Chúng ta đang gắng sức dâng vinh quang lên Đức Chúa Trời bằng những hành động thiện lành và đang làm cho danh của Đức Chúa Trời được rạng ngời bằng cách rao truyền Tin Lành. Rốt cục tất cả những điều này cũng chính là vì bản thân chúng ta. Đức Chúa Trời Mẹ cũng đã dạy dỗ rằng khi dâng vinh hiển lên Đức Chúa Trời thì sự vinh hiển ấy được trở lại và thuộc về mình.
Việc bày tỏ ra vinh quang của Đức Chúa Trời là một đức hạnh quan trọng nhất đối với người dân của Đức Chúa Trời. Rất nhiều lời tiên tri Kinh Thánh đã bày tỏ sự thật rằng chúng ta là người dân được sáng tạo ra vì vinh quang của Đức Chúa Trời. Hãy cùng xem Kinh Thánh để có được sự thông sáng hiểu biết rằng chúng ta là tồn tại như thế nào, và khi đi con đường đức tin như thế nào thì mới bày tỏ ra vinh quang của Đức Chúa Trời nhiều nhất.
Có một người cha và con trai đang đi du lịch đường dài trên đường bộ. Những quang cảnh đẹp đẽ như tranh vẽ bên lề đường làm vui mắt người khách bộ hành đang mệt mỏi vì quãng đường du lịch dài.
Bị lôi cuốn bởi quang cảnh xung quanh, người con trai bắt đầu xin cha đừng đi tới điểm đích, mà hãy dựng lều và sống ở nơi này. Do con trai khẩn thiết cầu xin, nên người cha đã cho phép nghỉ ngơi ở nơi này vài ngày rồi lại đi tiếp. Người con trai rất thích thú về điều này, đã không chỉ dựng lều mà còn bẻ các nhánh cây để dựng hàng rào nữa. Người cha đã nói với con trai rằng:
“Này con, không cần phải dốc sức trang trí như thế đâu. Chỉ vài ba hôm nữa chúng ta sẽ dời nơi này và phải đi về đích, tức là quê hương chúng ta, nên con đừng để tâm quá nhiều về nơi này.”
Nhưng người con trai đã không hề quan tâm tới lời của cha mình, đã dồn hết nhiệt tình xây hàng rào bằng những nhánh cây rắn chắc, và trồng nhiều loại hoa xung quanh nữa. Cứ như thể dường như đó là nơi mà người con sẽ sống suốt đời vậy.
Giống như hình ảnh của người cha và người con trai trong câu chuyện trên, cuộc sống của chúng ta trên trái đất này cũng là cuộc du hành của khách bộ hành. Điểm đích của cuộc du hành của chúng ta chính là quê hương Nước Thiên Đàng vĩnh cửu.
Để dẫn dắt chúng ta về Nước Thiên Đàng vĩnh cửu, Đức Chúa Trời Cha luôn dạy dỗ chúng ta không được quên quê hương, nhưng chúng ta, là con cái của Ngài, lại luôn quên mất điều đó. Người con trai bị đắm say bởi cảnh trí xung quanh mà dựng nhà trang trí vườn tược đẹp đẽ, rồi muốn sống tại nơi đó. Giống như vậy, chúng ta cũng bỏ qua tai lời giục mau trở về nhà của Cha, thỉnh thoảng lại có những trường hợp dồn hết tâm trí vào cuộc sống này hơn là tìm kiếm nước của Đức Chúa Trời sắp đến gần.
Tất nhiên cuộc sống hiện thực tạm thời ở thế gian này cũng quan trọng. Nhưng chúng ta không được quên Nước Thiên Đàng, là điểm đích còn quan trọng hơn. Rất mong các anh chị em hãy nhìn lại bản thân mình một lần, xem liệu mình có đang vừa suy nghĩ về điểm đích, là Nước Thiên Đàng, vừa sống cuộc sống tiến bước mạnh mẽ không, hoặc ngược lại mình có đang bị hút hồn chỉ bởi những cái nhìn thấy trước mắt khiến sự trông cậy vào Nước Thiên Đàng bị mờ nhạt đi hay không.
Chúng ta là những kẻ khách bộ hành đang trên đường hướng về Nước Thiên Đàng. Trong cuộc du hành này, nhất định chúng ta phải bày tỏ ra vinh quang của Đức Chúa Trời thì mới tiến đến được điểm đích cuối cùng, là Nước Thiên Đàng. Bởi chúng ta là những tồn tại được sáng tạo ra vì vinh quang của Đức Chúa Trời.
