Tin Lành của Đấng Christ đã được truyền bá tới ngoại bang vào thời đại Tân Ước (Công Vụ Các Sứ Đồ 10:11), thế còn vào thời đại Cựu Ước thì Tin Lành đã được truyền bá, hay chưa được truyền bá tới ngoại bang?
Về tiêu chuẩn được giữ Lễ Vượt Qua vào thời đại Môise, thì Kinh Thánh có chép rằng “Ðây là luật lệ về lễ Vượt qua: Phàm người ngoại bang chẳng được ăn lễ đó. Còn về phần kẻ tôi mọi, là người bỏ tiền ra mua, ngươi hãy làm phép cắt bì cho, thì họ mới được ăn.” (Xuất Êdíptô Ký 12:43-45). Khi xem nội dung này, chúng ta có thể thấy rằng dầu là người ngoại bang, nhưng nếu chịu phép cắt bì thì có thể giữ được Lễ Vượt Qua. Và Đức Chúa Trời đã phán rằng: “Khi một khách ngoại bang nào kiều ngụ nhà ngươi, muốn giữ lễ Vượt qua của Ðức Giêhôva, thì mọi người nam của họ phải chịu phép cắt bì; đoạn, họ mới được đến gần giữ lễ nầy, và được coi như người sanh trong xứ.” (Xuất Êdíptô Ký 12:48), có nghĩa rằng dầu là người ngoại bang, nhưng nếu tin vào Đức Chúa Trời và chịu phép cắt bì thì có thể trờ thành người dân của Đức Chúa Trời.
Trong sách Êsai có ghi chép rằng dầu là dân ngoại, nhưng nếu yêu mến Đức Chúa Trời, giữ ngày Sabát, và cầm vững lời giao ước của Đức Chúa Trời thì Ngài sẽ đem họ trong nhà cầu nguyện Đức Chúa Trời. Chẳng phải lời này có nghĩa rằng những người ngoại bang cũng đã có thể tin vào Đức Chúa Trời hay sao?
Vào khoảng thế kỷ thứ 6, khi những người dân Giuđa trở nên phu tù ở Babylôn và không được đi đến Giêrusalem, thì họ đã xây dựng nhà hội và nhóm hiệp lại. Có lẽ lúc đó những người dân Giuđa đã rao truyền Tin Lành tới những người ngoại bang.
Hoạn quan của nữ vương nước Êthiôbi, là người đã đến thành Giêrusalem để thờ phượng, cũng như Cọtnây, là đội trưởng đã đón nhận Tin Lành giao ước mới thông qua Phierơ vào thời đại Hội Thánh Sơ Khai, đều vừa là những người ngoại bang, vừa là những người theo giáo Giuđa tin vào Đức Chúa Trời. Và đã có nhiều người ngoại bang giữa những người đến từ các nước trên thế giới, nghe giảng đạo của Phierơ – người đã được đầy dẫy Đức Thánh Linh.
Vào ngày nay cũng có những người theo đạo Giuđa mà lại là người ngoại bang chứ không phải là người Giuđa. Song như chúng ta biết, đó chỉ là thiểu số thôi.
Tin Lành được truyền bá tới ngoại bang vào thời đại Tân Ước thật lớn lao, đến mức Tin Lành được truyền bá vào thời đại Cựu Ước không thể so sánh nổi. Nói cách khác, Tin Lành của sự cứu rỗi đã được chuyển từ người Giuđa phần xác sang người Giuđa phần hồn.
Nhiều đấng tiên tri đã ghi chép trong sách Kinh Thánh Cựu Ước rằng nhiều người ngoại bang sẽ đến cùng Đức Chúa Trời để học tập Tin Lành của giao ước mới.
“Sẽ xảy ra trong những ngày sau rốt, núi của nhà Ðức Giêhôva sẽ được lập vững trên đỉnh các núi, cao hơn các đồi. Mọi nước sẽ đổ về đó.”Êsai 2:2
“Xảy ra trong những ngày sau rốt, núi của nhà Ðức Giêhôva sẽ lập lên trên chót các núi, và sẽ được nhắc cao lên hơn các đồi. Các dân sẽ chảy về đó; và nhiều nước sẽ đi đến đó, mà rằng: Hãy đến, chúng ta hãy lên núi của Ðức Giêhôva, nơi nhà của Ðức Chúa Trời Giacốp! Ngài sẽ dạy chúng ta về đường lối Ngài, và chúng ta sẽ đi trong các nẻo Ngài.”Michê 4:1-2
Đức Chúa Trời đã sắm sẵn kể cả nền tảng để rao truyền Tin Lành tới những người ngoại bang; Ngài đã sửa đổi vấn đề thức ăn – là chướng ngại vật cho những người ngoại bang, sang luật pháp mới. Vào thời đại Cựu Ước, Đức Chúa Trời đã cấm không cho những người Giuđa ăn thức ăn không tinh sạch để phân biệt người Giuđa và người ngoại bang (Lêvi Ký 11:1-11), song vào thời đại Tân Ước, thì không có thức ăn cấm trừ đồ cúng thần tượng, huyết và thú vật chết ngột (Công Vụ Các Sứ Đồ 15:28-29).
Vào thời đại Hội Thánh Sơ Khai, Đức Chúa Trời đã đặc biệt chọn sứ đồ Phaolô, lập làm sứ đồ dành cho những người ngoại bang để rao truyền Tin Lành cho những người ngoại bang. Khi Phaolô rao truyền Tin Lành tại Antiốt, những người Giuđa kiều ngụ tại Antiốt đã phỉ báng và từ chối, nhưng ngược lại, những người ngoại bang đã tiếp nhận Tin Lành và lấy làm vui mừng. Lúc đó, sứ đồ làm chứng rằng: “Ấy cần phải truyền đạo Ðức Chúa Trời trước nhứt cho các ngươi; nhưng vì các ngươi đã từ chối, và tự xét mình không xứng đáng nhận sự sống đời đời, nên đây nầy, chúng ta mới xây qua người ngoại. Vì Chúa có phán dặn chúng ta như vầy: Ta lập ngươi lên đặng làm sự sáng cho các dân, Hầu cho ngươi đem sự cứu rỗi cho đến cùng cõi đất.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 13:46-47).
Sau khi đi vòng qua nhiều địa phương do sự cản trở của những người Giuđa, nhóm của Phaolô đã quay trở lại Antiốt, rồi nhóm họp các thánh đồ, thuật lại mọi việc Đức Chúa Trời đã cậy mình làm, và Ngài mở cửa đức tin cho người ngoại là thể nào; rồi họ cũng đã khuyên các thánh đồ nữa (Công Vụ Các Sứ Đồ 14:27).
Lịch sử Tin Lành của giao ước mới được truyền bá tới ngoại bang, đã được ghi chép rộng rãi trong toàn bộ sách Kinh Thánh Tân Ước, nên chắc chúng ta không cần nhấn mạnh lặp lại nữa.
Kết luận lại thì, những người ngoại bang vào thời đại Cựu Ước cũng đã được ban cho tư cách có thể tin Đức Chúa Trời, nhưng đó là mức độ thật nhỏ bé, cho nên so với thời đại Tân Ước thì cũng không quá lời khi nói rằng cánh cửa của Tin Lành đã bị đóng lại vào thời đại Cựu Ước. Bước vào thời đại Tân Ước, cánh cửa của Tin Lành đã được mở toang ra, và Tin Lành ấy đã được truyền bá cho đến cùng trái đất.