Bộ phim hoạt hình Inside Out kể về cuộc phiêu lưu của năm cảm xúc – Vui Vẻ, Buồn Bã, Giận Dữ, Chán Ghét và Sợ Hãi, vốn làm việc tại trung tâm kiểm soát cảm xúc trong đầu cô bé 11 tuổi Riley, để tìm lại hạnh phúc cho cô bé đang phải vật lộn với hoàn cảnh xa lạ. Bộ phim truyền tải thông điệp rằng Buồn Bã rưng rưng nước mắt cũng quan trọng với cuộc sống như Vui Vẻ luôn hoạt bát vậy.
Con người là động vật giàu cảm xúc và có thể cảm nhận được hơn mười loại cảm xúc khác nhau. Dù có thể không phân biệt được cảm xúc của con người chính xác như trong phim, nhưng việc niềm vui và nỗi buồn đóng vai trò trung tâm là điều không phải bàn cãi. Tiếng cười và nước mắt biểu hiện những cảm xúc vui buồn tột cùng. Tiếng cười và nước mắt có ý nghĩa gì trong cuộc đời vừa ngọt ngào vừa cay đắng đây?
Tiếng cười và nước mắt là gì?
Tiếng cười tưởng chừng đơn giản nhưng lại là biểu hiện cảm xúc kỳ lạ, phát sinh từ nhiều cảm xúc phức tạp. Dù mỗi người có kiểu cười khác nhau nhưng được cho biết rằng mỗi người cười hơn 500.000 lần trong đời. Trẻ em cười trung bình khoảng 400 lần một ngày, nhưng khi lớn lên, tiếng cười của chúng dần biến mất và chúng chỉ cười khoảng 8 lần một ngày.
Còn nước mắt lại rơi những khi đau đớn, khổ sở; những lúc đau lòng và xúc động; thậm chí cả trong lúc ngáp. Nước mắt có thể được chia thành ba loại. Về cơ bản, nước mắt có vai trò giữ cho bề mặt mắt sạch và ẩm. Nước mắt phản xạ là nước mắt tự nhiên chảy ra trong các tình huống như bóc hành hay khi bụi bay vào mắt, có tác dụng bảo vệ mắt khỏi các kích thích bên ngoài. Ngoài ra, còn có nước mắt cảm xúc tùy theo trạng thái cảm xúc như vui, buồn,… thể hiện mức độ hoạt động não bộ cao của con người.
Nhà triết học Hy Lạp Plato chủ trương về lý thuyết của tính ưu việt liên quan đến nguyên nhân của tiếng cười, nói rằng “Tiếng cười phát sinh trong tình huống mà một người cảm thấy mình ưu việt hơn những người khác”. Cách các diễn viên hài tạo ra tiếng cười bằng những nhân vật hài hước và ngốc nghếch là minh họa rõ ràng cho điều này. Nhà triết học người Đức Kant giải thích về tiếng cười bằng lý thuyết về sự mâu thuẫn rằng “Tiếng cười xuất hiện khi có điều gì đó bất ngờ xảy ra trước mắt”. Điều này giải thích tại sao các chương trình giải trí khiến người ta cười sảng khoái với những tình tiết hay kết thúc bất ngờ trở nên phổ biến.
Có nhiều nguyên nhân gây chảy nước mắt. Nước mắt là dấu hiệu của nỗi đau, bất kể nguyên nhân là gì như khi đau ốm, cô đơn, buồn bã, tức giận hay tuyệt vọng. Thế mà nghịch lý thay, nước mắt cũng chảy ra khi quá hài hước hoặc cảm động. Nói cách khác, nước mắt phần lớn liên quan đến những tình huống cực độ trong cuộc sống.
Cho đến nay, cười và khóc chỉ được coi là những phản ứng tâm lý đơn thuần. Tuy nhiên, trong thời hiện đại, các nghiên cứu về chúng đang được tiến hành trong nhiều lĩnh vực như khoa học não bộ và khoa học thần kinh. Dù rất khó để xác định chính xác nơi phát sinh của việc cười và khóc, nhưng các nhà khoa học cho rằng điều này có liên quan đến hệ thống limbic của não, hệ thống chịu trách nhiệm chính trong điều chỉnh cảm xúc và vỏ não.
Khi một người tiếp xúc với lời nói hoặc hành động nhất định, người đó sẽ cảm thấy “buồn”, “vui” hoặc “cô đơn” trong vỏ não. Những cảm xúc này đi kèm với những phản ứng của thân thể như tim đập thình thịch và hơi thở trở nên gấp gáp. Lúc này, hệ thống limbic, vùng dưới đồi và thân não kiểm soát các phản ứng của cơ thể. “Cảm giác” được tạo ra ở đây dẫn đến phản ứng của hệ thần kinh tự chủ hoặc chuyển động của cơ, trở thành “biểu hiện” làm các cơ cử động. Ngay cả hành động đơn giản là cười thành tiếng khi xem chương trình hài kịch cũng là kết quả của sự phối hợp giữa nhiều bộ phận trong não.