“… Hãy đem các con trai ta về từ nơi xa, đem các con gái ta về từ nơi đầu cùng đất, tức là những kẻ xưng bằng tên ta, ta đã dựng nên họ vì vinh quang ta; ta đã tạo thành và làm nên họ.”Êsai 43:1-7
“Còn dân ngươi, hết thảy sẽ là công bình. Họ sẽ hưởng được xứ nầy đời đời; ấy là nhánh ta đã trồng, việc tay ta làm, để ta được vinh hiển. Kẻ rất nhỏ trong vòng họ sẽ nên một ngàn, còn kẻ rất hèn yếu sẽ trở nên một dân mạnh. Ta, Đức Giêhôva, sẽ nôn nả làm điều ấy trong kỳ nó!”Êsai 60:21-22
Đấng tiên tri Êsai đã giải thích rằng những người dân của Đức Chúa Trời, tức là con cái của Ngài, là tồn tại bày tỏ ra vinh quang của Đức Chúa Trời. Và tiên tri rằng khi bày tỏ ra vinh quang của Đức Chúa Trời, thì kẻ rất nhỏ trong vòng họ sẽ nên một ngàn, còn kẻ rất hèn yếu sẽ trở nên một dân mạnh.
Vậy hãy thông qua lịch sử xưa kia trong Kinh Thánh để tìm hiểu xem chúng ta, là những người được sáng tạo vì vinh quang của Đức Chúa Trời, phải làm gì thì mới bày tỏ được nhiều nhất vinh quang của Ngài.
“Naaman, quan tổng binh của vua Syri,… người nầy vốn mạnh mẽ và bạo dạn, song bị bịnh phung. Vả, có một vài toán dân Syri đi ra bắt một đứa gái nhỏ của xứ Ysơraên làm phu tù, để hầu hạ vợ Naaman. Một ngày kia, nó nói với bà chủ mình rằng: Ôi! Chớ chi chúa tôi đi đến cùng ông tiên tri ở Samari! Người sẽ giải cứu chúa tôi khỏi bịnh phung… Vậy, Naaman đến với ngựa và xe, dừng tại cửa nhà Êlisê. Êlisê sai một sứ giả nói với người rằng: Hãy đi tắm mình bảy lần dưới sông Giôđanh, thịt ngươi tất sẽ trở nên lành, và ngươi sẽ được sạch. Nhưng Naaman nổi giận, vừa đi vừa nói rằng: Ta nghĩ rằng chính mình người sẽ đi ra đón ta, đứng gần đó mà cầu khẩn danh Giêhôva Đức Chúa Trời của người, lấy tay đưa qua đưa lại trên chỗ bịnh và chữa lành kẻ phung. Abana và Bạtba, hai sông ở Đamách, há chẳng tốt hơn các nước trong Ysơraên sao?… Những tôi tớ đến gần người, mà thưa rằng: Cha ơi, nếu tiên tri có truyền cho cha một việc khó, cha há chẳng làm sao? người bảo cha rằng: “Hãy tắm, thì được sạch.” Người bèn xuống sông Giôđanh, và tắm mình bảy lần, theo như lời truyền của người Đức Chúa Trời. Người liền được sạch, và thịt người trở nên như trước, giống như thịt của một đứa con nít nhỏ.”II Các Vua 5:1-14
Ngày xưa bệnh phung là bệnh bất trị, đến nỗi được gọi là “thiên bệnh”, tức là hình phạt do trên trời giáng xuống. Naaman, quan tổng binh của vua Syri, đã mắc phải bệnh này, và mang theo hy vọng mỏng manh mà tìm đến đấng tiên tri Êlisê của nước Ysơraên. Nhưng dù quan tổng binh của một đất nước tìm đến, vậy mà đấng tiên tri Êlisê của Đức Chúa Trời không thèm ra đón, lại chỉ cho truyền lời rằng đi tắm mình bảy lần dưới sông Giôđanh, thì sẽ được sạch bệnh phung.
Naaman đã rất nổi giận vì đã nghĩ rằng đấng tiên tri sẽ dùng nghi lễ hoành tráng để chữa trị bệnh cho mình. Giả sử lúc đó Naaman hành động theo tình cảm của bản thân mà không vâng lời Đức Chúa Trời, thì quyền năng và vinh quang của Đức Chúa Trời tuyệt đối đã không được bày tỏ ra rồi.
