Người Được Đức Chúa Trời Dùng

14,550 lượt xem

Đức Chúa Trời đã phán rằng khi những người được giao phó chức vụ của giao ước mới ghi khắc sâu sắc trong lòng hai chữ “khiêm nhường” thì Tin Lành của Đức Chúa Trời sẽ được phát triển thịnh vượng. Từ những đấng tiên tri được Đức Chúa Trời gọi trước, đến những người nhà mới bắt đầu cuộc sống đức tin, tất thảy chúng ta hãy cùng suy nghĩ về sự khiêm nhường, và phải trở thành những người giúp việc của Tin Lành có mĩ đức khiêm nhường.

Hãy có đồng một tâm tình khiêm nhường của Đấng Christ

“… nhưng hãy khiêm nhường, coi người khác như tôn trọng hơn mình. Mỗi một người trong anh em chớ chăm về lợi riêng mình, nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa. Hãy có đồng một tâm tình như Đấng Christ đã có. Ngài vốn có hình Đức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ; chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự.” Philíp 2:1-8

Thông qua tấm gương của Đức Chúa Jêsus Christ, chúng ta có thể biết được tầm quan trọng của sự khiêm nhường. Khiêm nhường chính là tâm tình của Đấng Christ. Đức Chúa Trời, là Vua của mọi vua, đã đến trái đất này, thế mà loài người không hề nhận ra Ngài, và đối xử với Ngài tuỳ theo ý muốn của họ. Dù bị chúng ta, là các tội nhân, chế giễu và miệt thị, nhưng Đấng Christ vẫn làm tấm gương lặng lẽ nhịn nhục và luôn khiêm nhường để cứu rỗi chúng ta. Thông qua câu “tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết”, chúng ta cũng có thể hiểu ra rằng sự khiêm nhường mà Đấng Christ làm gương là thế nào.

Nếu là con cái của Đức Chúa Trời, thì chúng ta cũng cần phải giống cả phẩm tánh khiêm nhường của Đức Chúa Trời. Trong quá trình kiếm tìm các anh chị em bị lạc mất, phẩm tánh cũng chiếm một vai trò hết sức quan trọng.

Mục đích đức tin của chúng ta là sự cứu rỗi linh hồn (I Phierơ 1:9). Sự cứu rỗi được bắt đầu từ sự ăn năn hối cải, sự ăn năn hối cải được bắt đầu từ sự khiêm nhường. Theo đó có thể nói rằng nền tảng của sự cứu rỗi chính là sự khiêm nhường. Không khiêm nhường thì sẽ phát sinh phân rẽ, ghen ghét, đố kỵ, cãi vã. Trái lại, người khiêm nhường không hề có kẻ thù.

Thông qua tất thảy lịch sử trong Kinh Thánh, chúng ta có thể thấy rằng Đức Chúa Trời không hề dùng người tự xưng là có sự khôn ngoan và thông sáng. Đức Chúa Trời cũng không dùng người tự xưng mình ưu việt hơn người khác. Bởi vì những người như vậy chú tâm vào việc xây dựng vương quốc của bản thân họ hơn là đi tiên phong trong việc xây dựng vương quốc của Đức Chúa Trời. Vì họ không tiến hành công việc theo như phương pháp và lời phán của Đức Chúa Trời, mà định tiến hành công việc Tin Lành của Đức Chúa Trời theo phương pháp của riêng họ, nên họ làm những việc không khớp với sự quan phòng mà Đức Chúa Trời đã định sẵn. Đó là lý do Đức Chúa Trời không dùng những người như vậy.

Sở dĩ Đức Chúa Trời đã chọn những ngư dân thấp hèn như Phierơ, hoặc Giăng, Giacơ làm môn đồ là bởi có lý do xứng đáng để Ngài làm như vậy. Họ là những người không tự nâng cao bản thân, cũng không hề nghĩ rằng tự mình làm tốt một điều gì đó. Những người như vậy không định xây dựng riêng vương quốc của họ. Họ chỉ luôn nghĩ rằng “Tôi không biết làm bất cứ điều gì, nên tôi sẽ tiếp nhận ý muốn của Đức Chúa Trời, và làm việc theo như lời phán của Ngài.”

