Các người nhà trên trời ở khắp nơi trên thế giới đang siêng năng rao truyền Tin Lành theo lời phán của Đức Chúa Trời Mẹ rằng hãy rao truyền hy vọng cứu rỗi cho nhân loại đang rên rỉ bởi tai ương và tai nạn. Trong khi hết thảy cùng đồng lòng thúc đẩy việc hoàn thành Tin Lành, Nước Thiên Đàng vĩnh cửu cũng đang đến gần hơn từng phút.
Trong ngày chúng ta bước vào Nước Thiên Đàng, Đức Chúa Trời sẽ làm cho tên của các con cái đã dẫn dắt nhiều người về sự công bình được tỏa sáng như các ngôi sao, và sẽ ban đầy ắp phần thưởng trên trời cho những lao khổ của họ (Đaniên 12:3, Khải Huyền 22:12). Trong thời đại thu hoạch phần linh hồn này, chúng ta hãy cùng xem làm thế nào để có thể kết trái Thánh Linh, trái lúa mì đẹp đẽ để dâng vinh hiển lên Đức Chúa Trời.
Có câu tục ngữ rằng “Trồng hạt đậu thì ra hạt đậu. Trồng đậu đỏ thì ra đậu đỏ (Gieo nhân nào gặt quả nấy)”. Song, vòng đời của đậu được chia thành hai loại chính. Dù cùng là hạt đậu, nhưng tùy vào môi trường chúng sinh trưởng mà có hạt thì trở thành “giá đỗ”, có hạt lại trở thành “cây đậu”.
Giá đỗ mọc trong chậu được đặt trong phòng ấm áp với nguồn cung cấp nước dồi dào. Giá đỗ phát triển bình yên và an toàn trong môi trường có nhiệt độ, độ ẩm thích hợp, và có đủ mọi điều kiện cần thiết cho sự phát triển, nhưng giá đỗ lại không sinh trái được. Mặt khác, hạt đậu được trồng dưới đất trong môi trường hoang dã lại khó bén rễ và nảy mầm. Nó chịu đựng cơn khát, nắng nóng, mưa sa bão táp, rồi cuối cùng phát triển mạnh mẽ đến mức được gọi là cây đậu và sinh ra trái nhiều gấp trăm lần.
Giá đỗ sống trong môi trường tối ưu nhưng không sinh trái, còn cây đậu mọc trong môi trường khắc nghiệt thì sinh ra nhiều trái, vòng đời của chúng như thế mang lại nhiều bài học cho chúng ta, những người đang gắng sức kết trái Tin Lành. Nguyên lý phần linh hồn cũng tương tự, thoạt nhìn có vẻ như sẽ kết trái tốt hơn nếu các điều kiện cần thiết cho việc truyền đạo Tin Lành được đáp ứng 100%, nhưng thực tế thì không phải vậy. Sẽ không bao giờ có được điều kiện trọn vẹn hoàn hảo và an toàn 100%, và giả sử môi trường thể ấy được ban cho chăng nữa thì không phải lúc nào cũng đem đến kết quả vô điều kiện.
Nguyên lý này cũng được bày tỏ trong quãng thời gian Hội Thánh của Đức Chúa Trời chúng ta đã trải qua cho đến nay. Hàng năm, khi phân tích môi trường Tin Lành ở mỗi Hội Thánh địa phương rồi dò xem kết quả, thì nhiều lần phát hiện ra trường hợp ở nơi có điều kiện khắc nghiệt, khó khăn và thiếu thốn lại kết trái Tin Lành nhiều hơn so với những nơi mà mọi điều kiện đã được sắm sửa một cách dư dật. Giống như cây đậu sinh trái sau khi vượt qua môi trường khắc nghiệt như nắng nóng và gió mạnh, Đức Chúa Trời cho phép chúng ta kết nhiều trái đẹp đẽ khi chúng ta nhẫn nhịn và vượt qua mọi hoàn cảnh khó khăn.