Khi coi trọng suy nghĩ của bản thân hơn lời của Đức Chúa Trời thì nổi giận, nhưng khi nghe lời khuyên của những kẻ tôi tớ, vâng theo lời của Đức Chúa Trời thì bệnh phung đã được sạch sẽ một cách đáng ngạc nhiên. Đến lúc đó Naaman mới nhận ra quyền năng và tồn tại của Đức Chúa Trời, nên đã dâng vinh quang lên Đức Chúa Trời.
Như vậy, khi chúng ta vâng theo lời của Đức Chúa Trời, thì vinh quang của Đức Chúa Trời được bày tỏ ra rực rỡ. Rốt cục, những người có đức tin vâng phục Đức Chúa Trời chính là những người bày tỏ ra vinh quang của Đức Chúa Trời nhiều nhất, rực rỡ nhất. Giống như trường hợp của Naaman, khi vâng phục Đức Chúa Trời, thì không chỉ bày tỏ vinh quang của Đức Chúa Trời ra khắp thế gian, mà còn đem lại kết qủa ân điển và hạnh phúc cho bản thân mình nữa.
Lịch sử bày tỏ ra vinh quang của Đức Chúa Trời bằng vâng phục, liên tiếp được tái diễn trong Kinh Thánh. Sách Giôsuê chương 6 có ghi chép lịch sử Đức Chúa Trời lật đổ thành Giêricô. Sau khi làm phép cắt bì và giữ Lễ Vượt Qua, Giôsuê và người dân Ysơraên đã vâng theo lời của Đức Chúa Trời tấn công vào thành Giêricô.
“Vả, Giêricô đã đóng cửa mình cách nghiêm nhặt trước mặt dân Ysơraên, không người nào vào ra. Đức Giêhôva phán cùng Giôsuê rằng: Kìa, ta đã phó Giêricô, vua, và các chiến sĩ mạnh dạn của nó vào tay ngươi. Vậy, hết thảy các ngươi, là chiến sĩ, hãy đi vòng chung quanh thành một bận; phải làm như vậy trong sáu ngày. Bảy thầy tế lễ sẽ đi trước hòm giao ước cầm bảy cái kèn tiếng vang; nhưng qua ngày thứ bảy, các ngươi phải đi vòng chung quanh thành bảy bận, và bảy thầy tế lễ sẽ thổi kèn lên. Khi những thầy tế lễ thổi kèn vang, các ngươi vừa nghe tiếng kèn, hết thảy dân sự phải la tiếng lớn lên, thì vách thành sẽ sập xuống, rồi dân sự sẽ leo lên, mỗi người ngay trước mặt mình.”Giôsuê 6:1-5
“Nhưng ngày thứ bảy các người đó dậy sớm, vừa tưng sáng, và y như cách trước, đi chung quanh thành bảy lần; chỉ nội ngày đó họ đi chung quanh thành bảy lần. Lần thứ bảy, những thầy tế lễ thổi kèn, thì Giôsuê nói cùng dân sự rằng: Hãy la lên; vì Đức Giêhôva đã phó thành cho các ngươi… Vậy, dân sự la lên, và những thầy tế lễ thổi kèn. Vừa khi dân sự nghe tiếng kèn, bèn la lớn lên, và vách thành liền ngã sập…”Giôsuê 6:15-20
Đó là thành Giêricô kiên cố dường như không thể đánh chiếm được. Đó là một thứ dân khổng lồ to lớn đến nỗi mà khi so sánh về tạng người thì thứ dân đó giống như loài người, còn người dân Ysơraên chỉ như cào cào mà thôi. Nhưng bởi quyền năng của Đức Chúa Trời, vách thành Giêricô đã ngã sập trong khoảnh khắc.
Vậy, vinh quang này của Đức Chúa Trời đã được bày tỏ ra bằng cách nào? Chính đức tin vâng phục của Giôsuê và người dân Ysơraên đã làm nên kết qủa bày tỏ vinh quang của Đức Chúa Trời ra khắp thế gian.
Ghêđêôn cũng như vậy. Khi Đức Chúa Trời ra lệnh cho Ghêđêôn đem theo chỉ 300 người đi đánh 135.000 quân địch, nếu Ghêđêôn nghĩ đó là việc không thể làm được và không vâng theo lời của Đức Chúa Trời thì có lẽ đã phải gánh chịu kết qủa không ân huệ rồi. Nhưng Ghêđêôn đã vâng phục, nên Đức Chúa Trời đã làm nên lịch sử kỳ diệu và bày tỏ ra vinh quang của Ngài. Đức Chúa Trời đã khiến cho quân địch Mađian chém lẫn quân mình và bị tiêu diệt. Đó chính là kết qủa của đức tin vâng phục.