Vì Đức Chúa Trời dùng những người như vậy, nên để được Đức Chúa Trời dùng, chúng ta cũng phải trở thành người khiêm nhường hơn nữa, để trở thành cái chén quí báu được sử dụng trong việc rao truyền ý muốn của Đức Chúa Trời. Giống như chúng ta làm theo lời dạy dỗ lẽ thật, thì tấm lòng và hành động của chúng ta khi hoàn thành công việc Tin Lành cũng phải theo phương hướng mà Đức Chúa Trời yêu cầu.

“Hỡi anh em, hãy suy xét rằng ở giữa anh em là những kẻ được gọi, không có nhiều người khôn ngoan theo xác thịt, chẳng nhiều kẻ quyền thế, chẳng nhiều kẻ sang trọng. Nhưng Đức Chúa Trời đã chọn những sự dại ở thế gian để làm hổ thẹn những kẻ khôn; Đức Chúa Trời đã chọn những sự yếu ở thế gian để làm hổ thẹn những sự mạnh; Đức Chúa Trời đã chọn những sự hèn hạ và khinh bỉ ở thế gian, cùng những sự không có, hầu cho làm những sự có ra không có, để chẳng ai khoe mình trước mặt Đức Chúa Trời.” I Côrinhtô 1:26-29

Những người được Đức Chúa Trời lựa chọn là những người như trên. Đức Chúa Trời không dùng những người tự đề cao sự thông sáng và khôn ngoan của bản thân. Bởi những người như vậy sau khi tiến hành một việc gì đó thì thường có suy nghĩ rằng “Chính bản thân tôi đã làm việc này.” Họ bày tỏ sự công bình của họ lớn lao hơn sự công bình của Đức Chúa Trời.

Hồi trước có một người nhà nói với tôi rằng “Tôi cũng thích mục sư giảng đạo tốt, thế nhưng cứ ở cạnh mục sư giảng đạo tốt thật lâu, thì tôi khó có thể trông thấy Đức Chúa Trời, do Ngài bị che khuất bởi khuôn mặt của mục sư.” Tôi thật ấn tượng với câu nói của người nhà ấy.

Nói như vậy không có nghĩa là giảng đạo dở mới là tốt. Lời ấy có nghĩa rằng thông qua giảng đạo thì Đức Chúa Trời phải được xuất hiện nhiều hơn và chiếm giữ vị trí lớn hơn nữa trong tấm lòng của chúng ta, thế mà chỉ nghĩ đến mục sư thì ấy là sai lầm lớn.

Trước mặt người nhà, chúng ta chỉ phải đóng vai trò cái gương để phản chiếu Đức Chúa Trời thôi. Nếu có người nhà nào đề cao những người chăn chiên rao giảng lời của Đức Chúa Trời, thì từ giờ xin đừng nhìn những người chăn chiên ấy trong bất cứ trường hợp nào, mà hãy nhìn vào Đức Chúa Trời được phản chiếu thông qua những người chăn chiên ấy. Nếu người rao truyền lời của Đức Chúa Trời đóng vai trò vượt quá tầm của cái gương thì thật là nguy hiểm.

Tại sao Đức Chúa Trời đã không ưu tiên dùng những người có học thức và sự thông sáng giữa nhiều người thế gian? Bởi khi những người ấy được Đức Chúa Trời dùng thì Đức Chúa Trời sẽ không được trông thấy do bị che khuất bởi danh tiếng của những người ấy. Những người ấy chỉ gắng nâng cao danh tiếng của bản thân thông qua Đức Chúa Trời, chứ tuyệt đối không hề gắng sức vun trồng danh của Đức Chúa Trời vào lòng của loài người thế gian.

Chúng ta phải bày tỏ ra vinh hiển của Đức Chúa Trời thông qua hành vi của chúng ta. Đây mới chính là đức tin đúng đắn. Chúng ta tuyệt đối không nên quên rằng bổn phận của chúng ta chính là kính sợ Đức Chúa Trời và bày tỏ ra vinh hiển của Ngài.

