xa, đem các con gái ta về từ nơi đầu cùng đất, tức là những kẻ xưng bằng tên ta, ta đã dựng nên họ vì vinh quang ta; ta đã tạo thành và đã làm nên họ.” Êsai 43:5-7

“Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báptêm cho họ,và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế.” Mathiơ 28:19-20

Tuy nhiên khi chúng ta đi ra muôn dân và rao truyền Tin Lành cho họ, ngay cả khi chúng ta rao truyền thành thạo chăng nữa, nhưng nếu chúng ta chỉ rao truyền thông điệp ấy thôi thì rất khó để mở ra tấm lòng của những người có lối suy nghĩ, tôn giáo và văn hóa khác biệt. Với tư cách là người dẫn dắt Tin Lành, chúng ta phải chuẩn bị cái chén lớn của đức tin đủ để ôm ấp thế giới trước đã. Chúng ta cần phải bao dung với tất cả mọi người mà không có định kiến, và có sự quan tâm đối với hoàn cảnh của họ. Nhà lãnh đạo toàn cầu cần phải có thái độ khiêm nhường và tư duy thể này giống như Đấng Christ.

“Hãy có đồng một tâm tình như Đấng Christ đã có, Ngài vốn có hình Đức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ; chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người; Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự. Cũng vì đó nên Đức Chúa Trời đã đem Ngài lên rất cao, và ban cho Ngài danh trên hết mọi danh, hầu cho nghe đến danh Đức Chúa Jêsus, mọi đầu gối trên trời, dưới đất, bên dưới đất, thảy đều quì xuống, và mọi lưỡi thảy đều xưng Jêsus Christ là Chúa, mà tôn vinh Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha.” Philíp 2:5-11

Đức Chúa Trời Cha đã đến trái đất này để cứu rỗi con cái là các tội nhân, làm gương cho chúng ta bằng chính sự hy sinh và hầu việc người khác của Ngài. Ngay lúc này, Mẹ đang hầu việc chúng ta, chăm sóc nhiều cho chúng ta bằng sự quan tâm ân cần và chu đáo. Mẹ đã tự hạ mình xuống và đích thân dẫn dắt chúng ta. Tình yêu thương đầy hy sinh của Mẹ làm cảm động thế giới, vượt qua cả quốc tịch và chủng tộc. Kết quả là giờ đây, muôn dân muôn nước đang liên tục cùng nhóm lại mà đến với Mẹ.

Chung quy lại, điều răn hay quyền uy của Đức Chúa Trời không phải điều giúp chúng ta hoàn thành Tin Lành giao ước mới đâu. Chính tình yêu thương của Mẹ, Đấng vẫn đang hy sinh bản thân Ngài vì các con cái bằng duy chỉ sự khiêm nhường và hầu việc, đang dẫn dắt thế giới đến sự cứu rỗi và hoàn thành Tin Lành một cách đáng ngạc nhiên vào thời đại này.

Tất cả chúng ta đều được gọi làm người dẫn dắt Tin Lành, tức các đấng tiên tri vào thời đại này, là những người có sứ mệnh cứu rỗi thế giới. Giống như sứ đồ Phaolô đã noi theo tấm gương của Đức Chúa Jêsus 2000 năm trước (I Côrinhtô 9:19) mà phục mọi người, hầu cho cứu rỗi được nhiều linh hồn hơn, chúng ta cũng phải đối đãi với các anh chị em bằng sự khiêm nhường như người hầu việc; đồng thời dẫn dắt nhiều linh hồn xung quanh chúng ta noi theo tấm gương của Mẹ, nhờ đó Tin Lành sẽ được hoàn thành nhanh chóng.

Chúng ta cứ cố chấp cá tính của riêng mình và còn do dự cho đến chừng nào? Chúng ta hãy có tầm nhìn rộng hơn với đức tin, tư duy cởi mở để có thể ôm ấp thế giới và cùng nhau bước vào công cuộc truyền giáo thế giới. Mọi người đang sống cuộc sống của riêng mình ở nhiều nước trên thế giới – từ xa đến gần, nhưng hết thảy linh hồn họ đều đang mong ngóng, khát khao tình yêu thương của Mẹ.

Tình yêu thương của Mẹ được phản chiếu thông qua sự khiêm nhường và hầu việc. Ấy chính là chìa khóa then chốt để mở ra tâm trí muôn dân trên thế giới bất kể quốc tịch, chủng tộc, văn hóa hay tôn giáo. Giờ chúng ta hãy trở thành những nhà lãnh đạo toàn cầu chân thật dẫn dắt thế giới đến sự cứu rỗi – đến với Mẹ bằng cách dạn dĩ đi ra hết thảy các nước và chạm đến tấm lòng họ bằng sự khiêm tốn và hầu việc theo như tấm gương của Mẹ.