Trong căn phòng bệnh, hai người đàn ông lớn tuổi đang viết nguệch ngoạc những điều gì đó lên giấy.
“Nhảy dù, giúp đỡ người lạ, leo lên dãy Himalaya,…”
Đó được gọi là “bucket list” – danh sách những việc cần làm trước khi qua đời. Nhìn lại cuộc đời trong quá khứ, họ muốn làm những điều mà chưa từng trải nghiệm ở tuổi 60.
Nhân sinh được gọi là nhất trường xuân mộng
Bộ phim “The bucket list” là câu chuyện về hai bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối cố gắng tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống trong những giây phút cuối đời. Thời gian để sống không còn bao lâu nữa nên những điều nhỏ bé họ làm dường như cũng có ý nghĩa đặc biệt, dù thậm chí có vẻ hơi vô lý.
Mọi người thường tặc lưỡi, thương cảm và tiếc nuối nếu có ai đó bị bệnh nan y giống như hai người đàn ông trong bộ phim. Tuy nhiên, nghiêm túc mà nói thì không có ai trong thế giới này mà không phải sống cuộc đời hữu hạn cả. Có người thì chết trẻ vì bệnh tật hoặc vì tai nạn, có người thì sống thọ đến hơn 100 tuổi; dù thế nào thì cũng như nhau thôi. Tất cả mọi người đều nhất định phải nhắm mắt xuôi tay vào một ngày nào đó.
Cuộc đời vốn ngắn ngủi như nhất trường xuân mộng, song chúng ta lại gói gọn hầu hết thời gian trong việc ngủ hay lo lắng về miếng ăn, chỗ ở. Nhìn chung, trung bình con người dành 26 năm để ngủ, 21 năm để làm việc, 6 năm để ăn uống và 5 năm để chờ đợi và gặp gỡ mọi người. Ngoài ra, nếu tính cả thời gian đi vệ sinh và xem tivi, và giả sử tuổi thọ trung bình là 70 đến 80 năm thì thời gian dành cho những việc chúng ta thực sự muốn làm là không đủ.
Ngay cả khi chúng ta chia thời gian theo nhóm tuổi thì vẫn không có đủ thời gian rảnh rỗi. Chúng ta bận rộn học tập thời niên thiếu, rồi chật vật để sống sót trong các cuộc ganh đua không có giới hạn khi trưởng thành. Bước sang tuổi trung niên, chúng ta lại nai lưng làm việc để dựng vợ gả chồng cho con cái. Cho dù là thời đại già hóa dân số đi chăng nữa thì có một thực tế là rất khó để lập kế hoạch cho cuộc đời thứ hai nếu bệnh tật ập đến vào những năm cuối đời, hoặc sức lực bị suy giảm vì tuổi cao sức yếu.
Theo nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm giáo sư tại một trường đại học ở Hàn Quốc, tuổi thọ trung bình của người Hàn Quốc đã tăng thêm 3,5 năm trong 10 năm qua. Dẫu vậy, người ta nói rằng hầu hết mọi người đều chịu đau đớn vì bệnh tật trong 5 đến 6 năm trước khi qua đời. Ngoài sự đau đớn trong những năm tháng cuối đời, khi nghĩ đến số lần con người phải sống trong sự căng thẳng và nỗi đau nhiều hơn thời gian cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc trong suốt cả cuộc đời thì tuổi thọ 100 năm tuyệt đối không phải khoảng thời gian dài. Thật không may là rất ít người có thể sống đến 100 tuổi.
Công việc thiện lành, sự lựa chọn vì cuộc sống có giá trị
Vì cuộc đời thật ngắn ngủi nên một cách tự nhiên, bản chất của con người là muốn lấp đầy khoảng thời gian đó bằng nhiều điều hạnh phúc nhất, nếu có thể. Vậy điều gì có thể khiến chúng ta cảm thấy hạnh phúc? Không có câu trả lời đúng trong cuộc sống, nhưng có một câu tục ngữ Trung Quốc về vấn đề này.
“Nếu bạn muốn hạnh phúc trong một giờ, hãy chợp mắt. Nếu muốn hạnh phúc trong một ngày, hãy đi câu cá. Nếu muốn hạnh phúc trong một tháng, hãy kết hôn. Nếu muốn hạnh phúc trong một năm, hãy thừa kế một khoản kếch xù. Nếu muốn hạnh phúc suốt cả cuộc đời, hãy làm cho người khác hạnh phúc.”
Câu tục ngữ nhấn mạnh rằng nếu chúng ta muốn niềm hạnh phúc kéo dài suốt đời thay vì chỉ là khoảnh khắc trong chốc lát thì hãy tập trung giúp đỡ và làm cho mọi người hạnh phúc.