Chúng ta chỉ là tội nhân không hơn không kém. Chúng ta phải hiểu ra sự thật rằng vì Đức Chúa Trời thương xót và ban ân điển cho chúng ta mà chúng ta mới có ngày hôm nay, và dù có ở vị trí chỉ đạo và dẫn dắt người nhà thì chúng ta cũng phải luôn thương xót và an ủi người nhà bằng tấm lòng khiêm nhường.

Vua Nêbucátnếtsa đã trở nên khiêm nhường khi hiểu ra công việc của Đức Chúa Trời

“… Đây chẳng phải là Babylôn lớn mà ta đã dựng, bởi quyền cao cả ta, để làm đế đô ta, và làm sự vinh hiển oai nghi của ta sao? Lời chưa ra khỏi miệng vua, thì có tiếng từ trên trời xuống rằng: Hỡi vua Nêbucátnếtsa, đã báo cho ngươi biết rằng: Ngôi nước đã lìa khỏi ngươi. Ngươi sẽ bị đuổi khỏi giữa loài người, sẽ ở với thú đồng; sẽ bị buộc phải ăn cỏ như bò, rồi bảy kỳ sẽ trải qua trên ngươi, cho đến khi ngươi biết rằng Đấng Rất Cao cai trị trong nước của loài người, và Ngài muốn ban cho ai tuỳ ý. Trong chính giờ đó, lời nói ấy đã ứng nghiệm cho vua Nêbucátnếtsa, vua bị đuổi khỏi giữa loài người; ăn cỏ như bò; thân thể vua phải thấm nhuần sương móc trên trời, cho đến tóc vua cũng mọc như lông chim ưng, móng vua thì giống như móng loài chim chóc. Đến cuối cùng những ngày đó, ta đây, Nêbucátnếtsa, ngước mắt lên trời, trí khôn đã phục lại cho ta, và ta xưng tạ Đấng Rất Cao. Ta bèn ngợi khen và làm sáng danh Đấng sống đời đời… Trong lúc đó, trí khôn phục lại cho ta, ta lại được sự vinh hiển của ngôi nước ta, sự oai nghi chói sáng trở lại cho ta; những nghị viên và đại thần ta lại chầu ta. Ta lại được lập lên trên ngôi nước, sự uy nghi quyền thế ta càng thêm. Bây giờ, ta, Nêbucátnếtsa, ngợi khen, tôn vinh, và làm cả sáng Vua trên trời; mọi công việc Ngài đều chân thật, các đường lối Ngài đều công bình; và kẻ nào bước đi kiêu ngạo, Ngài có thể hạ thấp nó xuống.” Đaniên 4:30-37

Dù Nêbucátnếtsa, vua Babylôn, là vua nước ngoại bang, nhưng Đức Chúa Trời đã nhiều lần cho Nêbucátnếtsa thấy công việc lớn lao để ông có thể cảm nhận được Đức Chúa Trời. Thông qua sự kiện của Sađơrắc, Mêsác, Abết Nêgô, Đức Chúa Trời cũng cho Nêbucátnếtsa biết về tồn tại của Đức Chúa Trời. Và khi Nêbucátnếtsa có tấm lòng kiêu ngạo, thì Đức Chúa Trời đã phán giọng tiếng từ trên trời xuống, đuổi Nêbucátnếtsa khỏi ngôi vua. Khi Nêbucátnếtsa có được tấm lòng khiêm nhường thì Đức Chúa Trời đã ban lại cho ông sự khôn ngoan, thông sáng, và khôi phục lại ngôi vua cho ông.