Đây là lý do Đức Chúa Trời ban sự khổ nạn cho các con cái yêu dấu của Ngài. Môi trường mà trái Tin Lành được sinh ra không phải là nơi nào khác mà chính là môi trường có sự khổ nạn và thử thách. Vì thế, Tin Lành được gọi là “khổ nạn tốt đẹp”. Khổ nạn không chỉ đơn thuần là điều khiến cho chúng ta đau đớn, nhưng trong đó có sự quan phòng của Đức Chúa Trời để về sau ban phước lành cho chúng ta.
“… Ấy là Ngài đã dẫn ngươi đi ngang qua đồng vắng mênh mông gớm ghiếc này, đầy những rắn lửa, bò cạp, đất khô khan chẳng có nước; Ngài khiến nước từ hòn đá rất cứng phun ra cho ngươi; lại trong đồng vắng, Ngài ban cho ngươi ăn mana mà tổ phụ ngươi chưa hề biết, để hạ ngươi xuống và thử ngươi, hầu về sau làm ơn cho ngươi.” Phục Truyền Luật Lệ Ký 8:14-16
Cuộc hành trình của người dân Ysơraên từ khi ra khỏi Êdíptô cho đến khi đi vào xứ Canaan đượm sữa và mật, đã không hề suôn sẻ chút nào. Có nhiều mối nguy hiểm rình rập, đôi khi thiếu nước uống, cũng có khi người dân rơi vào sự tôn kính hình tượng bởi âm mưu của dân ngoại. Nhiều người dân đã phàn nàn và bất bình rồi ngã chết trong đồng vắng, nhưng Đức Chúa Trời vẫn ban xứ Canaan cho những người đã thắng lợi cho đến cuối cùng kể cả trong những thử thách thể ấy.
Lịch sử Cựu Ước này là hình bóng Đức Chúa Trời bày tỏ cho chúng ta, những người ngày nay đang bước đi trên con đường đức tin hướng đến Nước Thiên Đàng vĩnh cửu, là xứ Canaan trên trời. Có đủ loại khó khăn, thử thách và sai lầm không ngừng xảy ra trong hành trình nhân sinh của Cơ Đốc nhân, những người đang tiến bước đến Nước Thiên Đàng. Song, Đức Chúa Trời đã phán bảo chúng ta hãy vác thập tự giá mình mà theo Ngài (Mathiơ 16:24), và Ngài đã sắm sẵn nhiều trái nhất ở nơi có thập tự giá phần linh hồn lớn nhất.
“Vì như những sự đau đớn của Đấng Christ chan chứa trong chúng tôi thể nào, thì sự yên ủi của chúng tôi bởi Đấng Christ mà chứa chan cũng thể ấy.” II Côrinhtô 1:5
Đương nhiên, mọi người thường có xu hướng dành nhiều sự quan tâm và cổ vũ cho người đang vật lộn và tiến bước trên con đường gồ ghề hiểm hóc, hơn là người đang đi trên con đường an toàn và thoải mái. Đối với các con cái đang hướng đến Nước Thiên Đàng trong sự khổ nạn và tự gánh vác thập tự giá của mình, Đức Chúa Trời cũng đồng hành cùng và chăm sóc họ bằng tình yêu thương lớn lao hơn. Tôi mong các quý vị càng tiến bước mạnh mẽ hơn trong khi tin rằng nơi có nhiều khổ nạn thì sự yên ủi của Đức Chúa Trời cũng sẽ tuôn tràn ra, và càng là hoàn cảnh có vẻ bất tiện thì càng có nhiều trái Tin Lành đã được sắm sẵn.
Sứ đồ Phaolô đã chép về ý nghĩa của nhiều sự khổ nạn mà Cơ Đốc nhân phải chịu như sau.