Ngôn ngữ của cảm xúc kết nối bản thân với người khác
Ngay cả khi không nói gì, người ta vẫn có thể truyền tải cảm xúc của mình đến bất cứ nơi nào trên thế giới chỉ bởi việc mỉm cười hoặc rơi nước mắt. Đôi khi chúng còn tốt hơn lời nói trong việc truyền tải niềm vui, hạnh phúc, sự hối lỗi và nỗi buồn, v.v… Tuy bề ngoài của mỗi người có thể khác nhau, nhưng cảm xúc của chúng ta lại giống nhau đến đáng ngạc nhiên. Thậm chí ngôn ngữ đầu tiên mà trẻ em sử dụng cũng là tiếng cười và nước mắt.
Đôi khi, chỉ cần nghe tiếng cười của người khác cũng khiến chúng ta mỉm cười như thể tiếng cười lây lan được vậy. Nên được cho biết rằng khi ở bên ai đó, chúng ta cười nhiều hơn khoảng 30 lần so với khi ở một mình. Áp dụng nguyên tắc này, nhiều chương trình giải trí trên truyền hình thu âm sẵn tiếng cười và phát lại trong mỗi cảnh hài hước. Không chỉ tiếng cười mà những cảm xúc khác, gồm cả nỗi buồn, cũng có tính lây lan. Đó là nhờ các tế bào thần kinh phản chiếu, khiến chúng ta bắt chước hành động của người khác như thể được phản chiếu trong gương.
Người ta còn dùng tiếng cười để tạo nên nền tảng cảm xúc gắn kết con người với nhau. Như có lời rằng “Không ai nhổ vào khuôn mặt cười”, hiệu quả xã hội của tiếng cười là tương đối đáng kể và đóng vai trò giúp sự tương tác với người khác trở nên suôn sẻ và vui vẻ hơn. Nhà tâm lý học người Mỹ Marianne Lafrance viết trong cuốn sách của mình rằng “Tiếng cười giống như nam châm mang tính xã hội, là phong vũ biểu của niềm tin, là công cụ để xoa dịu cơn giận, là băng gạc để chữa lành vết thương trong các mối quan hệ giữa người với người, và là chất bôi trơn giúp các mối quan hệ xã hội được suôn sẻ”. Nói cách khác, tiếng cười là một trong những tín hiệu xã hội giúp củng cố mối quan hệ giữa con người.
Sự kêu gọi bằng nước mắt, dù cố ý hay không, đôi khi lại làm lay động trái tim người xem hơn bất kỳ lời nói nào. Không những vậy, nếu có người ở bên đồng cảm với nỗi buồn khi mình khóc, chúng ta có thể nhanh chóng ổn định lại hơn. Như vậy, nước mắt, dấu hiệu của nỗi đau, dẫn đến sự quan tâm và giúp đỡ mang tính xã hội.
Tiếng cười và nước mắt giúp bảo vệ sức khỏe
Khi cười lớn trước câu nói đùa của người xung quanh, sự khó chịu và bất mãn trong lòng dường như biến mất, có phải như vậy không? Đúng như câu tục ngữ rằng “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ” và “Khi cười thì phước lành sẽ đến”, tiếng cười được coi là biểu tượng của hạnh phúc và sức khỏe.
Trên thực tế, tiếng cười thúc đẩy các hormone như endorphin, có tác dụng giảm đau mạnh mẽ, được tiết ra. Những hormone này giúp giảm căng thẳng, nguyên nhân gây trầm cảm và mất trí nhớ, cải thiện tâm trạng và giảm đau. Tiếng cười tăng cường hệ miễn dịch bằng cách tăng tế bào tiêu diệt tự nhiên (NK), tế bào T và tế bào B giúp loại bỏ ung thư và vi khuẩn, do đó, nó cũng có tác dụng trong việc phòng ngừa các bệnh viêm nhiễm hoặc ung thư.