Vào chính giây phút Nêbucátnếtsa nghĩ rằng chính mình đã dựng nên đại quốc bởi năng lực và quyền thế của mình, thì Đức Chúa Trời đã ban cho ông ấy lòng của thú đồng. Vì tấm lòng kiêu ngạo rằng “Chính bản thân tôi đã làm việc thế này” mà Nêbucátnếtsa đã bị đuổi khỏi ngôi vua và bị hạ thấp xuống đến mức không thể còn thấp hơn được nữa. Chỉ sau khi Nêbucátnếtsa ăn cỏ như bò; thân thể vua phải thấm nhuần sương móc trên trời, cho đến tóc vua cũng mọc như lông chim ưng, móng vua thì giống như móng loài chim chóc, thì vua mới hiểu ra tầm quan trọng của sự khiêm nhường. Kinh Thánh đã ghi chép rằng vua Nêbucátnếtsa đã ngợi khen Vua trên trời sau khi hiểu ra rõ sự thật rằng “Đức Chúa Trời có thể hạ thấp người kiêu ngạo xuống.”

Vấn đề khiêm nhường là một vấn đề không chỉ giới hạn ở thời đại Cựu Ước, mà nối tiếp từ quá khứ đến hiện tại, và cả tới tận tương lai, nó cũng là một vấn đề không thể tách rời khỏi lẽ thật. Bởi vì bước chân đầu tiên của sự cứu rỗi được bắt đầu từ sự khiêm nhường. Trong khi làm công việc Tin Lành, chúng ta cũng phải chú ý đến vấn đề này.

Tuy chúng ta có thể suy nghĩ rằng “Chính bản thân tôi đã làm việc này” nhưng thực ra không phải bản thân chúng ta làm, mà đó là Đức Chúa Trời đã giao phó công việc Ngài sẽ làm hoàn thành cho bất cứ ai mà Ngài lấy tên người đó mà gọi. Hễ cứ được Đức Chúa Trời gọi tên và giao phó cho bất cứ chức vụ nào như địa vực trưởng, khu vực trưởng, truyền đạo sư, mục sư, thì người ấy sẽ được Đức Chúa Trời ban cho năng lực để có thể hoàn thành tốt chức vụ được giao phó.

Hãy mang theo tấm lòng kiêm nhường để rao truyền Tin Lành

Nếu có những người nhà cầu xin Đức Chúa Trời cho kết nhiều trái, và sự khôn ngoan, thì ngay hôm nay hãy thực tiễn sự khiêm nhường trước tiên. Đức Chúa Trời đã gọi tội nhân chúng ta vào giữa ân điển của Ngài, và cho chúng ta tham dự vào vị trí vinh hiển này. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để chúng ta cảm tạ Đức Chúa Trời. Nếu thực lòng cảm tạ thì dù Đức Chúa Trời phán rằng từ giờ hãy hầu việc các anh chị em khác suốt đời, thì chúng ta cũng làm được như vậy, phải không? Khi rao truyền Tin Lành bằng tấm lòng kiêm nhường như vậy thì vinh hiển và phước lành của Siôn sẽ trở lại và thuộc về chúng ta.

Sứ đồ Phaolô cũng đã rao truyền Tin Lành bằng tấm lòng khiêm nhường như vậy.

“Bấy giờ, Phaolô sai người ở thành Milê đi tới thành Êphêsô, mời các trưởng lão trong Hội thánh đến. Khi các người ấy đã nhóm cùng người, người nói rằng: Từ ngày tôi mới đến cõi Asi, hằng ngày ăn ở luôn với anh em cách nào, anh em vẫn biết, tôi hầu việc Chúa cách khiêm nhường, phải nhiều nước mắt…” Công Vụ Các Sứ Đồ 20:17-19

“Vả, tôi (Phaolô) đối với ai vẫn cũng là được tự do, mà tôi đành phục mọi người, hầu cho tôi được nhiều người hơn.” I Côrinhtô 9:19

Từ khi sinh ra, sứ đồ Phaolô vốn đã có quyền công dân La Mã được công nhận bởi đặc quyền đương thời, là người có nhiều học thức và tinh thông luật pháp. Nói tóm lại, Phaolô có đủ tất thảy mọi điều kiện để có thể tự nâng cao bản thân mình.