“Chúng tôi cũng vì anh em mà khoe mình cùng các Hội thánh của Đức Chúa Trời, vì lòng nhịn nhục và đức tin anh em trong mọi sự bắt bớ khốn khó đương chịu. Đó đủ chứng cớ về sự đoán xét công bình của Đức Chúa Trời, Ngài muốn khiến anh em nên xứng đáng cho nước Ngài, là vì nước đó mà anh em chịu khổ”. II Têsalônica 1:4-5
Sự khổ nạn mà mỗi người trải qua trong hoàn cảnh Tin Lành của mình chính là quá trình nhất định phải trải qua để được đi vào Nước Thiên Đàng. Ấy là vì trong quá trình nhịn nhục hay chịu đựng sự bắt bớ và hoạn nạn, đức tin của chúng ta được biến hóa thành hình ảnh xứng đáng với vương quốc của Đức Chúa Trời. Chính vì thế, chúng ta không thể mong đợi một môi trường không có bất cứ đau đớn nào trong đời sống của Cơ Đốc nhân. Đức Chúa Trời mong muốn hình ảnh phần linh hồn của các con cái trở thành cây đậu và sinh nhiều trái hơn là trở thành giá đỗ.
Ở Hàn Quốc, vào một năm không có mưa và bị hạn hán, các cây thông khắp cả nước đã cho ra nhiều quả thông hơn thường lệ. Nghe nói rằng khi thực vật đối mặt với tình huống đe dọa đến sự sinh tồn của chúng, theo bản năng chúng sẽ sinh ra nhiều trái hơn để bảo tồn giống loài.
Sự quan phòng thể này của Đức Chúa Trời cũng giống như trong Tin Lành. Nếu chỉ được ban cho những điều kiện suôn sẻ, thì chúng ta có thể không kết được trái Tin Lành. Thông qua cuộc đời Tin Lành của sứ đồ Phaolô, chúng ta cũng có thể xác minh sự thật rằng môi trường khắc nghiệt đóng vai trò khiến chúng ta kết được nhiều trái hơn.
“Họ là kẻ hầu việc của Đấng Christ phải chăng? Ừ, – tôi nói như kẻ dại dột, – tôi lại là kẻ hầu việc hơn! Tôi đã chịu khó nhọc nhiều hơn, tù rạc nhiều hơn, đòn vọt quá chừng. Đòi phen tôi gần phải bị chết; năm lần bị người Giuđa đánh roi, mỗi lần thiếu một roi đầy bốn chục; ba lần bị đánh đòn; một lần bị ném đá; ba lần bị chìm tàu. Tôi đã ở trong biển sâu một ngày một đêm. Lại nhiều lần tôi đi đường, nguy trên sông bến, nguy với trộm cướp, nguy với giữa dân mình, nguy với dân ngoại, nguy trong các thành, nguy trong các đồng vắng, nguy trên biển, nguy với anh em giả dối; chịu khó chịu nhọc, lắm lúc thức đêm, chịu đói khát, thường khi phải nhịn ăn, chịu lạnh và lõa lồ.” II Côrinhtô 11:23-27
Trong quá trình rao truyền Tin Lành, Phaolô có khi bị đánh roi, mỗi lần thiếu một roi đầy bốn chục, có khi bị đánh đòn, cũng có khi bị ném đá. Có khi nhịn ăn, bị lõa lồ, nguy với trộm cướp, nguy với dân mình v.v.. Sứ đồ đã trải qua nhiều khó nhọc và khổ nạn như thế. Dẫu là cuộc sống khó nhọc và vất vả, nhưng sứ đồ đã để lại kết quả Tin Lành đẹp đẽ ở mỗi nơi mình đến. Các thánh đồ mới đã tiếp nhận Đấng Christ và đến với lẽ thật, nhiều Hội Thánh cũng được dựng nên. Phaolô đã sống cuộc đời tìm kiếm Đức Chúa Trời, cũng đồng hành với Đức Chúa Trời trong hoàn cảnh khó khăn và vất vả, chẳng phải bởi đó mà ông đã có thể dấy lên lịch sử như vậy hay sao?