Dĩ nhiên mỗi người theo đuổi hạnh phúc bằng những mục tiêu khác nhau như tiền tài, danh vọng và quyền lực, đồng thời cũng có những tiêu chuẩn riêng để đo lường hạnh phúc. Mặc dù vậy, có rất ít trường hợp cảm thấy bất hạnh hay tồi tệ khi làm việc tốt.
Nữ minh tinh nổi tiếng thế giới Audrey Hepburn đã cống hiến hết mình trong suốt thời gian dài để giúp đỡ cho những đứa trẻ mà bà chưa từng gặp mặt. Bà đã hào phóng sử dụng danh tiếng minh tinh điện ảnh của mình để quảng bá cho các hoạt động cứu trợ trẻ em và trực tiếp chăm sóc những trẻ em bị đói khát và bệnh tật. Bà thậm chí còn để lại những dòng này như lá thư di chúc tạm biệt con trai.
“Khi lớn lên, con sẽ phát hiện ra rằng mình có hai tay: một tay để giúp chính mình còn tay kia là để giúp đỡ người khác.”
Rất nhiều người giàu có và danh tiếng coi trọng các hoạt động đóng góp cho xã hội và các hoạt động tình nguyện. Đó là cách để tìm kiếm một cuộc sống giá trị hơn và phong phú hơn. Họ tìm thấy hạnh phúc của riêng mình, cảm thấy có giá trị và thỏa mãn khi nhìn người khác hạnh phúc. Trên thực tế, nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người hay giúp đỡ người khác sẽ hạnh phúc và khỏe mạnh hơn những người không làm như vậy.
Nhóm nghiên cứu phòng thí nghiệm quốc tế Mindlab có trụ sở tại trường đại học Sussex, Anh Quốc đã tìm các đối tượng tham gia từ độ tuổi 18 đến 55 và yêu cầu họ giúp đỡ người khác dù chỉ là việc đơn giản trong 9 ngày. Sau đó, họ tiến hành kiểm tra sức khỏe và tâm lý để xác định tình trạng cảm xúc của người tham gia. Kết quả cho thấy sau khi làm việc tốt, chỉ số hạnh phúc và sự tự tin đã tăng lên, còn cảm giác căng thẳng và phẫn nộ lại giảm xuống. Những gì bạn làm cho người khác có ảnh hưởng tích cực đến chính bạn.
Một người tham gia thí nghiệm cho biết: “Tôi rất ngạc nhiên khi mọi người cảm thấy rất biết ơn khi tôi nhường cho người đằng sau trong hàng dài quầy thanh toán ở siêu thị. Nó cũng giúp tôi nhận ra rằng trong cuộc sống, chúng ta đã không hào phóng giúp đỡ người khác đến thế nào.”
Thói quen thiện lành bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt và tầm thường
Ai cũng biết giúp đỡ người khác là tốt, nhưng khó có thể thực hiện được một cách dễ dàng. Nhiều người trong số chúng ta cảm thấy không thoải mái nếu bỏ lỡ cơ hội giúp đỡ người khác trong khi do dự có nên giúp họ không.
Khi nhớ rằng những hành động nhỏ mà bạn cho là không đáng có thể khiến mọi người cảm động, việc thực tiễn những điều thiện lành trong cuộc sống thực sự sẽ trở nên dễ dàng hơn. Chỉ cần nhường ghế trên xe buýt hoặc bấm giúp thang máy giúp sẽ khiến đối phương không chỉ cảm nhận được sự giúp đỡ về vật chất mà còn là niềm hạnh phúc về tâm lý giống như một món quà vậy. Như chúng ta đã xem trước đó, không cần phải nói thêm rằng chính chúng ta cũng thấy hạnh phúc hơn với việc làm này. Những người từng trải qua điều này sẽ có những nhận thức sâu sắc, động thái nhạy bén để nắm bắt cơ hội làm việc tốt và biến chúng thành hành động ngay lập tức.
Một đài truyền hình từng phát sóng một bộ phim tài liệu về những người đã bất chấp hiểm nguy, bất chấp cả tính mạng của mình để cứu người khác. Điểm chung của họ là luôn chia sẻ, giúp đỡ người khác dù là việc nhỏ.
Sinh viên đại học J, người đã cứu người đàn ông ngã xuống đường ray tàu điện ngầm, vốn đã được các bạn bè biết đến vì liên tục giúp đỡ những người xung quanh trong quãng thời gian ngồi trên ghế nhà trường. Một bưu tá đã cứu một cụ bà khỏi ngôi nhà đang cháy cũng đã có nhiều năm giúp đỡ những người cao tuổi tại nhà văn hóa. Những việc làm thiện lành vốn là một phần trong cuộc sống của họ đã trở thành bước đệm để cứu lấy những sinh mệnh vô giá không thể quy đổi được thành tiền.