Tuy nhiên, Phaolô đã không khoe mình về những điều này, ngược lại, trong khi rao truyền Tin Lành, Phaolô đã khiêm nhường tự hạ thấp bản thân mình đến mức nói rằng “Tôi đành phục mọi người.” Nhờ đó Phaolô đã rời khỏi con đường đối nghịch với Đức Chúa Trời, và được trở thành sứ đồ trong các sứ đồ được nhận ân điển của Đức Chúa Trời.

“Cũng khuyên bọn trẻ tuổi, hãy phục theo các trưởng lão. Hết thảy đối đãi với nhau phải trang sức bằng khiêm nhường; vì Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo mà ban ơn cho kẻ khiêm nhường. Vậy, hãy hạ mình xuống dưới tay quyền phép của Đức Chúa Trời, hầu cho đến kỳ thuận hiệp Ngài nhắc anh em lên.” I Phierơ 5:5-6

Kiêu ngạo là đối nghịch với Đức Chúa Trời. Nếu đứng ở vị trí đối nghịch với Đức Chúa Trời thì tất thảy mọi sự tiếp trợ của Đức Chúa Trời bị cắt đứt. Người vốn có sự khôn ngoan sẽ đánh mất sự khôn ngoan, người vốn kết nhiều trái sẽ không thể kết trái, người vốn được nhận phước lành sẽ bị cắt đứt mọi phước lành. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời ban thêm ơn lớn hơn nữa cho người kiêm nhường.

“… nhưng Ngài lại ban cho ta ơn lớn hơn nữa. Vì vậy, Kinh thánh chép rằng: Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường.” Giacơ 4:5-6

Việc chúng ta là người đối nghịch với Đức Chúa Trời hay không, hoặc là người được nhận ơn của Đức Chúa Trời hay không, cũng phụ thuộc vào hai chữ “khiêm nhường”. Nếu muốn cầu xin ơn của Đức Chúa Trời thì chúng ta phải vâng phục từ việc nhỏ nhất, và phải có đức tin khiêm nhường, khiêm tốn. Các anh chị em có muốn rao truyền Tin Lành bởi đồng một tâm tình khiêm nhường của Đấng Christ, và lấp đầy Siôn bởi ơn của Đức Chúa Trời hay không?

Nếu muốn được nhận nhiều tình yêu thương từ Đức Chúa Trời, muốn được nhận nhiều sự khôn ngoan thông sáng, và muốn được kết nhiều trái tốt, thì trên hết là chúng ta phải đứng ở lập trường khiêm nhường. Có như thế thì khi đến kỳ thuận hiệp Đức Chúa Trời sẽ nhắc chúng ta lên.

Không có sự phân biệt sang hèn trong công việc Tin Lành. Dù là việc nhỏ đến thế nào chăng nữa, dù là việc khó khăn, nguy hiểm đến đâu đi nữa, nhưng nếu ấy là việc vì người nhà của chúng ta thì thật là việc có ý nghĩa. Dù là công việc nhỏ bé đến mức không lọt vào tầm mắt của người nhà khác, tuy nhiên Đức Chúa Trời đều dõi theo tất thảy. Chỉ đảm đương những việc khó khăn không lọt vào tầm mắt người nhà khác, không có nghĩa là Đức Chúa Trời không biết nỗi khó nhọc ấy đâu, ngược lại Đức Chúa Trời sẽ ban cho người làm công việc khó nhọc ấy nhiều trái hơn, và ban thêm cả năng lực rao truyền lời của Đức Chúa Trời nữa.

Con đường Tin Lành mà chúng ta đang bước đi phải là con đường mà chính Đức Chúa Trời đã bước đi trước. Bởi đó chính là con đường chính xác, đúng đắn và nhanh nhất. Tin Lành không được hoàn thành bởi suy nghĩ của loài người mà được hoàn thành khi chúng ta thực tiễn tất thảy mọi lời dạy dỗ của Đức Chúa Trời. Chỉ những người thực tiễn lời dạy dỗ của Đức Chúa Trời mới cảm nhận được phước lành được ban cho khi vâng phục lời của Ngài.