Đức Chúa Trời, Đấng đã lựa chọn sứ đồ Phaolô làm đồ dùng để truyền bá Tin Lành vào 2000 năm trước, ngày nay cũng ban cho chúng ta sứ mệnh đi dạy dỗ muôn dân và cứu rỗi cả nhân loại (Mathiơ 28:19-20). Con đường chúng ta phải đi để làm hoàn thành sứ mệnh vĩ đại này chắc hẳn cũng không đơn thuần là con đường yên bình. Đôi khi hoàn cảnh sinh hoạt có thể cản trở chúng ta, và cũng có khi chúng ta gặp khó khăn bởi những người xung quanh. Cũng có khi chúng ta bị vất vả bởi hệ thống xã hội. Tuy nhiên, trong tất cả những hoàn cảnh ấy, Đức Chúa Trời tạo điều kiện hầu cho chúng ta có thể kết trái và khiến cho trái Tin Lành được chín muồi.
Cơn bão xảy ra hàng năm để lại thiệt hại vật chất to lớn. Cơn bão có thể khiến hình thành giông lốc trên biển, gây ra lũ lụt và nhấn chìm các thành phố trong biển nước. Song, nếu bão không làm xáo trộn nước biển như thế thì oxy không thể được cung cấp đến tận nơi sâu dưới biển một cách thông suốt. Bởi cơn bão luân chuyển nước biển và làm sạch ô nhiễm.
Kể cả sấm sét, thứ gây ra nỗi sợ hãi cho con người, cũng phân hủy nitơ trong không khí và cung cấp cho mặt đất, đóng vai trò khiến đất đai màu mỡ và giúp cây trồng phát triển tốt. Quả nhiên, chúng ta nhận ra rằng không có gì trong muôn vật mà Đức Chúa Trời tạo ra lại không có ý muốn của Ngài, và trong đó chứa đựng sự quan phòng sáng tạo để biến trái đất thành hành tinh của sự sống (Khải Huyền 4:11).
Giống như những tai vạ mà loài người không mong muốn như bão hoặc sấm sét lại là quá trình nhất định cần thiết cho sự cân bằng và hệ sinh thái của toàn trái đất, thì những khổ nạn mà chúng ta trải qua trên con đường Tin Lành cũng như vậy. Kinh Thánh biểu hiện rằng Đức Chúa Jêsus cũng được làm nên trọn vẹn bởi sự khốn khổ Ngài đã chịu.
“Dầu Ngài là Con, cũng đã học tập vâng lời bởi những sự khốn khổ mình đã chịu, và sau khi đã được làm nên trọn vẹn rồi, thì trở nên cội rễ của sự cứu rỗi đời đời cho kẻ vâng lời Ngài,” Hêbơrơ 5:8-9
Đức Chúa Jêsus đã đến đất này để chuộc tội cho chúng ta, Ngài chịu đủ mọi sự khốn khổ cho đến khi đổ huyết và hy sinh trên thập tự giá. Ngài phải chịu vô số lời hủy báng và phương hại từ người Giuđa cùng các nhà lãnh đạo tôn giáo đương thời. Song, Ngài đã học tập vâng lời bằng cách chịu đựng mọi khổ nạn ấy và được làm nên trọn vẹn, hầu cho chúng ta noi theo dấu vết khổ nạn ấy của Ngài.
“Anh em đã được kêu gọi đến sự đó, vì Đấng Christ cũng đã chịu khổ cho anh em, để lại cho anh em một gương, hầu cho anh em noi dấu chân Ngài; Ngài chưa hề phạm tội, trong miệng Ngài không thấy có chút chi dối trá; Ngài bị rủa mà chẳng rủa lại, chịu nạn mà không hề ngăm dọa, nhưng cứ phó mình cho Đấng xử đoán công bình; Ngài gánh tội lỗi chúng ta trong thân thể Ngài trên cây gỗ, hầu cho chúng ta là kẻ đã chết về tội lỗi, được sống cho sự công bình; lại nhân những lằn đòn của Ngài mà anh em đã được lành bịnh. Vì anh em vốn giống như con chiên lạc, mà bây giờ đã trở về cùng Đấng chăn chiên và Giám mục của linh hồn mình.” I Phierơ 2:21-25
Con đường noi gương Đấng Christ chắc chắn sẽ gập ghềnh và hiu quạnh. Tuy nhiên, chúng ta không nên sợ hãi trước những khổ nạn đang xảy ra trước mắt. Vì phải trải qua con đường ấy thì mới có thể đạt đến Nước Thiên Đàng vĩnh cửu, nên Đức Chúa Trời đã đặt để quá trình khổ nạn để đưa chúng ta về Nước Thiên Đàng.