Bước đệm này được hình thành bởi những hành động lặp đi lặp lại. Khi chúng ta thực hành nhiều trong một lĩnh vực cụ thể, rất nhiều “khớp thần kinh” (bộ phận truyền thông tin giữa các tế bào thần kinh) sẽ sản sinh trong tế bào não. Thậm chí, chúng sẽ càng tăng thêm nhờ có sự kích thích lặp đi lặp lại như học tập, thực hành và trải nghiệm. Ví dụ như khi ghi nhớ các từ, bạn sẽ càng nhớ chúng hơn khi lặp lại từ đó trong đầu; càng thực hành lái xe nhiều lần, bạn sẽ càng quen hơn và học được nhiều kỹ năng, bởi các khớp thần kinh trong não của chúng ta được phát triển dần dần.
Những việc làm thiện lành cũng giống như vậy. Khi bạn hiểu người khác sẽ bối rối thế nào trong tình huống khó khăn, lặp đi lặp lại việc giúp đỡ thường xuyên từ những việc vặt thì lượng khớp thần kinh trong não bạn sẽ tăng lên, và rồi làm việc tốt sẽ trở thành hành động tự nhiên trong bạn.
Một khi đã có được những thói quen tốt, bạn có thể thường xuyên giúp đỡ người khác trong thời gian rảnh rỗi, ngay cả trong cuộc sống thường nhật. Điều đó sẽ giúp bạn tích lũy được nhiều tình huống tốt, để rồi cuộc sống của bạn sẽ càng có giá trị hơn rất nhiều.
Việc làm tốt nhất trên thế giới
Khoảng 1 giờ chiều ngày 24 tháng 8 năm 79 SCN, một vụ phun trào núi lửa đã xuất hiện ở núi Vesuvius. Thành phố La Mã cổ đại xinh đẹp Pompeii bên bờ vịnh Napoli, Ý, đã bị chôn vùi dưới đống tro tàn chỉ trong một ngày. Năm 1592, là khoảng 1.000 năm sau, thành phố Pompeii mới được phát hiện bởi một người nông dân đào giếng bên dưới vườn nho của mình. Nơi đây lưu giữ nguyên vẹn thời khắc cuối cùng của con người khi bị vùi lấp trong tro núi lửa. Một gia đình đang dùng bữa, một đôi tình nhân đang nắm tay nhau, một kỵ sĩ ngồi thụp xuống đất… Ngoài ra, những tàn tích của Pompeii chẳng hạn như phòng tiệc sang trọng và dinh thự, cho thấy rõ khía cạnh của thành phố cổ, nơi được hưởng sự thịnh vượng kinh tế nhờ sự phát triển của thương mại hàng hải.
Dù thành phố có lộng lẫy đến đâu chăng nữa, hào quang của nó cũng đã biến mất trong tích tắc. Giờ chỉ còn lại những tàn tích và vật dụng mờ nhạt ở nguyên vị trí mà thôi.
Lịch sử của Pompeii để lại cho chúng ta bài học rằng cuộc sống có thể dừng lại bất cứ lúc nào, vì bất cứ lý do gì. Có nghĩa là cuộc sống của chúng ta có thể kết thúc một cách vô ích nếu chúng ta chỉ lo kiếm sống và trì hoãn làm những việc có giá trị. Vì vậy, nếu muốn cuộc sống có ý nghĩa hơn, bạn cần phải nỗ lực làm những điều tốt đẹp – sống một cuộc đời xứng đáng như thể đang sống giây phút cuối cùng của đời mình.
Trong tất cả các việc làm thiện lành, công việc vĩ đại nhất là cứu mạng sống. Giả dụ như nếu mắc nợ ai đó về mạng sống của mình để mình có thể sống thêm vài chục năm, thì mình sẽ biết ơn người đó cả đời và gọi họ là ân nhân của sự sống. Vậy thì còn điều gì lớn hơn việc làm thiện lành giúp cho những người vốn sẽ phải chết sau khi sống bảy hoặc tám mươi năm, được sống đời đời – sống lâu hơn một nghìn năm hay một vạn năm?
Vì Đức Chúa Trời Cha Mẹ của chúng ta không muốn một linh hồn nào bị hư mất và muốn hết thảy đều được cứu rỗi, nên Ngài đã ban món quà là nước sự sống cho bất cứ người nào khát mà không phải trả bất cứ giá nào.