Khi Đức Chúa Trời phán hãy khiêm nhường, thì chúng ta phải có tấm lòng và thái độ khiêm nhường thì tất thảy mọi công việc Tin Lành kể cả việc truyền đạo sẽ được thạnh vượng. Chúng ta phải học theo giáo huấn của Cha Mẹ, là Đấng đích thân thực hiện tấm gương khiêm tốn. Chúng ta hãy trở thành các con cái vâng phục và tin vào lời hứa của Đức Chúa Trời rằng Đức Chúa Trời sẽ ban cho nhiều trái tốt khi chúng ta trở nên khiêm nhường.

Những người giống như đứa trẻ sẽ được vào Nước Thiên Đàng

Ngay cả Gióp, đấng tiên tri của đức tin, cũng được Đức Chúa Trời yêu cầu sự khiêm nhường.

“Khi người ta gây cho mình bị hạ xuống, thì ông sẽ nói rằng: Hãy chỗi lên! Còn kẻ khiêm nhường Đức Chúa Trời sẽ cứu rỗi.” Gióp 22:29

Thông qua lời này, chúng ta cũng có thể biết rằng sự cứu rỗi được ban cho chúng ta, được bắt đầu từ sự khiêm nhường. Đức Chúa Jêsus cũng giáo huấn về nội dung này như sau:

“Trong lúc đó, môn đồ lại gần Đức Chúa Jêsus, mà hỏi rằng: Ai là người lớn hơn hết trong nước thiên đàng? Đức Chúa Jêsus gọi một đứa trẻ đến, để ở giữa môn đồ, mà phán rằng: Quả thật, ta nói cùng các ngươi, nếu các ngươi không đổi lại và nên như đứa trẻ, thì chẳng được vào nước thiên đàng đâu. Vậy, hễ ai trở nên khiêm nhường như đứa trẻ nầy, sẽ là lớn hơn hết trong nước thiên đàng.” Mathiơ 18:1-4

Những đứa trẻ không có một chút quyền uy nào cả. Những đứa trẻ chỉ luôn nghĩ rằng bản thân mình thiếu thốn nên luôn làm theo lời của cha mẹ. Hơn nữa, những đứa trẻ cũng luôn trông cậy vào cha mẹ. Dù làm bất cứ điều gì, những đứa trẻ cũng đều luôn cần cánh tay của cha mẹ. Dù phải đi đến nơi xa xôi một chút, những đứa trẻ cũng nằng nặc đòi cha mẹ đưa đi.

Chúng ta cũng phải cần Đức Chúa Trời như những đứa trẻ này. Thay vì suy nghĩ rằng “Tưởng gì chứ việc này tôi cũng có thể làm được” mà phải có tấm lòng biết suy nghĩ rằng “Mặc dù tôi biết làm việc này, nhưng nếu Đức Chúa Trời ban cho sự khôn ngoan, và cho phép phương pháp ân huệ hơn, thì tôi sẽ đạt được kết quả tốt đẹp gấp mười lần, hai mươi lần hơn điều tôi mong đợi, nên trước tiên tôi sẽ cầu xin Đức Chúa Trời.” Đây chính là tấm lòng của đứa trẻ.

Thế nên Đức Chúa Jêsus đã phán rằng muốn được vào Nước Thiên Đàng thì phải có tấm lòng như đứa trẻ. Việc cầu xin Đức Chúa Trời trước tiên là hành động ân huệ của những người khiêm nhường.

Người được Đức Chúa Trời dùng là người khiêm nhường. Tôi mong tất thảy chúng ta đều đồng hành cùng Đức Chúa Trời trong bất cứ việc gì, và biết coi sự khiêm nhường là mĩ đức tốt đẹp nhất, để được nhận nhiều phước lành từ Đức Chúa Trời. Tôi mong tất thảy các anh chị em Siôn hãy trung tín với công việc Tin Lành và vâng phục lời của Đức Chúa Trời bằng tấm lòng và thái độ khiêm nhường, để được nhận nhiều tình yêu thương của Đức Chúa Trời và được kết nhiều trái tốt dư dật.