Chúng ta hãy nhớ rằng “Khổ nạn mà người của Đấng Christ phải chịu là khổ nạn tốt đẹp!”, và vượt qua mọi trở ngại bằng đức tin thay vì oán giận, bất bình hay sợ hãi. Chẳng phải cuộc sống dù có khó khăn nhưng được thắng lợi và cuối cùng kết trái,có ý nghĩa hơn cuộc sống bình yên mà không sinh ra trái hay sao? Các quý vị hãy thử rao truyền Tin Lành với sự xác tín rằng nhất định sẽ kết trái sau sự khổ nạn. Chắc chắn sẽ có kết quả tốt đẹp.
“Đức Chúa Trời ban mọi ơn đã gọi anh em đến sự vinh hiển đời đời của Ngài trong Đấng Christ, thì sau khi anh em tạm chịu khổ, chính Ngài sẽ làm cho anh em trọn vẹn, vững vàng, và thêm sức cho”. I Phierơ 5:10
Sự khổ nạn có thể tìm đến với bất cứ ai trong cuộc sống. Tuy nhiên, sự khổ nạn mà chúng ta đang trải qua trong Đức Chúa Trời chỉ là tạm thời so với vinh hiển đời đời chúng ta sẽ nhận được trong tương lai, sự khổ nạn ấy khiến chúng ta trở nên trọn vẹn, vững vàng, mạnh mẽ và làm kiên cố nền tảng đức tin của chúng ta.
Thay vì nghĩ “Tại sao cuộc sống của tôi lại khó khăn đến vậy dù tôi tin vào Đức Chúa Trời?”, chúng ta hãy nhìn lại bản thân và tự hỏi “Hiện mình đang sống cuộc sống như giá đỗ hay cây đậu đây?”. Bất kỳ hoàn cảnh nào Đức Chúa Trời ban cho đều là vì chúng ta, nên chúng ta hãy chỉ dâng cảm tạ lên Đức Chúa Trời trong mọi sự mà thôi. Khi gặp khó khăn, hãy nghĩ “Cha Mẹ muốn cho tôi được kết trái nên ban kèm khổ nạn đây mà!” và vượt qua bằng lòng cảm tạ, trong khi tin rằng có nhiều trái đang chờ đợi chúng ta ở cuối con đường này. Nếu chúng ta cảm tạ trong mọi sự và bước đi trên con đường đức tin, thì cuối cùng chúng ta sẽ nhận ra tất cả quá trình đó là cần thiết để khiến chúng ta được nên trọn vẹn, và củng cố nền tảng đức tin của chúng ta.
Xin hãy siêng năng cầu nguyện mỗi khi gặp khó khăn và vất vả, cũng hãy củng cố lòng quyết tâm và quyết chí đi theo con đường thập tự giá mà Đấng Christ đã đi, để sải bước đến Nước Thiên Đàng, nơi Đức Chúa Trời Cha Mẹ sẽ ở cùng đời đời. Đối với chúng ta, dù có việc khó khăn đến đâu chăng nữa, Đức Chúa Trời nhất định sẽ ban cho chúng ta trái lúa mì đẹp đẽ qua những khó khăn ấy.
Chúng ta hãy gắng sức trong khi trông mong ngày mà Tin Lành được rao truyền tới xứ Samari cho đến cùng trái đất, là ngày chúng ta tay trong tay với các người nhà Siôn và trở về quê hương Nước Thiên Đàng vĩnh cửu. Mong các quý vị đều trở thành các người nhà Siôn chịu đựng và chiến thắng mọi khổ nạn trên đất này, bởi đó dâng vinh hiển và tán dương lớn hơn lên Đức Chúa Trời.