Thánh Linh và vợ mới cùng nói: Hãy đến! Kẻ nào nghe cũng hãy nói rằng: Hãy đến! Ai khát, khá đến. Kẻ nào muốn, khá nhận lấy nước sự sống cách nhưng không. Khải Huyền 22:17
Để ban cho nhân loại nước sự sống – sự sống đời đời, Đức Chúa Trời đã lập ra Lễ Vượt Qua giao ước mới bởi việc trở nên của lễ, hy sinh chính Ngài trên thập tự giá.
Đức Chúa Jêsus bèn phán cùng họ rằng: Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, nếu các ngươi không ăn thịt của Con người, cùng không uống huyết Ngài, thì chẳng có sự sống trong các ngươi đâu. Ai ăn thịt và uống huyết ta thì được sự sống đời đời; nơi ngày sau rốt, ta sẽ khiến người đó sống lại. Giăng 6:53-54
… Ta rất muốn ăn lễ Vượt qua nầy với các ngươi trước khi ta chịu đau đớn… Đoạn, Ngài cầm lấy bánh, tạ ơn xong, bẻ ra phân phát cho môn đồ, mà phán rằng: Nầy là thân thể ta, đã vì các ngươi mà phó cho; hãy làm sự nầy để nhớ đến ta. Khi ăn xong, Ngài cũng làm như vậy, lấy chén đưa cho môn đồ, mà phán rằng: Chén nầy là giao ước mới trong huyết ta vì các ngươi mà đổ ra. Luca 22:15-20
Vì ta đã làm gương cho các ngươi, để các ngươi cũng làm như ta đã làm cho các ngươi. Giăng 13:15
2.000 năm trước, Đức Chúa Jêsus đã dạy chúng ta con đường đến sự sống đời đời. Vào thời đại này, Đức Chúa Trời Cha và Đức Chúa Trời Mẹ, là Thánh Linh và Vợ Mới đã đích thân làm gương cho chúng ta về việc cứu sự sống bằng tình yêu thương và sự hy sinh. Theo tấm gương của Đức Chúa Trời, giờ đây chúng ta phải cứu rỗi các linh hồn với tấm lòng tốt đẹp mà không mong được đền đáp bất cứ giá nào. Khi chúng ta hết lòng làm việc thiện lành cho đến ngày trở về quê hương Nước Thiên Đàng và dẫn dắt thêm hơn dù chỉ một linh hồn đến con đường của sự sống đời đời, Đức Chúa Trời sẽ nhớ từng nỗi công lao khó nhọc của chúng ta và ban cho chúng ta phần thưởng vinh hiển trên Nước Thiên Đàng.
… và những kẻ dắt đem nhiều người về sự công bình sẽ sáng láng như các ngôi sao đời đời mãi mãi. Đaniên 12:3
Ngay cả tại thời điểm này, khi chúng ta có ý tưởng mơ hồ về việc truyền đạo và nghĩ rằng việc cứu rỗi các linh hồn là điều khó thực hiện, thì thời gian quý giá vẫn cứ trôi đi. Trước tiên chúng ta hãy nhìn lại gia đình, bạn bè và hàng xóm của chúng ta ngay bây giờ để chắc chắn rằng không có người nào đang lang thang trong hố sâu của sự chết và đau đớn vì không biết con đường đến sự cứu rỗi. Bất cứ khi nào chúng ta cảm thấy do dự và ngần ngại để hành động thì hãy nhớ rằng cuộc sống không thể tái sử dụng được.
“Nếu nghĩ rằng bản thân đã tích lũy được việc tốt và gây dựng nhân đức trước mặt Đức Chúa Trời thì những người đó sẽ được gì? Họ sẽ nhận được phước lành từ Đức Chúa Trời, vì họ đã làm những điều thiện lành và tôn vinh Đức Chúa Trời bằng đức tin. Và sau đó linh hồn của họ sẽ đi đến Nước Thiên Đàng vĩnh cửu và nhận được vinh hiển.
Kể từ giờ, chúng ta hãy nỗ lực và tập tành sự tin kính dù chỉ là một chút. Chúng ta phải rèn luyện bản thân từng chút một. Chúng ta cũng phải rèn luyện để đón tiếp khách lạ và cũng phải tập tành để tôn vinh Đức Chúa Trời. Để làm được như vậy, chúng ta phải sử dụng tấm lòng thiện lành của mình một cách tối đa.”
Từ giảng đạo của Đấng Christ An Xang Hồng
- Tham khảo
- Tạp chí phụ nữ Chosun, “Mẹ tôi, Audrey Hepburn” (18/10/2013)
- Tạp chí Chosun Ilbo, “Ra đi sau 10 năm rưỡi bị bệnh” (04/11/2013)
- SBS Special, “Đi tìm siêu nhân – Bí mật của người hùng”
- Phim tài liệu EBS Prime, “Thành phố Pompeii”