Tiếng cười sảng khoái cũng là bài thể dục tốt nhất vì khiến co đồng thời khoảng 30 cơ mặt và 231 trong khoảng 650 cơ trong cơ thể di chuyển. Thông qua tiếng cười, chúng ta có thể giảm căng thẳng của cơ bắp, rèn luyện cơ thể và tinh thần được khỏe mạnh. Việc bật cười từ bụng sẽ kéo theo thở bằng bụng và giúp chuyển động lên xuống của cơ hoành tăng lên. Oxy và máu sẽ được cung cấp đến mọi ngóc ngách của phổi, máu chứa nhiều oxy lưu thông khắp cơ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình trao đổi chất và kích thích hệ tiêu hóa, giúp hỗ trợ tiêu hóa. Như tục ngữ “Cười một lần thì càng trẻ bấy nhiêu, phẫn nộ một lần thì càng già bấy nhiêu (一笑一小 一怒一老)”, khi tươi cười, những thay đổi “vui vẻ” diễn ra nhịp nhàng trong cơ thể chúng ta.
Giống như tiếng cười tốt cho sức khỏe, nước mắt cũng tốt cho sức khỏe. Có sự khác biệt về thành phần giữa nước mắt do kích thích đơn thuần và nước mắt do cảm xúc. Nước mắt cảm xúc chứa nhiều hormone căng thẳng và chất dẫn truyền thần kinh điều chỉnh cảm xúc. Nước mắt là phương tiện để giải phóng các chất độc hại tích tụ trong quá trình căng thẳng về cảm xúc. Đây là lý do khi dâng tràn cảm xúc, chúng ta sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn sau khi khóc.
Năm 1997, công nương Diana nước Anh đã qua đời trong một vụ tai nạn xe hơi, gây nên nỗi tiếc thương vô vàn cho người dân nước Anh. Tuy nhiên, một thống kê lạ thường được công bố vào năm đó cho thấy số bệnh nhân trầm cảm đã giảm xuống một nửa so với thông thường. Các nhà tâm lý học gọi đây là “Hiệu ứng Diana”, họ tin rằng nước mắt có tác dụng chữa lành tinh thần bằng cách giải phóng những cảm xúc bị đè nén. Thay vì kìm nén cảm xúc buồn bã, rơi nước mắt là tốt hơn hết cho sức khỏe tinh thần.
Trẻ sơ sinh cũng thể hiện cảm xúc qua tiếng khóc. Nhưng khi lớn lên, trẻ sử dụng ngôn ngữ và hạn chế thể hiện cảm xúc nên số lần khóc giảm dần. Khi trưởng thành, chúng ta có thể mắc bệnh về tinh thần do những hạn chế mang tính xã hội trong việc thể hiện cảm xúc. Đặc biệt, những giọt nước mắt mang hình ảnh tiêu cực đang ngày càng trở nên cấm kỵ. Điều quan trọng nhất để cân bằng về mặt tinh thần là giải phóng những cảm xúc bị đè nén và thể hiện chúng một cách trung thực.
Tiếng cười và nước mắt là những hành vi bộc lộ cảm xúc. Khi cười hay khóc, cơ thể sẽ trở nên nhẹ nhõm hơn và sự căng thẳng trong lòng cũng sẽ được giải tỏa. Tiếng cười và nước mắt giúp mở rộng tầm nhìn của tấm lòng, là phương pháp chữa lành được tự nhiên ban tặng.
Cuộc sống của chúng ta có thể thay đổi tùy thuộc vào cách chúng ta thể hiện và kiểm soát cảm xúc của mình. Các chuyên gia cho biết, nước mắt khiến chúng ta nhìn lại quá khứ và tiếng cười khiến chúng ta nhìn về tương lai. Điều này xuất phát từ sự giải thích rằng nước mắt giúp chúng ta chịu đựng được những tình huống khó khăn, và nụ cười giúp chúng ta vượt qua được những tình huống khó khăn. Người ta thường nói rằng khi chia sẻ thì nỗi buồn càng vơi đi, còn niềm vui thì càng nhân lên gấp bội. Thay vì giữ những lo lắng cho riêng mình và than vãn, nếu chia sẻ nỗi đau của mình bằng nước mắt, chia sẻ niềm vui và hạnh phúc bằng tiếng cười với gia đình, bạn bè và đồng nghiệp thì sẽ ra sao nhỉ?
“Song Chúa sẽ còn làm cho miệng ông được đầy vui cười; Và môi ông tràn ra tiếng reo mừng.” Gióp 8:21
“Chúa đếm các bước đi qua đi lại của tôi: Xin Chúa để nước mắt tôi trong ve của Chúa, Nước mắt tôi há chẳng được ghi vào sổ Chúa sao?” Thi Thiên 56:8
- Tham khảo
- Khoa học về tiếng cười (웃음의 과학), Lee Yoon Seok, Science Books
- Mọi cảm xúc của con người (인간의 모든 감정), Choi Hyun Seok, Seohaemunjip
- Nếu nhịn khóc sẽ thành bệnh (울음, 참으면 병 된다), Han Gwang Il và Kim Seon Ho, Samho Media
- Tâm lý học về tiếng cười, Marianne LaFrance, NXB Joongang