Kinh Thánh đang chứng minh sự thật rằng vào bất kỳ thời đại nào, khi vui lòng vâng phục ý muốn của Đức Chúa Trời và thực tiễn việc đó, thì quyền năng đáng ngạc nhiên của Đức Chúa Trời luôn được bày tỏ ra và Đức Chúa Trời được nhận vinh quang.
Đức Chúa Jêsus Christ đã bày tỏ ra vinh quang lớn lao của Đức Chúa Trời bằng cách lật đổ quyền thế của ma quỉ, giải phóng cho nhân loại đang làm tôi mọi cho tội lỗi và sự chết. Chúng ta hãy xem Đấng Christ đã bày tỏ ra vinh quang của Đức Chúa Trời bằng tâm tình như thế nào cho tới khi hoàn thành công việc này.
“Hãy có đồng một tâm tình như Đấng Christ đã có, Ngài vốn có hình Đức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ; chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người; Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự. Cũng vì đó nên Đức Chúa Trời đã đem Ngài lên rất cao, và ban cho Ngài danh trên hết mọi danh, hầu cho nghe đến danh Đức Chúa Jêsus, mọi đầu gối trên trời, dưới đất, bên dưới đất, thảy đều quì xuống, và mọi lưỡi thảy đều xưng Jêsus Christ là Chúa, mà tôn vinh Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha.”Philíp 2:5-11
Nếu xét theo Ba Vị Thánh Nhất Thể, thì Đức Chúa Jêsus là Bản Thể Đức Chúa Trời. Nhưng Đức Chúa Jêsus đã vâng phục cho đến chết để bày tỏ ra vinh hiển của Đức Chúa Trời, và làm gương cho chúng ta. Chính vì vậy Kinh Thánh đã chép rằng Đức Chúa Jêsus đã được tôn vinh, được đem lên rất cao, được ban cho danh trên hết mọi danh.
Kể cả Đức Chúa Trời mặc áo xác thịt cũng hoàn thành mọi lịch sử kỳ diệu bởi lòng vâng phục tuyệt đối “vâng phục cho đến chết”, và vừa bày tỏ ra vinh quang của Đức Chúa Trời, vừa được nhận vinh quang. Chúng ta phải ghi nhớ điều này. Sự vâng phục là con đường tối cao để bày tỏ ra vinh quang của Đức Chúa Trời.
Vậy Kinh Thánh đã ghi chép ai là người vâng phục nhất theo tấm gương của Đấng Christ? Sứ đồ Giăng đã trông thấy rằng mười bốn vạn bốn ngàn thánh đồ sẽ xuất hiện vào thời đại cuối cùng chính là những người vâng phục nhất. Thế nên, Kinh Thánh đã chép về mười bốn vạn bốn ngàn rằng “Chiên Con đi đâu, những kẻ nầy theo đó” (Khải Huyền 14:1-5).
Nếu là ý muốn của Đức Chúa Trời thì những người này không hề bất mãn mà vui lòng làm theo. Đó là những người có đức tin vui lòng đi theo tất cả mọi nơi mà Chiên Con dẫn dắt, dù có là đường đồng vắng, dù có là đường chông gai. Vì những người này có đức tin vâng phục như thế này cho nên sách Êsai chương 60 chép rằng những người đó sẽ bày tỏ ra vinh quang của Đức Chúa Trời.
Không vâng phục thì vinh quang của Đức Chúa Trời không thể được bày tỏ ra. Giôsuê và người dân Ysơraên cũng đã vâng phục lời của Đức Chúa Trời nên mới tận mắt chứng kiến cảnh tượng lạ lùng là vách thành Giêricô tự ngã sập. Họ đã không làm gì khác ngoài việc chỉ vâng phục theo y nguyên lời của Đức Chúa Trời. Điều đó đã mang lại kết qủa bày tỏ ra vinh quang của Đức Chúa Trời.
Thế nên, Kinh Thánh vừa giải thích rằng mười bốn vạn bốn ngàn xuất hiện vào thời đại cuối cùng của lịch sử 6000 năm cứu rỗi là những người vâng phục đi theo bất cứ nơi nào mà Chiên Con dẫn dắt, đồng thời tiên tri rằng bởi những người này mà ánh sáng vinh quang của Đức Chúa Trời sẽ được tỏa sáng rực rỡ vào thời đại cuối cùng.
Lịch sử được ghi chép trong Kinh Thánh cho chúng ta thấy rằng mỗi khi vâng phục Đức Chúa Trời bằng đức tin thì vinh quang của Đức Chúa Trời được bày tỏ ra, nhưng khi không vâng phục Đức Chúa Trời thì không những vinh quang của Ngài không được bày tỏ, mà những kẻ không vâng phục ấy còn bị rơi vào bất hạnh nữa. Nỗi bất hạnh của vua Saulơ là một ví dụ điển hình. Vua Saulơ đã tự theo ý của riêng mình, không vâng phục lời của Đức Chúa Trời, nên đã bị Ngài bỏ rơi. Thông qua điều này Đức Chúa Trời dạy dỗ chúng ta rằng “sự vâng lời tốt hơn của tế lễ”.
“Samuên nói: Đức Giêhôva há đẹp lòng của lễ thiêu và của lễ thù ân bằng sự vâng theo lời phán của Ngài ư? Vả, sự vâng lời tốt hơn của tế lễ; sự nghe theo tốt hơn mỡ chiên đực; sự bội nghịch cũng đáng tội bằng sự tà thuật; sự cố chấp giống như tội trọng cúng lạy hình tượng Bởi ngươi đã từ bỏ lời của Đức Giêhôva, nên Ngài cũng từ bỏ ngươi không cho ngươi làm vua.”I Samuên 15:22-23
Thông qua những nội dung này, có thể thấy rằng vấn đề mà chúng ta cần phải giải quyết trên đường du hành hướng về Nước Thiên Đàng chính là việc chúng ta vâng theo lời của Đức Chúa Trời được bao nhiêu, phải bày tỏ ra vinh quang của Đức Chúa Trời nhiều hơn bằng sự vâng phục như thế nào. Về điều này, sự vâng phục của sứ đồ Phierơ trở thành tấm gương mẫu mực cho chúng ta.
Ngư dân Phierơ đã thức suốt đêm để đánh cá nhưng lại trở về với đôi bàn tay trắng, Đức Chúa Jêsus đã biểu Phierơ, đang trong trạng thái mệt mỏi, chèo ra ngoài sâu, thả lưới mà đánh cá. Dầu vậy, Phierơ đã theo lời Đức Chúa Jêsus mà thả lưới. Khi thấy bầy cá đầy ắp trong lưới, Phierơ đã rất ngạc nhiên. Phierơ đã bày tỏ ra vinh quang của Đức Chúa Trời bằng đức tin vâng phục đẹp đẽ, nên rốt cục đã nhận được vị trí vinh quang của một trong mười hai sứ đồ với tư cách là “tay đánh lưới người” tiếp nhận Đấng Christ (Tham khảo: Luca 5:1-11).
Đức tin vâng phục làm theo lời của Đức Chúa Trời vừa cho thấy điều kỳ diệu đáng ngạc nhiên, vừa đem lại kết quả ân huệ và bày tỏ ra vinh quang của Đức Chúa Trời.
Giờ chúng ta cũng hãy mang theo đức tin giống như Phierơ có thể “làm theo lời” đối với tất cả các lời dạy của Đức Chúa Trời. Có như vậy, chúng ta mới trở thành con cái Nước Thiên Đàng bày tỏ vinh quang của Đức Chúa Trời ra khắp thế giới.
Nếu đã định vâng phục, thì đừng giống như Naaman nổi giận theo cảm tính của mình rồi mới vâng phục, mà hãy giống như Phierơ theo lời Đức Chúa Trời và vâng phục ngay lập tức. Như thế chẳng ân huệ hơn hay sao? Đức Chúa Trời đang sẵn sàng phạt mọi kẻ chẳng vâng phục khi sự vâng phục của chúng ta được trọn vẹn (II Côrinhtô 10:6).
Người bày tỏ ra vinh quang của Đức Chúa Trời nhiều nhất là những người có đức tin vui lòng đi theo bất kỳ nơi đâu mà Đức Chúa Trời dẫn dắt. Mong các người nhà Siôn vừa nghĩ tới tất cả các lịch sử vâng phục như lịch sử của Naaman, Giôsuê, Ghêđêôn, tấm gương của Đức Chúa Jêsus và Phierơ…, vừa vâng theo lời của Đức Chúa Trời với tư cách là nhân vật chính của lời tiên tri, là mười bốn vạn bốn ngàn được vinh hiển.